Vẻ đẹp của cuộc sống là cùng giúp
nhau hiện hữu ở trong sự minh bạch. Mặt trời rất minh bạch với quả đất và mặt
trăng; dòng sông rất minh bạch với biển cả và núi rừng, cây tùng rất minh bạch
với cây trúc, cây hoa mai rất minh bạch với cây hoa cúc, hạt cát rất minh bạch
với viên sỏi, con chó rất minh bạch với con mèo, bởi vậy không một ai có mắt
sáng mà nhìn lầm chó là mèo, nhìn lầm sông là biển,… Tại sao ta nhìn muôn vật,
mà không lầm, bởi vì muôn vật hiện hữu trong sự minh bạch và vì chúng là minh
bạch ngay nơi bản chất, tác dụng và hình tướng của chính nó.
Vạn vật minh bạch đến nỗi, ai có
mắt thì có thể thấy mà không lầm lẫn. Không có một nền văn minh nào do thế giới
tư duy hữu ngã của con người tạo nên, mà có thể minh bạch hơn muôn vật đang
hiện hữu trong ta và quanh ta với tự tánh y tha khởi. Tự tính y tha khởi là
tính hỗ dụng tự nhiên của muôn vật. Chính tính ấy là vẻ đẹp của mọi sự hiện
hữu. Tại sao? Vì nó làm cho muôn vật cùng nhau hiện hữu và vươn lên.
Ở trong mỗi chúng ta, cái đầu rất
minh bạch với cái chân; trái tim rất minh bạch với lá phổi; bao tử rất minh
bạch với quả thận, cũng như ruột già và ruột non rất minh bạch với nhau. Chúng
minh bạch đến nỗi, ai có mắt sáng nhìn vào thì không thể nào lầm lẫn cái đầu là
cái chân, cái tai là cái miệng, con mắt là lỗ mũi, ruột già là ruột non bao
giờ.
Mọi vật biểu hiện chung quanh
cuộc sống của chúng ta cũng rất linh hoạt và minh bạch. Con chim thì bay trên
trời, con cá thì bơi dưới nước. Lửa thì nóng, nước thì lỏng, gió thì chuyển
động, đất thì rắn… Tất cả muôn vật rất minh bạch về hình tướng, nhưng rất đa
năng và thống nhất về sự hỗ dụng. Chúng hỗ dụng nhau mật thiết đến nỗi, “nếu
không có cái nầy, thì không thể nào có cái kia và nếu hủy diệt cái nầy, thì cái
kia cũng bị hủy diệt”.
Thế giới văn minh của con người
là thế giới văn minh do tư duy. Tư duy chân chính thì từ bất minh trở thành
minh; từ bất an trở thành an; từ hẹp trở thành rộng; từ phàm trở thành thánh và
từ khổ đau trở thành an lạc. Tư duy bất chính, thì từ văn minh trở thành bất
minh; từ hỗ dụng biến thành lạm dụng và từ minh bạch trở thành mù quáng, tối
tăm và tội lỗi.
Tư duy bất chính là gì? Đó những
tư duy liên hệ ngã tính; tư duy phó mặc. Tư duy do ngã tính thúc đẩy liền khởi
lên tác nghiệp. Tác nghiệp liên hệ với vô minh mà hiện khởi, chúng sẽ dẫn sinh
đến hành động và lời nói bất minh.
Tư duy phó mặc là tư duy hèn mọn;
là tư duy của những con người mặc cảm tội lỗi và lạm dụng quyền uy của thần
linh.
Bởi vậy, càng chứng tỏ nền văn
minh tư duy hữu ngã hay tư duy phó mặc, con người lại thường đem cái bất minh
mà đối xử với nhau và muôn vật.
Dù con người có tư duy đến mấy mà
tư duy theo lối hữu ngã hay phó mặc, thì những sự tư duy ấy, đều dẫn con người
đi đến một nền văn minh bất minh, một nền văn minh khoa học tai hại. Tai hại
cho con người và cho cả môi sinh. Tai hại cho con người hiện tại và cho cả con
người tương lai. Văn minh không minh bạch chỉ là nền văn minh trá hình của ngã
tính và ngôi thứ. Vì vậy, chúng không đủ khả năng để giúp cho con người sống
minh bạch và tạo nên vẻ đẹp trong đời sống con người.
Lại nữa, con người luôn luôn là
tác nghiệp cho chính nó. Tác nghiệp cho chính nó là tư duy hữu ngã. Tư duy hữu
ngã là tư duy liên hệ đến vô minh và tham dục. Chính tư duy tác nghiệp ấy đẩy
con người chạy theo hướng hữu ngã. Càng chạy theo hướng ấy để hành hoạt, thì
càng hành hoạt, con người lại càng kiệt sức, khiến cho con người dù cố gắng vươn
lên mà vẫn bị rơi xuống, dù nỗ lực tạo ra một thế giới văn minh cho con người,
thì con người vẫn sống và hành hoạt trong bất minh, trong đọa đày và khổ đau.
Vì sao? Vì bất minh ngay nơi tác nghiệp hữu ngã. Vì đọa đày và khổ đau ngay nơi
tính hèn mọn hay ngay trong bản chất hành động của chính nó.
Bất cứ ai tự nhận mình có ngã
tính, người đó có vô minh. Người nào tự nhận mình có ngã tính, người ấy có sự
bất minh ngay nơi hành động và lời nói của chính họ và người nào tự nhận có ngã
tính thì người ấy từ sự hỗ dụng, họ biến thành lạm dụng; từ nơi công lý họ biến
thành phi lý; từ nơi dân chủ họ biến thành độc tài; từ nơi tự do họ biến thành
nhà tù; từ nơi mênh mông họ tự biến thành chú ếch ngồi đáy giếng; từ nơi chánh
pháp họ biến thành tà pháp và từ cuộc sống minh bạch, họ trở thành cuộc sống mù
quáng, phi minh bạch.
Những tư duy ngã tính đẩy xã hội
con người rơi vào thế giới hoang tưởng, tâm thần, bóng đêm và hố thẳm, khiến
mọi sự văn minh chỉ là những trá hình của những sự ngu dốt. Và tư duy phó mặc,
biến xã hội con người thành tội lỗi, nghèo đói và đi ăn xin thần linh tập thể.
Ở trong đời, kẻ nào có nhiều tham
vọng cho bản ngã của mình, cho bản ngã của phe nhóm mình, những kẻ ấy sẽ bị tụt
hậu về đạo đức, nghèo nàn về nhân cách và trí tuệ, nhưng lại giàu có về sự xảo
quyệt, điêu ngoa, ngu muội và bạo động. Phát triển bản ngã cá nhân hay bản ngã
tập thể và muốn những kẻ khác, những tập thể khác phải lệ thuộc và tôn sùng
mình là những loại phát triển hoang tưởng và bệnh hoạn tâm thần.
Buông bỏ hai loại tư duy ấy, con
người sẽ lấy lại cuộc sống minh bạch cho chính mình và biết nhìn nhận mọi người
và muôn vật đối với mình, và mình đối với mọi người bằng con mắt hỗ dụng mà
không lạm dụng và biết cùng giúp nhau hiện hữu mà không tham vọng, không chiếm
hữu. Con người cá nhân và con người xã hội từ đó mà đi lên, lên mãi cho tới vô
cùng. Vẻ đẹp của con người là biết sống cùng và sống với để cùng nhau đi lên.
Vẻ đẹp xã hội từ nơi vẻ đẹp ấy của con người mà thiết lập, thì nhất định sẽ bền
vững. Bền vững ngay nơi bản chất mà không phải bền vững nơi những khẩu hiệu.
Tác giả: Thích
Thái Hoà