Trăng là mẹ, nên mùa trăng nào cũng là mùa trăng của mẹ. Đêm nay tôi nhìn lên bầu trời thấy vầng trăng tỏa sáng cả không gian. Trăng và không gian không còn là hai thực thể cá biệt. Trăng là không gian và không gian là trăng.
Trăng chỉ là trăng thôi, nhưng mùa hạ thì ta nhìn trăng khác với mùa thu, mùa xuân ta nhìn trăng khác với mùa đông, đầu tháng ta nhìn trăng khác với giữa tháng. Nhìn trăng khác là tại ta, tại độ tuổi của ta, chứ không phải tại trăng. Vầng trăng năm xưa vẫn là vầng trăng năm nay và vầng trăng ngàn sau vẫn là vầng trăng hôm nay. Trăng thì lúc nào và ở đâu cũng mênh mông tỏa sáng và đem lại sự tươi mát cho trần gian và muôn loài. Trăng xử sự với trần gian, với muôn loài không có tròn, không có khuyết, không có đến, không có đi, không có xa, không có gần, không có suồng sã, không có lạnh nhạt, nhưng trăng tròn và khuyết, trăng đến và đi, trăng gần và xa, trăng suồng sã và lạnh nhạt là do ta đứng ở trong vòng sinh diệt của nghiệp cảm để nhìn trăng và cảm nhận.
Trăng là vậy, nên trăng là mẹ, tình của trăng là vậy, nên tình của trăng là tình của mẹ, ta nhìn mẹ qua trăng và ta nhìn trăng qua mẹ. Khi đêm về vắng bóng trăng, vô minh đe dọa sự sống con người. Đời vắng bóng mẹ, sự khổ đau sẽ đe dọa lên ta. Nếu ta không có mẹ, ai chăm sóc ta trong cung điện trẻ thơ, ai giúp ta mở mắt chào đời, ai ru cho ta ngủ giữa trưa hè, ai hát cho ta nghe khi chiều xuống, ai đắp chăn cho ta ngủ khi đông rét trở về, ai ngồi đợi ta về khi lá vàng mùa thu bay xào xạc và ai hôn lên vầng trán ta giữa mùa xuân rộn rã ngàn hoa, ai làm cho ta khôn lớn và ai đưa ta đi bình an giữa những cơn dông bão cuộc đời ? Tình của mẹ đối với con là thuỷ chung chưa bao giờ biến đổi. Con có thể đổi lòng mà mẹ chẳng bao giờ đổi dạ. Mẹ mà thay lòng đổi dạ với con, thì mẹ không còn là mẹ nữa. Trăng mà không tỏa chiếu mênh mông, thì trăng không còn là trăng của trái đất nữa. Trăng không còn là trăng của trái đất, thì trần gian trở nên mù loà tăm tối và mẹ, mỗi khi không còn là mẹ của con, thì mẹ còn có nghĩa gì?
Trong xã hội công nghiệp ngày nay, trăng vẫn thường tại trong không gian, nhưng trăng đã vắng bóng trong lòng người. Và mẹ vẫn sinh ra con, nhưng trong trái tim con không còn là trái tim của mẹ, mà là trái tim của những chất hóa học và những chất nguyên tử điện toán xơ cứng, vô hồn. Và mẹ vẫn sinh ra con, nhưng sinh ra con không phải từ trái tim người, mà từ những đòi hỏi của bản năng thú vật. Con người đã tự biến mình trở thành cái khoa học duy lý vô hồn, cái máy biết cử động, biết tiêu thụ, biết sản xuất, không biết bao dung, chia sẻ mà biết tranh giành quyền lợi với nhau, như hai con thú cùng một lúc vồ chập lấy khúc xương. Trong xã hội ấy, con người không còn có thời giờ để nhìn nhau, nên đã trở thành vật vô cảm, thì còn nói gì nhìn mẹ qua trăng, nhìn trăng qua mẹ, để cảm nhận mẹ là nguồn sống vô cùng.
Tác giả bài viết: Thích Thái Hòa