
Có một con cá nhìn thấy miếng mồi
và đớp lấy nó. Miếng mồi chưa kịp nuốt vào bụng thì cổ họng của nó đã mắc vào
cần câu, cái đầu nhọn hoắc cắm sâu vào cổ họng, càng vùng vẫy, cái cần câu càng
cắm sâu vào, nó đau đớn và máu túa ra. Con mồi có thể làm bằng con giun hay côn
trùng nào đó, và bây giờ người ta còn làm mồi bằng plastic, nhìn miếng mồi
plastic mà con cá tưởng là miếng mồi thiệt, đớp lấy và mắc câu. Ái dục như một
lưới sắt nhốt người vào đó, nên ái dục là một thứ ngục tù kiên cố, hay cái cần
câu có miếng mồi thơm ngon, nhưng ăn vào thì mắc nghẹn, nuốt không được và tiêu
hóa cũng không xong.
Người đời thường nói, trâu tìm
trâu, ngựa tìm ngựa, nồi nào vung nấy, và người Tây phương dùng từ tâm lý hơn:
Luật hấp dẫn (law of attraction). Con người có năng lượng cộng hưởng và chính
năng lượng này nó hấp dẫn lẫn nhau. Miếng mồi hấp dẫn con cá, tình yêu hấp dẫn
người trẻ và ái dục hấp dẫn người đam mê vào nó. Nhà Phật có nói một câu, “Một
tiếng khẩy móng tay có thể mang âm ba rung động đến vô lượng thế giới”. Vạn vật
có tính hấp dẫn lẫn nhau và nhờ duyên mà hiện tượng biểu hiện. Người nam hấp
dẫn người nữ bởi sự nam tính, bản lĩnh, rộng lượng, mạnh mẽ, sự khôi hài hay
trí thông minh. Người nữ hấp dẫn người nam bởi nữ tính, dịu dàng, kiên nhẫn,
chịu đựng và lòng bao dung. Và các yếu tố khác nữa. Luật hấp dẫn như một luật
tự nhiên của vũ trụ vậy, như vạn vật nương vào nhau mà sống. Có thể thay đổi
tên gọi thành Luật Nương Tựa Nhau.
Kinh Tứ Niệm Xứ hướng dẫn về
phương pháp quán cửu tưởng hay chín phép quán niệm về sự bất tịnh của thân thể,
trong đó có phép quán 36 thể trược của con người, chẳng hạn như quán thân thể
này bao gồm tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan,
lá lách, hoành cách mạc, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mỡ, mủ, máu, mồ
hôi, nước mủ, nước tiểu, nước bọt, mỡ da, nước ở các khớp xương… Quán thân bất
tịnh để giảm bớt sự luyến ái vào thân. Không thấy rõ sự thật về thân thì người
có khuynh hướng chiều chuộng thân nhiều quá, và khi thân bệ rạc, người sẽ buồn
tủi về sự đớn đau của thân. Đừng quá luyến ái và đừng quá đam mê vào thân vì
xác thân này như một sát thủ. Nó đang chết từng ngày, từng giờ, từng một sát na
vì nó nằm trong vòng vây của vô thường. Không phải vô thường là một sát thủ mà
tự thân của xác thân có tính sát thủ. Nó giết chết cái thân của nó và nó làm
tán loạn bất cứ người nào đam mê vào.
Nàng Kiều đẹp biết bao, nhưng cái
đẹp đó lại không dành cho tình yêu chân thành, mà lại bị dòng đời đưa đẩy, vào
những cuộc ngã giá, những cuộc mua bán đổi chác và những cuộc vui thâu đêm suốt
sáng. “Đã mang lấy nghiệp vào thân” thì có vẻ như nghiệp dẫn người đi, còn mang
thân thì còn mang nghiệp, còn phải trả nghiệp. Đức Phật đến cuối đời cũng phải
trả nghiệp, ăn phải nấm độc và bệnh nặng, đến yếu sức đi. Với tâm niết bàn thì
thân bệnh có xá gì. Khi tâm đã không luyến ái thì thân có bệnh tật hay khỏe
mạnh, đẹp hay không đẹp cũng không luyến ái. Đừng tưởng sắc đẹp mới sinh luyến
ái, sắc xấu vẫn gây luyến ái như thường, vì kẹt quá, vì cô đơn quá, nên luyến
ái đại, hay chấp nhận để có cớ mà luyến ái.
Chí Phèo đâu có đẹp, Thị Nở đâu
có đẹp vậy mà cũng có thời khắc mê đắm lẫn nhau và bát cháo hành là phương tiện
tạo duyên cho hai người đến với nhau. Chí Phèo, một tên chuyên phá làng phá
xóm, tinh thần cũng không bình thường gặp gỡ Thị Nở, một người không đại diện
cho sắc đẹp nhưng vì sao lại có thể đến với nhau, điều gì khiến họ hấp dẫn nhau
vậy? Có thể hiểu họ là những người bị mọi người xa lánh và chỉ có hai người họ
là không xa lánh nhau. Vì không xa lánh nhau nên họ tìm đến với nhau và họ chợt
nhận ra là họ đang cần nhau. Không phải họ đến với nhau vì hình sắc bên ngoài
mà vì thiếu thốn tình thương và trong phút chốc chợt nhận ra họ vẫn cần tình thương
như bao người khác. Lúc này họ nhân ra điều gì đó dễ thương trong nhau.
Người có một nỗi lo sợ không nói
ra nhưng người thường hay nghĩ về nó, đó là sợ già, sợ mái đầu không còn xanh.
Nhưng còn có nỗi sợ khác là sợ người đời nói là bị ế, lớn tuổi sao chưa có gia
đình, rồi người sợ ở giá, sợ sau này không sinh con đẻ cái được và đủ thứ sợ
khác. Do sợ nên người muốn tìm kiếm để khỏa lấp nỗi sợ được xem là đang tấn
công và dày vò tâm trí người. Người mường tượng về cô đơn trong hiện tại và lo
lắng về cô đơn trong tương lai.
Một học trò của tôi cũng có tưởng
tượng theo kiểu như vậy, như sau này tu tại gia, già nua, không gia đình và con
cái bên cạnh, nếu bệnh tật thì lấy ai mà chăm sóc, nên ngồi buồn rồi tự khóc
với tưởng tượng đang dằn xéo trong tâm. Đứa học trò thứ hai cũng tưởng tượng,
nhưng hơi khác một chút là tưởng tượng về thầy của mình. Bây giờ thầy mình còn
sống nên cậu nương tựa thầy, sau này thầy mất rồi hoặc nếu chẳng may thầy đi
sớm thì không biết nương tựa ai nữa, cậu ngồi khóc, khóc với tưởng tượng của
cậu. Có những lo sợ mà nguyên nhân do tưởng tượng mà ra. Ngay cả nỗi sợ bị
miệng đời chê trách. Thấy bạn bè cùng trang lứa nườm nượp lên xe hoa, mà người
vẫn còn ngồi đây, một mình ênh, phòng không chiếc bóng. Người bắt đầu lên kế
hoạch tìm kiếm người yêu và làm đủ thứ chuyện để được yêu thương.
Vì sao mình làm đủ thứ chuyện để
được chú ý và để được yêu thương, thậm chí người còn tranh giành nhau để được
bày tỏ tình yêu. Người ít có xu hướng tự đặt câu hỏi là nên làm gì để yêu
thương người đậm sâu hơn mà thường đòi hỏi người có thương mình không. Ví dụ
như người hay hỏi Anh có yêu em không hay Em có yêu anh không mà ít khi hỏi
Không biết mình thương người thiệt không. Tình yêu của thế gian tạo nội kết
kinh khủng và người lên kế hoạch để tạo nội kết. Nội kết với ánh mắt, với mái
tóc, với tính tình, với kinh nghiệm, với tình dục. Có người nói vì chỉ thích
mái tóc của cô ấy mà tôi phải cưới cả người đàn bà. Và sự thật là chúng ta khổ
vì những nội kết đó.
Chắc hẳn người còn nhớ câu chuyện
về chàng Trương Chi và nàng Mỵ Nương, hai người có nội kết lẫn nhau về những
đối tượng khác nhau của nhau. Mỵ Nương, con của quan tể tướng, một lần đứng bên
cửa sổ nghe được tiếng sáo của Trương Chi từ bến đò vọng vào. Lần đầu tiên nghe
tiếng sáo hay quá và ngày nào nàng cũng ra ngồi bên khung cửa để chờ nghe tiếng
sáo đó. Bữa nào nghe được thì vui lắm và không nghe được thì buồn. Tâm trạng
của nàng bị kẹt vào tiếng sáo và nó trở thành nội kết đối với nàng. Nàng tưởng
tượng người thổi sáo ắt hẳn là một chàng trai khôi ngô tuấn tú mới có thể thổi
một thứ âm thanh vi diệu và làm cho nàng thất điên bát đảo. Nàng bệnh nặng vì
tương tư về một hình ảnh không thực có. Đại phu khuyên quan tể tướng nên cho
vời người thổi sáo vào để nàng diện kiến, may ra bệnh tình có thể thuyên giảm.
Trương Chi, một chàng trai nghèo chèo đò kiếm sống, lần đầu tiên đi vào chốn
sang trọng nên không tránh khỏi sự ngỡ ngàng. Nhưng khi Mỵ Nương vừa nhìn thấy
Trương Chi thì đã phát hoảng, chàng không đẹp như nàng tưởng tượng mà lại rất
xấu. Bao nhiêu nội kết trong nàng tan biến hết.
Chỉ tội nghiệp cho Trương Chi, từ
thưở cha sinh mẹ đẻ tới giờ có bao giờ nhìn thấy ai xinh tươi đẹp đẽ như nàng
tiểu thư con quan tể tướng và chàng trai này bắt đầu có nội kết với sắc đẹp của
người còn gái kia. Chàng trở về bến đò xưa, ngồi buổn tủi cho thân phận nghèo
nàn xấu xí của mình và cất lên tiếng sáo ai oán. Ngày qua ngày cứ thế, nỗi buồn
giết chết sức trẻ của chàng trai đến khi chàng qua đời. Người dân quanh đó mới
hỏa táng chàng, nhưng nội kết sâu dày, nó ăn vào máu vào xương nên da thịt thì
cháy hết còn xương thì đen lại, đóng thành cục. Người dân biết tình cảnh của
chàng nên dùng mớ xương đó làm thành ấm trà rồi dâng lên cho Mỵ Nương. Mỵ Nương
nhìn ấm trà mà bật khóc, giọt nước mắt vừa rơi xuống, chạm vào ấm trà thì ấm
trà mới bắt đầu tan ra. Câu chuyện cho thấy con người kẹt vào sắc và âm thanh
mà sinh ra nội kết. Nội kết to như trái núi tạo ra nỗi đau, đến nỗi “đem xuống
thuyền đài chưa tan”.
Những ham muốn không bao giờ dừng
lại vì người chưa bao giờ thỏa mãn thực sự và nội kết phình to ra, có thể nói
nội kết là sản phẩm của vô minh. Biết rằng hình sắc nàng Mỵ Nương không thể với
tới được nhưng chàng Trương Chi không dứt ra được, khổ đau vì cái không thể dứt
ra được và chết trong trạng thái như tức tưởi vậy. Do không nhìn rõ tính chất
như huyễn của hình sắc mà người có tư tưởng mê lầm, từ đó dẫn đến hành động mê
lầm, đây gọi là vô minh duyên hành. Khi hai người nam nữ quan hệ tình dục, sự
luyến ái hết sức cùng tột và nó làm cho duyên tiếp tục gặp gỡ nhau, và kiếp sau
tiếp tục gặp gỡ nhau nữa. Suy nghĩ sai sự thật sẽ dẫn đến hành động sai sự
thật, và nghiệp được tạo ra không như mong muốn. Hành động có thể tốt, xấu hay
trung tính nên nghiệp cũng có thể tốt, xấu hay trung tính. Người thành đạo thì
không còn tạo nghiệp nữa, cho dù đó là nghiệp tốt hay trung tính, nhưng khi
thành đạo mà vẫn còn mang thân thì vẫn phải trả nghiệp, sự thành hoại của tứ
đại như là trả nghiệp vậy.
Nghiệp có thể đã tạo ra trong đời
quá khứ nên vô minh biểu hiện lâu lắm rồi, có thể nói là từ vô thỉ và hành cũng
từ vô thỉ nên vô minh trùng trùng điệp điệp nên hành cũng trùng trùng điệp
điệp. Hành như đứa con dại khờ của vô minh và nghiệp xấu trổ ra do những hành
động dại khờ của người, âu cũng là do không chịu điều tiết sự hiểu biết một
cách đúng đắn. Trong con người có phần “con”, có thể đem phần “con” này so sánh
với vô minh, nếu phần con lấn lướt quá nhiều, hay vượt trội hơn các yếu tố
khác, vô minh sẽ sâu dày và cái gọi là “thú tính” thống trị phần người. Hãy như
con sư tử không sợ tiếng gầm thét của các loài thú. Sư tử là chúa tể sơn lâm,
được xem như thủ lĩnh của núi rừng, tất cả các loài khác đều phải sợ. Khi nó
gầm lên, tiếng gầm vang dội cả núi rừng, các loài thú khác co rúm lại mà bỏ
chạy thật xa hoặc chui rúc vào hang sâu. Thầy Xá Lợi Phất cũng từng gầm lên
tiếng rống sư tử. Tiếng sư tử của thầy là sự vững chãi trước sự vu khống và
nhìn vào bản thân để thực tập kham nhẫn. Người tu như một con sư tử, không sợ
tiếng gầm thét của những con thú ái dục hay những cơn dục ở trong thân tâm.
Đời sống lứa đôi lúc nào cũng đề
cao hạnh thủy chung vì đó là phẩm chất cao đẹp của tình yêu và hôn nhân. Nhưng
vì sao người ta lại ngoại tình, không giữ được giới hạnh, rồi tạo nghiệp tà
dâm, sau đó phải chịu nhiều khổ đau? Có thể người không thấy hạnh phúc khi sống
với người bạn đời do có những sự khác biệt, sĩ diện quá lớn và cố chấp trong
việc giải quyết các vấn đề của gia đình. Suy nghĩ về một viễn cảnh gia đình tốt
đẹp hơn, người vẽ ra một hình ảnh lý tưởng khác hay một gia đình lý tưởng khác
và bắt đầu nuôi dưỡng cái cho là lý tưởng đó trong suy nghĩ. Đến khi tức nước
vỡ bờ, nhu cầu về hạnh phúc gia đình quá lớn không đáp ứng được trong gia đình
hiện tại, người quyết định hành động: tìm kiếm hình ảnh mới và xây dựng gia
đình mới. Mọi chuyện đổ vỡ thì người phân bua, tại ông hay tại bà nên tôi mới
làm vậy, hoặc, tôi ăn chả thì bà cứ ăn nem, như thế huề nhé.
Và người biết đâu, những hành
động ngoại tình không chỉ gây đau khổ cho người trong cuộc mà còn cho các thế
hệ tiếp nối. Nguyên nhân khác của ngoại tình là sự nhàm chán, giống như ăn cơm
hoài thì cũng thèm phở, thèm hủ tíu, hay ít nhất cũng là bún riêu hay bánh
canh. Người ít tiền thì ăn hủ tíu gõ và người nhiều tiền thì ăn hủ tíu nam
vang. Hôn nhân như một bộ đồ, mặc hoài sẽ sờn và rách đi, nên phải mua bộ đồ
mới hay phải thay đổi quần áo thường xuyên. Hôn nhân không có sự làm mới thì
người trong cuộc bỗng chốc phiền não, có thể nhất thời, vì ham muốn sự thay đổi
theo kiểu thay đổi khẩu vị. Hành động ngoại tình diễn ra, nhưng ai có ngờ đâu,
nó chỉ là đam mê thoáng qua, mà kéo theo sau đó là đánh mất niềm tin lẫn nhau
giữa vợ chồng, rồi ly dị, rồi con cái bơ vơ không ai chăm sóc và không còn chỗ
nương tựa.
Sự thiếu tôn trọng lẫn nhau cũng
làm cho người thất vọng đời sống hôn nhân. Chồng không tôn trọng vợ và vợ không
tôn trọng chồng, ban đầu chưa cưới nhau, bao nhiêu lời ái ngữ tuôn ra, nhưng
khi cưới nhau rồi thì bao nhiêu lời ác ngữ cứ bùng phát. Suy nghĩ có tính khen
chê và so sánh, như khen chê về bản lĩnh đàn ông hay khả năng tìm kiếm tài
chính, rồi so sánh với các đàn ông khác khiến người đàn ông sĩ diện, đánh mất
sự tôn trọng với vị hôn phối, và đổ vỡ trong gia đình tuôn ra như suối, không
giải quyết được thì ngồi than sao hồi xưa cưới nhau chi rồi giờ khổ quá. Câu
chuyện về ngoại tình này cho thấy tất cả đều do vô minh, và mấu chốt sâu xa là
không chịu giữ giới, không bảo vệ tiết hạnh, không thực tập lắng nghe và ái
ngữ, không biết chia sẻ để thấu hiểu và tùy theo hoàn cảnh mà có sự nhường nhịn
cũng như chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong đời sống hôn nhân. Và hơn hết,
người không chịu làm một con sư tử, không chịu gầm thét để đánh đuổi những con
thú dữ đang gặm nhấm hạnh phúc gia đình.
Khi ba nghiệp thanh tịnh thì đó
là bằng chứng cho vô minh thanh tịnh, tức là minh thường còn. Khi minh biểu hiện
ra trong suy nghĩ có hiểu biết thì hành không còn nữa, người chấm dứt tạo tác
từ suy nghĩ, hành động và lời nói. Rải ba nghiệp thanh tịnh là sự hiểu biết
đúng đắn rải đi, rải tuệ giác hay rải năng lượng giải thoát. Một người quân tử
chỉ gầm tiếng rống của sư tử khi cần thiết, không gầm theo kiểu của cây tre.
Cây tre trông có vẻ chắc chắn nhưng bên trong thì rỗng không. Có thể học tính
kiên định của cây tre, dù gió mạnh quật cũng không ngã. Tuy nhiên sự thực tập
cần có nội dung hơn là hình thức.
Cây tre không có lõi, bên trong
không tìm thấy lõi nên hình sắc hay hôn nhân cũng vậy, yêu thương thực lòng thì
hôn nhân có nội dung bằng không thì nó chỉ là cây tre trông có vẻ hạnh phúc
nhưng không hạnh phúc thực sự. Người quân tử bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và
bảo vệ những người thân thương nên người luôn bảo hộ thân tâm, không để những
cám dỗ có vẻ xanh tươi như cây tre nhưng rỗng tuếch ở bên trong khuất phục.
Sống chung dưới một mái nhà là một cái duyên rất lớn, nên khi còn gặp nhau, hãy
trân quý sự có mặt của nhau, để mai này không còn gặp nhau nữa thì người sẽ
không hối tiếc, không ngồi than thân trách phận sao người ấy rời bỏ người.
Khi dính vào nội kết
Tình yêu hết đường ra
Đến thân tâm ngây dại
Co quắp bãi tha ma.
Ai thân thiết ruột rà
Ai người dưng kẻ lạ
Khi mái đầu xanh mướt
Đã điểm tóc sương pha.
Ba nghiệp con thanh tịnh
Xin rải khắp mười phương
Nguyện chúng sinh khắp chốn
Hóa giải những đau thương.
Nguồn: Đàm
Linh Thất