Có nhiều người nghĩ có tiền là
hạnh phúc, thật ra tiền chỉ đem lại sự sung mãn về vật chất, nó không phải là
yếu tố chính trong hạnh phúc. Tiền là vật vô tri do con người tạo ra, nhiều
người không hiểu nên bị đồng tiền sai sử, chi phối làm những điều xấu ác.
Tài sản vốn là huyết mạch mạng
sống của hầu hết mọi người. Mạch nhảy, máu lưu thông chạy khắp cơ thể nên con
người mới sống và tồn tại. Tài là khả năng con người có được nhờ học hỏi,
nghiên cứu, tìm tòi, luyện tập và biết vận dụng, phát huy để làm cuộc sống tốt
đẹp hơn. Ở đời ai cũng có tài dù nhiều hay ít tùy theo khả năng mỗi người. Từ
tài năng đó con người làm ra đồng tiền để nuôi sống bản thân, gia đình và góp
phần xây dựng an vui, hạnh phúc cho xã hội. Tài sản nói chung bao gồm tất cả
phương tiện vật chất liên quan đến đời sống con người, trong đó có vàng, bạc và
tiền. Ngày xưa, khi con người chưa biết xài tiền nên chỉ trao đổi hàng hóa bằng
các phương tiện vật chất để đáp ứng nhu cầu sinh sống. Sau này con người văn minh,
tiến bộ nên chế ra tiền để làm phương tiện cân bằng giá trị vật chất, tiền là
đầu mối quan trọng làm con người đam mê phát huy tài năng để có nhiều tiền.
Chính vì thế, tiền là huyết mạch của sự sống để mọi người phấn đấu gầy dựng
bằng tài năng của chính mình.
Có nhiều người nghĩ có tiền là
hạnh phúc, thật ra tiền chỉ đem lại sự sung mãn về vật chất, nó không phải là
yếu tố chính trong hạnh phúc. Tiền là vật vô tri do con người tạo ra, nhiều
người không hiểu nên bị đồng tiền sai sử, chi phối làm những điều xấu ác. Do
nhu cầu sự sống cần phải có tiền để nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng đồng
tiền làm ra phải bằng mồ hôi, nước mắt của chính mình. Thật ra, ai cũng ước mơ
đáng quý và trân trọng, lớn lên có một việc làm ổn định, có vợ hoặc chồng và có
con để xây dựng hạnh phúc gia đình và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.
Đó là ước mơ của một tử tù tên Tòng khi còn thiếu thời đã bỏ học từ năm lên lớp
tám. Nhờ một người quen thương tình thấy anh ăn không ngồi rồi, sống bám vào
cha mẹ, nên anh được dẫn vào miền Nam làm phụ hồ. Nhờ siêng năng,
nhiệt tình và chịu khó học hỏi nên Tòng được lòng thiên hạ. Từ một tên phụ hồ
thô thiển, Tòng được nhiều người hết lòng giúp đỡ, dìu dắt, nhờ biết khéo léo
và siêng năng, chăm chỉ, cần cù. Vài năm sau, anh ta trở thành một ông cai thầu
những công trình nho nhỏ, lúc này Tòng cảm thấy hài lòng vì ước mơ của mình đã
chóng thành tựu. Mỗi tháng trừ chi phí tiêu xài, anh ta vẫn còn trong túi không
dưới mười triệu. Tòng quyết định về quê để khoe với gia đình, rồi phải lòng cô
gái cùng quê và hai người đã chính thức thành vợ chồng với sự chúc mừng của hai
họ. Ai cũng nghĩ cô vợ có phước nên mới lấy được người chồng như anh ta.
Một năm sau, vợ Tòng đã cho ra
đời một đứa con trai, công việc làm ăn của anh thì ngày càng phát triển tốt
đẹp, Tòng sống trong hạnh phúc tràn trề. Vài năm sau, đứa con gái ra đời, việc
làm của anh bắt đầu chựng lại, cuộc sống lúc này có phần hơi khó khăn. Tòng ít
về nhà hơn vì phải cạnh tranh với đồng nghiệp. Một hôm, mẹ anh ta gọi điện
thọai báo, “vợ mày đã bỏ hai con lên Hà Nội để bán hàng thuê cho người ta rồi”.
Tòng nghe xong liền nhanh chóng tức tốc trở về nhà, bỏ mặc tất cả mọi công
việc, mất cả tuần lễ anh mới tìm được chỗ bán của người vợ. Tòng nói rất mạnh
mẽ, “việc kiếm tiền để mình tôi gánh vác, cô không cần phải bươn chải làm chi
cho cực khổ, chỉ ở nhà nuôi dạy con cái là đủ rồi”. Sắp xếp việc nhà ổn định,
anh ta tiếp tục công ăn việc làm. Tưởng chừng mọi việc đều êm xuôi tất cả,
không ngờ vài ngày sau, vợ Tòng bỏ đi tiếp. Thất chí, nản lòng, tự ái, anh bỏ
mặc không thèm tìm kiếm nữa, chỉ nhắn tin về mẹ ruột nhờ nuôi nấng giùm hai
con. Sau đó, Tòng sang nhà bố mẹ vợ nói chuyện ly hôn. Thật ra, anh ta suy nghĩ
quá nông cạn, sự việc xảy ra như vậy chắc chắn có nguyên nhân.
Tình chồng nghĩa vợ không phải
chỉ có tiền là đủ, người vợ lúc nào cũng cần sự quan tâm, chăm sóc của chồng về
mặt tinh thần và chuyện đầu ấp tay gối, sẻ chia nỗi niềm hạnh phúc. Tòng mải mê
chạy theo công ăn việc làm, bỏ quên người vợ ở nhà phòng the gối chiếc với nỗi
nhớ niềm thương. Bao nhiêu gia đình ly hôn, bao nhiêu cuộc tình vụng trộm cũng
từ đó mà ra. Vì hoàn cảnh, vì cuộc sống, chúng ta quá mải mê chạy theo nhu cầu
để kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con. Đó là điều tốt, là trách nhiệm của chồng, nhưng
chúng ta đừng quên rằng phụ nữ lúc nào cũng thích tình cảm ngọt ngào trong lời
nói khi xa nhau, ân cần trìu mến tỏ tình khi gần nhau, liên lạc hỏi thăm nhau
qua điện thoại khi xa nhà và an ủi, vỗ về khi gần gũi.
Trong tình yêu lứa đôi, ngoài
việc chia sẻ tình cảm cho nhau còn có bổn phận, trách nhiệm đối với con cái, ân
nghĩa đối với người thân, giao lưu với bè bạn. Giữa vợ chồng và con cái còn có
sợi dây quan hệ mật thiết với nhau để nối kết tình yêu thương. Cho nên, thật
bất hạnh và tội nghiệp cho những đứa con thiếu cha hoặc thiếu mẹ. Muốn bảo vệ
được hạnh phúc gia đình, vợ chồng phải biết thông cảm, tin tưởng, chung thủy,
thường xuyên trao đổi tâm tình, phấn khích cho nhau, cùng đồng tâm hiệp lực
nuôi dạy con cái. Chàng trai này vì mải mê làm giàu mà quên cả việc chăm sóc
bản thân, không biết quan tâm, lo lắng đến vợ con, nên hạnh phúc gia đình bị đổ
vỡ. Anh ta dễ dàng thành đạt trong xã hội, nhưng bị thất bại trong việc xây
dựng mái ấm gia đình. Vợ anh ta đành đoạn bỏ đi trong khi con còn nhỏ dại chắc
có lý do. Anh ta không thèm tìm hiểu, tự ái, bỏ mặc, bất cần, rồi đến bố mẹ vợ
nói chuyện ly hôn, tuyệt tình từ đấy. Cuộc đời anh ta bắt đầu rẽ sang lối khác.
Nỗi đau bị vợ bỏ nhà ra đi làm cho anh bị sốc và mất phương hướng. Anh bắt đầu
buồn tủi, chán chường, chẳng thèm về nhà nữa, tiền bạc làm được bao nhiêu bị
nướng sạch vào chơi bời trác táng.
Anh ta thật hào hoa phong nhã và
nổi tiếng chơi xộp, nên các em đua nhau chiều chuộng, phục vụ tận tình để được
bù lại số tiền boa hậu hĩnh. Anh ta đã lún sâu vào vũng bùn tội lỗi nên không còn
đủ sức tính toán việc làm ăn nữa, để rồi cuối cùng phải chịu thân tàn ma dại.
Từ khi bỏ bê công việc, nướng sạch tiền vào các cuộc vui chơi trác táng thâu
đêm suốt sáng, anh ta đã mất tất cả. Nghiệt ngã thay cho số phận của anh, một
phút mê lầm ngàn năm tắt lịm. Khi sự nghiệp không còn, cuộc sống bắt đầu túng
quẫn, khó khăn. Trái tim anh ta bắt đầu rung động mãnh liệt với một cô gái phụ
hồ cùng quê. Bởi do bị thất bại trong tình yêu, anh ta sợ người con gái ấy
không chịu thương mình. Anh đành thú thật và kể hết hoàn cảnh sự nghiệp cho
người tình nghe để nàng thông cảm. Vì muốn người yêu tin tưởng, anh phải về tận
quê nhà để lấy lòng cha mẹ nàng. Vì tiền đã hết sạch, cùng đường, anh thuê một
chiếc xe ôm và thủ sẵn một con dao để chờ cơ hội ra tay. Xe chạy đến quãng
đường vắng bên vườn bạch đàn, anh ra tay sát hại giết chết người xe ôm. Sau khi
gây án xong, anh lấy chiếc xe ra tiệm cầm được bảy triệu. Có được tiền trong
tay, anh chẳng màng đến việc ghé thăm người yêu mà liền đi thẳng ra vũ trường
vui chơi thỏa thích gần hết số tiền, sau đó mới tìm về nhà người yêu và anh đã
bị bắt. Giờ đây, anh chỉ còn chờ chết với mức án tử hình trong nay mai.
Một người xuất thân từ một gia
đình tốt, được ăn học đàng hoàng, nhưng lại bỏ dỡ việc học từ lớp tám, sống bám
vào cha mẹ, được bà con thương dẫn vào miền Nam lập nghiệp, rồi trở thành ông
cai thầu nho nhỏ vì siêng năng, chịu khó. Sự nghiệp của anh thành đạt không mấy
khó khăn. Ước mơ đẹp nhất của con người là có danh vọng, tiền tài và hạnh phúc
trong tình yêu. Anh đã vươn lên từ sự lao động chân chính, cần cù, siêng năng,
tiết kiệm, tiêu xài đúng mức và biết lấy lòng mọi người nên có chút công danh
sự nghiệp. Diễm phúc hơn, anh lại có một mái ấm gia đình hạnh phúc trong tình
yêu lứa đôi với một bé trai kháu khỉnh. Tình và tiền anh đều có đủ. Tuy anh
không phải là một đại gia, nhưng đời sống của anh cũng vào loại bậc trung. Đứa
con gái thứ hai ra đời được vài tháng, tiền bạc làm được cũng giới hạn. Cuộc
sống không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, kinh tế gia đình có phần giảm
sút, nên anh phải cố công miệt mài trên thương trường để làm sao bảo đảm đời
sống cho gia đình. Anh đúng là mẫu người chồng lý tưởng hết lòng vì vợ con,
nhưng điều vợ anh đang cần không phải là tiền bạc dồi dào, mà chỉ cần anh biết
hài hòa trong việc vun đắp tình yêu. Chán chường, buồn tủi, héo sầu, cô đơn, vợ
anh đành phải bỏ nhà ra đi. Bao nhiêu cuộc tình tan vỡ cũng chỉ vì không biết
hòa hợp giữa hai nhịp đập của con tim. Đây là một bài học nhớ đời cho những ai
chỉ biết tiền không thôi, hãy nên xem xét lại.
Tình yêu thương và tiền bạc không
thể thiếu trong cuộc sống, nhưng chúng ta phải biết xử dụng đúng nơi, đúng chỗ
thì sẽ đem lại an vui và hạnh phúc. Người chồng ấy vì nghĩ rằng mình đã lo cho
vợ con đầy đủ, cớ sao nàng đành đoạn bỏ ra đi khi hai con còn thơ dại; đau khổ
tràn trề, uất hận tột cùng, hận đời đen bạc, để rồi lao vào vui chơi trác táng;
sự nghiệp tan tành, tình yêu đổ vỡ, nghiện ngập si mê, điên cuồng khờ dại, cuối
cùng phải dính vào vòng lao lý trong cơn tuyệt vọng chờ nhận bản án tử hình.
Phật chỉ dạy cho mọi người cách thức, phương pháp làm ra tiền bạc, của cải mà
không làm tổn hại cho ai. Một đời sống có ý nghĩa và giá trị là một đời sống
không quá lệ thuộc vào phương tiện vật chất, nhưng không thể không có tiền bạc
và tài sản, vì nó là phương tiện để nuôi sống chúng ta. Để đảm bảo một đời sống
tốt đẹp, hài hòa, Phật dạy người cư sĩ có quyền làm ra tiền bạc, của cải một
cách chính đáng; nghĩa là từ sự tinh cần, siêng năng bằng đôi bàn tay và khối
óc của mình để tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bản thân, gia đình,
người thân và đóng góp lợi ích thiết thực xã hội.
Tuy nhiên, sự giàu có về vật chất
chỉ đáp ứng nhu cầu đầy đủ sự sung túc cho con người, hạnh phúc thật sự trong
cuộc sống không phải là người có nhiều tài sản, tiền bạc, quyền uy, thế lực,
nhà cao cửa rộng, mà chính là tự do không bị ràng buộc bởi tham lam, sân hận,
si mê. Đó là một thứ hạnh phúc chân thật lâu dài, tiền bạc không thể mua bán,
đổi chát được. Do đó, ngoài việc có nhiều tiền bạc, của cải để có cơ hội phục
vụ tốt cho gia đình, đóng góp cho đời, chúng ta cần phải thăng hoa đời sống
tinh thần, phát huy con người tâm linh, nên thường sống trong chánh niệm tỉnh
giác, mở rộng tấm lòng từ bi thương xót muôn loài bằng tình người trong cuộc
sống. Nhờ vậy chúng ta biết vun bồi xây dựng tài sản tâm linh, nên các tâm tư
mê muội không có cơ hội xen vào như toan tính, hơn thua, tranh chấp, hận thù,
tàn sát, giết hại lẫn nhau, làm tổn thương nhân loại.
Xã hội ngày nay con người đang
trên đà tiến bộ văn minh, phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường, nên tiền
bạc và tài sản là núm ruột của con người, không thể thiếu trong đời sống hiện
tại. Tiền bạc, của cải có thể giúp ta giải quyết nhiều thứ trong cuộc đời, nên
điều đầu tiên ai muốn bảo tồn sự sống là cần phải có tiền. Nhưng tiền bạc, của
cải khi có thì ta phải biết sử dụng như thế nào cho hợp lý? Một người công dân
muốn sống an vui, hạnh phúc thì phải biết sử dụng bốn yếu tố căn bản sau đây:
_ Có công ăn việc làm ổn định
nuôi sống bản thân và luôn thường xuyên trau dồi công việc được tốt đẹp.
_ Tiền bạc làm ra bằng nghề
nghiệp chân chánh và phải biết cách gìn giữ không để thất thoát.
_ Phải biết chi tiêu cân đối, hài
hòa, không nên hoang phí quá mức, tiền làm ra ít mà muốn xài nhiều; hoặc tiền
bạc làm ra nhiều mà không dám xài vào việc có lợi ích, thành ra bỏn sẻn.
_ Tiền bạc và tài sản là phương
tiện để con người sinh sống, phục vụ cho cá nhân có nhu cầu ăn, mặc, ở hằng
ngày. Muốn vậy, trước hết ta phải có một việc làm ổn định về lâu về dài, nhưng
nghề nghiệp mình chọn không làm tổn hại cho nhân loại. Các nghề nên tránh như
mua bán vũ khí, nô lệ, phụ nữ; các chất gây say, gây nghiện như rượu, xì ke, ma
túy; chế tạo thuốc độc hoặc trực tiếp sát sanh…
Kinh doanh, mua bán là một trong
những nghề nghiệp đem lại kinh tế cao, nhưng chúng ta phải biết tránh những
nghề trên, vì nó làm tổn hại cho người và vật, gây khổ đau trong hiện tại và
mai sau. Mua bán có thể làm giàu nhanh chóng và cũng dễ dàng nhận lấy hậu quả
thất bại, vì sự cạnh tranh quyết liệt của kinh tế thị trường, chỉ cần chậm trễ
một chút có thể tán gia bại sản, nếu chúng ta biết nắm bắt kịp thời thì giàu
lên trong chốc lát. Trên đời này không có gì mau giàu bằng mua bán và cũng dễ
dàng trắng tay nếu không phù hợp với thị hiếu của con người. Có hai nhà kinh
doanh đối diện nhau cùng bán một nghề, nên hai bên muốn cạnh tranh phát triển
và mở mang để thu hút khách hàng. Nhà ông A lợi thế hơn vì có mặt bằng một
trệt, hai lầu. Nhà ông B chỉ một trệt, một lầu nên lượng khách ít hơn. Chính vì
muốn lượng khách của mình nhiều hơn nên ông B đã xây mới ba lầu, một trệt, có
bản vẻ đúng quy định. Gia đình ông A tức quá mới kêu thợ xây thêm hai tầng nữa
mà không đổ móng thêm. Kết quả thật thảm thương, căn nhà mới bốn tầng, một trệt
bị sập đè lên nhà ông B. Cuối cùng, hai bên đều bị thiệt hại nặng nề.
Vì lòng tham mà con người ta có
thể nhẫn tâm làm tổn hại cho nhau để có tiền nhanh chóng. Một số người đã tán
tận lương tâm làm ăn phi pháp như mua bán vũ khí, mua bán phụ nữ, mua bán xì
ke, ma túy vì lợi nhuận quá cao, tạo ra nhiều băng nhóm tội phạm gây hiểm họa
cho loài người, dẫn đến sự thiệt hại lớn lao của nhân loại. Người Phật tử chân
chánh vì lòng từ bi thương xót chúng sinh nên không được kinh doanh, mua bán
các loại chết người đó. Tiền bạc tài sản nếu sử dụng không đúng mục đích thì
trở thành rắn độc, nhưng thiếu nó lấy gì để ta sống mà dấn thân phục vụ, hoằng
pháp lợi sinh. Mục đích của cuộc sống không phải là giàu có, nhiều tiền của mới
là hạnh phúc, mà chúng ta phải biết hài lòng với hiện tại, không nên đứng núi
này trong núi nọ, hoặc đua đòi bắt chước làm bằng người trong khi ta không có
điều kiện và khả năng. Có nhiều người vì sĩ diện bản ngã muốn chứng tỏ đẳng cấp
bằng người hoặc hơn người, nên vay nợ xây dựng nhà cửa khang trang dù nhu cầu
không cần thiết, do đó lún sâu vào nợ nần, dẫn đến tán gia bại sản bởi họ không
biết bằng lòng với hiện tại.
Đa số chúng ta ai cũng nghĩ có
thật nhiều tiền bạc và của cải là hạnh phúc, đó là điều lầm lẫn quá lớn của
nhân loại, nên khi có quyền lực trong tay thì tìm cách vơ vét, gom góp về cho
riêng mình, nhưng tiền bạc làm ra từ sự phi pháp rất khó mà tồn tại. Khi có
nhiều tiền thì phải hưởng thụ, vui chơi trác táng, dễ dẫn đến sa đọa làm mình
và người khổ đau, làm mất hạnh phúc gia đình và tác hại xấu đến xã hội. Tiền
làm ra không bằng mồ hôi, nước mắt của chính mình thường bị năm nhà cuốn trôi.
Nhà lũ lụt, nhà hỏa hoạn, nhà trộm cướp, nhà vua quan tịch thâu, nhà con cái
bất hiếu, phá sản và các tai nạn bất ngờ khác. Thường con người hay nói “đồng
tiền đi liền khúc ruột”, nếu chúng ta chi ra một số tiền nhỏ vào một việc có
ích nhưng vẫn xót xa, đau lòng vì ta chưa biết mở rộng tấm lòng nhân ái. Nếu dè
sẻn, không dám chi tiền vào việc có ích, ta sẽ trở thành con ma ích kỷ, tham
lam, lâu ngày ta bị đồng tiền sai sử không dám chi tiêu vào việc cần thiết.
Tiền bạc chính là người đầy tớ tốt khi ta biết làm chủ đồng tiền, sử dụng vào
việc chi tiêu hằng ngày tùy theo hoàn cảnh của mỗi cá nhân và gia đình, biết
san sẻ, mở rộng tấm lòng nhân ái để giúp ích cho mọi người khi cần thiết; nhưng
có nhiều người bị sức mạnh của đồng tiền chi phối, nên nhẫn tâm làm các điều
tội lỗi để mưu cầu lợi ích cho cá nhân mình.
Sức mạnh của đồng tiền thật ghê
gớm, nó có thể làm cho con người say mê, điên đảo, nên tục ngữ có câu “đồng
tiền đi trước là đồng tiền khôn”, và người ta quan niệm rằng “có tiền mua tiên
cũng được”; nhưng có phải vậy không?
Người có tiền nếu biết sử dụng đúng cách vẫn đỡ hơn người không có tiền, như
khi có bệnh hoặc giải quyết một số vấn đề cấp thiết. Nếu nói theo kiểu “có tiền
mua tiên cũng được” thì e rằng không hợp lý chút nào. Người có tiền có bệnh
không, có già không, có chết không? Nếu có thì phải có khổ. Tuy nhiên, người có
tiền, có phước vẫn đỡ hơn người nghèo khó, bất hạnh ở chỗ sung túc, đầy đủ về
vật chất; nhưng nếu thiếu con người tâm linh thì họ thật sự không có hạnh phúc
lâu dài; chính vì thế mà ta vẫn thấy người giàu họ tự tử quá nhiều; vì đâu nên
nông nổi như vậy? Do đó, giàu hay nghèo đều phải biết tu tâm dưỡng tánh thì bất
hạnh, khổ đau được biến thành an vui, hạnh phúc; và biết chia vui, sớt khổ,
chan hòa cùng mọi người. Tiền bạc nói cho cùng cũng chỉ là phương tiện để trao
đổi hài hòa các nhu cầu cần thiết trong xã hội. Nếu ta không biết dùng tiền
đúng chỗ, đúng nơi, hoang phí một cách vô bổ để phục vụ cho cá nhân và cộng
đồng xã hội thì tiền bạc đó trở thành vô nghĩa. Tiền bạc làm ra mục đích để cải
thiện đời sống cho chính mình, đem đến an vui cho cha mẹ và vợ con sung túc, đủ
đầy về vật chất, tạo dựng hạnh phúc gia đình cơm no áo ấm và còn chia vui, sớt
khổ đến với nhân loại. Chính vì thế, đồng tiền làm ra phải chân chánh, nếu
không thì vô cửa trước lòn cửa sau; hoặc có mà không đóng góp vào việc lợi ích
cho mọi người nên dù có cũng như không.
Con người cần có tiền nuôi sống
bản thân và gia đình, nhưng chúng ta phải sử dụng đồng tiền như thế nào cho phù
hợp với giá trị của nó. Có nhiều người vì một chút tiền mà phải bán con, vì
tiền mà phải giết người, vì tiền mà phải làm điều phi pháp, vì tiền mà phải tự
tử, vì tiền mà phải khổ lụy cả đời. Tiền biết sử dụng đúng chỗ, đúng nơi và làm
ra bằng mồ hôi nước mắt của chính mình với việc làm lương thiện, chân chánh thì
hạnh phúc biết bao. Vì sử dụng đồng tiền không đúng nên nó là đầu mối của nhiều
tội ác. Tiền theo lời Phật dạy được chia ra làm nămphần. Hai phần duy trì góp
vốn vào công việc kinh doanh; một phần chu cấp gia đình, quân bình đời sống;
một phần thủ hậu về sau bệnh hoạn, đau yếu, thuốc men; một phần bố thí, cúng dường
hoặc giúp đỡ, chia sẻ khi gặp người bất hạnh, khó khăn. Tiền nếu được sử dụng
đúng như vậy thì làm sao bị phá sản. Nhiều người không hiểu nên để kiếm tiền
nhanh chóng họ đã tán tận lương tâm làm ăn bất chánh, mua bán vũ khí giết
người, mua bán ma túy, mua bán phụ nữ, trẻ em. Các băng nhóm tội phạm cấu kết
làm lủng đoạn nền kinh tế nhiều quốc gia, làm băng hoại đạo đức con người.
Người Phật tử chân chính có quyền làm giàu bằng mồ hôi, nước mắt của chính mình
với đôi bàn tay và khối óc, góp phần xây dựng dân giàu nước mạnh để đem lại an
vui, hạnh phúc cho mọi người.