Bầy đàn và siêu bầy đàn

Trong quá trình hé mở câu chuyện thành thị của loài người, với La Mã cổ đại, chúng ta đã đi đến giai đoạn mà cộng đồng con người phát triển quá đông và tập trung dày đặc đến mức, xét về mặt động vật học, ngay từ khi đó, chúng ta đã sớm phải đối mặt với tình trạng như ở thời hiện đại. Tuy là trong các thế kỷ tiếp theo, tình tiết câu chuyện dần trở nên phức tạp, nhưng về bản chất thì cái cốt vẫn là như vậy. Những đám đông ngày càng trở nên dày dặc, tầng lớp thượng lưu ngày càng trở nên thượng lưu, kỹ thuật công nghệ ngày càng trở nên tinh vi. Bất đắc chí và căng thẳng nảy sinh trong cuộc sống thành thị càng trở nên nặng nề. Va chạm giữa các siêu bầy đàn càng trở nên đẫm máu.

Xã hội có quá nhiều người và điều đó cũng hàm nghĩa rằng có nhiều mạng sống để mà thừa thãi, để mà phung phí. Khi các mối quan hệ giữa người với người, mất hút trong đám đông, trở nên phi cá nhân hơn bao giờ hết, thì sự vô nhân đạo giữa người với người cũng gia tăng tới mức khủng khiếp. Tuy nhiên, như tôi đã nói trước đây, mối quan hệ phi cá nhân không phải là mối quan hệ có tính người xét về mặt sinh học, vì thế điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Đáng ngạc nhiên là ở chỗ các siêu bầy đàn bung phình ra đó vẫn sinh tồn, và hơn thế, lại sống khỏe. Đó không phải điều chúng ta nên cảm thấy bình thường chỉ vì chúng ta đang ngồi đây trong thế kỷ 20, mà đó là điều mà chúng ta nên bái phục.

Đó là bằng chứng gây sửng sốt cho tài khéo léo, tính ngoan cường và sự mềm dẻo đáng ngạc nhiên của chúng ta trong vai trò một loài. Chúng ta đã làm được điều đó như thế nào? Tất cả những gì chúng ta từng có để tiến bước, với tư cách động vật, chỉ là một tập hợp các đặc tính sinh học đã tiến hóa trong quá trình lâu dài học hỏi nghề săn bắt. Câu trả lời phải tìm trong bản chất của những đặc tính này và cách thức chúng ta có thể khai thác và vận dụng chúng mà không bóp méo chúng đến mức tệ hại như chúng ta dường như đã làm (một cách thiển cận). Chúng ta cần xem xét chúng tỉ mỉ hơn.

Hãy nhớ về nguồn gốc khỉ của chúng ta, bởi tổ chức xã hội của các loài khỉ còn sinh tồn có thể cung cấp cho chúng ta một số đầu mối khám phá. Sự tồn tại của những cá thể hùng mạnh và áp đảo, khống chế toàn bộ phần còn lại của nhóm, là hiện tượng phổ biến trong thế giới linh trưởng bậc cao. Các thành viên yếu hơn trong nhóm chấp nhận vai trò lệ thuộc của mình. Chúng không rúc đầu vào các tầng cây thấp để sống riêng một khoảnh. Cả sức mạnh lẫn sự an toàn nằm trong số đông. Khi số đông này trở nên quá lớn, tất nhiên một nhóm phân lập sẽ hình thành và ra đi, nhưng các cá thể khỉ cô lập đều là bất thường. Cả nhóm cùng nhau thay đổi chỗ ở và gắn bó với nhau mọi lúc mọi nơi. Lòng trung thành này không chỉ đơn thuần là kết quả của hành động chuyên chế cưỡng ép từ phía các thủ lĩnh, những con đực đầu đàn. Chúng có thể là những kẻ bạo ngược, nhưng chúng cũng đóng vai trò khác: vai trò bảo vệ và che chở. Nếu có mối đe dọa từ bên ngoài đối với nhóm của chúng, chẳng hạn cuộc tấn công từ một con thú săn mồi đói khát, thì chính chúng sẽ là những thành viên phòng thủ tích cực nhất. Đối mặt với thách thức từ bên ngoài, những con đực đầu đàn tập hợp cùng nhau để đương đầu, các tranh cãi nội bộ tạm thời được quên đi. Nhưng trong các dịp khác thì mức hợp tác trong nhóm chỉ là tối thiểu.

Trở lại với con vật người, ta có thể thấy rằng cơ chế cơ bản này – sự hợp tác xã hội khi đối ngoại và cạnh tranh xã hội khi đối nội – cũng xảy ra đối với chúng ta, mặc dù các tổ tiên người tiền sử của chúng ta đã buộc phải du di cơ chế cân bằng này đôi chút. Cuộc đấu tranh phi thường của con vật người để chuyển đổi từ động vật ăn hoa quả thành thợ săn đòi hỏi sự hợp tác nội bộ nhiều hơn và tích cực hơn. Thế giới bên ngoài, ngoài việc hễ có dịp lại là nguồn cơn cho những nỗi sợ hãi, giờ đây gần như tung ra những thách thức dồn dập đối với gã thợ săn mới toe. Kết quả là các cá thể tự động dịch chuyển về phía tương trợ lẫn nhau, về phía chia sẻ và kết hợp các nguồn lực. Điều này không có nghĩa là con người tiền sử đã bắt đầu tồn tại thành một thể thống nhất, như một đàn cá; cuộc sống quá phức tạp cho điều đó. Sự cạnh tranh và tập thể lãnh đạo vẫn còn lại, giúp tạo ra sự thúc đẩy và giảm tính do dự, nhưng uy quyền chuyên chế đã bị hạn chế đi rất nhiều. Loài người dần đạt được một sự cân bằng tinh tế, mà như chúng ta đã thấy, sự cân bằng đó được chứng minh là hết sức thành công, cho phép những người thợ săn tiền sử tỏa ra phần lớn bề mặt trái đất, chỉ với mức công nghệ tối thiểu trợ giúp họ trên chặng đường mới.

Điều gì đã xảy ra với sự cân bằng tinh tế này khi các bầy đàn nhỏ bé bùng nổ và trở thành các siêu bầy đàn khổng lồ? Với sự tuyệt diệt của mô thức bầy đàn mà trong đó cá nhân đối diện với từng cá nhân, con lắc cạnh tranh/hợp tác bắt đầu đu đưa một cách nguy hiểm, và kể từ đó nó đã dao động bất lợi cho con người. Do số thành viên lệ thuộc trong các siêu bầy đàn đã trở thành các đám đông phi cá nhân, nên những dao động dữ dội nhất của con lắc đều hướng về phía áp bức, cạnh tranh. Các nhóm đô thị phát triển quá mức đã nhanh chóng và nhiều lần trở thành con mồi cho các hình thái cường điệu của sự bạo ngược, chuyên chế và độc tài. Các siêu bầy đàn sản sinh ra các siêu lãnh đạo, những kẻ thi hành quyền lực tới mức nếu đem so sánh thì các bạo chúa khỉ trước đây còn thuộc loại khá nhân từ. Chúng cũng sản sinh ra những cá nhân siêu lệ thuộc dưới hình thức nô lệ, những kẻ phải chịu đựng sự luồn cúi cùng cực hơn bất kỳ những gì mà ngay cả những con khỉ thấp kém nhất có thể biết tới.

Cần phải có nhiều hơn một kẻ chuyên quyền để thống trị một siêu bầy đàn theo phương cách áp chế. Ngay cả với các công nghệ chết chóc mới – vũ khí, nhà tù, đòn tra tấn – để giúp hắn duy trì các điều kiện của chế độ nô dịch khắp nơi bằng vũ lực, hắn cũng cần phải có một lượng lớn tùy tùng nếu muốn thành công trong việc duy trì con lắc sinh học lệch sang hẳn một bên. Điều này là có thể, bởi những kẻ tùy tùng, cũng như các thủ lĩnh, đã bị tiêm nhiễm tính phi cá nhân của trạng thái siêu bầy đàn. Họ xoa dịu phần nào cái lương tâm hợp tác bằng cách lập ra các phân nhóm, hoặc các giả bầy đàn, ngay trong khối siêu bầy đàn kia. Mỗi cá nhân thiết lập các quan hệ cá nhân kiểu sinh học xưa kia với một nhóm nhỏ, quy mô cỡ bầy đàn, bao gồm các đồng loại dựa theo mối quan hệ xã hội hay nghề nghiệp.

Trong phạm vi nhóm đó, anh ta có thể thỏa mãn các thôi thúc cơ bản vốn hướng về phía tương trợ và chia sẻ. Các phân nhóm khác – chẳng hạn, giai cấp nô lệ – khi đó có thể được nhìn nhận một cách thuận tiện hơn như là những kẻ nằm ngoài tầm che chở của anh ta. “Tiêu chuẩn kép” xã hội đã ra đời. Sức mạnh ngấm ngầm của sự phân nhóm kiểu mới này nằm ở thực tế là chúng có khả năng khiến các quan hệ cá nhân được xúc tiến theo cách thức phi cá nhân. Mặc dù một kẻ lệ thuộc – nô lệ, đầy tớ hay nông nô – có thể được ông chủ biết tới với tư cách cá nhân, nhưng việc anh ta được xếp đặt rõ ràng trong một nhóm xã hội thấp kém khác cũng có nghĩa anh ta có thể bị đối xử tồi tệ như một kẻ thuộc đám đông phi cá nhân.

Trích "Chương 1: Bầy đàn và siêu bầy đàn" - VƯỜN THÚ NGƯỜI (Desmond Morris)
NXB: Hội Nhà Văn
Previous Post
Next Post