Trong xã hội kém phát triển, cái thiện dễ nhận thấy và cái ác cũng dễ xuất đầu lộ diện. Cái ác có thể trắng trợn hiện hình, thách thức lương tri.
Trong xã hội văn minh, cái ác lẩn khuất, đan xen cái thiện. Cái ác được ngụy trang tinh vi, thậm chí khoác áo thánh thiện, đạo lý, lương tâm, trách nhiệm... Cái ác có thể làm bùng nổ chiến tranh dưới danh nghĩa “bảo vệ hoà bình thế giới”. Cái ác rửa tiền trong vỏ bọc nhân văn “làm từ thiện”...
Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác là cuộc đấu tranh dai dẳng và ngày càng quyết liệt. Nó song hành với sự phát triển của xã hội loài người.
Suy cho cùng, mọi cái ác đều xuất phát từ lòng ham muốn thoả mãn những dục vọng của con người. Nhiều khi ranh giới giữa thiện và ác hết sức nhỏ nhoi và mong manh. Nó tồn tại song song ngay trong chính mỗi con người. Mong manh đến mức đôi khi bước qua nó mà chính người trong cuộc cũng không thể lý giải được.
Nhiều khi con người thực hiện cái ác mà không lường hết được hậu quả khôn lường từ hành vi gieo mầm ác của mình. Chính vì vậy tiêu diệt cái ác lại càng khó khăn hơn. Cái ác không những được che đậy tinh vi hơn mà nhiều khi còn bùng phát bất thường từ chính những con người vốn được xem là lương thiện.
Cái ác ẩn hình trong bánh phở chứa phóc-môn, trong trái cây chín mọng ngâm dung dịch độc hại, gây ung thư cho con người; Cái ác lẩn khuất trong mầm rau non tơ nhiễm thuốc trừ sâu hay phân hữu cơ mang mầm dịch bệnh; Cái ác nhào trộn trong sữa nhiễm melamine gây sỏi thận và nguy cơ tử vong ở hàng ngàn trẻ em, tạo nên dư chấn của thị trường sữa ở nhiều quốc gia...
Kẻ thực hiện cái ác không vì mục đích tiêu diệt con người mà là vì lợi nhuận, vì đồng tiền. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành kẻ thủ ác nếu một khi lương tâm thánh thiện của mình bị che lấp bởi lòng tham và dục vọng.
Cuộc chiến chống cái ác trong bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm trở nên phức tạp, khó khăn hơn bao giờ hết. Cái ác không lộ diện. Cái ác không công khai tuyên chiến. Cái ác nhiều khi bùng phát ngẫu nhiên như ung nhọt nẩy sinh ngay từ trong huyết mạch của con người.
Hai giải pháp để huỷ diệt những mầm ác này là:
1. Tuyên truyền, giáo dục, cảm hoá, giác ngộ, nâng cao nhận thức, lương tâm, trách nhiệm của người sản xuất trước cộng đồng xã hội; kết hợp các chế tài xử phạt nghiêm minh những vi phạm nhằm đủ sức răn đe.
2. Nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và của cả cộng đồng xã hội; ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tổ chức bộ máy Thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm ngang tầm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc phát hiện các sai phạm đang ngày càng tinh vi và tiềm ẩn ở mọi nơi, mọi lúc, từ khâu sản xuất đến chế biến và lưu thông của thị trường thực phẩm.
Việc quy kết, đùn đẩy trách nhiệm hay khoán trắng “trận tuyến” an toàn vệ sinh thực phẩm cho riêng một cơ quan, tổ chức nào đều có thể dẫn đến sự “vỡ trận” trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác. Điều cần làm là phải huy động tất cả các cơ quan chuyên môn, các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và toàn dân vào cuộc; kết hợp việc tăng cường giáo dục, cảm hoá, hướng thiện cho người dân trong quá trình sản xuất với việc triển khai cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ, khoa học các sản phẩm phục vụ cuộc sống con người, để từ chỗ “không thể làm bậy, không có cơ hội làm bậy” đến ý thức “không muốn làm bậy” trong bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cái ác nẩy sinh từ dục vọng, mà dục vọng được sinh ra từ lý trí thì chỉ có thể dùng lý trí để giải quyết. Bởi vậy, đây là cuộc chiến của lương tâm và trách nhiệm nhằm huỷ diệt mọi mầm ác đang manh nha, rình rập, và có thể bùng phát vào bất cứ lúc nào trong cuộc sống chúng ta.