Văn hóa lễ hội là một phần của huyền thoại và tín ngưỡng – diễn ngôn quyền lực sơ khai được hình tượng hóa thành quan hệ giữa con người với thần linh. Con người đã tư duy về mình rồi gán những đặc điểm tính cách của mình cho thế giới thần linh. Bản chất của huyền thoại và tín ngưỡng vì thế chỉ là diễn ngôn của con người về thực tại cuộc sống và ước mơ khát vọng của chính mình. Chuyện thời sự về lễ hội trên các phương tiện truyền thông từ sau Tết Nguyên đán đến nay phản ánh điều gì sâu xa sau những bê bối có chất man di của đám đông đi dự hội lễ?
Đã có nhiều ý kiến bình luận, thảo luận sôi nổi về những bê bối có tính man di này. Và đây cũng chẳng còn là vấn đề thời sự nữa khi nó tiếp diễn mấy chục năm nay kể từ khi nhà nước bỏ tiền đài thọ cho các lễ hội với phong trào khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống!
Chủ trương khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống là chính đáng, không phải bàn cãi. Nhưng lợi dụng nó và tạo ra những biến tướng lại là hoạt động phá hoại hơn là bảo tồn.
Lẽ ra phải bắt đầu phân tích từ những biến tướng của lễ hội trong sự so sánh giữa lễ hội xưa và lễ hội thời nay, lễ hội thuần dân gian và lễ hội được tổ chức bởi động cơ khác, trong đó có động cơ làm tiền qua các dự án đầu tư. Nhưng các ý kiến bình luận lại tập trung chỉ trích vào nhận thức hay trình độ dân trí của đám đông làm cho gốc rễ của sự thật vô tình bị che khuất?
Mà đám đông cùng một nhận thức, cùng một hành động, hoặc dùng lễ vật, hoặc đốt vàng mã, hoặc ném tiền, giắt tiền vào tay thần linh, hoặc tranh nhau lộc oản thì chỉ có thể là hoạt động bầy đàn bị điều khiển bởi bàn tay của chúa đàn hay bọn đồng cốt – kẻ trung gian làm cầu nối giữa mọi người với thần quyền – chứ không thể gọi là sự tự phát hay nhận thức kém cỏi của một số người!
Lễ hội với những hoạt động man di không phải không từng tồn tại trong xã hội loài người. Xưa, đã từng có những lễ hội man di đến mức đem người sống ra đốt hoặc thả trôi sông để tế thần linh. Mà cũng lạ, ngoài các sản vật, người ta thường tế sống các cô gái đồng trinh với tư duy thần linh cũng mê gái như người. Nhưng đó chỉ là âm bản của thời chiếm hữu nô lệ mà phụ nữ là nạn nhân chính. Hình thái lễ hội ấy là sản phẩm của tín ngưỡng tà đạo được dựng lên bởi những kẻ chủ mưu. Nay, thời đại kinh tế thị trường, thế kỉ văn minh rồi mà đa số vẫn giữ một lối tư duy con người sống thế nào thần linh thế ấy. Cho nên, mới xuất hiện đủ các loại tế thần linh: ngoài đốt các loại vàng mã để đổi tiền âm ra dương (mà toàn tiền đô kia), người ta còn ném, giắt trực tiếp luôn cả tiền dương vào mặt, vào tay thần linh, chắc là để khỏi mất chênh lệch hối đoái?!
Bây giờ, tất nhiên, không ai dám tế sống người như lễ hội man di xưa nữa nhưng rõ ràng nó đang trá hình sang những hoạt động cúng tế còn man di hơn. Người viết bài này đã từng chứng kiến các quan, các đại gia đến tế thần linh nhiều thứ vàng mã phản ánh sinh hoạt của nền văn minh hiện đại: xe máy, ô tô, nhà lầu, kể cả… gái chân dài với ước mơ tế gì được nấy!
Từ tế tiền giả đang có xu hướng chuyển sang tiền thật thì ai dám chắc có ngày nào đó việc tế gái giả không chuyển thành tế gái thật? Và thế là lễ hội thời man di lặp lại nguyên xi bản chất của nó với trình độ cao hơn theo cái vòng xoáy trôn ốc! Khi pháp luật và các loại nghị quyết chỉ thị không còn thượng tôn thì chuyện gì cũng có thể xảy ra!
Bây giờ mới truy vấn các nhà văn hóa học Việt Nam . Các ngài nghiên cứu công trình, biên soạn giáo trình, cho rằng văn hóa Việt đối lập với văn hóa Tây, ở chỗ, người Tây trọng lý – người Việt trọng tình; người Tây thực dụng, trọng vật chất – người Việt phi thực dụng, trọng tinh thần. Thế thì mạo muội hỏi các ngài: người Tây hay bất cứ một dân tộc nào khác hàng tuần đi lễ nhà thờ, đền thờ để làm gì – Và người Việt ta thì đi lễ chùa thường xuyên hay tổ chức lễ hội hàng năm với động cơ như thế nào?
Câu trả lời không khó. Người Tây hay bất cứ một dân tộc nào khác họ đến nhà thờ, đền thờ chủ yếu ăn năn sám hối để hướng thiện. Còn người Việt ta, xin lỗi số ít những người giữ được thành tâm tín ngưỡng trong sáng, đại đa số đến đền chùa để cầu tài, cầu lộc, cầu quan… Gần đây, nếu đứng cạnh người nhà các quan còn có thể nghe được họ cầu thần thánh che chở “không bị lộ”, hoặc thậm chí, kinh khủng hơn, có kẻ dâng sớ cầu thánh thần “bẻ cổ” những kẻ chống mình!
Lễ hội trở thành bề nổi phát lộ chiều sâu tâm lí dân tộc và bí mật các mối quan hệ cộng đồng. Tham nhũng, đưa và nhận hối lộ trở thành một hoạt động tín ngưỡng phổ biến mới thật kinh hãi. Phải có thói quen tham nhũng, đưa và nhận hối lộ phổ biến trong đời sống hiện thực thì mới đem gán các thứ ấy cho các thánh thần trong ảo tưởng, một cách dịch chuyển quan hệ cường quyền sang cho thần quyền!
Giữa trao cái phong bì cho quan và giắt tiền lên tay thánh thần, giữa việc quan dưới dắt gái cho quan trên và việc tế gái (dù chỉ là hàng mã) cho thánh thần bản chất có gì khác nhau?
Khác chăng là sự thật bị che giấu vì luật nghiêm cấm, còn tín ngưỡng được cho là tự do nên tất cả đang phơi bày đầy đủ.
Mà nếu được phép áp luật trần thế cho các thánh thần để chống tham nhũng và nhận hối lộ, thì cũng không ai dám ra tay bỏ tù thánh thần vì thánh thần luôn là quyền lực tối thượng!
Mà nữa, khi các quan to quan nhỏ hoặc ngồi dưới gốc bồ đề làm Phật, hoặc leo tót luôn trên bàn thờ để dân đến lạy thì chuyện hối lộ với đủ hình thức tế thần và tranh lộc không diễn ra mới là chuyện lạ!
Các quan đã bao giờ nghĩ, dân hối lộ thánh thần ắt không phải là sự tôn kính thánh thần mà báng bổ thánh thần và thánh thần bị đẩy xuống hàng ma quỷ. Cũng như các quan đã nhận hối lộ, một lần nhận của dân là một lần bán linh hồn cho quỷ, ắt trong mắt dân các quan chỉ là loài ăn bẩn đáng bị khinh bỉ. Mọi thứ đều phải trả giá rất đắt như nó đang phải trả giá: thần tượng bị báng bổ, quyền lực bị coi khinh, cuộc sống bị hỗn loạn…
Văn hóa tín ngưỡng là vươn đến cuộc sống thiên đường. Bức tranh lễ hội hiện nay lại đang hiện hình như một thứ địa ngục!
Vậy là lỗi nhận thức của đám đông làm cho nhà quản lý bất lực hay lỗi nào khác đã làm băng hoại cả nền tảng văn hóa đạo đức dân tộc thế này?
Nếu đem so sánh người Việt xưa và người Việt nay trong không gian lễ hội, có thể quy vào sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống chăng? Nhà nhà đi lễ hội, người người đi lễ hội, từ quan đến dân đua nhau tranh tài tranh lộc, mua quan bán tước, buôn thần bán thánh thì là cái gì.ì…?
Nên nhớ, K. Marx đã từng chỉ ra, thần linh chỉ là biểu tượng của quyền lực tuyệt đối trong ý niệm của con người phản ánh quan hệ quyền lực của thực tại trần thế. Một khi quan hệ này bất chính, kẻ nắm quyền lộng hành, chính đạo lập tức biến thành tà đạo, tôn giáo tín ngưỡng chân chính lâm vào kiếp nạn bi thương và toàn bộ nền tảng đạo đức văn hóa của cộng đồng, dân tộc bị phá tanh bành.