Đại văn hào M.Gorki đã từng nói: “Nơi lạnh giá nhất trên thế giới không phải ở Bắc cực mà là ở nơi thiếu tình thương”. Tình cảm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người, là nền tảng để xây dựng những chuẩn mực đạo đức trong xã hội, tạo ra cái phần “người” trong mỗi cá nhân. Thế nhưng, có một tình trạng đáng buồn đang diễn ra hiện nay là nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đang tự “đóng băng” thế giới tâm hồn và cảm xúc của mình để sống với lòng ích kỉ, chỉ nghĩ cho bản thân mình. Người ta vẫn quen gọi đó là thái độ vô cảm.
Thế nhưng, một vấn đề phức tạp liên quan đến cả tâm lý học, xã hội học và nhân cách con người đâu chỉ gói gọn trong hai từ ấy! Trong cuộc sống hiện đại, khái niệm này lại càng được phổ biến hơn cả, trở thành một hiện tượng đáng quan ngại. Vô cảm là sự thờ ơ, thản nhiên trước những nỗi đau của người khác, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ để tự phòng cho mình tránh rơi vào trường hợp đó. Xét trên góc độ tâm lý, vô cảm không phải là một chứng bệnh mà là kết quả của quá trình tác động tiêu cực từ gia đình, nhà trường, xã hội. Một con người khi phải chịu những cú sốc tinh thần, luôn phải sống trong nỗi ám ảnh, khủng hoảng về tâm lý hay tình cảm bị chà đạp thì thường có xu hướng tự thu mình lại, đóng băng tình cảm của mình để tránh những tác động bên ngoài. Đó cũng có thể xem là một cách để con người tự vệ trước những tác động của môi trường sống nhưng đã vô tình huỷ hoại thế giới cảm xúc của họ.
Nếu sự vô cảm được lặp đi lặp lại nhiều lần thì con người sẽ trở nên thờ ơ, dửng dưng với tất cả những gì đang diễn ra xung quanh; hờ hững với hoàn cảnh, khó gây được hứng thú và cảm xúc, tình cảm. Vô cảm có thể xảy đến với tất cả mọi người, tất cả những đối tượng khác nhau, đặc biệt là đối với những người sống nội tâm hay những đối tượng luôn phải chịu đựng những nỗi đau to lớn về tinh thần. Tuy nhiên, ngay cả đến những người luôn có thái độ sống lạc quan, vui vẻ khi đột ngột gặp phải những cú sốc lớn hay cả đến những người đầy đủ về vật chất nhưng lại thiếu thốn về tình cảm. Hiện tượng vô cảm lan tràn rất nhanh, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và trẻ em vị thành niên. Bước vào giai đoạn tâm sinh lý có nhiều biến chuyển, nếu không có nhận thức đúng đắn thì đối tượng này rất dễ trở nên sợ sệt, vô cảm trước cuộc sống. Và những cú sốc, những trục trặc tâm lí có thể sẽ ám ảnh các em trong một thời gian dài. Trẻ em mắc chứng vô cảm sẽ trở nên lầm lì, thụ động không thiết tha với những hành vi biểu lộ cảm xúc, chọn cách ngồi lì một chỗ thay vì vui chơi với bạn bè. Lâu ngày, tất cả những biểu hiện trên sẽ trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến nhiều hậu quả tâm lí nghiêm trọng khác.
Vậy làm thế nào để chúng ta tiếp cận với vấn đề tâm lý phức tạp này hiệu quả nhất? Cách tốt nhất chính là đi từ nhận thức để làm sáng tỏ nhận thức. Hiện nay, có rất nhiều những thuật ngữ, những khái niệm khác nhau để nói về lối sống dửng dưng, thờ ơ trước cuộc sống, thế nhưng mỗi khái niệm đều mang những ý nghĩa khoa học và những biểu hiện khác nhau. Và cách tiếp cận thực tế thông qua sự so sánh, đối chiếu giữa các khái niệm này sẽ lô-gíc và sâu sắc hơn.
Một khái niệm vẫn thường bị hiểu lầm với vô cảm chính là hiện tượng trầm cảm. Hai khái niệm này cùng chung trên một quá trình thay đổi tiêu cực của tâm lý, nhưng lại có sự cách biệt khá xa. Khi rơi vào tình trạng vô cảm trong một thời gian dài, con người sẽ mắc phải một bệnh lí nghiêm trọng mới về thần kinh, đó chính là trầm cảm. Người mắc bệnh trầm cảm cũng có những suy nghĩ và biểu hiện tương tự như người bị vô cảm, nhưng lại ở một mức độ trầm trọng hơn, có thể dẫn đến hành vi tự sát. Vincent Van Gogh là một hoạ sĩ tài năng cũng đã tự tử vì mắc chứng trầm cảm. Trước khi chết, ông thường có những biểu hiện như luôn cảm thấy áp lực, tuyệt vọng, cơ thể và tinh thần đều trở nên mệt mỏi, không muốn giao tiếp với bất kì ai và luôn thấy mình bất lực, vô dụng. Điều đó dẫn đến sự tự sát là tất yếu.
Nhìn lại thực trạng của hiện tượng tự tử hiện nay thì chiếm đến 50% nguyên nhân là do trầm cảm. Và đáng báo động hiện nay chính là một bộ phận giới trẻ đang phổ biến chứng vô cảm bằng cách chạy theo những lối sống tiêu cực như “emo”, cách suy nghĩ “mackeno” (“mặc kệ nó”). Nếu tiếp tục lối sống này rất có thể dẫn đến hội chứng trầm cảm và những hậu quả khôn lường. Hiện tượng tự sát hàng loạt của các ngôi sao trong làng giải trí xứ Hàn hiện nay đã gióng lên một hồi chuông báo động về tình trạng này. Họ đã không thể chịu được những áp lực tinh thần, trở nên vô cảm trong một thời gian dài rồi trầm trọng hơn để tìm đến cái chết. Phải chăng vô cảm đã đưa họ đến với cái chết?
Không cùng trên một quá trình với vô cảm, nhưng lối sống thiên về lí trí lại được nhiều người cho rằng đó là một biểu hiện của chứng vô cảm. Người ta thường đối lập giữa lí trí và tình cảm, giữa cách suy nghĩ thuận theo lẽ tự nhiên, theo khoa học và những ý niệm thiên về tình cảm, về suy nghĩ cá nhân của con người. Tuy nhiên, không phải cứ sống thiên về lí trí hơn tình cảm là trở nên vô cảm. Con người sống thiên về lí trí, mọi quyết định, hành động thường dựa trên những quy tắc, những chuẩn mực riêng khó thay đổi. Nhiều người cho rằng, người sống lí trí thường có những hành động cứng nhắc, vô tình. Điều này không sai. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là họ vẫn có một thế giới quan đúng đắn về con người, về xã hội và họ cũng luôn dành sự quan tâm của mình với thế giới xung quanh. Điều này thì một người vô cảm không thể có được. Có giống nhau chỉ là trong một vài điểm trong cách xử trí công việc, những tình huống trong cuộc sống. Sống lí trí hoàn toàn không phải là một nguyên nhân dẫn đến vô cảm, có khi chính lối sống quá tình cảm lại dễ dàng dẫn đến hội chứng vô cảm hơn chăng?
Điều này là hoàn toàn có thể. Người sống thiên về tình cảm thường yếu đuối hơn người sống lí trí, và vì thế rất dễ ngã gục khi gặp phải những cú sốc tâm lí. Và từ lối sống quá tình cảm, họ lại dễ dàng trở nên rụt rè, e sợ khi phải mở lòng, khi trao tình cảm cho người khác vì sợ chuyện tình cảm lại đổ vỡ, lâu ngày đã dẫn đến hội chứng vô cảm. Thường trường hợp này đa số xảy ra với nữ giới, nhưng nếu người nam giới sống thiên về tình cảm thì những tác động của vô cảm càng mạnh mẽ hơn. Sống thuận theo tình cảm giúp con người luôn mở lòng với thế giới xung quanh, sống hết mình và cảm nhận cuộc sống một cách trọn vẹn nhất. Thế nhưng, vì mãi chạy theo những tình cảm mà đánh mất đi lí trí, đánh mất sự sáng suốt trong cuộc sống thì ắt sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, mà dễ gặp phải nhất chính là vô cảm.
Vô cảm đâu chỉ đơn giản là con người chỉ biết sống ích kỉ cho bản thân mình, không màng đến cuộc sống xung quanh! Nếu chỉ như thế thì vô cảm mãi mãi là vấn đề tâm lí của mỗi cá nhân, sao có thể trở thành một hội chứng đáng báo động trong xã hội. Điều tệ hại nhất mà vô cảm gây ra cho nhân loại chính là nhân cách con người đang dần bị huỷ hoại, con người lạc mất chính mình. Từ vô cảm đã dẫn đến nhiều hành vi tội lỗi, sai lệch với những chuẩn mực đạo đức xã hội. Ranh giới giữa vô cảm và sự tàn nhẫn, những hành vi mất nhân tính là rất mỏng manh. Thờ ơ trước nỗi đau để rồi chính bản thân họ gây ra nỗi đau cho người khác. Có một số việc bạo hành xảy ra trong xã hội, có khi kéo dài cả chục năm, mà không có sự can thiệp của lân cận và các cơ quan hữu trách, như việc một cô bé Vũ Thị Văn ở Quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) bị chủ hành hạ, và chỉ được phát giác và đưa ra tòa khi có một bà hảo tâm giúp cho cô bé trốn đi khỏi nhà chủ. Có những việc bạo hành xảy ra ở nhà trường, nhà giáo bạo hành với học sinh, học sinh bạo hành với nhà giáo, mà không được xã hội chú ý đúng mức. Đó là những sự thật đang diễn ra trong chính cuộc sống của chúng ta, sự vô cảm đã khiến cho còn người tàn nhẫn đến lạ lùng.
Một ví dụ rõ ràng khác cho sự suy đồi nhân cách của con người từ thái độ vô cảm, lạnh lùng trước nỗi đau: trong phóng sự Thú rừng khóc than ở phố (Hà thành) đăng trên báo Hà Nội Mới ngày 13/1/2008, tác giả Bùi Lương Việt viết: Có lẽ, kinh hãi nhất đối với tôi ở cái quán thịt thú rừng này là khi chứng kiến cảnh giết thịt con cu li (có nơi gọi là con lười- một loài vật thuộc họ hàng nhà khỉ). Nó được đưa tới chiếc bàn nhậu bằng một chiếc lồng sắt được thiết kế khá đặc biệt, ôm gọn lấy con vật, đến nỗi nó chỉ còn thò đúng hai tay hai chân ra bên ngoài. Con vật đưa ánh mắt sợ sệt thò tay quềnh quào như van xin. Mặc, đám thực khách vây quanh đưa ánh mắt vô cảm chờ đợi. Tiếng một ai đó trong bàn hô bắt đầu, con vật bị hai thanh sắt như chiếc kìm từ từ nâng lên, một đoạn đầu nhô ra khỏi lồng. Chai rượu trong tay gã đầu bếp đổ tràn trề trên đầu con vật. Phập, một lưỡi dao sáng loáng lướt qua, con cu li giãy rụa. Mảnh hộp sọ được lật ra, rượu tiếp tục đổ, đĩa chanh để sẵn trên bàn được đám thực khách vắt vào đầu con vật, rồi rượu nâng lên. Từng người tay cầm thìa, múc từng thìa óc con vật bỏ vào miệng như chẳng có chuyện gì xảy ra.” Không cần quá nhiều lời để nói thêm về vấn đề này. Chính sự vô cảm, tàn nhẫn đã giết chết phần “người” trong họ.
Còn có những hiện tượng của thái độ vô cảm tiềm ẩn và tế nhị hơn nhiều. Thí dụ như vẫn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo : để cho những bất cập (bệnh thành tích, việc học giả bằng thật, việc mạo danh tiếm xưng, việc buôn bán giáo dục, việc mở tràn lan những đại học trong khi không có đủ đội ngũ nhà giáo tương xứng,…) hoành hành mà chưa có biện pháp xử lí triệt để, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hay trong cuộc sống hiện đại, con người đang dần thích nghi với cuộc sống mới, một số bộ phận đã dần trở nên vô cảm, ngoảnh mặt lại với những giá trị đạo đức, văn hoá bền vững của dân tộc. Tất cả đều phụ thuộc vào ý thức của con người, nhưng có được điều đó không phải là dễ. Có hàng trăm giải pháp giúp con người tránh và thoát khỏi hội chứng vô cảm, tuy nhiên tất cả đều phải hướng đến mục tiêu xây dựng một môi trường sống đầy ắp tình yêu thương, sẻ chia. Và quan trọng hơn cả là ý thức của con người biết hoà mình vào thế giới xung quanh để được trải lòng cùng cuộc sống.
Người ta vô cảm khi người ta đang khao khát tình cảm tột đỉnh. Trái tim con người không phải là sỏi đá, cả những người sống lí trí, vô cảm hay thậm chí là trầm cảm vẫn luôn có những rung động của một con người. Làm thế nào để làm sáng cái phần “người”, đó là nhiệm vụ của mỗi cá nhân theo định hướng của môi trường xung quanh. Lựa chọn được thái độ sống và cư xử đúng đắn sẽ mang lại một cuộc sống mơ ước cho mỗi chúng ta. Xin được trích dẫn một câu nói nổi tiếng của cô gái can đảm Trần Tử Khâm – “Hoa hướng dương không cần mặt trời” thay cho lời kết: “Chúng ta không thể quyết định tuổi thọ của mình dài ngắn thế nào, nhưng chúng ta có thể nắm được không gian của sự sống; tuy không thể quyết định lúc nào giã từ thế giới nhưng chúng ta có thể làm cho cuộc đời hữu hạn của mình tỏa ánh sáng ấm áp. Vì cuộc đời là của ta, người khác chẳng thể quyết định gì về cuộc đời ta. Chúng ta càng rất nên sống cho hết mình.”