Phải chăng nhân loại đang xây
dựng trên nền tảng sự cường thịnh, giàu có,… của một gia đình, một quốc gia dựa
trên sự đói nghèo, bệnh tật, khổ đau, dốt nát,… của một gia đình, một quốc gia
khác?
Bạn dễ dàng nhận thấy ở các nước
phát triển sẽ giới hạn việc tiêu thụ các sản phẩm như bia rượu, thuốc lá, các
chất kích thích,… nhưng lại cho phép sản xuất hàng loạt các mặt hàng kể trên để
xuất khẩu sang nước khác nhằm thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Tại sao các nhà quản lý hạn chế
tiêu thụ bia rượu, thuốc lá,… trong nước? Vì lẽ những sản phẩm trên sẽ gây bệnh
tật, làm tha hóa nhân cách, sức khỏe của con người. Họ bảo vệ sức khỏe thể
chất, tinh thần cho người dân trong nước. Còn vấn đề sức khỏe tinh thần, thể
chất của người dân nước khác? Đó là chuyện của thiên hạ.
Lối sống thực dụng và việc không
rõ biết về giá trị của tự thân con người đang tranh giành tiền bạc, tài sản,…
về cho cá nhân bằng mọi hình thức, thủ đoạn gian xảo, tinh vi. Cờ bạc, cá độ,
số đề, ma tuý, bia rượu,… sẽ khiến con người sống trong đau khổ, tan nát gia
đình, hỗn loạn xã hội.
Tại sao những tệ nạn xã hội vẫn
tồn tại?
Lòng tham của con người và việc
con người đang lầm lạc sống trong một môi trường “Tự lừa mình, dối người”. Vì
những mối lợi nhỏ mà con người đã dối lừa nhau. Sống mãi trong dối lừa con
người đã quên mất “Sự thật”, tạo ra những tệ nạn làm rối ren xã hội.
Số đề có nguồn gốc từ đâu? Đã có
bao gia đình ly tán, đổ vỡ? Bao nhiêu người đã chết vì những con số rủi may?
Nước mắt đã đổ dài trên những gương mặt người cha, người mẹ, người vợ, người
con,… khi có người thân vướng vào số đề. Tại sao xã hội không thể dẹp bỏ tệ nạn
này? Bởi lẽ bạn đang sửa sai vấn đề dựa vào hiện tượng vì thế vấn đề sẽ không
thể giải quyết triệt để. Mai này, các nhà quản lý xóa bỏ ngành xổ số kiến thiết
và tệ nạn số đề sẽ không còn gây nhiễu loạn cho xã hội.
Giá trị của ngành xổ số kiến
thiết là ích nước lợi nhà và giải quyết công ăn việc làm cho một số người. Khi
con người không nhiều hiểu biết, nước nhà còn nghèo việc xây dựng đất nước
thông qua việc xổ số kiến thiết nhằm thu gom nguồn vốn nhàn rỗi trong dân là
việc làm thiết thực. Nhưng đã qua rồi thời điểm khó khăn, ngành xổ số kiến
thiết nên chăng tháo bỏ vì những tiêu cực nảy sinh và phát triển sâu rộng. Trên
thực tế, ngành xổ số kiến thiết không tạo ra vật chất mà lại là việc hao tốn
không ít tiền của. Đau khổ chất chồng, nước mắt đã đổ. Phải chăng đã đến lúc gỡ
bỏ ngành xổ số kiến thiết?
Sự hiểu biết làm thay đổi nhận
thức, giá trị con người. Người dân hiểu biết sẽ tự có ý thức chung tay đóng
góp, xây dựng đất nước khi xã hội rơi vào cảnh khó khăn. Điều quan trọng nhất
là bạn phải xứng đáng với niềm tin của người dân. Đừng dối lừa nhau.
Cá độ dựa vào điều gì mà tồn tại?
Thể thao là những môn giải trí, thư giản tinh thần. Nhân loại đã phạm sai lầm
khi đặt vai trò, vị trí những môn thể thao nhầm chỗ. Thể thao cũng không là
ngành tạo ra sản phẩm vật chất. Người nông dân, công nhân, trí thức,… nghĩ gì
khi so sánh những đồng lương còm cỏi với thu nhập hàng tháng của những vận động
viên bóng đá, bóng chày,… Thật không công bằng, không hợp lý. Thật không đúng.
Nhưng nhân loại lại chấp nhận điều không đúng đó như là một lẽ thật. Không chỉ
vậy, từ sự không hợp lý tồn động trong ngành thể thao đã nảy sinh nhiều tiêu
cực cá độ, bán độ, sự nhũng nhiễu trong giới thể thao,… Lòng tham là đầu mối
của những khổ đau. Lẽ ra các nhà quản lý và giới thể thao nên nhận biết vị trí,
giá trị thực sự của ngành. Có lẽ đã đến lúc đặt ngành thể thao về đúng vị trí.
Có lẽ đã đến lúc phân công lại thu nhập giữa các ngành nghề trong xã hội cho
hợp lý hơn.
Ngành văn hóa truyền thông,
truyền hình, phim ảnh, quảng cáo,… là ngành có rất nhiều ảnh hưởng, chi phối
đến tư duy, nhận thức, sự hiểu biết của con người,… Tuy nhiên, hiện nay nhân
loại đang xây dựng ngành truyền thông làm một công cụ hữu hiệu để dối lừa nhau.
Những trò chơi truyền hình may rủi, vô bổ,… Những chương trình quảng cáo không
thể hiện đúng với thực tế, giả trá,… lẽ ra không được quảng bá rộng rãi trên
phương tiện thông tin đại chúng. Ai thắng, ai thua? Mặc, ta có được một khoản
tiền. Những bộ phim dung tục hướng dẫn con người biết sống thủ đoạn, thực dụng,
tàn độc hơn,…
Phải chăng tiền có thể mua được
tất cả? Nhân cách, giá trị của con người sẽ đánh đổi bằng một khoản tiền. Lối
sống thực dụng, ích kỷ, xấu xa và nghiệt ngã. “Có tiền mua tiên cũng được” -
câu nói người xưa phải chăng trở thành chân lý sống của ngày nay? Bạn hãy nên
tỉnh táo, sáng suốt khi chọn lựa việc “Đánh đổi” giá trị nhân cách con người
bạn bằng một khối tiền hay lượng vật chất tương đương. Vì sẽ không có vật gì có
thể có giá trị tương đương với giá trị con người bạn dù rằng “Giá trị con
người” không thể cân đo, đong đếm, nhận dạng và làm một “Món đồ ăn”,... Hãy
trân quý giá trị của tự thân vì đó là phần người trong con người của bạn. Đừng
để chủ nghĩa thực dụng nhấn chìm bạn như là nhấn chìm một chiếc lá vàng rơi.
Ngành chứng khoán, địa ốc, bất
động sản, ngân hàng,… nên chăng xét lại vai trò, vị trí trong xã hội. Dường như
có điều không hợp lý khi một người bỏ ra một số tiền hoặc tài sản lớn rồi chờ
đợi người khác lao động cật lực để mang tiền của về cho mình. Người lao động
chỉ nhận một ít “Giá trị thặng dư” được tạo ra. Những cổ đông lớn chỉ rong chơi
và hưởng thụ.
Con người đang sống với “Trái tim
vô cảm” chăng? Nhân loại còn “Tình người” không?
Tôi cũng xin cám ơn “Những trái
tim biết yêu người” đã bỏ ra những khoản tiền lớn để mang mùa xuân về cho những
người nghèo khó, khốn cùng trong cơn bão khủng hoảng tài chính Châu Âu. Cám ơn
những Mạnh Thường Quân đã chi trả tiền giúp cho dân nghèo mua được những món đồ
trả góp trước thềm xuân 2012. Tôi cám ơn vì bạn đã cất lên tiếng nói “Nhân loại
vẫn còn có tình yêu thương chân thật”.
Hoa Kỳ và các nước trong khối
liên minh NATO đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, tài sản cho những cuộc chiến Irac,
Apganixtan, LyBia,… và số tiền đó mang sứ mạng giết người, gây đau khổ, khoét
sâu thù hận. Hàng năm có bao nhiêu tiền của được đổ vào việc sản xuất vũ khí,
trang bị quốc phòng, tập trận chiến lược. Hệ thống lá chắn tên lửa của Hoa Kỳ,
hệ thống phòng thủ tên lửa chung Châu Âu và Nga lại là bao nhiêu tiền? Châu Âu
đang khủng hoảng kinh tế lại dư tiền của để đầu tư cho mục đích tạo chiến tranh
và thù hận.
Tại sao câu chuyện vô lý trên lại
hóa thành sự thật? Các cường quốc quân sự vẫn bào chữa cho tham vọng bá chủ của
một số ít người “Ta cần nâng cao khả năng chiến đấu phòng thủ nhằm bảo vệ đất
nước, chống lại những cuộc tấn công từ xa của những thế lực thù địch”. Ai đủ
khả năng tấn công các cường quốc quân sự? Người dân các quốc gia nghèo, kém
phát triển chăng? Thật sự nhân loại hiểu biết sẽ không ai muốn sống trong chiến
tranh, khổ đau và thù hận. Nên chăng dừng lại việc sản xuất vũ khí, chạy đua vũ
trang. Ai sẽ làm điều đó? Con người với sự hiểu biết sẽ tháo gỡ ngòi nổ của
chiến tranh và thù hận. Bạn sẽ cất tiếng nói, thể hiện lập trường yêu hòa bình,
yêu tự do vì sự phồn vinh, thịnh vượng và an toàn của trái đất.
Nếu có thể bạn hãy làm một phép
tính thống kê đánh giá lại số tiền mà các cường quốc quân sự đầu tư cho vũ khí
hạt nhân, cho chiến tranh, tập trận,… là bao nhiêu? Cũng như lượng tiền rót vào
các gói cứu trợ kinh tế mà các nước lâm vào khủng hoảng nợ công và các nước
nghèo đói, kém phát triển đang cần? Tại sao ý thức hệ của nhân loại lại chấp
nhận việc “Con người sẵn sàng bỏ tiền ra để giết người” mà không sẵn lòng “Lấy
tiền nhàn rỗi để cứu người”? Giá trị con người, sự hiểu biết của con người phải
chăng đã bị lòng tham và sự thù hận “Bóp chết”?
Khủng hoảng nợ công Châu Âu, các
nước đang thực hiện chính sách “Thắt lưng buộc bụng”. Nhưng mỗi thành phần,
tầng lớp trong xã hội đều sống thực dụng, ích kỷ vì “Cơm áo gạo tiền”, vì địa
vị, quyền lợi cá nhân. Giải pháp “Thắt lưng buộc bụng” có phải là giải pháp tối
ưu? “Thắt lưng buộc bụng” ai đây? Nếu những thành phần, tầng lớp xã hội ở một
quốc gia khủng hoảng đều sống với “Trái tim biết yêu người” tự khắc vấn đề
khủng hoảng kinh tế, nợ công sẽ được giải quyết triệt để. Mọi vấn đề khủng
hoảng sẽ được giải quyết triệt để khi những con người trong mỗi quốc gia cùng
chung tay với giai cấp lãnh đạo nhằm tháo gỡ những khó khăn. Cần có sự gắn kết
bền chặt và sự thông hiểu giữa các thành phần, tầng lớp trong xã hội. Những nhà
kinh tế, những chính khách giàu có với khối tài sản khổng lồ dường như có đủ
khả năng giúp đất nước vượt mọi khó khăn. Giải quyết mọi vấn đề phải dựa vào
nội tại cũng như là bản chất thì mới thật sự là giải pháp khả thi, hiệu quả.
Hy Lạp đã nhận những gói cứu trợ
cần thiết nhưng kết quả nhận được có tương thích với lượng tiền bỏ ra. Nếu Hy
Lạp không còn khả năng chi trả cho những khoản vay thì những chủ nợ lớn sẽ làm
gì? Cấm vận kinh tế chăng? Bóp chết nền kinh tế của một đất nước đang rơi vào
khủng hoảng có lấy lại được “Giá trị thặng dư” của nhân loại. Tạo ra cuộc chiến
tranh để lấy lại những gì đã mất chăng? Lấy máu và nước mắt con người để giành
giật lại “Khối tiền, tài sản chưa cần dùng đến”. Có lẽ giải pháp xóa nợ cần
được xét đến vì “Tiền của thiên hạ nên trả về cho thiên hạ”.
Tại sao các nước Châu Âu đều rơi
vào tình trạng khủng hoảng nợ công?
Một là lòng tham và sự ích kỷ của
giới chính trị, kinh tế, quốc phòng, khoa học, con người. Hai là sự gắn kết
giữa người dân và giới lãnh đạo là không bền chặt không dựa trên sự hiểu biết.
Sẽ không có việc khủng hoảng nợ công nếu con người không ích kỷ, thờ ơ, không
dám nhìn thẳng, nói thật những suy nghĩ, hiểu biết của chính mình ở góc nhìn
tổng thể, khách quan và sáng rõ.
Nước Đức đã đưa ra giải pháp tăng
tuổi nghỉ hưu cho người lao động từ 65 tuổi lên 67 tuổi nhằm giúp đất nước vượt
ra cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ tạo tiền lệ xấu cho sự phát triển xã hội. Nhiều
quốc gia sẽ làm theo dẫn đến hàng loạt những sai lầm. Có thực tế không khi phát
triển đất nước dựa trên nền tảng sức lao động của những người cao tuổi? Con
người vốn tự có lòng tham, sẽ rất ít người ý thức việc dừng lại khi vẫn còn khả
năng kiếm được rất nhiều tiền.
Đôi khi con người không nhận thức
được việc “Kiếm thật nhiều tiền để làm gì?” Lý giải cho việc gia tăng tuổi nghỉ
hưu là nhằm giảm gánh nặng cho việc đóng góp quỹ phúc lợi xã hội ở lao động trẻ
là điều không thật hợp lý. Quỹ phúc lợi, lương hưu trí vốn dĩ đã được người lao
động đóng góp khi bước vào tuổi lao động. Khi nghỉ hưu họ chỉ lấy lại những gì
thuộc về họ. Giá trị thặng dư họ đã tạo ra khi tham gia lao động là đủ để họ
sống nhàn hạ đến cuối đời. Việc tăng tuổi hưu còn tạo ra việc thiếu việc làm
cho giới lao động trẻ dẫn đến mất cân bằng xã hội. Giới trẻ không có việc làm
sẽ nổi loạn, rơi vào những tệ nạn xã hội,…
Thật sự nếu được chọn lựa sẽ
không ai chọn làm người xấu mà không làm người tốt. Tội phạm, trộm cướp, khủng
bố, bắt cóc, tống tiền,… họ là ai? Họ cũng là những con người biết sống, biết
yêu thương người như mọi người. Họ đã túng quẩn trong việc mưu sinh, họ đã đi
lầm đường. Một số lượng không nhỏ những người lạc lối nhận thức được việc làm
sai trái. Họ đã muốn quay trở lại nhưng xã hội đã ruồng bỏ, không chấp nhận. Vì
họ không có điểm tựa vững chắc nên ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi, xấu
xa. Nếu nhân loại thực sự đang sống trong nền văn minh tiến bộ thì hãy rộng mở
cửa đón những con người lầm lạc quay về hoặc là giúp họ nhận ra giá trị thật sự
có trong con người của họ. Sự hiểu biết sẽ làm thay đổi nhận thức, giá trị sống
ở con người.
Biến đổi khí hậu toàn cầu không
thể giải quyết trên bàn đàm phán. Đã có nhiều cuộc hội nghị cấp cao diễn ra
khắp mọi nơi, Hiệp định thư Kyoto ,…
Kết quả là không gặt hái được nhiều thành công. Không ít tiền của được đầu tư
cho những cuộc gặp quan trọng. Nơi gặp gỡ của những cuộc hội nghị thượng đỉnh
là những phòng ốc sang trọng, đèn điện sáng choang, máy điều hòa không khí vẫn
đều đều hoạt động,... Ta không thể kêu gọi, hô hào mọi người tắt một bóng đèn
điện để hạn chế sự nóng lên của trái đất khi mà ta không phải là người đầu tiên
thực hiện thao tác đó. Giải pháp cho việc biến đổi khí hậu toàn cầu đang thực
hiện trên ngọn cây.
Nhân loại là gốc dường như đã bị
bỏ quên khi con người bước vào bàn đàm phán. Việc chống biến đổi khí hậu không
thể thực hiện bằng những lời nói suông mà bằng những hành động thật sự thiết
thực. Tôi không cho rằng “Những cuộc hội nghị liên thông giữa các nước là không
cần thiết” nhưng “Hãy làm cho những cuộc gỡ cấp cao thật sự có giá trị”. Hãy
giúp con người tự ý thức “Tắt một bóng đèn” hơn là kêu gọi, hô hào “Mọi người
hãy tắt một bóng đèn”. Vì lẽ họ sẽ “Tắt một bóng đèn” khi bắt gặp cái nhìn của
bạn.
Bệnh tật, đói nghèo,… sẽ được đẩy
lùi khi con người thật sự có hiểu biết, sống trong tình yêu thương chân thật.
Tôi đã từng được biết đến những
bữa tiệc thừa mứa với giá trị bằng cả một gia tài của người nghèo và những con
người thưởng thức bữa tiệc đó đều sớm chết vì bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh
gut,… Có lẽ khi họ cầm những cái chén, cái ly rượu sang trọng và thưởng thức
những món ăn thượng hạng, họ đã không bắt gặp được ánh mắt thèm thuồng của một
em bé mồ côi, của một bà lão già nua đói rét, đang run run cầm chiếc nón lá,…
Họ là những con người giàu có, sang cả nhưng “Phải chăng họ đã sống vô cảm với
đời?” Họ ngỡ họ hạnh phúc, sung túc, no đủ. Nhưng thật ra họ chưa từng tiếp xúc
với hạnh phúc chân thật. Họ không thật sự no đủ. Họ đã thiếu, đã mất rất nhiều
thứ - sức khỏe, tình yêu thương, giá trị của sự sống và cuộc sống ở hiện tại.
Nếu bạn muốn dưỡng nuôi “Trái tim
biết sống để yêu người”, bạn hãy bớt một chén cơm, một con cá, một quả trứng,…
trong mâm cơm chiều ở gia đình bạn gửi đến những người khốn khó. Con bạn cần
học cách sống biết yêu thương. Hơn nữa, việc bớt một chén cơm trong khẩu phần
ăn, bạn sẽ có thêm một ngày sống khỏe mạnh, an vui.
Tôi đã đi vài nơi và bắt gặp
những lời nguyền “Tôi thà vất đi những thức ăn thừa chứ không bố thí cho những
gã ăn mày biếng việc dù chỉ là một đồng xu lẻ”, “Tôi thà đem ném tiền qua cửa
sổ chứ không cho những người nghèo khó, thấp hèn”,... Tại sao lại có những lời
nguyền cay độc? Đó là kết quả của việc “Tình thương yêu, lòng nhân hậu,… bị lợi
dụng, bị dối lừa”. Những người thốt ra những lời nguyền trên vốn dĩ là một
người có tấm lòng bồ tát, biết yêu thương người. Nhưng họ đã bắt gặp những
người khốn khó được họ giúp đỡ “Thay hình đổi dạng” ngồi thưởng thức những món
ăn đắt tiền. Họ được biết số tiền của họ được ném vào canh bạc, số đề, cá độ,…
Dường như những người thốt ra lời
nguyền đã sai khi quyết định “Từ bỏ yêu thương” vì ngoài kia vẫn còn có rất nhiều
người sống trong khốn khó, cần giúp đỡ. Hãy nên xả bỏ lời nguyền vì việc giúp
người là việc đáng làm, đáng trân trọng và điều đó góp cho bạn nhiều nguồn vui.
Hãy nhìn lại việc giúp người ở khía cạnh khác hơn. Việc bạn giúp người khác một
số tiền, một món tài sản,… sẽ mang niềm vui đến cho người khác và cho chính
bạn, thế là đủ. Bạn đừng kỳ vọng cũng như xét nét người được cho sẽ làm gì với
số tiền của bạn. Điều đó là không thật sự cần thiết vì tiền của bây giờ đã là
của họ. Bạn vướng bận, để tâm đến việc tốt đã làm sẽ khiến bạn mất hết sự thanh
thản, thoải mái. Vạn nhất người được cho làm không đúng ý, bạn lại chất chứa
một nỗi buồn. Lẽ ra là việc tốt, niềm vui bạn lại mang về sự buồn bực, tức giận
và oán ghét. Nên chăng bạn xả bỏ những việc tốt đã làm để mang về nhiều niềm
vui, hạnh phúc hơn nữa. Đặc biệt, những người hiến tặng nội tạng, bộ phận cơ
thể,… hãy nên buông bỏ, đừng giữ lại trong tâm trí những bộ phận đã được cho
đi. Kẻo không “Ngày trở về” bạn sẽ không “Lành lặn” tinh thần và thể xác.
Tại sao xung đột, đấu tranh,
chiến loạn,… cứ diễn ra ở khắp mọi nơi?
Do bởi con người sống trong tham
dục và trói sự hiểu biết vào sự giới hạn của ngôn ngữ. Cộng đồng các quốc gia
độc lập, cộng đồng các quốc gia không liên kết,… nghe có hợp lý không? Đã độc
lập, tự chủ, không liên kết mà lại tạo thành cộng đồng.
Hiện nay các nước phát triển,
đang phát triển không ngừng gia nhập vào các khối, các liên minh để thúc đẩy,
tương trợ lẫn nhau cùng phát triển. Nhưng ngược lại có không ít vùng miền hẻo
lánh, kém phát triển gây xung đột, đấu tranh đòi ly khai, tự trị. Máu, nước mắt
và thù hận của con người lại đổ xuống cho những cuộc chiến sống còn phi nghĩa.
Con người lẽ nào lại không phải là con người? Nếu có hiểu biết thì con người sẽ
không sống trong sự phân biệt, kỳ thị chủng tộc, màu da,... Con người sẽ yêu
thương người mà sống. Đó là giá trị con người.
Đẹp hay xấu? Nhiều thập kỷ trước,
tiêu chuẩn của một hoa hậu là mẫu người có dáng mảnh mai còn gọi là “Mình hạc
xương mai” và hiển nhiên là những người không đạt tiêu chuẩn đó thì tạm gọi là
xấu. Ngày nay, tiêu chuẩn cho một người mẫu đẹp là “Ngực nở, eo thon, mông đầy
đặn”. Vậy nên lẽ đẹp xấu cũng do quan niệm tùy lúc, tùy thời. Việc cái đẹp dựa
vào tiêu chuẩn “Ngực nở, eo thon, mông đầy đặn” đã góp phần tạo ra căn bệnh béo
phì trong xã hội ngày nay. Tôi đã từng nói mọi việc đều được tích lũy trong tâm
thức của mỗi người.
Khi ý thức hệ dựa trên quan niệm
“Ngực nở, eo thon, mông đầy đặn” thì tâm thức con người sẽ chấp giữ lấy tiêu
chuẩn đó để xây dựng nên thân xác của tự thân. Khi con người sống lương thiện
thì sẽ được luân chuyển lại thành người để hoàn thành tâm nguyện đó. Ở góc nhìn
tổng thể, khách quan bạn sẽ nhận ra con người dường như ngày càng đẹp hơn. Tôi
đang đề cập đến nét đẹp tự nhiên mà không nói đến nét đẹp của phẫu thuật, mỹ
phẩm. Đó không phải là sự ngẫu nhiên mà là kết quả của quá trình tích lũy trải
qua nhiều đời, nhiều kiếp. Dù muốn hay không thì khoa học không thể lý giải
được vấn đề này. Quay lại vấn đề căn bệnh béo phì. Dù rằng tâm thức con người
lưu giữ hình ảnh “Ngực nở, eo thon, mông đầy đặn” nhưng do vướng vào góc nhìn
hạn hẹp, lối sống hưởng thụ, tham đắm “ăn ngon, mặc đẹp” mà không chăm “rèn
giũa, luyện tập”. “Người quay trở lại” đã trở nên béo phì.
Hoa hậu, người đẹp,… phải chăng
đã thừa hưởng được nhan sắc và dựa vào nhan sắc để có được tiền tài, danh vọng,
địa vị? Đã có không ít tiêu cực đáng xấu hổ trong thế giới người mẫu, hoa hậu,
ca sĩ, diễn viên hào nhoáng, giới thượng lưu,...
Những cô gái bán dâm được tiếng
là “Bán vốn tự có để nuôi miệng”. Tiếng đời dị nghị, dèm pha. Phận người bạc
bẽo, thấp hèn, mạt hạng.
Nhà tù 5 sao là những nhà tù
trang hoàng lộng lẫy như thể là khách sạn 5 sao. Ở tù mà sang cả như thể là một
chính khách được bảo vệ, canh giữ 24/24.
Con người dường như cũng đang
phát triển dựa trên những định hướng như thế. Nhốt mình trong một nhà tù sang
trọng, quý phái. Sau này, mỗi hành động việc làm của con người được camera, vệ
tinh, hệ thống định vị,… giám sát, theo dõi 24/24. Mỗi một bước đi có những cận
vệ robot liền kề. Phải chăng đây là câu chuyện khoa học viễn tưởng? Trở lại
thực tại vậy. Hiện nay, không khó để nhận biết những gia đình giàu có, gia đình
chính khách, nguyên thủ quốc gia,… mỗi bước đều có cận vệ, cảm tử thế thân,…
bảo vệ, che chắn nghiêm ngặt. Nếu bạn có có cơ may tiếp cận những đứa trẻ của
những gia đình đó thì bạn hãy hỏi “Cuộc sống của bạn thật tuyệt vời!?!”. Hẳn là
bạn sẽ nhận được câu nói với đại ý “Không thoải mái, mất hết tự do”. Cứ như là
“ở tù” vậy.
Sự tích lũy truyền kiếp, truyền
đời không chỉ thể hiện ở tự thân mỗi người mà còn tạo ra nét đặc trưng cho mỗi
quốc gia, vùng miền,… Có một sự thật là nét đặc trưng cho mỗi dân tộc không
phải đợi đến khi con người ra đời học hỏi, xây dựng nên mà thực tế là đã hình
thành ngay từ khi còn “trong bụng mẹ”. Người Nhật không phải ngẫu nhiên mà
thích ăn cá sống, là mẫu người quả cảm, thông minh và gan dạ. Người Philipin
thì thông thạo việc sông nước. Người Somali thì liều lĩnh, táo bạo…
Thật giả, đúng sai, được mất, hơn
thua,… đúng là trò đùa tinh vi, quái quỷ của ngôn ngữ.
…
Mỗi khi chuẩn bị cho một cuộc
tranh cử tổng thống ở một đất nước là bao nhiêu tiền của, giá trị thặng dư của
nhân loại. Việc làm đó có thật sự cần thiết không? Nếu là người thật sự tài
giỏi và đức độ, người dân cần tài năng lãnh đạo của bạn thì tự khắc bạn sẽ được
đặt vào đúng vai trò, vị trí của mình. Vận động tranh cử sẽ cần một khoản tiền
lớn và không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn phải có “Một giá trị đánh đổi tương
đương”. Rất có thể điều đó làm “Đánh mất” sự khách quan của bạn khi lãnh đạo và
có thể bạn sẽ “Đánh cắp” niềm tin của người dân dành cho bạn. Cùng với những
nguyên do khác tôi cũng nhận biết “Bạn không thật sự hoàn toàn làm chủ khi đưa
ra những quyết định trọng đại”. Thậm chí bạn có thể bị phế truất ngôi vị khi
phạm những sai lầm. Danh tiếng, địa vị, quyền hạn,… sẽ cuốn trôi tất cả khi sự
tín nhiệm không còn.
Nguyên thủ Gadafi là một điển
hình biểu trưng cho kết cuộc bi thảm của người đứng đầu đất nước. Nguyên thủ
Gadafi đã phải nhận lấy cực hình trừng phạt thật quá tàn khốc. Tôi tự hỏi “Tội
ác của nguyên thủ Gadafi có đáng phải nhận đòn thù như thế không?”. Sự thù hận
không chỉ khiến người tạo ra oán thù phải trả giá mà lâu đài, dinh thự của chế
độ Gadafi cũng bị đập đổ tan hoang? Tại sao con người lại cứ cất công xây dựng
mọi thứ để rồi lạnh lùng phá bỏ. Phải chăng thù hận đã che mờ lý trí khiến con
người không ý thức được rằng “Chính họ đã tạo ra lâu đài, dinh thự,... Máu, mồ
hôi, sức lao động,… của họ và người thân đã xây dựng những công trình tráng lệ,
xa hoa”? Thật sự bạn cần quyền lực hay bạn cần phục vụ cho người dân tốt hơn?
Nếu ngày mai tôi có gặp Tổng
thống Barac Obama, Tổng thống Putin, Thủ tướng Anh, Chính khách Pháp, Nguyên
thủ quốc gia Đức, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào,… Tôi sẽ dành cho họ một sự tôn trọng như
bất cứ người bạn nào tôi từng gặp nếu họ dành cho tôi sự tôn trọng. Nếu họ
không có sự tôn trọng thì tôi sẽ rời đi. Bởi lẽ tôi với họ có quyền con người
bình đẳng. Về sự hiểu biết cuộc sống, sự học rộng hiểu nhiều,… có thể họ hơn
tôi. Nhưng đời sống nội tâm, tinh thần, niềm hạnh phúc, an lạc, thảnh thơi
không hẳn họ có nhiều hơn tôi. Về mạng sống, tôi và họ đều có một mạng sống.
Mạng sống của tôi cũng ngang bằng, không hề nhỏ nhoi hơn họ. Quyền hạn, địa vị,
danh vọng,… không quyết định giá trị, mạng sống của con người. Nếu hiểu biết họ
sẽ tôn trọng tôi cũng như tôi đã từng tôn trọng họ. Tôi đến để giúp họ nhận ra
“Họ có đủ khả năng làm tốt hơn việc đang làm”.
Điều quan trọng nhất của người
làm chính trị là phải rõ biết tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đừng dối lừa
nhau! Đừng đánh cắp niềm tin và sự kỳ vọng ở những người dân. Bạn sẽ mất tất cả
nếu không đủ thành tín, không sống chân thật khi mà con người bước vào kỷ
nguyên “Sống hiểu biết để thương yêu”.