Tình yêu luyến ái luôn có sự ích
kỷ vì sự tham lam trong tình yêu. Nếu nói trong tình yêu có sự bao dung thì
cũng đúng nhưng cái gọi là bao dung này không theo kiểu của một vị Bồ tát bao
dung với chúng sinh, mà nó mang tính chất muốn níu kéo hay tìm kiếm lại giây
phút luyến ái nào đó.
Trong Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật
có nói đến cụm từ “vọng tưởng điên đảo” và chúng làm cho người khổ. Do không
thấy được tính không của các pháp nên kẹt vào có, không, còn, mất, cao, thấp,
thành, bại. Tình yêu cũng có thể làm cho người điên đảo và người yêu bạn làm
cho người thất điên bát đảo.
Một người phụ nữ lấy chồng hơn
một năm bắt đầu khó chịu khi chồng của cô đi làm về trễ, thường hay nhậu nhẹt
với bạn bè, và những cử chỉ lãng mạn hay chăm sóc cứ thưa dần. Sự ghen tuông trong
lòng cô bắt đầu trỗi dậy vì cô nghĩ anh chồng cỏ vẻ như đối xử với bạn bè tốt
hơn với cô và cô đáng lẽ là người mà anh cần chăm sóc nhiều hơn. Nhiều tháng
nữa trôi qua, sự việc không thay đổi và cô bắt đầu mường tượng, chắc là anh có
người đàn bà nào khác ở bên ngoài và lấy cớ đi chơi với bạn bè là để gặp gỡ
người đàn bà đó. Bao nhiêu tưởng tượng tuôn ra, cô không đặt câu hỏi và trò
chuyện với anh mà chỉ ngồi đó suy nghĩ. Chỉ mới suy nghĩ thôi mà cô đã khổ lắm,
sự ghen tuông trỗi dậy và cô ghen với người đàn bà mà cô mường tượng ra. Thực
ra anh đâu có người đàn bà nào, tại vì anh có thói quen đi chơi với bạn bè, la
cà quán nhậu sau giờ làm từ hồi nào giờ, nên sau khi lập gia đình, anh vẫn có
thói quen đó.
Vọng tưởng khiến người suy nghĩ
sai lạc với sự thật, do không chịu lắng nghe và chia sẻ nên người có tri giác
sai lầm và ghen tuông với một nhân vật ảo. Người điên đảo vì quá say mê trong
tình yêu. Mê quá rồi thì cái gì cũng làm được và cái gì cũng nghĩ ra. Có những
suy nghĩ từ trước đến nay người không dám nghĩ, mà khi yêu quá mất khôn, có thể
nghĩ đến những chuyện rất động trời. Do kẹt vào có và không nên cô cho rằng
việc anh hay đi chơi với bạn bè là anh không còn hay ít thương cô rồi. Và anh
cũng có phần lỗi, vì có cái tính thích tụ tập với bạn bè mà vô tình không
thường xuyên thực sự có mặt cho vợ của mình.
Romeo và Juliette yêu nhau nhưng
do sự thù hận của hai dòng họ mà không thể thành vợ chồng. Để tình yêu không bị
chia rẽ, họ đã sử dụng liều thuốc độc để kết liễu đời mình. Ban đầu Romeo tưởng
Juliette đã chết nên uống thuốc tự tử, sau đó Juliette tỉnh lại thấy Romeo chết
thì cũng chết theo. Hai nhân vật này đều có vọng tưởng lẫn nhau, thậm chí người
đời ca tụng cái chết của họ để tình yêu vĩnh cửu. Tình yêu này bế tắc quá,
không có hạnh phúc gì cả, không như câu chuyện cổ tích có hoàng tử và công chúa
sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Câu chuyện khiến cho nhiều đôi bạn trẻ sau này
bắt chước. Nếu ba mẹ cấm cản hai người yêu nhau thì lại suy nghĩ theo kiểu của
chuyện tình Romeo và Juliette, rồi đi tìm thuốc trừ sâu, rồi đi ra cầu Bình
Lợi, nguy hiểm quá. Mọi sự bế tắc đều có cánh cửa mở ra, chỉ cần bình tĩnh ngồi
lại, tìm ra nguyên nhân của bế tắc và từ đó tìm ra phương hướng giải quyết.
Ở Việt Nam có câu chuyện tình Lan và Điệp.
Cô Lan vì buồn chàng Điệp mà vô chùa đi tu, như một cách trốn chạy thực tại đau
khổ, nhưng khi vào chùa rồi, cô vẫn còn khổ vì quá dính mắc vào chàng Điệp,
ngay cả đến khi cô bệnh nặng, nằm ở giường hấp hối vẫn chưa thể dứt ra được.
Sợi dây luyến ái thắt chặt con người ghê gớm, thương thì thương dữ lắm mà hận
thù thì hận thù dữ lắm. Những năm sống trong chùa nhưng sư cô Lan kia vẫn không
thẩm thấu được chất chùa. Hình bóng chàng Điệp vẫn nằm trong cô và nó sinh
bệnh, bệnh này là bệnh tâm, không hẳn là do chàng Điệp mang đến mà do sự luyến
ái trong cô quá sâu dày, nó tạo thành nội kết, không hóa giải được thì nội kết
làm cho cô bệnh.
Có nên vứt bỏ tình cảm nam nữ để
đi tu hay không? Đi tu cũng phải thuận duyên mới tu được. Nhiều người muốn tu
lắm, nhưng do duyên tu chưa đủ, bước chân vào cửa chùa rồi cũng quay trở ra.
Thậm chí có người tu vài chục năm, tự nhiên bỏ chùa về nhà không tu nữa. Không
tu ở chùa thì tu ở nhà, tu ở chợ hay tu ở siêu thị. Mấy chỗ ồn ào và bon chen
tu được mới giỏi. Muốn tu thuận lợi thì phải buông bỏ tình cảm nam nữ. Người tu
có thể thu thúc nhiều thứ như thu thúc thân, khẩu và ý. Sắc dục là một trong
những ham muốn phải thu thúc nhiều hơn cả. Người tu mà đam mê sắc dục thì còn
tệ hơn cả bùn lầy. Tuyệt dục là hay nhất, muốn giải thoát thì phải chấm dứt quan
hệ tình dục và ham muốn tình dục từ trong tâm.
Người tại gia sống đời vợ chồng
chỉ có thể giữ năm giới cư sĩ nhưng chưa thể giải thoát được. Giữ năm giới được
là đã giỏi lắm nhưng đường tu đâu chỉ dừng lại đó, còn có giới hạnh khác, còn
có uy nghi, còn có thiền tuệ, còn những hạnh Phật, hạnh Bồ tát đang chờ người
thực tập. Chị của tôi muốn tu thêm nữa nhưng do kẹt vào chuyện gia đình, còn
chồng, còn con nên cứ quanh quẩn chuyện chồng con. Chị cũng tu nhưng chưa thể
đi xa. Vậy người đang độc thân, không bị vướng bận chuyện gia đình, người đang
may mắn đấy chứ vì không bị ràng buộc gì, nên đừng đi vào cái lưới ái tình, nó
sẽ quấn chặt người như con tằm tự xây cái kén quấn lấy mình, biết bao giờ mới
thoát được. Nhiều bà mẹ ông bố lớn tuổi rồi mới có thì giờ lo tu, lúc này con
cái họ đã lớn, vật chất cũng không lo lắng nhiều. Nhưng vài năm của cuộc đời
ngắn ngủi, không biết có đủ để nếm hương vị giải thoát, mà đường về nhà thì hãy
còn xa, phiền não còn lấp đầy, trong khi giờ khắc tái sinh thì đã gần kề. Nhiều
khi tuổi già đến hồi kết, ngồi nuối tiếc sao lúc còn trẻ mình không lo tu, để
bây giờ muốn hành chánh pháp sao thấy không đủ kiên nhẫn.
Tình yêu luyến ái luôn có sự ích
kỷ vì sự tham lam trong tình yêu. Nếu nói trong tình yêu có sự bao dung thì
cũng đúng nhưng cái gọi là bao dung này không theo kiểu của một vị Bồ tát bao
dung với chúng sinh, mà nó mang tính chất muốn níu kéo hay tìm kiếm lại giây
phút luyến ái nào đó. Người có khuynh hướng muốn quản trị người yêu và nhiều
người rất muốn được quản trị. Việc kiểm soát được hình thành vì tâm lý người
đang yêu có dấu hiệu của sợ hãi. Ngày, giờ, đối tượng tiếp xúc của người yêu
được kiểm soát và không gian tự do trước đây của người yêu bỗng chốc trở nên
rất hạn hẹp. Có người nói vui thế này, “Lấy chồng như đeo gông vào cần cổ, đeo
vào rồi biết gỡ sao ra”. Câu nói vui nhưng sự thật là vậy. Dính chặt vào một ai
đó mà muốn dứt ra cũng không phải dễ, phải chấp nhận và sống chung với sự lựa
chọn của mình.
Mẹ tôi ngày xưa bỏ nhà đi theo ba
tôi, bất chấp sự phản đối của gia đình. Ngày đầu tiên sống bên ngoài, mẹ đã bắt
đầu nếm mùi đời, mùi khổ của cuộc sống lứa đôi. Nhưng mẹ không thể trách ai
được, vì tự mình lựa chọn. Khổ đau hay hạnh phúc cũng do người chọn thôi, giảm
bớt luyến ái thì bớt đau khổ, luyến ái nhiều quá thì hạnh phúc ít dần, vì mình
bị luyến ái làm chủ, nhiều khi tâm trí không còn sáng suốt nữa. Phụ nữ thường
có xu hướng thích quản lý người yêu hay người chồng của mình và có cảm giác là
quan tâm. Thời gian, bạn bè, quá khứ và tài chính là những đối tượng phụ nữ
thích quản lý nhất. Từ một người không bị quản lý mà trở nên bị quản lý. Có thể
có người thích được quản lý như thế để có cảm giác được chăm sóc nhưng không
phải mấy ai cũng muốn bị gò bó. Thời gian làm gì, ở đâu, đi với ai, tiêu xài
thế nào được quản lý quá chặt chẽ thì người trong cuộc ngộp thở, dường như đang
có ai đó bóp nghẹt đi tự do của người.
Bản chất của tình yêu là ảo vì
tình yêu không thực có, chẳng qua chỉ là biểu hiện của sự luyến ái và làm cho
luyến ái được bày vẽ ra bằng những hương vị được cho là tình yêu. Tình yêu đã
ảo mà còn xuất hiện tình yêu ảo thì mức độ ảo ghê gớm như thế nào. Người gặp gỡ
nhau qua ánh mắt, qua chạm tay, qua sở thích, qua tính cách, qua vị trí trong
xã hội, hay qua các hình tướng khác thì bây giờ là qua mạng internet, qua một
bức thư điện tử, qua lời giới thiệu hay qua một dòng chat. Phương tiện tiếp xúc
nhiều thì nhân duyên cũng đa dạng. Khi không thể tìm kiếm tình yêu trong thực
tế, người khỏa lấp sự cô đơn bằng tình yêu trên mạng, mà trên mạng thì có đủ
thứ hạng người, biết đâu mà lần. Tình yêu có thể ảo nhưng nỗi đau do tình yêu
ảo mang lại là thực có và khi không biết chuyển hóa thế nào, người mang theo
nỗi đau đó suốt cuộc đời của mình.
Một cô gái quen một chàng trai
trên mạng. Anh chàng người Đà Lạt, vùng đất của tình yêu lãng mạn. Quen được
một năm, rồi hai năm và nàng bắt đầu có thai, dĩ nhiên là ngoài ý muốn. Biết
nàng mang thai, chàng bắt đầu thay đổi tình yêu, không còn chăm sóc nàng như
trước, rồi chàng rời bỏ nàng. Nàng bụng mang dạ chửa, chạy đi tìm chàng, lên Đà
Lạt mới biết chàng đã có gia đình, lòng nàng đau như cắt. Tình yêu ngày nào trở
thành thù hận, nàng quyết định trả thù bằng cách phá nát gia can của chàng, đã
vậy còn đi phá thai rồi đem nó đặt trước mặt của gia đình chàng. Ghê gớm quá,
tình yêu khiến người ta làm chuyện động trời như vậy. Nhưng liệu đây có phải là
tình yêu? Hay chỉ là một đam mê thoáng qua dù nó thoáng qua tới một, hai năm.
Sự ích kỷ trong tình yêu mà người thù hận và do không đủ lòng từ bi, người đan
tâm giết chết tình yêu trong người, giết chết giọt máu trong mình và giết chết
người đã từng đầu ấp tay gối. Vậy tình yêu lứa đôi có thực sự mang lại hạnh
phúc, hay đây là hạnh phúc có điều kiện? Và tình yêu có thực sự chỉ mang khổ
đau và khổ đau này rất bi lụy?
Vô minh dẫn tới HÀNH hay hành
động và hành động mang tính vô minh, tức là hành động thiếu hiểu biết. Do thiếu
hiểu biết mà hành động sinh ra tội lỗi. Tình yêu thiếu hiểu biết là tình yêu mù
quáng, dẫn đến tội lỗi, không chỉ đơn thuần về mặt nhân cách mà còn không được
luật pháp, các nhà đạo đức, các nhà giáo dục hay các nhà tâm lý học chấp nhận.
Trái tim có lý lẽ riêng nhưng lý lẽ đó phải phù hợp với đạo đức, với thuần
phong mỹ tục, với tính nhân văn của loài người.
Trong một câu chuyện thời đức
Phật, có một người con gái lớn lên và lấy chồng. Hai vợ chồng rất hạnh phúc,
sinh ra một cô con gái rất xinh đẹp. Một thời gian, người vợ phát hiện chồng ăn
nằm với mẹ của mình. Bấn loạn trước sự thật, cô tìm cách bỏ nhà đi sang một xứ
khác để ở. Thời gian sau, cô tái giá với người đàn ông khác ở vùng đất mới.
Người chồng thứ hai thường hay đi buôn xa nhà nên cô ở nhà một mình, lo quán
xuyến nhà cửa. Rồi cô nghe bạn bè kháo với nhau rằng chồng cô dan díu một cô
gái trẻ ở nơi xa xôi và làm đủ mọi cách để giấu cô chuyện này. Cô quyết định
theo dõi chồng và khám phá ra được người mà chồng cô dan díu chính là con gái
ruột của cô với người chồng trước. Ngất đi tỉnh lại không biết bao nhiêu lần vì
không thể tin được những chuyện loạn luân đã diễn ra, cô trở nên điên loạn cho
đến khi gặp tăng đoàn bên nữ của đức Phật. Lúc này nhờ sự giúp đỡ của nữ tăng
đoàn mà cô tìm đến Phật pháp, tu tập và chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau
của mình.
Câu chuyện cho thấy vô minh mà
dẫn đến hành động sai trái. Đam mê ái dục mà mẹ và con rể ăn nằm với nhau, rồi
cha kế ăn nằm với con của vợ. Ngay cả chữ loạn luân đã nói lên sự cuồng loạn
của người trong cuộc, do không biết giữ giới, do không giữ tiết hạnh, do bị sai
khiến bởi những ái dục đầy dẫy vô minh ở trong thân và tâm. Khi gieo nhân bất
thiện, quả bất thiện sẽ trổ và duyên chính là yếu tố giúp nhân thành quả. Khổ
đau mà người phụ nữ kia đón nhận đến hai lần âu cũng là do những nhân bất thiện
mà bà đã gieo trong quá khứ, nhưng trong kiếp sống này bà đã dừng lại, và có cơ
hội chuyển hóa nó. Trong thời đại ngày nay, những nguy hiểm của loạn luân không
phải là không ít. Những đứa trẻ, dù là bé gái hay bé trai, những người con gái
chân yếu tay mềm phải sống chung với anh trai, cha, chú, bố dượng mà không có
đủ điều kiện được bảo vệ. Suy nghĩ sai lệch và không được điều chỉnh, hành động
sai lệch cứ thế mà tuôn ra, rồi con người ngụp lặn trong bể vô minh, còn gọi là
vô minh hải. Tình yêu trong vô minh là tình yêu giãy chết, nó chỉ mang dáng vẻ
của tình yêu chứ không phải là tình yêu.
Vô minh dẫn tới hành và hành là
tạo tác, gồm ý tạo tác, thân tạo tác và khẩu tạo tác. Do tạo tác mà có nghiệp,
gồm ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp. Nghiệp có thể là lành hay dữ tùy
thuộc vào tạo tác của người. Chỉ mới suy nghĩ mà không có chánh niệm, người sẽ
trôi lăn trong dòng suy nghĩ và dòng nghiệp cứ thế mà thành và nhờ duyên mà
nghiệp trổ. Nghiệp quá dày đặc thì người tái sinh để hưởng nghiệp hay trả
nghiệp. Trả nghiệp thực ra cũng là hưởng nghiệp. Trả hay hưởng là ý niệm, chẳng
qua người đang đi trong dòng nghiệp của mình, muốn chấm dứt tái sinh hãy chấm
dứt tạo nghiệp, muốn chấm dứt tạo nghiệp hãy chấm dứt tạo tác, muốn chấm dứt
tạo tác hãy làm cho người trở nên hiểu biết.
Những hành động của thân mang đến
tự do hay ngục tù. Hành động có tính giữ giới mở rộng cánh cửa của tự do, của
bầu trời cao rộng, của không gian thêng thang. Hành động không giữ giới dù nhỏ
hay to cũng đồng nghĩa với việc góp gạch và xi măng để xây bức tường địa ngục.
Thân có khuynh hướng chịu sự sai khiến của ý nhưng sự bức bách của thân cũng
khiến cho ý chiều chuộng theo. Thân có kham nhẫn thì thân sẽ giảm bớt sự tạo
tác cho đến khi chấm dứt sự tạo tác của thân. Lời nói ái ngữ mang niềm vui và
hạnh phúc cho người thì tại sao không nói mà lại sử dụng lời ác ngữ, lời của
chia rẽ, của căm thù, của tà tư duy. Lời nói tạo tác gây thương tổn hay tạo
hạnh phúc và duyên mang tới sự phản hồi y chang như vậy. Thu thúc lời nói thì
khẩu tạo tác được kiểm soát, là có chánh niệm và nghiệp đang được chuyển hóa.
Theo giới thứ ba của Năm giới Cư
sĩ là bảo vệ tiết hạnh, đã đề cập như sau, “Con nguyện thực tập bảo vệ tiết
hạnh cho bản thân con và cho những người khác bằng cách không sống thử, không
quan hệ trước hôn nhân, không quan hệ bất chính với người không phải là chồng
hay vợ của mình. Dù là nam, nữ, hay người đồng tính, con quý trọng sự đoan
chánh, hạnh phúc gia đình và bảo vệ từng tế bào của tổ tiên trong cơ thể. Con
biết thực tập cho thân tâm khỏe mạnh thì gia đình và xã hội khỏe mạnh, cho nên
con luôn điều phục con được trong sạch, lựa chọn sống trong môi trường trong
sạch và tiếp xúc với các phương tiện trong sạch”.
Thực tập giới này thì không ăn
nằm với người không phải là chồng hay vợ của mình. Điều này còn áp dụng cho
việc đang là bạn trai hay bạn gái nghĩa là chưa phải vợ chồng thì cũng phải gìn
giữ. Sự dễ dãi trong quan hệ khiến có thai ngoài ý muốn, và khi không đủ tỉnh
táo, người có thể phạm giới thứ nhất rất mau, là phá thai, là giết chết giọt
máu trong người. Khi đã là vợ chồng, người cũng phải biết giữ gìn, bằng không
thì cũng sẽ phạm giới tà dâm với ngay người vợ hay người chồng, do không trân
quý thân thể của vị hôn phối nên có những đòi hỏi tình dục có thể gây xúc phạm
đến thân thể và tình yêu của vị hôn phối. Suy nghĩ tiết hạnh thì không mơ tưởng
đến vợ người, người đời gọi cái này là ngoại tình tư tưởng do có nhiều ham muốn
và vẽ vời chúng ở trong tâm. Hành động tiết hạnh là giữ thân trước những cám dỗ
bên ngoài, có thể đó là đồng nghiệp, là khách hàng, hay lời mời gọi nào đó. Sự
thủy chung rất đẹp vì nó tạo duyên cho tình yêu bền vững và kéo dài hơn. Lời
nói tiết hạnh là chỉ nên nói những lời tôn trọng vị hôn phối, cùng nhau truyền
nghị lực mà đi cho hết đoạn đường còn lại của cuộc đời.
Khi anh nắm chặt bàn tay em
Cũng là lúc đêm đen vụt tắt
Nụ cười anh đã thôi héo hắt
Ánh mắt em trao tặng niềm vui.
Và lúc này anh cũng tự hỏi
Tình yêu đôi ta có nhạt phai
Ta có nhau suốt đoạn đường dài
Hay chỉ là lo toan phiền muộn.
Em muốn anh bên em mãi mãi
Nhưng làm sao tránh tiếng thở dài
Tiếng vô thường hớt hải bên tai
Tiếng hợp tan ta mãi miệt mài.
Nguồn: Đàm
Linh Thất