Ngón chân cái của chúng ta đang chạm vào lằn ranh thế kỷ XXI, hơn cả thế, còn là ngưỡng cửa của một Thiên niên kỷ thứ ba. Đêm thế kỷ XX đang tàn và bình minh Thiên niên kỷ mới đang hừng sáng. Giờ phút trọng đại đang đến. Trọng đại đến mức có quá nhiều tiên tri đã loan báo về những việc kinh thiên động địa có thể xảy ra:
Nào Chúa có thể giáng thế để mở màn một chương trình cứu độ mới, nào Phật Thích Ca có thể sẽ ngự thiền ngay ở "niết bàn lịch sử", nào Thiên niên kỷ thứ ba sẽ thiết lập con đường của tâm linh... hoặc có thể... có nhiều dự báo to lớn như vậy, nhưng tất cả mới chỉ là giả thuyết.
Song giữa muôn vàn dự báo đó, nổi lên một kế hoạch thực tại bức thiết mãnh liệt trong từng hơi thở của đời sống hiện tại, đó là: con người thế kỷ XXI sẽ ra sao? Tiến bộ thế nào? Và hạnh phúc nhường bao?
Những câu hỏi này không chỉ nằm trên giấy, trong học đường hay các cuộc thảo luận xã hội nữa, mà từng khắc từng giờ, nó đang diễn ra trên các đường phố với nền kinh tế thị trường bon chen kẻ buôn xuôi người bán ngược; diễn ra ở những làng quê yên ả, những tiếng máy động cơ nổ không chỉ dồn đuổi ong bướm dịu dàng, mà còn đang lùa vô vàn những cô gái quê tâm hồn còn non như cốm ra các vành đai, các tổ hợp công nghiệp, các đô thị và thậm chí cả các đường dây buôn phụ nữ, diễn ra ở các học đường, nơi đồng tiền đang lung lạc sách vở, nuôi dưỡng những cái đầu thực dụng, để dồn ép họ đi kiếm ăn non hay thả tâm hồn nông cạn lao vào giải tỏa trong ma túy hoặc các dịch vụ giải trí...
Những quan niệm mở đầu cho nhận thức. Cuộc đời lớn không thể không mưu cầu hạnh phúc lớn. Một hạnh phúc lớn không thể đứng ngoài một tình yêu lớn. Cuối thế kỷ XX, nhân loại đã đạt được hàng loạt sự tiến bộ, dồi dào, phong phú về vật chất, tuy vậy đời sống ngồn ngộn về tiện nghi vẫn chưa cứu vãn nhân loại ra nổi các cuộc khủng hoảng nhân bản, khủng hoảng hôn nhân gia đình, và khủng hoảng về lối sống đang thoái hóa tinh thần...
Muốn có hạnh phúc lớn, thì không thể chỉ có vật chất, người đời vẫn bảo "tiền không mua được hạnh phúc" , nhưng oái oăm thay thế giới của chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường hóa toàn cầu, trong đó dường như gi gỉ gì gi cái gì cũng bị quy thành tiền. Bằng tiền người ta có thể mua được lạc thú, mua ô tô, thuê bác sĩ, thuê trạng sư... nhưng nỗi cô đơn thì tiền nào cứu nổi! Nỗi bất hạnh càng không! Sự thất vọng liệu có cứu nổi bằng những tấm séc? Tìm một lối sống hạnh phúc trong thời đại mới, nhiệm vụ của chúng ta không phải là phản kháng lại những "cơn sốt" tiến bộ, ai có thể ngăn được cuộc tiến triển của tin học và ai có thể đứng ngoài sự chi phối khắp nơi của nền kinh tế thị trường ngày nay, mà là tìm cách thích ứng với nó trong một tiến trình xây dựng nhận thức mới dựa trên những quan niệm mới. Nào chúng ta hãy lần từng bước một!
Ông bà ta thường nó "gái ham tài, trai ham sắc". Một phụ nữ không biết làm đẹp cho mình thì làm sao có thể quyến rũ đàn ông lao vào cuộc chinh phục tình yêu? Cũng vậy, một người đàn ông không đủ tài để chứng tỏ được mình là đáng nam nhi thì làm sao chinh phục được giới "khăn yếm"?
Cái tài đầu tiên của con người là làm giầu! Tức là "có tiền mua tiên cũng được". Tiền ư? Thời nào chẳng thế? Nhưng không phải vậy, thời buổi kinh tế thị trường đồng tiền đã được quan niệm một cách khác xa! Xưa kia, người ta coi "con hát", "con buôn" là thành phần rất thấp của xã hội. "Con hát" thì "xướng ca vô loài", ế chồng như bỡn. Nhưng ngày nay, ca sĩ lại được tôn vinh lên hàng nghệ sĩ, không chỉ đắt chồng, mà còn đắt vệ sĩ, đắt người theo đuổi, đắt người ngưỡng mộ. Còn "con buôn", ngày xưa mọi người gọi là "thương mại" tức buôn bán là mạt hàng, dần dần, chữ "mạt" được gọi chệch thành "mại". Làm thân con gái cành vàng lá ngọc, người ta chỉ ao ước lấy được chàng học trò thi đỗ để mong được 'võng anh đi trước võng nàng theo sau" vinh quy bái tổ ngày song hỉ. Các cụ ngày xưa, xem tử vi chọn chồng cho con chi xem cung Mệnh, cung Quan, mấy ai thèm ngó đến cung Tài. Nhưng, thời nay, cách nhìn về đồng tiền đã thay đổi. Đồng tiền không chỉ đóng vai đầy tớ hữu dụng, mà còn là thước đo của sự thành đạt căn bản: chuyên môn cao thì lương cao, đi buôn giỏi thì lãi nhiều, lao động nhiều thì được trả công lắm...
Ngày xưa, chẳng hạn người ta nghĩ đi buôn là "cho vay nặng lãi", "cắt cổ"... nhưng ngày nay, các nhà băng không những giúp ích cho sự đầu tư của cá nhân và tập đoàn mà còn ban cho người lao động những ngày nghỉ dựa trên lãi suất... bây giờ ai dám bảo chức giám đốc ngân hàng cũng như các cán bộ ngân hàng là nghề "mạt" nữa... mưu cầu đồng tiền được nâng cao, từ đó tiêu chuẩn hóa giá trị của đồng tiền cũng nâng cao, và danh dự của đồng tiền cũng tăng lên. Thời nay, đã không ít người coi "nghèo là hèn" vì lười lao động hay hãm tài, và khi đó đồng tiền trở thành động năng kích thích sự ganh đua tiến bộ của xã hội.
Song tấm huân chương luôn có mặt trái. Có nhiều gia đình cũng như trào lưu xã hội, sau khi hoàn tất cuộc chạy đua kinh tế và tiện nghi cho gia đình, lúc ấy thư thả mới quay lại ngắm nhau, mong tận hưởng mùa gặt hạnh phúc sau mùa bội thu vật chất, thì than ôi những tiện nghi trong gia đình đã xua mất hơi ấm ra khỏi cửa từ lúc nào không hay. Đây là bi kịch không chỉ xảy ra loanh quanh trong tầm nhìn cảm tính của chúng ta, mà ở khắp nơi thế giới đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng này bị sản sinh trong nguyên lý: nhu cầu làm giầu dẫn theo nhu cầu tiêu thụ; việc tiêu thụ không biên giới dẫn theo nhu cầu tiêu thụ; việc tiêu thụ không biên giới dẫn con người lạc mãi vào các cuộc chạy đua xa hoa, khi đó tình yêu bị rớt từ trên ngai cao cả của tâm hồn xuống chiếc ghế đệm đầy tiện nghi của lạc thú.
Và khi tình yêu đánh mất đức mã thượng của tâm hồn, như quên mình, thương xót và chịu đựng... thì nó đành bó tay trước mọi rủi ro: nào chàng bị sa thải, nàng thất nghiệp; hay chàng mất chức, nàng xuống sắc, hoặc chàng lầm lỗi, nàng dại dột... mỗi biến cố nhỏ đều gây sóng gió trong gia đình nơi mà mọi mạch vữa đã trở nên lỏng lẻo, trong khi xưa kia những biến cố đó chỉ nổi lên giống những cánh bèo bị nhấn chìm tan rữa giữa hai dòng thác yêu thương lúc nào cũng đổ ào ào...
Đến đây, chúng ta đã có thể tìm kiếm một kết luận. Hình ảnh của một con người và một tình yêu thế kỷ XXI sẽ là gì? Tất nhiên, làm giầu mong muốn giầu có sẽ là khát vọng chính đáng, song bằng một trí tuệ của kỷ nguyên đỉnh cao tiến bộ, con người càng có một nhận thức toàn thể về tiền bạc, rằng: "đồng tiền là một đầy tớ tốt , nhưng là một ông chủ tồi". Người ta sẽ có nhiều tiền như có nhiều đầy tớ phục vụ đời sống của mình, nhưng không coi đồng tiền là cứu cánh của cuộc sống - ở đó trên con đường truy lùng nó người ta phải đánh rơi tất cả từ danh dự đến tình yêu và hạnh phúc.
Con người sẽ sống đầy đủ hơn trong hằng hà những tiện nghi vật chất - vì đó là thành quả của khoa học kỹ thuật - song người ta sẽ không để tiện nghi bóp méo tinh thần của mình thành một "đồ chơi thực dụng". Và trong hàng loạt các cuộc khủng hoảng ngày nay, như hôn nhân tan vỡ, ái tình thất sủng, sống ly thân, sống độc thân, đồng tình luyến ái... con người càng nhận ra: vật chất cũng như thể xác không thể cứu chuộc toàn bộ đời sống; cái cứu chuộc đời sống chính là thiên sứ tâm hồn. Vậy người ta sẽ đào luyện tâm hồn bằng ngả nào? Bằng giáo dục - con người thế kỷ XXI sẽ coi trọng giáo dục như nền tảng căn bản của tâm hồn; bằng văn hóa - đó là nghệ thuật, văn học, sách vở, người ta sẽ không chỉ để ý đến thức ăn thuần túy miếng ngon thức béo nữa mà còn tìm kiém những "thực phẩm thiêng liêng" cho tâm hồn...
Tóm lại, hình mẫu con người thế kỷ XXI sẽ là gì? Là danh dự cao, tình yêu lớn và hạnh phúc vẹn toàn! Muốn có danh dự cao, ít nhất phải có chuyên môn cao, giỏi tay nghề, theo đuổi sứ mệnh lớn. Muốn có tình yêu lớn phải có một lòng nhân ái lớn được dựng lên từ cả hai phía: vật chất dồi dào và tâm hồn cao cả.
Thế kỷ XXI sẽ có nhiều biến đổi ngoài dự kiến của con người, nhưng tôi tin chắc rằng những giá trị danh dự, tình yêu, hạnh phúc chỉ là con đường đi tiếp tục cuộc hành trình của quá khứ nhắm lên cao, ngước lên cao và phóng lên cao.