Quyền lợi của thú vật theo quan điểm Đạo Phật

Con người phải có nhân quyền thì đã đành rồi, vậy thú vật có “thú quyền” không? Câu hỏi này được đặt ra trên trang nhà On Faith của tờ Washington Post và đã được hưởng ứng tranh cãi bàn luận rất nhiều bởi hầu hết mọi giới nhưng tuyệt nhiên không có câu trả lời của một Phật tử nào cả. Tôi bắt đầu suy nghĩ xem mình nên trả lời câu hỏi này ra sao.

Theo quan điểm Phật giáo, và cái nhận xét của tôi thì hình như cái phần phức tạp ở câu hỏi này không là chữ “thú vật” mà chính là chữ “quyền.” Danh từ “rights” (luôn mang số nhiều để chỉ cho quyền trong quyền lợi, và thường được hiểu ngầm là nhân quyền - quyền lợi của con người) được hình thành nơi các quốc gia tiến bộ phương Tây từ nhiều thế kỷ qua, và được đề xướng từ khoảng thế kỷ thứ 17 bởi những nhà luân lý học như ông John Locke. Nhưng 2500 trước thời mà đức Thế Tôn còn tại thế thì quan niệm quyền lợi này đâu đã có mặt trên thế gian.

Khi nói về nhân quyền, người ta nghĩ ngay đến những điều kiện và giá trị mà bất cứ ai đã sinh ra làm một con người đều phải có. Nhà luân lý học Locke viết về quyền sinh sống, quyền tự do, quyền thâu nhập chất giữ của cải riêng tư, v.v… Những người chủ bút có trách nhiệm của  trang web On Faith nhận thấy nhiều cố gắng được thực hiện để cứu vãn các loài sinh vật hải sản sống dưới nước và ven biển sau khi lượng dầu hỏa khổng lồ lan tràn khắp vùng vịnh Mễ-tây-cơ. Họ đã đưa ra những câu hỏi để bàn luận: “Thú vật có quyền lợi không? Chúng có linh hồn không? Và theo tín ngưỡng của bạn, bạn nghĩ sao về ý thức và tâm trí của thú vật? Chúng có biết đau khổ khi bị cưỡng bức, sát hại, ngược đãi, hành hạ không?”

Hầu hết tất cả những câu trả lời trên On Faith đều do những người theo tôn giáo truyền thừa từ ông Abraham, như Cơ-đốc giáo, Hồi giáo, hay Do-thái giáo. Mọi người đều cho rằng phải có lòng nhân đạo đối với thú hoang hay gia súc, nhưng phần đông họ đều đồng ý loài người phải có mức độ tâm linh thiêng liêng vượt trên loài vật – hay chắc tôi phải nói là những loài không phải là người. Vì họ cho rằng con người có linh hồn. Con người được tạo dựng để làm chúa tể của tất cả mọi loài động vật khác trên thế gian, v.v, và v.v…

Nhưng tư tưởng Phật giáo không có một lằn ranh giới quyết liệt như thế giữa loài người và tất cả những chúng sanh khác. Các tôn giáo khác đề cập đến nhân loại hay loài người, nhưng Phật giáo lại chỉ nói đến giải thoát cho mọi loài chúng sanh trong đó có cả con người. Trong không gian bao la của cuộc sống, mọi loài động thực vật đều tương trợ hiện hữu chung với nhau trên toàn cõi địa cầu này.

Phước duyên ta được sinh ra làm người có thể nhờ vào nhiều đời nhiều kiếp ta biết tu tập chánh quả, nên loài người được những ưu đãi tốt hơn. Trong đạo Phật giới thứ nhất mọi Phật tử đều đã có tụng đọc “nguyện không làm tổn hại sự sống của bất cứ một loài nào” không chỉ áp dụng cho loài người mà thôi. Tông phái Tiểu thừa (Theravada) trích diễn giới luật này bằng tiếng Pali nói đến mọi loài chúng sanh nào biết hít thở và có ý thức hệ. Trong đó có loài người và tất cả mọi loài động vật lớn nhỏ cho dù là con kiến, con sâu, con bọ, nhưng không bao gồm thực vật. Trong khi đó, Phật giáo Đại thừa (Mahayana) thì cho rằng tất cả mọi loài cả thực vật cũng có cuộc sống của chúng; nhưng đôi lúc cũng hơi khó sử vì cũng cần phải nhổ cỏ dại, và cũng cần ăn rau ăn cỏ để sống.

Tôi không nghĩ người ta nói Phật giáo chống lại tư tưởng quyền lợi. Nhưng khi đọc những lời bàn luận của mọi người trên trang nhà On Faith, tôi có cảm tưởng họ nghĩ nếu thú vật quan trọng đến nổi phải ra công cứu vớt chúng tức là đã công nhận các loài thú vật cũng có linh hồn, cũng phải có quyền lợi, và cũng mang một giá trị nội tại đáng kể. Lối suy nghĩ này thật tình rất xa lạ khác biệt với mọi người theo Đạo Phật.

Đau khổ vẫn là đau khổ. Một loài chúng sanh nào đó đang đau khổ cần được cứu vớt, sao lại phải chờ xem chúng sanh đó có giá trị gì không mới cứu mạng. Hai cái chẳng liên quan gì đến nhau. Hay là ta phải gọi “quyền lợi chúng sanh”, nhưng càng nghĩ, tôi càng thấy cái quyền lợi này rất rườm rà thừa thải.

Tác giả: Barbara O'Brien, About.com Guide to Buddhism Trăng Linh Thứu dịch từ Anh sang Việt
Previous Post
Next Post