Làm người cần phải dửng dưng đối với mùi đời mới tốt và đừng nên nịnh bợ giầu sang. Không ham lợi thì ít bị tai họa, biết nhường nhịn sẽ được bình yên (Sách Minh Tâm bảo giám)
Sau khi cất tiếng khóc chào đời chỉ sau ba tháng biết lẫy – bảy tháng biết bò – chín tháng lò dò biết đi thế là ta đã đứng được trên đôi chân của chính mình. Tiếp theo quá trình nhận thức là sự hình thành ngôn ngữ: Bà! Bố!… rồi chẳng mấy chốc đã nói sõi và rành rẽ: muốn ăn kẹo! muốn uống nước cam! Muốn đồ chơi đẹp! Muốn quần áo tốt… đòi hỏi cho sở thích cá nhân ấy chỉ duy nhất giản đơn một từ muốn và chính cái từ ngẫu nhiên đến lạ kỳ ấy đã chung thủy ám ảnh chúng ta suốt cuộc đời thậm chí đến khi nhắm mắt xuôi tay về với đất cũng vẫn muốn nhắn, muốn gặp, muốn được hứa… Vô hình chung, ta đã nguyện ước muốn được mai táng cùng với cái muốn.
Nói tóm lại, quá trình hình thành và phát triển của cái muốn rất lâu dài và đa dạng, nhưng lạ nỗi tại sao người ta không gọi là chiếc muốn, đực muốn (chưa hề thấy); sự muốn, vẫn đề muốn (hiếm thấy), nếu dùng ý muốn nghe yếu ớt thì cái muốn nghe tương đối dịu dàng mềm mỏng dễ lọt tai hấp dẫn đến vậy? Phải chăng cái chỉ cả quá trình sản sinh biến thiên vô hạn phù hợp với bản chất tâm thức con người. Bình tâm lại, hãy vắt tay lên trán mà nghĩ (sau khi thực sự muốn nghĩ để cầu thị) thì cuộc đời này vô nghĩa nếu không có và đạt được cái mình muốn, tuy vậy cái ham muốn thái quá và đâm ra mê say mụ mẫm toàn thân sẽ là cội nguồn của bao tai họa nhỡn tiền bởi thế cái ham muốn nào cũng có hai mặt của nó như một đồng xu sấp ngửa quay tít. Cái muốn không nên đi cùng đường với tham muốn, nếu chúng đã dính chặt với nhau thì muốn trở thành xấu xa tồi tệ: “Ham ăn, ham sắc, ham tiền của thì người thành biển lận. Ham công danh sự nghiệp thì thành người kiêu căng. Người quân tử ham nghĩa, kẻ tiểu nhân ham lợi”.
Những cái muốn chia thành nhiều thể loại tùy theo tư tưởng con người. Bậc vĩ nhân có ham muốn tốt đẹp hết lòng vì nhân dân, vì đất nước mà điển hình nưh ham muốn cao quý của Bác Hồ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đối với người bình thường thì cái muốn cũng thường thôi: đủ cơm ăn, áo mặc, phương tiện đi lại, nhà cửa tử tế, con cái ngoan ngoãn học hành đỗ đạt và đừng bao giờ ốm đau bệnh tật… Những ai có tài năng thực sự thì đạt được cái mình muốn không khó lắm, chỉ cần thời gian và quyết tâm là được, đó là cái muốn thông qua lao động chân chính.
Lại lắm kẻ muốn suông, không chịu làm gì, vô tài kém đức mắc bệnh tưởng rồi nằm mộng giữa ban ngày thấy giàu có công danh sung sướng chẳng khác gì đại lãn chờ sung hay trèo cây hái trăng. Và một số đông những người không bình thường khác luôn ấp ủ những ham muốn đầy ắp phi thường giống hết như người đời, khó có thể dửng dưng trước sự cám dỗ thôi thúc của cái muốn và càng không thể tạm dừng muốn được. Mà cái muốn trong cuộc đời quanh quẩn tập trung chủ yếu vào một số danh mục đáng thòm thèm là: danh lợi, tiền bạc, địa vị, hưởng thụ. Cái muốn tiền bạc gồm có vàng ngọc, ngoại tệ, cổ vật, đất đai, nhà cửa, đồ đạc đắt giá, tài khoản ngân hàng, cổ phiếu, phương tiện sang trọng… cái muốn công danh chẳng qua là địa vị cao, tên tuổi nổi tiếng, bằng cấp các loại, chức tước oai vệ… Còn hưởng thụ cho đã đời nhất định là ăn ngon, mặc đẹp, uống đắt, tửu sắc, du lịch khắp nơi…
Nếu chỉ được hưởng thụ chút ít phần nào đó trong vô số cái muốn kể trên cũng có thể đáng coi là sung sướng mãn nguyện lắm rồi, ấy vậy mà được voi đòi tiên thói đời vẫn thế, chẳng bao giờ biết đủ cho dù các cụ đã dạy: “Biết đủ thường vui, ham quá lo nhiều. Người biết đủ thì nghèo cũng vui, kẻ không biết đủ thì giàu sang vẫn lo. Biết đủ thường đủ, trọn đời không nhục. Biết thôi thường thôi, trọn đời không hổ. Mà nhìn lên thì thấy là chưa đủ, trông xuống thì thấy là có dư”.
Vì thèm muốn mà chưa giàu phải kiếm bằng được tiền, kiếm ít lại muốn nhiều, giàu rồi phải giàu hơn nữa; địa vị cũng vậy, đã có địa vị phải ngoi lên cao hơn, đương nhiên cái muốn bao giờ cũng biến chứng theo chiều hướng xấu xa hóa; chưa có thì thèm muốn, có ít rồi ham muốn nhiều hơn, ham muốn nhiều rồi đâm nghiện và bản năng có điều kiện ám ảnh dai dẳng sẽ trở thành ham muốn mù quáng rốt cuộc hoàng kim hắc nhân tâm. Muốn nhiều tiền thì sử dụng thủ đoạn moi tiền nhà nước, lừa tiền nhân dân, xoay xở bòn rút, bớt xén nhận hối lộ; tham ô, hụi họ, buôn lậu, ma túy, chiếm đoạt, cướp giật thôi thì đủ trò tồi tệ…
Công danh chưa thỏa mãn thì chạy chọt địa vị, mua bằng cấp bất chấp cả bằng giả, luồn lách, nịnh nọt tiến thân hoặc dùng mưu ma chước quỷ hại người lợi mình, lừa trên gạt dưới… thế chẳng phải thất nhân tâm sao? Gieo hạt nào gặt quả nấy cái luật nhân quả luôn luôn đúng chưa bao giờ sai trật, cùng lắm là chỉ sớm hay muộn thôi, cho đến lúc cánh tay luật pháp chộp lấy gáy, làm quen với móng ngựa, đánh bạn với song sắt hay dựa cột pháp trường thì bản thân ô nhục đã đành, lại lây sang cả gia đình họ hàng bố mẹ vợ con mang tiếng để đời. Thử hỏi sướng hay khổ, lại chẳng thấy các cụ mình dạy đúng quá; ăn cơm rau ngáy o o, ăn cơm thịt bò lo ngay ngáy.
Nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ cho cạn lý lẽ thì cái muốn vốn dĩ vô tư và trong sạch nhưng tư duy vật chất của con người đã nhuộm đen nó biến nó thành động cơ đốt trong sinh ra những hoạt động tội lỗi với bao mưu đồ xấu xa không cùng tận. Cái muốn trong mỗi con người vừa là bản năng tự nhiên vừa là phản xạ có điều kiện, nó chính là biểu hiện của khát vọng để thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện mọi mặt của toàn xã hội cũng như trong mỗi cá nhân, nhưng trong cơn say mê, đam mê cái muốn, nếu ta không biết chọn điểm dừng và biết cách dừng cho thuận tình hợp lý thì nhất định sẽ bị cuốn theo chiều xoáy dốc vào túi tham không đáy, chẳng chóng thì chầy đến thân bại danh liệt mà thôi.
Đúng là trong xã hội còn có nhiều chuyện đáng bàn nhưng thiển nghĩ cái muốn chính là nguyên nhân gốc gác sâu xa gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nhất cho nên nhắc đi nhắc lại cũng không thừa bởi: “Miếng ăn sướng miệng sẽ sinh ra bệnh tật, việc làm thỏa chí sẽ đưa tới tai vạ. Tranh hơn chạy tắt hay thành ác, nói lỡ lời thành tiếng đồn đại. Cho nên đổ bệnh rồi mới uống thuốc sao bằng ngừa trước bệnh tật?”. Đáng ra phải phân tích sâu thêm nữa, lên án cái tham muốn đanh thép hơn nữa chứ chỉ biết nói vậy thôi thì chưa đủ, nhưng có lẽ cũng đến lúc nên tạm dừng bút tự lục vấn xem bản thân mình có thật sự đang nhấp nhổm muốn gì chăng?