Có một trò chơi mà tôi thường hay chơi mỗi khi rảnh rỗi đó là xếp những quả bóng hình khuôn mặt cùng màu lại gần nhau để được tính điểm.
Điều khiến tôi thích thú ở trò chơi này, đó là khi một quả bóng không cùng màu với những quả bóng xung quanh nó thì ‘khuôn mặt’ nó xịu xuống, cáu giận hoặc buồn bực. Khi ta di chuyển để hai hoặc nhiều hơn hai quả bóng cùng màu lại gần nhau thì ‘khuôn mặt’ trở nên vui vẻ. Những quả bóng ‘cảm xúc’ khiến tôi nhớ về lời Phật dạy, ‘ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ' (1).
Con người cô đơn?
Tôi vẫn thường tự hỏi, có phải con người là giống loài cô đơn?
Tôi nghĩ người ta yêu nhau để chạy trốn khỏi sự cô đơn. Khi người ta chia tay, người ta buồn, là vì người ta phải đối mặt với sự cô đơn. Người ta sợ đứng một mình, người ta sợ không có người hiểu. Người ta sợ không được chia sẻ nhiều hơn là không có cơ hội để chia sẻ. Người ta sợ vuột mất ngay cả khi đang ghì chặt. Bởi vậy nên người ta mới đau khổ, vì người ta không dành chỗ cho sự cô đơn.
Tôi nhớ có ai đó đã viết cho những người trẻ rằng ‘hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi’. Đó là khi ta dành cho ta, và người thương của ta, một khoảng trống nhỏ trong tâm hồn cho riêng mình. Một khoảng trống nhỏ để không ai biết ta cất giấu thứ gì trong đó cho riêng ta. Một khoảng trống nhỏ để ta thu mình lại và an toàn trong đó mỗi khi tâm hồn bị tổn thương, để rồi ta lại bước ra khỏi đó khi đã hiểu vết thương giúp ta mạnh mẽ. Một khoảng trống để ta nhận ra rằng mọi thứ đều có thể thay đổi, để ta bình thản mà đón nhận sự thay đổi thay vì hằn học, phiền muộn hay giày vò bản thân. Một khoảng trống đủ nhỏ để ta dừng lại, lùi lại và làm lại.
Khoảng trống của sự cô đơn
Bạn đừng vội vứt nó đi, vì chắc chắn sự cô đơn có giá trị của riêng nó. Bạn cũng đừng vội lấp đầy khoảng trống này, vì nó có thể lại xuất hiện bất cứ lúc nào, trong tâm hồn bạn, để nhắn với bạn rằng, sự cô đơn sinh ra không phải để lấp đầy, và không cần được lấp đầy. Sự cô đơn có thể xuất hiện khi bạn chia tay người thương của mình. Sự cô đơn cũng có thể xuất hiện khi bạn cần một người hiểu. Thực ra nó không xuất hiện và biến mất, nó luôn luôn ở đó, dù bạn mười tám hay tám mươi, dù bạn đang vui vẻ giữa đám bạn bè hay một mình nơi căn phòng tối, dù chỉ trong một giây phút hay cả một quãng thời gian dài tựa thiên niên kỷ, dù bạn đã trải qua bao nhiêu mối tình, bao nhiêu đổ vỡ… sự cô đơn vẫn luôn ở đó, như một phần không thể tách rời trong tâm hồn bạn.
Việc bạn cần làm trước hết là hãy dịu dàng với nó. Hãy xem sự cô đơn đó muốn nói gì với bạn.Nếu bạn chưa từng hiểu được sự cô đơn, làm sao bạn biết đâu là hạnh phúc để bạn trân trọng? Hãy thôi tìm nguyên nhân dẫn tới sự cô đơn, đừng đặt câu hỏi ‘ta đã sai ở đâu’ để đưa mình vào cái mê cung cảm xúc của sự nghi ngờ, nỗi lo lắng, sự hoảng loạn và nỗi bất an.
Bạn ạ, bạn không sai, và sự cô đơn này cũng không phải là một sự trừng phạt. Chỉ là có thể bạn đã bỏ lỡ một vài giá trị đáng trân trọng của bản thân để đặt niềm tin vào một người chưa sẵn sàng dành cho bạn. Có thể bạn đã không dành chỗ cho sự cô đơn ngay từ đầu để tránh những va chạm không đáng có trong tâm hồn một sớm mai đổi thay. Hay sự cô đơn là một lời nhắn bạn hãy đi chậm lại để lắng nghe cảm xúc của mình nhiều hơn?
Có hai sự cô đơn ta thường thấy, sự cô đơn khiến ta buồn khổ và sự cô đơn giúp ta mạnh mẽ. Đôi khi là hai nhưng lại là một, hoặc đôi khi, bạn có thể lựa chọn cho riêng mình một sự cô đơn cần có.
(1) Thương nhau mà phải xa cách thì khổ, ghét mà phải gặp nhau thì khổ.