- Em đi uống bia hơi (do thằng bạn mời, không tiện rủ bác) thấy cửa hàng có dán một tấm ảnh quảng cáo rất đẹp, rất to, đề: "Một nét - văn hoá - culture - của Hà Nội". Bên dưới là một chai và một lon bia. Thế là cái gì, hả bác?
- Là bia. Thế mà cũng hỏi.
- Sao bia lại là "văn hoá - culture"?
- Thì bây giờ cái gì chả được gắn thêm chữ văn hoá vào. Bia văn hoá, phở văn hoá, nói chung là ẩm thực văn hoá. Nhưng chú phải nhớ là các thứ văn hoá này không thuộc diện quản lý của ngành văn hoá đâu. Cũng như văn hoá đọc, văn hoá truyền hình, văn hoá báo chí (văn hoá phỏng vấn) đều không thuộc sở hay bộ nào cả. Có thứ văn hoá chỉ thuộc mỗi cá nhân như văn hoá xỉa răng (như gẩy đàn, trông rất khiếp).
- Xem ra thế thì cái gì cũng cần văn hoá cả.
- Đúng thế. Văn hoá mênh mông như biển. Nhưng người ta nhắc nhiều, quảng cáo nhiều đến văn hoá trong đời sống, tức là văn hoá như một tính từ: Ăn văn hoá, uống văn hoá... Còn văn hoá như một danh từ, tức là văn hoá chánh hiệu, như văn, thơ, nhạc, hoạ... thì rất ít thấy ai quảng cáo hoặc nói đến cái hay, cái đẹp thuần tuý. Chỉ khi nào có những biểu hiện lố lăng, thô tục, sướt mướt, mù tịt mới thấy xã hội lên tiếng.
- Dù có lên tiếng cũng chẳng ai theo. Muốn hở rốn cứ hở rốn, muốn gào thét cứ gào thét trên sân khấu, muốn vẽ nhăng cuội nhái mẫu các trường phái tây tàu tha hồ vẽ, tha hồ in.
- Mà mấy thứ này lại thuộc ngành văn hoá quản lý trực tiếp đấy bác ạ.
- Phải, trực tiếp mà chưa quản được thì gián tiếp như bia, như xỉa răng, đái bậy... làm sao nói được?