Theo học khoa Tâm lý từ những năm 1960, một người bạn của tôi tham gia vào một cuộc nghiên cứu, trong đó họ chích điện vào lũ chuột thí nghiệm mỗi khi chúng cố lấy thức ăn từ trong khay. Chẳng bao lâu sau, chúng không còn dám xớ rớ đến gần khay thức ăn nữa vì sợ bị điện giật. Sau đó, người ta ngắt nguồn điện và đặt nhiều thức ăn hấp dẫn hơn vào khay. Nhưng lũ chuột tuyệt nhiên không dám đến gần. Thời gian trôi qua, chúng thà chết đói chứ không dám liều mạng đến gần khay kiếm chút thức ăn vì sợ bị chích điện.
Tương tự như vậy, bạn có thể hình dung con người chúng ta, nhìn chung, cũng bị “lập trình” bởi những sự việc trong quá khứ để đi đến chỗ chấp nhận cái đói, thậm chí cái chết chứ không dám đối đầu với nỗi sợ hãi một lần nữa? Đó chính là điều đã xảy ra với những chú chuột ở trên. Bất cứ lúc nào, chúng cũng có thể quay lại khay thức ăn để thưởng thức những món ăn ngon lành, để lại béo tốt và trở về với cuộc sống bình thường. Nhưng mà chúng, thà chết đói, chứ không dám thử lấy một lần. Ghê gớm thay sức mạnh của những chương trình tiêu cực!
Lần đầu tiên tôi được nghe Zig Ziglar nói chuyện là cách đây 20 năm, ông kể cho tôi nghe hai câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất là về những con bọ chét và câu chuyện thứ hai là về loài voi. Ông nói rằng, nếu bạn cho những con bọ chét vào một cái lọ cổ thấp thì chúng sẽ lập tức nhảy ra ngoài. Tuy vậy, khi bạn đậy nắp lọ lại, lúc đầu chúng sẽ nhảy điên cuồng, nhưng chẳng mấy chốc chúng sẽ bỏ cuộc. Sau đó, khi bạn mở nắp ra, bạn nghĩ lũ bọ lập tức nhảy ra ngoài ư? Không đâu, chúng sẽ ở lỳ dưới đáy lọ… và không bao giờ cố gắng thoát khỏi lọ nữa. Giống như loài chuột, chúng bị lập trình bởi những giới hạn trong quá khứ để chấp nhận rằng những giới hạn ấy sẽ tồn tại mãi trong tương lai.
Phải, ngu ngốc làm sao những loài vật bé nhỏ. Một con voi có bộ não lớn hơn và chắc chắn thông minh hơn nhiều so một con bọ chét hay một con chuột. Vậy mà các đoàn xiếc vẫn huấn luyện voi con bằng cách xích chúng vào một cái cột được cắm chặt xuống đất. Chú voi con nhanh chóng hiểu rằng, mỗi khi nó cảm nhận được sợi dây thừng quấn quanh cổ mình và bị sợi dây kéo giật lại thì nó không đi xa được nữa. Lớn lên một chút, chú voi có thể dễ dàng nhổ bật cái cột, tựa như ta bứng một cây con, nhưng chẳng bao giờ nó thử làm chuyện này, bởi vì nó đã yên trí rằng, mỗi khi có sợi dây thừng quấn vào cổ và bị kéo giật lại thì nó phải dừng lại thôi.
Nghe những câu chuyện trên tôi không khỏi thấy buồn cho loài bọ chét và những chú voi, tôi còn buồn hơn cho những con chuột khốn khổ. “Chương trình” mà chúng tự lập ra kia đã dẫn chúng đến chỗ bị bỏ đói, bị chết và bị tước đoạt tự do một cách ngớ ngẩn. Tuy vậy, những câu chuyện này cũng không thể nào so sánh được với tấn bi kịch giáng xuống đầu hàng trăm triệu học sinh Mỹ đã phải trải qua hệ thống giáo dục lạc hậu già cỗi từ những năm 1940, mà tôi là một trong số đó. Giống như loài bọ chét, chuột và voi, bạn được lập trình sẵn bởi các thầy cô giáo, huấn luyện viên, bạn bè và thậm chí các bậc cha mẹ để đi đến chỗ tin rằng bạn chỉ là một kẻ thường thường bậc trung. Và khi là một đứa trẻ chẳng có gì đặc biệt, bạn dần dần tin rằng mình chỉ có thể làm được những việc xoàng xĩnh. Mặc dù những người góp phần vào việc lập trình bạn không hề có chủ ý, tiếc thay nó lại có sức mạnh vô cùng to lớn.
Vào lúc bạn tốt nghiệp phổ thông thì não của bạn đã “chạy” trơn tru và thông suốt một chương trình toàn diện cho sự tầm thường, và từ lúc ấy hầu như ai trong chúng ta cũng có khuynh hướng không thể thay đổi là chấp nhận cái tầm thường, cái xoàng xĩnh là điều tốt nhất mà chúng ta có thể đạt được trong tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Chúng ta chấp nhận một cuộc hôn nhân tàm tạm và những mối quan hệ hời hợt mà không phấn đấu để có đời sống tình cảm phong phú, chất lượng hơn. Chúng ta chỉ thực hiện những yêu cầu tối thiểu trong công việc mà không một lần thử phá kỷ lục của người đi trước. Chúng ta không dám mạo hiểm, không dám đưa các ý tưởng vào kinh doanh bởi vì chúng ta thật sự tin rằng mình không có khả năng vượt qua những thách thức lớn để đạt được những thành tích nổi bật, phi thường.
Trong khi cái chương trình mà tôi gọi là “tầm thường hóa” này không khiến ai bị chết đói, nó lại gây ra những hậu quả tồi tệ cho hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu người với kiểu “sống mòn”. Thử hỏi, mỗi ngày có bao nhiêu cặp vợ chồng lôi nhau ra tòa ly dị bởi họ không có một tầm nhìn xa, không có sự tự tin và không biết cách biến việc góp gạo thổi cơm chung tầm thường hay tệ hại thành một cuộc sống lứa đôi đầy ắp tiếng cười. Bi thảm không kém, nhiều đôi uyên ương “cơm không lành canh không ngọt” nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng nhau trong nhiều năm hoặc cả đời người, chỉ vì họ không nghĩ rằng mình có thể làm điều gì đó để chuyển mối quan hệ mệt mỏi, đầy mâu thuẫn này thành một cuộc sống tràn đầy tình thương yêu như họ hằng mong muốn.
Còn về học vấn thì sao? Hơn nửa số sinh viên ghi danh vào đại học nhưng không bao giờ tốt nghiệp nổi. Họ cũng bắt đầu với bao mơ ước dạt dào của tuổi trẻ, nhưng lại sớm bỏ cuộc vì đã quen với cách nghĩ rằng họ chẳng có tài cán gì để vươn tới những đỉnh cao. Nhiều người kiếm được mảnh bằng đại học ở một lĩnh vực mà họ không ưa thích, chỉ vì họ không nghĩ rằng mình đủ giỏi để học ngành khác.
Trên đời có biết bao nhiêu người ngừng theo đuổi công việc mơ ước của mình, không phải vì họ thích một công việc khác, mà vì họ nghĩ đó là công việc tốt nhất mà họ làm được, xét trên các yếu tố khả năng, điều kiện và hoàn cảnh. Các cuộc khảo sát cho biết có đến 85% người lao động muốn đổi sang công việc khác hoặc ngành nghề khác nhưng cũng giống như loài bọ chét, chuột hay voi, họ không thể thoát khỏi một nơi mà những sự việc trong quá khứ đã “ấn” họ vào đấy.
Nguồn: Trích sách Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ