Trong mấy năm cuối thế kỷ người
Nhật bỗng nhiên tự tử dồn dập. Người Nhật vốn đã hay tự tử, tự tử nhiều hơn các
dân tộc khác; đến lúc này lại tăng vọt: năm 1998 so với 1997 tăng 35%, riêng
trong giới trẻ mức tăng lên tới 85%. Vào năm chót của thế kỷ, càng thêm rần rộ.
Nhiều kẻ lo ngại, đòi cấm sách dạy tự tử. Nhưng chủ trương cấm sách vừa xuất
hiện, liền gặp ngay phản ứng. Sách đã bán ra hơn triệu bản, lắm người còn cho
là nên được phổ biến rộng rãi hơn nữa, chính tác giả thì có ý kiến sách nên đưa
luôn tới tay hạng độc giả dưới 18 tuổi: Rất tốt, rất có ích lợi. Không sao? Tự
tử không trúng cách có thể bị nhiều đau đớn, đau đớn kéo dài, thậm chí có thể
gặp trường hợp không chết được, thê thảm biết bao. Cẩm nang tự tử chỉ dẫn rành
rẽ, không phải là sách thực dụng, hữu ích sao?
Vả lại mười phép tự tử của Turumi
Wataru chẳng qua là một thêm thắt muộn màng: cấm đoán nó làm chi. Người Nhật từ
trước đây năm trăm năm đã từng duyệt lại tục lệ cũ, hoàn thiện qui tắc, đặt ra
bao nhiêu lề luật để tiến hành nghiêm chỉnh các cuộc hara-kiri. Thậm chí cái
tiếng hara-kiri, nghe nôm na, cũng bị loại bỏ dần. Gọi là seppuku, tên có gốc
hán văn, nghe cốt cách hơn.
Tự tử như thể là một sở trường
của dân tộc Nhật Bản: họ chết nhiều, họ chết có phép tắc tử tế.
Nói về cái nhiều, thì hiện tượng
gia tăng tự tử gần đây ở Nhật người ta liên hệ nó với những thất bại kinh tế.
Nhưng đó chẳng qua đôi ba chục nghìn người một năm. Như thế không đáng kể so
với hàng vạn chiến sĩ và dân chúng đã từng ào ạt cùng nhau tự huỷ mình sau một
thất bại chinh chiến trong quá khứ.
Kinh doanh thua lỗ: tự tử. Đánh
giặc thất trận: tự tử. Yêu nhau gặp trục trặc, người Nhật cũng chết nhiều, và
chết đúng phép tắc. Hiệp sĩ tự sát bằng phép mổ bụng; tình nhân muốn chết đúng
cung cách phải tự buộc mình thật chặt từng cặp, rồi cùng nhảy xuống nước. Phép
ấy gọi là sinju.
Doanh nhân, quân nhân, tình nhân
tự huỷ mình, đối với những cái chết ấy chúng ta dẫu sao cũng ở ngoại cuộc. Đến
như về cái tự tử của các văn nhân thì chúng ta không khỏi lấy làm nghĩ ngợi.
Văn nhân Nhật Bản cũng tự tử
nhiều. Nhân cái chết gây chấn động lớn của Yukio Mishima độ nào, một tác giả có
liệt kê danh sách mười nhà văn Nhật tên tuổi đã quyên sinh từ đầu thế kỷ. Vả
lại chỉ hơn một năm sau Mishima, vị đàn anh lỗi lạc là Kawabata cũng tự ý ra đi
luôn, gây tiếc thương khắp hoàn cầu.
Chuyện gì đã xảy đến cho các đồng
nghiệp khốn khổ của chúng ta bên nước Phù Tang vậy cà? Họ gặp đàn áp tàn bạo
quá đáng chăng? Họ bị khủng hoảng, bế tắc, nguồn sáng tác bị tắc nghẽn chăng? -
Đâu có! Nào ai động chạm gì tới những danh nhân như họ đâu. Mishima chọn chết
ngay tại bộ Quốc phòng nước Nhật. Sáng sớm trên một chiếc xe mới toanh, nhà văn
cùng bốn môn đệ kéo đến, trói gô ông tướng tư lệnh, tập hợp binh sĩ lại,
Mishima ra bao lơn diễn thuyết một hồi, rồi trở vào phòng mổ bụng, đường đường
lẫm liệt. Lúc bấy giờ chính Mishima đang độ sáng tác dồi dào, được hoan nghênh
săn đón nồng nhiệt. Ngay hôm 25 tháng 11 năm 1970 ấy, vào lúc mờ sáng, ông ký
tên vào trang bản thảo cuối cùng của một bộ truyện dài bốn cuốn, để sẵn trên
bàn cho nhà xuất bản đến nhận, như đã hẹn. Còn Kawabata thì ông ngậm hơi độc,
chết ngay trên đỉnh vinh quang của giải văn chương Nobel hiếm hoi ở Á châu.
Thất bại, khổ đau, không phải là
yếu tố gây nên những cái chết này. Vậy có một sức huyền bí nào ở chính họ thu
hút họ về cái chết chăng? có một sức thu hút khó hiểu như thế, tác động ở Nhật
mạnh hơn ở mọi nơi khác chăng? Đố ai dám vỗ ngực giải đáp! Chỉ biết trong một
số trường hợp dường như có thể nhận thấy những dấu hiệu mơ hồ...
Hôm Mishima tự sát tại bộ Quốc
phòng, lát sau người vợ trẻ của ông nghe được tin dữ từ chiếc máy thu thanh gắn
trong chiếc tắc-xi bà đang đi. Khi bà xuống xe, ai nấy xúm lại hỏi han. Bà bảo
bấy lâu bà vẫn nghĩ có ngày ông sẽ tự sát, nhưng tưởng rằng một vài năm sau
chuyện mới xảy ra; không ngờ sớm thế. Còn thân mẫu của nhà văn, bà cụ nói với
thân hữu xa gần đến chia buồn: “Xin quí vị đừng thương tiếc. Bởi vì đây là lần
đầu tiên trong đời, anh ấy đã làm được điều mà anh ấy muốn làm.”
Hai người đàn bà gần gũi nhất với
Mishima nghĩ thế. Xa cách ông như độc giả bốn phương thiết tưởng cũng đến tin
thế thôi. Trong các tác phẩm ông có nhiều nhân vật tự tìm cái chết. Ông xoay
trở trong đầu bao nhiêu tính toán, suy tưởng, về cái chết. Ông loanh quanh bên
cái chết không rời được nó. Ông mân mê cái chết.
Đáng chú ý nhất là trường hợp
truyện “Trung” (Yukoku). Thiên truyện ngắn xuất sắc ấy rồi đã được đưa lên màn
ảnh. Chính tác giả đạo diễn và đóng luôn vai chính trong phim. Trong cốt
truyện, sau một cuộc chính biến, một nhóm sĩ quan gặp thất bại bị trấn áp mạnh,
chịu cực hình. Toàn nhóm thương tình, bỏ ra ngoài danh sách thụ hình tên một
trung úy trẻ tuổi mới vừa cưới vợ. Trung úy Takeyama từ chối hảo ý của các bạn,
chàng sẽ tự tử. Vợ chàng quyết định theo chồng. Trong khi chờ đợi chồng về nhà,
nàng bình tĩnh lặng lẽ gói từng món quà, viết lời đề tặng gửi lại bà con, bạn
bè... Người vợ là một diễn viên cực đẹp. Chồng về. Họ trao đổi vắn tắt. Trong
thủ tục, người hiệp sĩ tiến hành seppuku được một bạn thân đứng kề giúp đỡ:
chặt đứt cổ, cắt đầu để kết thúc nhanh chóng, vì lúc bấy giờ, sau cuộc mổ ruột,
hiệp sĩ đã kiệt lực, không thể tự mình tiếp tục chu đáo. Trung úy Takeyama nhờ
vợ đóng vai người bạn nọ, tiếp sức đẩy mạnh con dao vào cổ mình trong giai đoạn
chót.
Dặn dò xong, vợ chồng trút bỏ
xiêm y. Họ ân ái với nhau một lần cuối cùng. Cái bi thiết lẫn với hoạn lạc trên
nét mặt hai người, diễn tiến sự việc tuyệt hảo cho đến lúc cuối cùng, thiếu phụ
dùng lưỡi dao ngắn kết thúc đời mình bên cạnh chồng. Chàng trung quân ái quốc,
nàng trung thành với chồng.
Cuộc ái ân là một thêm thắt,
ngoài thủ tục chính thức: Mishima chu tất đối với nhân vật mình, đối với mối
tình tha thiết và đau đớn của họ. Đến lượt ông, việc chuẩn bị cũng cẩn thận kỹ
càng: ông tính toán từng chi tiết nhỏ nhặt. Lần này không phải vì không khí
lãng mạn, mà là vì một không khí uy nghiêm cần thiết. Thủ tục seppuku lại được
thêm thắt: bông vải sẵn sàng để ngăn chặn, sau nhát gươm mổ, ruột khỏi bung đổ
ra lòng thòng vung vãi, bốc mùi ô uế, mất cả thể thống.
Mishima, trong tưởng tượng, đã mê
say ve vuốt cái chết của chính mình lâu ngày, trước khi thực hiện. Cùng một thế
hệ với Mishima, nhà văn Saiichi Maruya - cả hai cùng sinh vào năm 1925 - đưa ra
một thi nhân cũng từng say mê mơn trớn cái chết của mình. Trong một thiên
truyện ký, ông truy cứu về cái chết âm thầm của Taneda Santoka. Nhân vật này
vừa là tu sĩ vừa là một nhà thơ haiku.
Bình sinh Santoka đặc biệt say mê
những cơn mưa thu. Ôi chao, cuối thu đầu đông, thỉnh thoảng một màng mưa nhẹ
như khói phủ xuống mịt mù núi rừng, chợt đến rồi chợt đi, lát sau tan biến hẳn,
bày ra cảnh núi xanh trùng trùng. Lá thu tuôn đổ, mưa thu mịt mờ... Ông thích
khung cảnh ấy biết chừng nào! Yokoshigure, “mưa bay gió giạt”, ông yêu cái
tiếng gọi vừa phát giác ra, ông nhẩm đi nhẩm lại không biết bao nhiêu lần,
không chán.
Như thế chưa đủ. Mơ trong trí,
đọc trong mồm chưa đủ. Thế chưa phải đã “sống” đủ cảnh mưa bay gió giạt. Làm
mấy câu thơ haiku cũng không đủ. Ông đang ngồi chén tạc chén thù với bạn, chợt
cơn mưa sa xuống đậm, mịt mờ; thi sĩ cao hứng nâng cốc tợp luôn bốn năm hớp
rượu liền, quay lại bái tạ thịnh tình của bạn, thâm tạ cơn mưa hợp thời hợp
cảnh, rồi xốc áo đứng lên bước khỏi tửu quán. Từ chối một chiếc dù đưa tận tay,
người thơ muốn trực tiếp đón nhận những giọt mưa thấm lên mình.
Từ đó không còn ai biết gì về
tung tích ông nữa. Cái đi hôm ấy là “đi” luôn. Saiichi Maruya đã dẫn đây đó
những ý kiến về nhà thơ Santoka bấy giờ, với những lời “tâm trạng chuẩn bị, đón
chờ cái chết”, “một toan tính chết chóc, hay một toan tính tìm đến cái chết”
v.v...
Nhân vật Santoka dù có dù không,
tung tích Santoka dù đúng dù sai, thì trong tâm trí nhà văn Nhật Bản Saiichi
Maruya đã có một cái chết thi nhân như thế.
Chịu chết thì rốt cuộc ai nấy
cũng đến phải chịu thôi, thụ động chịu. Còn tự chết lấy, là một cách tỏ thái
độ, một cách tuyên bố. Thường thường đơn giản. Hoặc: “Khốn khổ quá, hết chịu
thấu!” “Hoặc đau đớn quá, tôi bỏ cuộc! Nhục nhã quá, kẻ này bất cần sống!”
v.v...
Dân tộc Nhật, họ chết lấy thì
nhiều, và cái tuyên bố của họ thật phong phú, trong nội dung cũng như trong
hình thức. Để phản đối họ dùng cái chết; để bày tỏ sự tán thưởng, họ cũng chọn
chết! Vì nội dung phức tạp nên trong phô diễn cần lắm dạng thức cho thích hợp.
Hoặc một dàn dựng lâm ly tình cảm cho giai nhân tài tử, hoặc một cảnh hùng
tráng xứng với đoàn hiệp sĩ quyết tâm, hoặc dáng cách ung dung thư thái khi thi
sĩ đi vào cảnh thần tiên tuyệt mỹ...
Kể ra cái chết nào cũng là một cách
phát biểu. Cái chết của muôn loài là phát biểu của Thượng Đế, của ông Trời.
Trời phát biểu một định luật. Trời phát biểu đều đều, lặp đi lặp lại từ bao
nhiêu tỉ năm, tỉ tỉ năm. Bỗng nhiên bị một loài động vật xuất hiện muộn nhảy ra
đoạt lời ngang xương. Tự tử là cái riêng của con người.
Muôn loài không có loài nào tự
phát biểu, chỉ có con người, một số người, ngẩng cao đầu “nói lên” một điều gì
đó bằng cái chết của mình. Con người quả trên muôn loài. Con người tự đặt mình
làm loài thứ muôn-lẻ-một. Lý Trần Quán đã nằm vào quan tài, đậy nắp lại, bỏ
xuống huyệt, còn vỗ nắp quan bộp bộp, đòi mở ra để đọc một câu đối; một chiến
sĩ cách mạng thời dân chủ có thể chê thái độ thờ vua mến chúa chống lại Tây Sơn
là không thích đáng, chê ông nghè Lý chẳng qua nặng phần trình diễn, chứ không
nói lên chính nghĩa gì cao cả. Mặc kệ, vượt lên trên chuyện chính kiến một
thời, xét cách rộng rãi thì phải nhận rằng ông nghè Lý thuộc loài muôn-lẻ-một:
không có con khổng tượng, con khủng long nào lại tự mình dùng ngay cái chết của
mình làm phương tiện phát biểu, gạt phăng ông Trời sửng sốt ra một bên như thế.
Albert Camus đặt nặng chuyện tự
tử: ông bảo: “Chỉ có một một vấn đề triết lý thực sự nghiêm trọng: đó là tự tử.
Cho rằng cuộc đời đáng sống hay không đáng sống, ấy là giải đáp cái thắc mắc
căn bản của triết học.” (Huyền thoại Sisyphe). Camus có vẽ chuyện ra không? có
lớn lối quá đáng không? Thường thường khi tự tử mấy ai suy nghĩ về giá trị của
cuộc sống, mấy ai chú tâm vào vấn đề cuộc đời có đáng sống hay không đáng sống?
Thật tình mà nói phần lớn các vụ tự tử chẳng qua là để bày tỏ một sự tuyệt
vọng, một phẫn uất, một giận hờn, phản đối, oán trách, thù hận v.v... Kẻ tự tử
không hơi đâu đánh giá cuộc sống nói chung. Vấn đề đặt ra không phải “Cuộc sống
có đáng sống không?”, mà là “Cuộc sống của tôi có đáng sống không? có đáng công
tiếp tục không?” Đây không phải là một thắc mắc triết lý. Hẹp hơn nhiều. Ngay
cả cái phát biểu của người Nhật - bất cứ là doanh nhân, quân nhân hay văn nhân
- cũng không là một giải đáp triết học.
Đề tài phát biểu của con người
hạn hẹp nhỏ bé, mà phong cách phát biểu thì điệu bộ, màu mè. Trong khi ấy ông
Trời, ối ông Trời... Cái phát biểu của ông bằng cái chết, từ cái chết của con
gián kẹt trong hộc tủ, của mấy con ruồi con muỗi tí xíu dính vào mạng nhện phất
phơ..., cho đến cái chết đột ngột của nguyên cả một thành phố thoắt cái bị chôn
vùi dưới núi lửa, nguyên cả một lục địa dưới mực nước bể dâng cao v.v... đều
diễn ra giản dị, hồn nhiên, hững hờ. Ông Trời không phô trương, không trình
diễn. Trời chọn những diễn tiến đơn sơ, chọn cách phát biểu vô cảm.
Cuối thế kỷ này người Nhật hình
như có làm quá đáng trong việc tự chết. Người Nhật phát biểu nhiều quá, chận
ngay lời phát biểu của ông Trời, làm ông tưng hửng, chúng ta tưởng tượng Trời
hẳn phải nhăn mặt, gắt: “Bố láo!” Có thế chăng?
E không có thế đâu. Trước thái độ
nhiệt liệt của con người - nhất là người Nhật - e Trời chỉ nhếch cười; khoan
dung, quở khẽ: “Bố nhắng!” Rồi Trời hững hờ tiếp tục những hoạt động thường lệ.
Thổi một hơi gió phất nhẹ lên mấy xác bướm tả tơi lẫn lộn giữa đám lá rừng,
rung rinh chiếc mạng nhện trên đó dính mấy xác ruồi xác muỗi...; rồi Trời phát
một tiếng nổ vừa phải (vừa đủ long trời, rung rinh vũ trụ) để tạo dựng thêm một
cõi thiên hà mới, gồm những triệu triệu tinh tú (hành tinh, định tinh, vệ tinh,
cùng đủ thứ linh tinh lổn nhổn); rồi Trời lại đều đều tiếp tục làm big bang bic
biếc, cái nọ cái kia không ngừng nghỉ, vì thời gian không hề có chỗ cùng... Ở
Trời, mỗi động thủ đều như nhau, không có bên khinh bên trọng. Ấy là phong cách
phát biểu của Trời: Nói lên định luật là nói mà như không nói gì.
Võ Phiến