Văn hóa và học vấn

Có nhiều ý kiến cho rằng: người có học vấn chưa chắc đã có văn hóa và trái ngược nhiều người ít học lại biết sống văn hóa. Tôi nghĩ, đây là hiện tượng “lẽ phải bề ngoài”.

Đi tới văn hóa, nghĩa là phải đi tới giá trị con người vừa cao vừa xa: phải đặt người có học phản tỉnh về lối sống văn hóa của mình, và phải đặt người ít học “Học, học nữa, học mãi” – đời mình không học được thì lo cho đời con học, và tự mình luôn thao thức một khắc khoải “chẳng bao giờ già để học” (never too old to learn).

Để tránh một lối nghĩ máy móc hay hời hợt về văn hóa, tôi xin được bàn sâu vào bản chất vấn đề của “học vấn và văn hóa”. Văn hóa là gì? Văn - là người! Hóa – là giáo hóa làm người – thành người - và nền người! Muốn giáo hóa thì phải học. Học bằng nhiều cách, học ở trường lớp, học ở trường đời, học gương cha mẹ, học gương làng xóm, “học thầy không tày học bạn”, học cả thiên nhiên – học con ong cần mẫn – con kiến cần cù… Một số dân tộc cho đến ngày nay vẫn chưa có chữ viết, vậy họ phải dạy và học truyền khẩu, dạy bằng phong tục, bằng tập quán, bằng cấm kỵ bằng lễ hội… và tất cả mọi người đều phải nhận biết – ghi nhớ - và thực hiện – đó cũng là Học. Mỗi dân tộc đều có văn hóa riêng rẽ của mình, đó là điều chắc chắn, và họ đang tồn tại như một tộc người, bởi nếu không có văn hóa – họ sẽ không được gọi là Người. Văn hóa đó bắt mỗi thành viên phải học biết tuân theo – gìn giữ lẽ sống – cách sống của bộ tộc. Nhưng học truyền khẩu mới chỉ là học vấn đáp, còn học có chữ - có thầy – có hệ thống, đó là học – bác học.

Mở màn người đi học thì phải “học ăn – học nói – học gói – học mở”, đó là cái sơ đẳng nhất – căn bản nhất – và cũng vượt lên văn hóa bình dân. Rồi sau đó “tiên học lễ - hậu học văn”. Học lễ tức là học những lề luật (nguyên tắc) ứng xử với thầy, với bạn, với đời, với sách vở… sau đó học văn là học những tinh hoa của con người. Vậy mà, bảo rằng “người có học vấn chưa chắc đã có văn hóa” – là dè bỉu chê bai con người đó, học chữ thầy, “ăn hại”, vô tích sự… học để làm con người hơn mà lại cư xử thua con người bình thường – vô văn hóa – đó là cách tụt lùi về giá trị con người. Về căn bản, các học giả phương Tây không tách biệt giữa học vấn và văn hóa. Học vấn chỉ là nền tảng tinh thần cho văn hóa cũng như cho các giá trị con người. Người ta coi lương tri cao hơn lương tâm bởi lẽ: lương tâm chỉ là tình yêu xuất phát từ con tim, nhưng lương tri là tình yêu có thể gửi tình yêu đi xa vạn dặm căn cứ vào tri thức của mình. Bởi thế, người càng có học, lương tri càng cao.

Để hiểu sát nghĩa văn hóa để sống văn hóa, chúng ta hãy trở lại câu hỏi: Văn hóa là gì? Có hàng ngàn, hàng vạn định nghĩa về văn hóa – bởi lẽ văn hóa bao trùm toàn bộ đời sống của con người. Song để dễ hiểu, tôi xin được đưa ra định nghĩa sơ giản nhất của triết gia Nietzsche: “văn hóa là đặt vấn đề đúng chỗ”. Đúng thế không? Từ sự phát triển của các bộ tộc cho đến con người văn minh ngày nay có phải người biết sống văn hóa là biết ứng xử đúng nơi – đúng lúc và đúng người. Có miếng ăn là hân hoan, có miếng ăn là miếng nhục – chỉ khác nhau về chỗ thôi! Có tình dục được tôn vinh, có tình dục bị xử tử - cũng chỉ khác nhau về chỗ mà thôi!

Vậy “đúng chỗ” là gì? Con người khác con vật ở văn hóa! Con vật thì tiện đâu làm đấy, tiện khát thì uống, tiện đói thì ăn, khi cần thì chỗ nào cũng là toa lét, khi động dục thì “làm tới”… Con người thì khác, một cậu bé con đi tiểu ngượng ngùng trước mặt bạn bè, một phụ nữ ngượng nghịu khi cho con bú, một chàng trai rụt rè tỏ tình cảm, và một cặp trai – gái tìm nơi thích hợp để tâm tình… Như vậy, bởi con người không thích sống tự nhiên! Mà sống theo những giá trị con người đã và đang giáo hóa không ngừng để vượt qua bản năng muông thú. Và con người đã trở nên người nhờ bởi lối sống nhắm về văn hóa.

Văn hóa thiết yếu là lối sống cho người khác – hoặc nói cho khiêm nhường hơn – là cư xử với người khác. Một người đóng cửa muốn là gì trong nhà cũng mặc – có lẽ chẳng mấy ai lên án anh ta thiếu văn hóa. Song, khi anh ta bước ra đường, ở giữa mọi người, thì bị phán xét về văn hóa. Vì người khác – là tiêu chuẩn đầu tiên của văn hóa, thời xa xưa thần Dớt của người Hy Lạp đã truyền dạy mọi người: đức đầu tiên là hiếu khách, còn Kinh Thánh thì dạy: “Khi con tiếp đón người khác là con tiếp đón Chúa Trời”.

Thực hiện “đúng chỗ” thế nào? Thực hiện ứng xử luôn nhắm tới người khác – đó là văn hóa. Ta không thể đến chỗ vui thì điệu bộ rầu rầu, đến chia buồn thì mặc quần áo lòe loẹt cười tí tởn. Đó là những hành vi, tưởng ai cũng làm được, song không hẳn vậy, có người dẫn con cái đi học lại mặc quần áo ngủ - điều đó có đập vào mắt con “học hành chẳng có gì hệ trọng” không? Có người thúc giục con học hành để nên người, trong khi đó lại ngồi chơi bạc hay thuê băng hình xem thì có trái cảnh, trái tấm gương không?

Cư xử với người khác – là nhịp cầu văn hóa – song như các nhà thông thái đã dạy – với người khác khó nhất là người khác giới – trong tình yêu cũng như hôn nhân. Thật vậy! Không có mối quan hệ nào trên đời éo le, dùng dằng, ngang trái hoan hỉ và đắng cay như quan hệ giữa Chàng với Nàng! Bởi lẽ ái tình chứa một dục vọng vừa mãnh liệt – vừa thầm kín – lại vừa “lạc hướng”. Không như các quan hệ khác ở đời – có tính chất một chiều, ái tình là quan hệ cùng lúc vừa trao vừa nhận. Và cũng không giống những dục vọng tự nhiên khác của con người như ăn, uống, hay thăng quan tiến chức, ái tình là một dục vọng giấu mặt, đầy khúc mắc.

Bởi thế, phải đối xử với người khác giới ra sao? Tình yêu thế nào? Chia tay các chi? Là những vấn đề rất phức tạp. Một người đàn ông đến tỏ tình chẳng hạn, nếu ta từ chối, ta sẽ phải cư xử thế nào, để thể hiện lòng nhân ái cũng như không làm tổn thương tâm hồn kiêu hãnh của chàng? Ngược lại, nếu ta nhở nhơ vì không cần chàng nên ta chẳng cần cư xử - không cư xử là thiếu văn hóa! Là vô trách nhiệm trước tình cảm của trái tim người khác! Khi chia tay cũng vậy – không phải chẳng cần nữa thì tung hê tất cả - không cần cư xử. Đúng nơi – đúng lúc – đúng chỗ còn thể hiện bản lĩnh dám đối mặt với thực tại của con người: cái gì cần đối thoại – thì đối thoại, cái gì cần giải quyết – thì giải quyết, cái gì cần bao dung – thì bao dung, cái gì cần bỏ qua – thì bỏ qua… Khi người cần ta hãy chìa tay ra – đó là lòng nhân ái, khi người không cần ta thì rút lui để không làm phiền. Hẳn đó là những ứng xử văn hóa căn bản.

Một xã hội đòi ứng xử văn hóa là để mọi người được sống trong tôn trọng nhân vị và tình bác ái. Học vấn càng cao thì càng biết cư xử vi tế, và trở thành tấm gương cho người khác noi theo. Người phương Tây có đặt một phương châm sống hết sức căn bản về lời ăn tiếng nói: “Ngữ pháp là học nói theo những người có học”. Văn hóa có mặt bằng và có đỉnh cao, những người có học chính là những đỉnh cao của một nền văn hóa để cho mọi người học tập. Bởi thế học vấn và văn hóa không thể có khoảng cách, mà chúng là hai vòng tròn đồng tâm chứa lẫn nhau, cái nọ nâng cái kia lên. Và một người có học vấn mà không có văn hóa thì chỉ là người học không đến đầu đến đũa – lạc điệu ra khỏi hai vòng tròn đó mà thôi! Nếu bạn không chấp nhận thì có bao giờ bạn nghĩ chính mình hay người nhà mình có học vấn mà không có văn hóa không? Ngược lại, nếu chấp nhận thì chúng ta hãy cùng phấn đấu cho một nền văn hóa chứa học vấn cao – và một học vấn biết nâng tầm cao cho nền văn hóa!

News source: chungta.com
Previous Post
Next Post