Sống chung với... tiếng ồn

Trong nhiều thế kỷ, loài người đã cố gắng thử nhiều cách khác nhau để hạn chế tiếng ồn của cuộc sống xung quanh. Nhưng dường như tất cả nỗ lực đều trở nên vô nghĩa.

Ai cũng muốn hưởng thụ những khoảng không gian yên tĩnh nhất có thể. Và con người đã làm tất cả mọi cách để tránh các tạp âm quấy rầy, hòng được yên thân. Nhưng thực tế không mấy vui vẻ là chúng ta không thể có được một kết quả như ý.

Thời La Mã cổ đại, trong thành trì có hàng triệu người sinh sống, các chuyến xe ngựa chạy không ngừng nghỉ suốt đêm trên những ngõ ngách nhỏ hẹp được lát bằng đá. Quán bar, nhà thổ hoạt động náo nhiệt về đêm. Sự ồn ào đó khiến người dân phải học cách dỗ chính giấc ngủ của chính mình. Nhiều gia đình quý tộc đã phải dời sang đồi Palatine, nơi mà nếu họ có bị quấy rầy, cũng chỉ là bởi vài bước chân nhẹ nhàng không đáng trách dẫm lên đá cẩm thạch hay tiếng nước nhỏ giọt. Điều này vô tình khiến ngọn đồi trở nên chật chội do cư dân lũ lượt kéo tới. Tuy nhiên, ít ra họ, chủ yếu là các nhà lập pháp cũng có được hạnh phúc lớn so với cư dân bị bó gọn trong lòng phố.

Trong lịch sử thời Elizabeth, một mặt, người dân đã đề nghị chính quyền cấm những hình thức vui chơi vào ban đêm. Mặt khác, họ xây tường nhà dày hơn, che rèm và tìm đủ mọi cách để hạn chế tiếng ồn xâm nhập vào chốn nghỉ ngơi, sinh hoạt của gia đình.

Hai thế kỷ sau đó, tại Edinburgh, những người có quyền lực và ý thức văn minh đã quyết định tạo nên một khu phố mới, để những gia đình được trọng vọng có thể ẩn mình khỏi những ồn ào bên ngoài đường phố. Tuy nhiên, những khu phố cũ ở London thời nữ hoàng Victoria còn lại vẫn phải chịu đựng âm thanh náo động của vành sắt bánh xe trên đường phố rải sỏi, và sự kiên nhẫn với các giai điệu của những nghệ sĩ đường phố.

Charles Dickens, một tiểu thuyết gia sống trong thời đại ấy là một trong những nạn nhân trực tiếp của ô nhiễm tiếng ồn. “Họ tra tấn bằng các nhạc cụ một cách trắng trợn…và hạn chế những bản ballad”, ông từng nói. Nhà văn Thomas Carlyle thậm chí còn phản ứng cực đoan bằng cách bỏ ra cả một gia tài để xây dựng một công trình nghệ thuật cách âm trên tường nhà của ông ở Chelsea, hòng đuổi những tiếng ồn có thể khiến con người phát điên. Nhưng có vẻ công trình không mang lại hiệu quả như mong muốn. Vợ của Thomas Carlyle tuyên bố đó là “nơi ồn ào nhất trong nhà”, và gia đình nhà văn tiếp tục chịu đựng những đau khổ gây nên bởi tiếng ồn không ngừng nghỉ ngoài đường phố. Tác giả người Mỹ, Garret Keizer, người từng đến thăm nhà của Thomas Carlyle ghi lại: “Có một dòng chữ ghi trên cánh cửa nhà. Đó là “càng bị ám ảnh bởi sự yên tĩnh càng không bao giờ có được nó”.

Các dây thần kinh dường như bị sờn đi, và con người hiện đại dần dần tập cách thờ ơ với tiếng ồn chung quanh mình. Tuy nhiên, điều rắc rối là tiếng ồn ngày càng phân bố thiếu đồng đều. Ở Ấn Độ hoặc một số bang của nước Mỹ, một điều khá bi hài là bên cạnh những nhà nguyện im hơi lặng tiếng là sự ầm ĩ của các khu công nghiệp mới nổi. Chúng ta bất lực trước yêu cầu bất khả kháng: loại bỏ tiếng ồn, bởi một lẽ rất tự nhiên, chúng ta loại bỏ tiếng ồn, tức là chuyển hóa chúng từ cuộc sống của mình sang cuộc sống của người khác.

Những người từng phản đối việc xây dựng đường băng thứ ba tại sân bay Heathrow (London) biết rằng tiếng ồn đang và sẽ làm phiền họ, nhưng một mặt họ cũng nhận thức rằng họ không có tiếng nói trong việc xây dựng đường băng, vì chúng mang lại lợi ích cho quốc gia. Và nếu không xây dựng ở chỗ này, cơ quan hàng không sẽ xây dựng chỗ khác, nghĩa là tiếng ồn vẫn không được giảm thiểu và ngăn chặn trên bình diện chung.

Trong thế kỷ 20, thành phố New York đã bắt đầu xuất hiện những chiến dịch loại giảm tiếng ồn một cách khá gắt gao. Nhưng rồi ngay cả điều đó đến nay cũng ít có tác động lên nhân tố gây khó chịu cho loài người hàng thế kỷ nay. Mục tiêu mà những người thực hiện chiến dịch hướng tới chỉ là một bộ phận rất nhỏ, và không phải là nhân tố chính gây nên tiếng ồn dai dẳng. Đó là những người bán hàng rong, giao báo, những người vô gia cư…Thành kiến hời hợt khiến họ tấn công sai mục tiêu, mà quên mất rằng chính các phương tiện giao thông mới là nguyên do hàng đầu gây nên sự vô độ của tiếng ồn.

Điều cuối cùng mà những công dân đô thị còn chờ đợi có lẽ là một phép màu. Và bài học cho sự đấu tranh hàng thế kỷ nay của loài người với tiếng ồn là: với một số điều, không phải cứ muốn là được.


Nguồn: kenh14.vn
Previous Post
Next Post