Cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã từng đưa ra một lập luận rất đơn
giản "văn minh là chế ngự bản năng". So với bao nhiêu định nghĩa rối
rắm về "văn minh", lập luận của cố giáo sư thật đơn giản và dễ hiểu.
Trải nghiệm qua cuộc sống, từ
những điều giản đơn nhất đến những sự việc phức tạp nhất, lập luận trên được
minh chứng bằng nhiều cách khác nhau, trên nhiều bình diện khác nhau. Từ khi
hình thành xã hội loài người, con người với tư cách là chủ thể sáng tạo nên cấu
trúc thế giới đã không ngừng hoàn thiện mình, "chế áp bản năng" để
khẳng định tính "người".
Thực ra, mỗi con người đều mang
trong mình bản năng của "con". Khi ta không chế ngự được nó thì tính
"người" giảm đi và ngược lại.
Anh Nguyễn Văn A làm thủ quỹ của
một công ty. Trong két sắt lúc nào cũng có vài ba tỷ đồng. Về bản chất, ai mà
chẳng thích tiền, chẳng kể nhà giàu, nhà nghèo. Nếu bản năng trỗi dậy, anh ta
sẽ lấy tiền mang về nhà và trở thành kẻ phạm tội. Còn nếu chế ngự được bản
năng, anh ta không làm việc ấy tính "người" được thể hiện và hình
thành ứng xử văn minh.
Áp dụng lập luận của cố giáo sư
Trần Quốc Vượng vào các ứng xử hàng ngày ta càng hiểu hơn cả nội hàm, ngoại
diên của "định nghĩa" đơn giản ấy.
Chỉ có dăm bảy người chờ xe buýt,
vậy mà khi xe đến ai cũng tranh nhau lên trước. Lên xe rồi thì cố tìm được chỗ
ngồi. Nếu có thấy cụ già, phụ nữ , trẻ nhỏ phải đứng thì nhắm mắt giả như không
biết. Lúc ấy, chất "con" át mất chất "người". Trong trường
hợp ta tuần tự lên xe (ai chả muốn lên trước để kiếm chỗ tốt) thấy cụ già, phụ
nữ, em nhỏ ta đứng dậy nhường chỗ (ai chả muốn được ngồi), vậy là ta chế ngự
bản năng để có hành động thật đẹp và văn minh.
Giới hạn giữa "con" và
"người" thật ra rất mong manh. Ví dụ, ở các ngã ba, ngã tư, trước đèn
đỏ, lại đang vội công việc, bản năng ai cũng muốn đi nhanh, nhất là những lúc
mưa, lúc nắng lại không có bóng công an, đường lại vắng. Ta chế ngự bản năng,
bình thản chờ tín hiệu đèn, ai cũng như vậy, giao thông trở nên trật tự, văn
minh. Nếu ta tặc lưỡi, bụng bảo dạ, vượt đèn đỏ, "chỉ một lần này
thôi", lúc ấy chính là "con" trỗi dậy. Về lôgic, có một thì sẽ
có hai, và ta bước qua giới hạn "người" trở thành "con" một
cách vô thức, nó sẽ âm thầm tác động vào chúng ta, trở thành bản năng khó chữa.
Cũng như thế, ở cơ quan, người
nghiện thuốc lá nếu sống theo bản năng thì bạ đâu hút đấy, đầu thuốc vứt lung
tung. Chế ngự thứ bản năng đó, ta sẽ đến chỗ được hút thuốc, mặc dù phải đi xa,
bỏ đầu thuốc lá đúng chỗ, vậy là ta đã chế ngự được bản năng, nhiều người như
thế sẽ tạo nên cơ quan nề nếp, sạch sẽ, thực hiện tốt "văn minh công
sở".
Về nội hàm, chế ngự bản năng là
sự điều chỉnh từ suy nghĩ, ý chí, đến thái độ ứng xử của con người với con
người, với thiên nhiên, với công việc được giao và trách nhiệm xã hội. Ở cơ
quan, ai chả muốn thoải mái, tự do, nhưng nếu vượt quá giới hạn, để bản năng
chi phối thì không còn văn minh nữa. Ta gánh một trách nhiệm nhưng không hoàn
thành, cứ viện hết lý do này, lý do khác để bao biện. Việc của ta, ta làm không
tốt lại cứ "chõ mũi" vào việc người khác; được giao soạn một văn bản
nhưng cóp lại trên mạng, không hoàn thành đúng thời gian, sau đó tìm mọi cách
để nói dối, để đùn đẩy trách nhiệm. Ta cứ tưởng thế là mình thông minh, lừa
được cấp trên, lừa được đồng nghiệp, thực ra khi đó ta là "con" đấy,
không phải "người" nữa đâu!
"Chế ngự bản năng" giúp
ta hoàn thiện tính "người", đồng thời tác động tốt đến hoàn cảnh. Một
chục người giữ vệ sinh cơ quan tốt, chỉ một người vứt rác bừa bãi, đến lúc họ
sẽ xấu hổ và điều chỉnh hành vi của mình. Ngược lại hàng chục người vứt rác bừa
bãi, chỉ một người giữ vệ sinh, khó thay đổi được hành vi mang tính bản năng
của mười người, khi đó cơ quan sẽ là quần thể "con"…
Để làm "NGƯỜI" viết hoa
không đơn giản, để có xã hội văn minh càng không dễ dàng. Hãy biết "chế
ngự bản năng" từ những việc nhỏ nhất!
Xem thêm: Văn minh và những Bất mãn từ nó