Cái mà chúng ta cần là sự minh bạch, là ở chỗ tiền để anh mua ôtô là tiền sạch hay tiền bẩn. Chỉ khi sự minh bạch lên ngôi thì những thói hư tật xấu mới không có đất phát triển.
Một vị giáo sư có tên tuổi gần đây đã nêu lên "những tính xấu của không ít người Việt là: Ham tiền, hiếu danh, coi thường danh dự, vô cảm và hèn nhát, coi nhẹ ý nghĩa đồng bào, tự nhiên biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục, làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội (chủ nghĩa mackeno)". Một vị Phó GS khác cũng nổi tiếng không kém thì cho rằng "Người Việt hiện đại, xấu nhất là thói hám danh, chuộng lạ, sính ngoại, sính hình thức" [1].
Công thức Tấm- Cám
Mới có hai vị đáng kính lên tiếng về người Việt đã có thể liệt kê tới 12 thói xấu. Nếu có hai, ba vị GS, PGS nữa cùng quan điểm thì không còn các thói xấu "lớn" để chọn, lúc đó có lẽ họ sẽ phải chọn tiếp các thói xấu "bé" như vứt rác bừa bái, đái bậy, ăn bẩn... Đến lúc đó thì người Việt sẽ sưu tầm đủ mọi thói hư tật xấu trên đời...
Nhưng có thật "đó là cái xấu nhất đang kìm hãm sự phát triển của xã hội ta, cản trở việc phát huy các thành tựu của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng" như ý kiến của vị Phó GS nọ?
Cách đây không lâu dư luận ầm ĩ việc ngành giáo dục sửa truyện Tấm Cám. Theo lý luận của một số người, những gì thuộc về lịch sử nếu không phù hợp với nhãn quan hiện đại thì phải sửa. Hành động của Tấm đối với Cám trong đoạn kết của truyện, ngày xưa cha ông ta chấp nhận được, nhưng với nhãn quan hiện đại nó là độc ác, phi nhân tính nên cần phải sửa.
Nhiều người hùa theo kiểu lý luận này. Người viết xin tạm đặt cho kiểu lý luận này một cái tên là "công thức Tấm Cám". Áp dụng "công thức Tấm Cám", sẽ có bao nhiêu truyền thuyết và tư liệu lịch sử cần phải thay đổi. Xin nêu một vài ví dụ.
Truyền thuyết vua Hùng kén rể: Truyền thuyết kể rằng Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến xin nhà vua được cưới công chúa. Vì cả hai đều tài giỏi, vua không biết nên gả công chúa cho ai. Vua phán rằng: Đúng ngày đã định, ai mang lễ vật đến trước sẽ được cưới công chúa. Lễ vật gồm "voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao". Kết quả là Sơn Tinh mang lễ vật đến trước nên được chọn làm phò mã, Thủy Tinh thua nên tức giận, hàng năm dâng nước lên đánh Sơn Tinh...
Theo "công thức Tấm Cám", việc làm của vua là không đúng, cần phải sửa vì vua chọn voi, gà, ngựa ba con vật sống trên cạn là... thiên vị Sơn Tinh. Chẳng khác nào việc "chỉ định thầu" ngày nay. Sơn tinh là thần núi nên việc tìm các con vật trên cạn rất dễ dàng, còn Thủy tinh là thần nước nên thua là điều đương nhiên. Vậy cần sửa lại lễ vật của vua như sau: "Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" và "cá chín mang, tôm chín càng, rồng vàng chín khúc". Ba con trên cạn, ba con dưới nước như vậy mới thật là công bằng.
Chuyện hát chèo: Khi biểu diễn chèo, diễn viên vừa múa vừa hát, lời của các bài chèo có rất nhiều từ "hi hi, í a í ới", hát mãi, í ới mãi mới ra được một từ khác. Hát chèo chỉ loanh quanh chiếc chiếu ở sân đình. Theo "công thức Tấm Cám", chiếc chiếu giống như mảnh ruộng con con, cách hát phản ánh nền nông nghiệp lạc hậu, làm mãi không ra sản phẩm. Cần phải sửa cách hát, phải bỏ bớt "hi hi, í a í ới" đi, phải hát chèo trên sân khấu hoành tráng hoặc giữa sân vận động theo kiểu Hip Pop hoặc Roc...
Nếu bạn đọc cho rằng các ví dụ này có vẻ "điên điên" thì người viết phải đính chính rằng đây chỉ là cách thử áp dụng "công thức Tấm- Cám" vào một vài trường hợp khác mà thôi.
Nói một cách nghiêm túc, chúng ta không có quyền vơ đũa cả nắm, không có quyền phủ định lịch sử. Mấy chục triệu người Việt sống sau lũy tre làng, trên non cao hay ngoài hải đảo mấy khi họ để ý đến danh, đến đồ ngoại, đến hình thức. Ngay cả các thầy cô giáo, những người được xem là trí thức trên những bản làng heo hút, họ chỉ lo bắt lấy mấy con nhái [2] để bữa ăn có chút đạm động vật. Họ đâu còn thời gian mà cũng chẳng có tiền để mà chuộng đồ ngoại.
Người Việt mà hai vị GS, Phó GS đáng kính ở trên nhắc đến chắc chắn không phải là tất cả, chắc chắn không phải là số đông nhưng chắc chắn cũng không khó tìm đến mức như tìm kim đáy bể. Người viết cũng có chỗ đồng tình với các vị song cứ băn khoăn vì cho rằng, vạch áo cho người xem lưng ở chỗ đông người thì cần phải biết mình đang vạch cho ai xem và xem cái gì, xem rồi họ có ngộ được chút chân lý nào không?
Đánh giá công bằng, khách quan bản chất của người Việt, lịch sử văn hóa và tư duy của con người Việt Nam không phải là việc dễ dàng, càng không thể chỉ dựa vào một vài hiện tượng cá biệt. Lại xin nêu ra đây một ví dụ:
Hà Nội vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước có phố Huyền Trân Công Chúa và phố Bà Huyện Thanh Quan. Sau này phố Huyền Trân Công Chúa bị đổi tên, còn phố Bà Huyện Thanh Quan vẫn được giữ lại. Tại sao lại đổi tên như vây? Phải chằng vì Huyền Trân Công Chúa tuy là con vua Trần nhưng đã đi lấy chồng người nước khác nên không đáng để đặt tên phố?
Công chúa Huyền Trân, bằng sự hy sinh tình yêu và có thể nói là bằng chính cuộc đời mình đã góp sức mở mang bờ cõi đến cố đô Huế ngày nay. Việc thành phố Huế xây dựng khu lưu niệm công chúa Huyền Trân rộng nhiều hecta, chính là sự nhìn nhận một cách công bằng về nhân vật lịch sử đó.
Không thể nói mấy bài thơ tả cảnh của bà quan huyện là không hay, song mọi sự so sánh đều khập khiễng. Sự thay đổi tên phố gắn với một nhân vật lịch sử sinh ra và lớn lên ở Hà Nội rõ ràng đã làm mất đi một niềm tự hào, dù là nho nhỏ của người Hà Nội.
Vấn đề là "con đầu đàn"
Chúng ta bị một thói quen rằng những gì là điển hình thì phải thật tròn trịa, không tỳ vết. Chúng ta quên một sự thật rằng chiếc áo choàng khoác trên người anh hùng không bao giờ may kín, phải xẻ ở hai bên (hoặc ở phía trước) để người anh hùng còn có thể vung gươm. May kín tấm áo choàng, anh hùng sớm muộn cũng trở thành bức tượng.
Không thể đòi hỏi gần một trăm triệu con người đều phải "tròn trịa", điều này chẳng phải là chân lý sao? Sẽ thật ngây thơ nếu cho rằng chỉ cần lên án thói xấu thì tự nhiên người Việt sẽ trở thành người tốt. Và càng ngây thơ khi cho rằng chúng ta sẽ tiêu diệt được tận gốc cái xấu.
Người Việt cần trước hết là được giáo dục để trở thành con người có giáo dục, từ đó trở thành con người văn minh. Con người văn minh cần biết một quy luật khách quan, rằng xã hội loài người vốn tồn tại song song cả người tốt lẫn người xấu. Dù thoát ly khỏi bản chất "con" để trở thành "người" thì cũng chưa bao giờ loài người không sống theo kiểu sống "bầy đàn".
Vấn đề là "con đầu đàn" phải biết dẫn dắt bầy đàn đến nơi có đủ thức ăn, đủ sức mạnh để bảo vệ các thành viên trong bầy cũng như sẵn sàng thải loại các con bệnh hoạn. Một số người, một số nhóm lợi ích có sự băng hoại đạo đức, đấy không phải nguyên nhân làm "kìm hãm sự phát triển của xã hội" [1], đấy chính là hậu quả mã xã hội hiện đại mang lại.
Khái niệm công bằng, dân chủ đôi khi làm chúng ta ngộ nhận, đôi khi làm chúng ta mất phương hướng. Phấn đấu cho sự công bằng dân chủ theo kiểu anh có ôtô tôi cũng phải có ôtô là chuyện không bình thường. Người tài giỏi thực sự phải được hưởng thụ nhiều hơn kẻ bất tài, đấy mới là công bằng. Không lấy của người nghèo cho người giàu, đấy mới là công bằng.
Cái mà chúng ta cần là sự minh bạch, là ở chỗ tiền để anh mua ôtô là tiền sạch hay tiền bẩn. Chỉ khi sự minh bạch lên ngôi thì những thói hư tật xấu mới không có đất phát triển.
Phê phán rầm rộ thói xấu của một bộ phận người Việt chỉ giống như phun thuốc bón lá, có thể làm cho lá xanh nhất thời nhưng không làm cho gốc cây trở nên chắc khỏe, nhất là khi trong thân cây có một lũ "sâu đục thân" đang ngày đêm đục khoét.
Nếu muốn nhắn nhủ đến ai đó có lẽ các vị đáng kính trên sẽ thất vọng vì củ cải làm gì có tai. Thống kê các thói hư tật xấu không khó, chỉ ra nguyên nhân cũng không khó, khó là ở chỗ cần phải làm gì để mấy chục triệu người Việt không phải tủi hổ vì thói xấu (và là tội ác) ghê tởm nhất- vấn nạn tham nhũng, vẫn đang là vấn nạn của đất nước. Còn chúng tay thì có nguy cơ botay.com trước thói xấu đó.
Tác giả: Ts. Dương Xuân Thành
[1] http://giaoduc.net.vn/Vi-khat-vong-Viet/... Rat-nhieu-nguoi-Viet-ham-tien-vo-cam-hen-nhat/296341.gd