Chuyến đi cuộc đời

Đời người là một chuyến đi. Chuyến đi cuộc đời có những điều lạ.

Giống như mọi chuyến đi, nó cũng có một điểm khởi hành và một điểm đến. Nhưng không ai chọn lộ trình mình đi cả; nó là bắt buộc cho mọi người như nhau. Sinh ra là người ta đã được (bị?) đặt vào lộ trình rồi. Cây số xuất phát mang tên SINH, cây số của nơi kết thúc mang chữ TỬ. Một điều lạ khác là con đường tuy là như nhau nhưng lại dài ngắn khác nhau, và cũng không tùy thuộc nơi ý muốn hay ước mơ của khách lữ hành.

Con đường hầu như luôn luôn được cảm nhận là quá ngắn ngủi. Nó thường được so sánh một cách nên thơ với "bóng câu qua cửa sổ" (câu là con ngựa tơ chạy rất nhanh) hoặc với "đóa phù dung sớm nở chiều tàn". Một thoáng đã hết! Dù người sống lâu trăm tuổi vẫn coi cuộc đời chỉ là "kiếp phù du":

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
Kiếp phù du trong thấy cũng nực cười!
(Nguyễn Công Trứ).

(Phù du là một sinh vật sống dưới nước vừa mọc cánh bay lên được chốc lát là chết). Tác giả Thánh Vịnh cũng không lạc quan chút nào:

Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi
Mà chỉ là gian lao khốn khổ,
Cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi
(Tv 89).

Một điều lạ nữa là chuyến đi cuộc đời có điểm đến là cái chết, nhưng không ai coi đó là cùng đích, là mục tiêu cả. Tự nhiên không ai muốn mau mau tới nơi, mà trái lại còn tìm cách lẫn tránh ngày giờ kết thúc. Đó là nhận xét của triết gia Pascal của Pháp thế kỷ XVII. Ông nói: người ta tìm kiếm mọi thứ vui chơi giải trí, người ta thậm chí lao mình vào công việc với tất cả nỗi đam mê, nhưng tựu trung đó chỉ là những cách "đánh trống lãng" để mình khỏi nghĩ đến cái chết mà thôi. Nhưng sớm muộn thần chết vẫn lù lù trước mặt mọi người. Nó chấm dứt mọi cuộc vui chơi, mọi đam mê, mọi vinh quang danh vọng ở đời. Nó san bằng mọi ngăn cách giữa nguời với người: giàu nghèo sang hèn, vua chúa hay hàng lê thứ, già trẻ, trai gái, mọi người đều bình đẳng trước thần chết.

Chuyến đi cuộc đời còn lạ ở chỗ mọi người đều chỉ đi có một lần duy nhất, không bao giờ làm lại lần thứ hai. Thuyết luân hồi biểu lộ một niềm tin, một niềm ao ước, không thể coi là một sự kiện.

Như đã nói, địa điểm tử thần là nơi đến của cuộc đời nhưng không phải là cùng đích hay mục tiêu con người nhắm tới. Mà sống ở đời, (để sống được ở đời), ắt phải có một mục đích chứ? Phải có cái gì làm cho cuộc đời đáng sống chứ?

Nhiều lần, khi nhìn thấy những đoàn người như những dòng chảy cuồn cuộn từ các vùng ngoại ô đổ vào nội thành rồi tỏa ra các đường phố như những nhánh sông nhỏ, tôi tự hỏi cái gì thôi thúc người ta lao vào công việc, vào cuộc sống? Phải chăng là ý chí sinh tồn? Nhưng sống mà thôi chắc chắn là không đủ rồi. Loài vật chẳng có bản năng sinh tồn mạnh mẽ sao?

Chuyến đi cuộc đời phải được định hướng bởi một mục tiêu đúng đắn nhất, một ý nghĩa cao cả nhất, nhờ đó người lữ hành sẽ biết chọn lựa các phương tiện đi đường thích hợp và có đủ sức mạnh tinh thần để vượt qua những khó khăn thử thách của chuyến đi. Mục đích đó phải nằm trong khát vọng sâu xa nhất của con người và xứng đáng với nó là sinh vật có trí khôn, tự do, trách nhiệm và đạo đức.

Có hai khát vọng sâu thẳm nung nấu tâm hồn mỗi người chúng ta, một là khát vọng sống và sống mãi mãi, hai là khát vọng yêu thương và được yêu thương. Không có hạnh phúc nào, nếu thực sự là hạnh phúc, mà không liên quan tới hai khát vọng mãnh liệt ấy. Vậy, tình yêu và sự sống hẳn là những giá trị làm cho cuộc đời đáng sống. Cuộc đời nào phục vụ cho tình yêu và sự sống là cuộc đời có ý nghĩa cao cả nhất. Thiển nghĩ, với trí khôn và kinh nghiệm, chúng ta đã có thể tìm ra ý nghĩa tức là định hướng cho cuộc đời rồi vì nó nằm ngay trong chính bản tính con người.

Chúng ta có thể rút ra chân lý cốt lõi và hệ trọng sau đây cho chuyến đi cuộc đời của chúng ta: cuộc đời thành tựu, cuộc đời đầy ý nghĩa là cuộc đời mang lại sự sống và hạnh phúc cho kẻ khác, dù là ở mức độ nào và bất kể bằng những hành động âm thầm khiêm tốn hay lớn lao hiển hách nào.

Previous Post
Next Post