Tại sao có chiến tranh?

Nhìn lại lịch sử của các nước trên thế giới, đâu đâu cũng có chiến tranh. Có ai tự hỏi tại sao lại có chiến tranh không? Có vị lãnh tụ nào đặt vấn đền này trước lương tâm của mình không?

Từ các đảng phái chính trị, tôn giáo cho đến các tập thể, đoàn thể, tổ chức,… ở đâu cũng có sự tranh chấp hơn thua. Sự tranh chấp hơn thua đó là mầm móng của tính cách hiếu thắng, tham lam, ích kỷ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích, sự đau khổ hay cảm nhận của người khác.

Vậy thì yếu tố nào sẽ giúp cho không xuất hiện có chiến tranh và tranh chấp?

Có 5 đức hạnh chính giúp cho chiến tranh và mọi tranh chấp không bao giờ có. Đó là đức hiếu sinh, đức ly tham, đức chung thủy, đức thành thật và đức minh mẫn. Người có năm đức hạnh này trước khi làm việc gì hay nói lời nào đều suy nghĩ những hành động hay lời nói của mình có mang đau khổ đến cho mình, cho người và cho muôn loài vạn vật hay không. Thiếu vắng năm đức hạnh này, con người sẽ trở thành hung bạo, thiếu sáng suốt, tham lam ích kỷ, bỏ qua mọi cảm nhận của người khác,...sẵn sàng dùng đủ mọi thủ đoạn, mưu tính để đạt được mục đích.

1- Người có đức hiếu sinh biết quý trọng sự sống của con người và muôn loài vạn vật sẽ không bao giờ để chiến tranh xảy ra, mỗi một giọt máu đổ xuống, một mạng người ngã xuống là tâm họ đau như cắt. Người có đức hiếu sinh là người không chỉ biết thương yêu đồng loại mà còn phải biết quý trọng sinh mạng của các loài động vật khác. Bởi vì chỉ có những người có đức hiếu sinh như vậy thì lòng từ bi của họ mới đủ lớn bao trùm tất cả. Một con vật nhỏ bé họ còn không muốn hại nói chi là con người.

Còn những người không có lòng yêu thương các loài vật, coi loài vật là vật hy sinh nuôi sống thân mạng con người, coi con vật là trò tiêu khiển giải trí,v.v... thì người đó chưa đủ gọi là có đức hiếu sinh. Người đó vẫn không biết cảm nhận sự đau đớn khi thấy con vật giãy dụa, quằn quại trên thớt, dưới dao, chưa thấy sự đau đớn khi con vật bị cắt da, mổ bụng, thọc huyết, cạo vẩy,…chưa cảm nhận được sự giam cầm tù túng khi mất tự do,...tính cách của những người đó vẫn còn hung bạo, vẫn chưa biết quý trọng sinh mạng, vẫn còn lấy sinh mạng của các loài vật khác làm vật hy sinh cho mục đích của mình.

Lịch sử đã chứng minh tất cả những nơi có chiến tranh đều có những vị vua, tổng thống hoặc nhà cầm quyền không có đức hiếu sinh. Chưa có vị nào biết quý trọng sự sống không những của con người mà còn sinh mạng của các loài động vật khác. Không bao giờ giết hại, không bao giờ ăn thịt chúng hay không? Câu trả lời là chưa có. Đức hiếu sinh mà chưa có thì trái đất này vẫn còn có chiến tranh. Do vậy đức hiếu sinh là một đức hạnh quan trọng nhất không thể thiếu được để giữ gìn hòa bình và không chiến tranh.

2- Người có đức ly tham là người không tham lam của cải, tài sản của người khác, tài nguyên của nước khác. Người lãnh đạo không tham lam sẽ không lấy của cải tiền đóng thuế của dân, không tham ô, tham nhũng, không nhận hối lộ,... Đối với đất nước khác thì không có lòng chiếm đoạt, không có ý dòm ngó tài nguyên hoặc cướp đoạt tài nguyên của đất nước khác. Do vậy chỉ những người có đức ly tham mới có thể giúp cho đất nước mình và đất nước khác khỏi chiến tranh, dân được sống hòa bình, ăn no mặc ấm.

3- Người có đức chung thủy với gia đình vợ chồng là người không tham lam của lạ, là người có đạo đức đức hạnh biết trân trọng hạnh phúc của gia đình mình và gia đình người khác, do vậy họ sẽ không bị sự cám dỗ của người khác phái. Họ không bị những lời đường mật của người khác phái ảnh hưởng đến công việc lãnh đạo. Họ không bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, dùng chiêu bài mỹ nhân kế phá hoại đạo đức thanh danh, danh dự, để hạ bệ họ. Những người có đức hạnh chung thủy sẽ đáng để mọi người kính trọng và tin tưởng. Do họ biết quý trọng hạnh phúc gia đình, cho nên họ không thể nào để cảnh gia đình tan nát ly tán bởi chiến tranh, cha mất con, vợ mất chồng, con mất cha, bao cảnh chia ly tử biệt, kẻ sống người còn cô quạnh,...

4- Người có đức thành thật là người có uy tín, mỗi lời nói của họ đều là sự thật, là những lời nói mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người, không những ở trong nước mình mà trên cả thương trường quốc tế. Người này được mọi người tin tưởng và xứng đáng làm người đại diện cho nhiều nước trên thế giới, là quan tòa phân xử công minh phải trái trắng đen công bằng và liêm chính. Những người có đức thành thật xứng đáng được mọi người tôn trọng và đáng được dân tin tưởng giao phó trách nhiệm lãnh đạo một đất nước, bởi vì người dân tin tưởng vào những gì họ hứa và sẽ làm được.

5- Người có đức minh mẫn là người không rượu chè, hút chích các chất kích thích. Đầu óc họ luôn sáng suốt, minh mẫn phân biệt phải trái, lợi hại. Không bị kẻ khác lợi dụng, không bị các chất kích thích tác dụng làm mất đi sự bình tĩnh hay nóng giận. Người này điềm tĩnh sáng suốt trong mọi trường hợp. Không nhất thời nóng giận làm hư hỏng chuyện lớn nhất là những chuyện liên quan đến chiến tranh, chuyện tính mạng của bao con người. Họ luôn tìm cách sống hòa thuận với mọi nước làng giềng, tìm cách giải quyết những mâu thuẩn để biến mọi xung đột, mâu thuẫn thành hòa hợp, tránh mọi tác nhân tạo ra chiến tranh.

Tóm lại, nguyên nhân của chiến tranh chính là nhân cách của con người. Chỉ khi người lãnh đạo một đất nước có thêm năm đức hạnh trên thì đất nước của họ và các nước láng giềng bảo đảm sẽ tránh được chiến tranh, tránh được máu chảy đầu rơi, tránh được người người đau khóc vì chia ly tử biệt.

Không gì có thể thay đổi được chiến tranh trừ khi con người thay đổi nhân cách của họ. Chúng ta không thể cầu nguyện, tụng kinh, đọc kinh cho có hòa bình được. Đó là những điều không thực tế. Thay vào đó chúng ta hãy xem trọng vấn đề nhân cách, biến lòng thương yêu thành hành động, biết nghĩ đến hạnh phúc của mọi người và muôn loài vật, xóa bỏ mọi tham lam tranh chấp, tìm cách giải quyết hòa bình trên mọi thương thuyết và đàm phán. Mỗi người nhường một bước để cùng nhau đi đến hòa bình và hữu nghị. Muốn dập tắt chiến tranh phải tháo gỡ từ người tạo ra chiến tranh, tranh chấp.

Thêm một tấc đất cũng không giải quyết được gì cho sự sống của con người. Nhưng mất một giọt máu, là sẽ có tiếp bao tính mạng ngã xuống. Chúng ta hãy nhìn xem một đất nước Singapore nhỏ bé không tài nguyên, nhưng họ không vì thế mà chịu thua. Họ biết nghĩ cách tận dụng mọi khả năng vươn lên bằng con đường tự lực, tin tưởng ở chính mình, không tham lam,…Họ biết áp dụng những đức hạnh đạo đức vào đời sống, nổi bật nhất là đức vệ sinh - Thành phố đường xá, đâu đâu cũng luôn sạch sẽ. Chỉ với một đức hạnh này thôi cũng đủ thu hút khách du lịch, đem tài nguyên tiền bạc đến nuôi sống cho dân họ rồi.

Khi không đủ năm nhân cách trên thì con người luôn sống trong lo lắng và sợ hãi. Sợ hãi người khác hại mình, hại đất nước mình, do vậy luôn tích trữ, nâng cấp, sản xuất vũ khí để phòng thân. Người có đủ năm nhân cách trên không bao giờ lo lắng sợ hãi. Họ sẽ tìm cách giữ gìn đất nước được yên lành hạnh phúc mà không cần thiết đến bất kỳ loại vũ khí nào. Giải quyết mọi xung đột, tranh chấp chiến tranh không thể bằng bạo lực, vũ khí mà chính là nhân cách đạo đức của các vị lãnh đạo. Cách đây hơn 2550 năm đức Phật đã dạy cho con người chúng ta cách tránh chiến tranh là:

Hận thù diệt hận thù,
Đời này không thể có.
Từ Bi diệt hận thù,
Là định luật thiên thu.

Previous Post
Next Post