Nếu trường học chỉ làm chức năng truyền đạt kiến thức, sẽ tắt đi hy vọng của nhiều phụ huynh về “mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương”. Đầu tắt mặt tối trong cuộc sống bon chen tại một thị trường nguyên thuỷ, nhiều cha mẹ vẫn mong đời con mình được củng cố nhờ học vấn. Hiện tại, có được học vấn cao vẫn được mường tượng là lối mòn duy nhất đưa đến thành đạt, thường không thể thiếu vòng nguyệt quế là “vinh quy bái tổ”.
Các nhà Trung Quốc học của Việt Nam từng cảnh báo: “đập tan cái nguyên lý quyền uy (principe d’autorité, ngụ ý về tư tưởng và học thuật) của Khổng Tử không phải dễ dàng”. Nhưng…
Khi nào bỏ “Tiên học lễ” trong môi trường giáo dục?
Khi các nhà quản lý giáo dục nhận thấy việc áp dụng hình thức, xa thực tế, các giải pháp đồng loạt, “một kích cỡ” (theo tiếp cận của Khổng giáo hay bất cứ hệ tư tưởng giáo điều và hoang đường nào) lên một quá trình đa dạng và phức tạp, như dạy và học ở Việt Nam hôm nay, đã không còn chân phương như một thời “đói cho sạch, rách cho thơm”.
Khi các nhà khoa học giáo dục nhận thấy triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay chưa thoát khỏi “bàn tay Phật Như lai” của quản lý tập trung, quan liêu. Bằng không, “Tiên học lễ’ sẽ lại được thay bởi một hô hào nào đó theo phong cách “một cỡ giày cho mọi cỡ chân”.
Khi các nhà hoạch định chính sách không quên đeo kính cận để nhận thấy các mặt trái của đô thị hoá: làn sóng “di cư” về thành phố do người nông dân bị tách khỏi ruộng đồng trong tiến trình công nghiệp hoá “quảng canh”, tình trạng trẻ em phải bỏ học, tình trạng giáo quyền hoá trở lại (người dân đặt lòng tin vào tôn giáo/sức mạnh thần bí, do khủng hoảng lý tưởng và hình mẫu phát triển bền vững…).
Khi các nhà lãnh đạo giáo dục thôi thờ ơ với những quy luật phổ cập của một xã hội quá độ từ kinh tế đạo đức (moral economy) sang kinh tế thị trường, thôi tỏ thái độ gia trưởng đối với các tầng cấp dưới (ban giám hiệu trường, các thầy cô, phụ huynh, học sinh)…
Các bước làm lu mờ khẩu hiệu
Khi đã hội được điều kiện cần, có vẻ như không quá khó nói trên, phải tái xác lập công dụng hợp pháp của môi trường giáo dục, và tư cách của các tự nhiên nhân liên quan. Cụ thể là làm sao cho “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”.
Trường không thể là nơi mà quạt trong lớp học chực rơi xuống đầu học sinh, kêu mãi chẳng ai chuyển, trong khi các khoản phụ thu thì đừng có nói chuyện trì hoãn việc đóng.
Thầy phải có mức lương tương xứng để lương tâm nhà giáo còn có cơ tồn tại. Học sinh một lớp chỉ nên có khoảng 25 em, để cha mẹ học sinh không phải tranh nhau mua sự quan tâm của cô dành cho con mình, hoặc tệ hơn, mua chỗ ngồi cho con. Các cháu đến trường đã được chuẩn bị tốt, không phải với kiến thức “đi trước một học kỳ” mà là một nhân cách tương thân tương ái, trau dồi từ vườn trẻ, mẫu giáo.
Phải lành mạnh hóa qui trình chi tiêu tiền ngân sách cho giáo dục công, không để con cháu học “chay” trong sự bất kính, hoặc vô cảm, với một nền giáo dục bị “rút ruột”.
Nên chăng, tạo một tiếp cận phi tập trung cho việc này. Bỏ ngay khẩu hiệu “Tiên học lễ” với những vùng, những trường tỏ ra xa lạ với “lễ” – thay bằng các khẩu hiệu mà tập thể giáo viên – phụ huynh – học sinh nghĩ rằng thích hợp với trường mình. Với những vùng, những trường mà văn hoá bản địa cho phép nhận thức mặt tốt của chữ ‘lễ’ (lễ phép), có thể cứ để họ treo khẩu hiệu này cho đến khi người dân có ý kiến khác…
Nên chăng, tiến hành trong các trường THCS một cuộc trưng cấu ý kiến của học sinh các lớp lớn về một khẩu hiệu gần gũi với trái tim, khối óc của các em?
Nếu không bỏ, thì….
Trong trường hợp xấu vừa, các biến tướng của chữ ‘lễ’ có thể giúp rèn đúc những thế hệ rô bốt mù quáng, chỉ biết chấp hành, không có khả năng “đấu tranh trong nội bộ” như một thứ sức đề kháng cho tổ chức, hay nể nang, sợ “phạm huý”, nhắm mắt tuân theo những giáo điều.
Học giả Đông Âu chẳng hạn, nghĩ rằng người Việt có vẻ trọng lễ nghĩa, dẫn đến mức khá tuỳ tiện trong công việc, hay “linh động”, về thực chất là coi thường luật lệ, chuẩn mực, làm co hẹp khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị của thế giới đương đại. Thêm một chút lươn lẹo… sẽ chỉ phù hợp với những giá trị “chợ Vòm”…
Trong trường hợp xấu nhất, có thể hình thành những nhân cách có “tầng dưới” là duy vật thô thiển, lý tài, do ảnh hưởng thị trường nguyên thuỷ “xã hội đen”; còn “tầng trên” là duy tâm mù quáng đến mức dị đoan, cuồng tín – biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm thấm đẫm trong triết lý Khổng giáo.