Phạm hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! “Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không, không có gì trói buộc, không có một đối tượng, vật chất, hoàn cảnh nào cám dỗ họ được”. Con phải hướng tâm như thế nào đây mới chứng được điều này?

Đáp: Chỉ cần siêng năng tu tập các loại pháp môn ly dục ly ác pháp và sống đúng giới hạnh, nhập được Sơ Thiền thì đời sống xuất gia sẽ phóng khoáng như hư không.

Tuy nói như vậy, nhưng không phải dễ, nếu chỉ có cạo bỏ râu tóc, mặc y áo cà sa, tụng kinh, niệm Phật, ngồi Thiền v.v.. thì đâu có gì là khó, còn ngược lại phải sống đúng giới hạnh, phải tập tu ly dục ly ác pháp thì khó vô cùng. Cho nên, điều cần thiết là con phải hiểu rõ đời sống tại gia của người cư sĩ khổ như thế nào?

- Thứ nhất, phải làm ra tiền bạc, thực phẩm, áo quần, nhà cửa, tài sản, sự nghiệp. Những sự sống này, khiến cho con người phải lo toan rất nhiều, nhiều khi thiếu trước hụt sau, sợ đói, sợ bịnh đau, không tiền, không thực phẩm là rất khổ, nói chung chỉ có những nghề nghiệp làm ra để sống, nhưng nghề nghiệp làm ăn lại thất bại, khi thất bại là khổ, còn nếu làm ăn được thì phải trăm muôn vạn kế tính toán lo toan nhiều, khi còn phải sử dụng mưu kế gian xảo, lừa đảo bằng mọi thủ đoạn, tạo ra biết bao nhiêu điều ác, nên trong lòng lúc nào cũng bất an, lo sợ nơm nớp tù tội bị phạt vạ, và còn lo sợ trộm cướp nữa.

- Thứ hai, là khổ sở khi mình nghèo sợ người ta khi dễ.

- Thứ ba, khi mình có của cải, cuộc sống thoái mái hơn, thì lo sợ người khác ganh tỵ tìm mọi cách nói xấu hoặc thù ghét và hãm hại.

- Thứ tư, lo sợ tai nạn, bịnh tật, mà tiền mất nhưng tật phải mang.

- Thứ năm, con cái hư phá tán tài sản.

- Thứ sáu, vợ hoặc chồng sống không chung thủy, làm tiêu tan sản nghiệp, đó là nỗi khổ đau của mọi người, mà người nào cũng không tránh khỏi.

- Thứ bảy, những người thân có tai nạn hoặc bịnh tật.

- Thứ tám, trong nhà anh em tranh giành của cải tài sản, kiện thưa.

- Thứ chín, khổ vì người khác nói trái ý, nghịch lòng.

- Thứ mười, khổ vì không đạt được ước nguyện.

Thường thường, người cư sĩ sống tại gia có nhiều duyên sự xảy đến, khiến cho họ phải chịu nhiều sự khổ đau như vậy.

Cho nên, đời sống tại gia rất là phức tạp và khổ sở. Có một nhà thơ đã nói đến sự khổ đau của con người, từ khi bắt đầu sinh ra:

“Lúc sanh ra miệng đã khóc thóe
Trần có vui sao chẳng cười khì”.

Nếu là, một người có nhiều suy tư về đời sống thì chúng ta thấy rất rõ ràng, cuộc sống con người là biển khổ, khổ từ lúc sinh ra cho đến khi chết.

Do thấy đời sống tại gia khổ như vậy, nên chúng ta chịu chấp nhận một cuộc sống đi ngược lại với sự sống tại gia, đó là đời sống xuất gia. Đối với đời sống tại gia thì đời sống xuất gia hoàn toàn khác hẳn, vì buông xả sạch vật chất chỉ còn sống với tinh thần phóng khoáng như hư không, vì thế tự tại thung dung, không lo đói, lo no, không còn kêu réo, làm bận tâm bận trí, bất toại nguyện. Với đôi mắt của người xuất gia, nhìn mọi vật đều vô thường. Cho nên:

“Các pháp vô thường
 là pháp sinh diệt
Sinh diệt, diệt rồi
Tịch diệt là vui”

Vì thấu hiểu như vậy, nên đời sống xuất gia là một đời sống buông xả sạch, chỉ còn ba y, một bát đi xin ăn của những người hảo tâm. Đời sống như vậy rất khổ về vật chất, vì không có gì cả, nếu chúng ta không ý thức và thấu rõ chỗ không có gì cả là chỗ phóng khoáng như hư không, thì chúng ta sẽ khổ sở vô cùng. Nhưng nếu, chúng ta ý thức được điều này thì đời sống xuất gia thật là phóng khoáng như hư không, không có vật gì trói buộc; không có một đối tượng, một vật chất, một hoàn cảnh nào cám dỗ được.

Đó là đời sống giải thoát, đời sống Phạm hạnh, đời sống Thánh Thiện, còn ngược lại đời sống xuất gia mà có chùa to, Phật lớn là đời sống vật chất nhiều, không giải thoát, đó là đời sống như người tại gia, những vị tu sĩ này bị trói buộc như cá mắc rọ, lưới, lờ, câu không thể phóng khoáng như hư không được. Họ thường là những người phục dịch cho những Phật tử mê tín.

Đời sống xuất gia là đời sống trống rỗng cho nên mới gọi là như hư không.

Nếu hư không mà có, thì làm sao gọi là hư không. Vì thế, những tu sĩ có chùa to Phật lớn sang đẹp và vật chất nhiều thì làm sao giống như hư không được. Do thế, không thể giải thoát. Phải không các bạn?

Bởi vậy, các vị Tỳ-Kheo trong thời đức Phật, các Ngài đã nói:“Vì giải thoát sanh tử luân hồi, chúng con mới chấp nhận sống đời sống Phạm hạnh của Gotama”.

Vì sanh tử luân hồi là đời sống tại gia, mà sanh tử luân hồi là sự đau khổ của loài người, không chỉ khổ có một kiếp mà khổ nhiều kiếp.

Đời sống xuất gia là đời sống Phạm hạnh, đời sống buông xả, đời sống phóng khoáng như hư không, cho nên còn có gì mà tái sanh luân hồi.

Một hôm đức Phật đi khất thực, đi ngang qua một ngôi nhà giàu có, một con chó từ trong nhà chạy ra sủa to, đức Phật dừng lại mới bảo rằng: “Nhà ngươi vì vô minh lầm chấp của cải tài sản là của nhà ngươi, do đó nhà ngươi phải tái sanh làm thân chó để giữ của cải đó, nhưng của cải đó không phải là của nhà ngươi nữa đâu. Tội cho ngươi không thấy mọi vật chất thế gian là pháp vô thường, nên phải chịu làm thân chúng sanh khổ sở muôn vàn từ kiếp này sang kiếp khác”.

Con chó nghe được lời này, dường như nó ngộ được lý này, nên từ đó, nó buồn rầu và bỏ ăn, ít hôm sau con chó chết.

Loài chúng sanh còn nhận được lời đức Phật dạy, mà xả tâm dính mắc thế gian để chuyển hóa thân chó.

Chúng ta là những con người khi nghe đức Phật dạy: “Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không, trắng bạch như vỏ ốc, không có gì trói buộc, không có một đối tượng, một vật chất, một hoàn cảnh, một sự việc nào cám dỗ họ được và làm cho họ động tâm được”.
Đời sống Phạm hạnh, đời sống như vậy còn gì mà khiến cho họ tái sanh luân hồi.

Bởi, xét cho cùng đạo Phật chỉ lấy cuộc sống Phạm hạnh, làm một chứng cứ cụ thể để mọi người thấy đó là sự giải thoát thật sự, không còn sanh tử luân hồi, như câu chuyện con chó lúc nãy, vì dính mắc của cải tài sản của nhà ấy, phải sanh làm con chó để giữ của cải đó.

Còn chúng ta, muốn tu theo đạo Phật để cầu giải thoát thì tại sao lại không chấp nhận đời sống Phạm hạnh.

Đời sống Phạm hạnh là Niết Bàn, nếu chúng ta chấp nhận đời sống Phạm hạnh thì chúng ta phải đoạn dứt lòng tham dục, có đoạn dứt lòng tham dục thì chúng ta mới sống đời sống Phạm hạnh trọn vẹn. Nếu không đoạn dứt lòng tham dục thì đời sống Phạm hạnh không trọn vẹn, giống như các tu sĩ của Phật giáo phát triển hiện giờ; đời sống Phạm hạnh chưa trọn vẹn thì kiếp sau phải làm thân chó để giữ gìn những ngôi chùa sang đẹp. Đó là, sự dính mắc của các tu sĩ hiện giờ, họ đâu biết rằng, khi tâm tham dục còn một chút xíu dính mắc pháp thế gian là họ phải tiếp tục tái sanh trong vòng luân hồi khổ đau.
Họ đâu biết rằng đời sống Phạm hạnh là Niết Bàn của chư Phật, là chấm dứt tái sanh luân hồi. Đức Phật dạy: “Này Bà La Môn, cảm thọ tham ái được đoạn tận, không có dư tàn; cảm thọ sân được đoạn tận, không có dư tàn; cảm thọ si được đoạn tận, không có dư tàn. Như vậy, này Bà La Môn, Niết Bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, đượcngười trígiác hiểu”.(Kinh Tăng Chi Tập 1, trang 285).

Đời sống thế gian là ngục tối âm u đầy đau khổ.

Đời sống xuất gia Phạm hạnh hoàn toàn giải thoát như hư không, Cực Lạc, Niết Bàn.

Rõ thấy được như vậy, thì con nên chọn đời sống nào? Đời sống thế gian hay đời sống Phạm hạnh?

Chọn nó thì phải có nhiệt tâm xả bỏ, tâm như cục đất, chỉ có nhiệt tâm và hướng tâm mình như cục đất.

Đời sống Phạm hạnh là đời sống từ bỏ tất cả sanh y. Nếu muốn từ bỏ tất cả những sanh y thì chúng ta phải dùng pháp Như Lý Tác Ý: “Sanh y là đau khổ, là dính mắc, là tái sanh luân hồi ta phải từ bỏ, xa lìa vĩnh viễn những thứ đau khổ này”.

Đức Phật sách tấn chúng ta sống đúng đời sống phạm hạnh. Ngài dạy: “Này các Tỳ Kheo, tối thắng là tinh cần với mục đích từ bỏ tất cả sanh y. Do vậy, này các Thầy Tỳ Kheo, các Thầy cần phải học tập như sau: “Ta sẽ cố gắng tinh cần để từ bỏ tất cả sanh y”. Như vậy, này các Thầy Tỳ Kheo, các Thầy cần phải học tập”.

Đây là, lời dạy chí tình của đức Phật qua những danh từ “tối thắng”, “tinhcần”, “từ bỏ”, “sanh y”.Những danh từ này, đã xác định đời sống Phạm hạnh là giải thoát hoàn toàn, là Niết Bàn tại thế, là chấm dứt tái sanh luân hồi.

Bởi thế, cuộc đời tu hành theo đạo Phật quan trọng nhất là đời sống Phạm hạnh. Đời sống Phạm hạnh không phải ở chiếc áo cà-sa và chiếc đầu cạo trọc mà là tâm Phạm hạnh. Bởi vì, chiếc áo cà-sa và chiếc đầu cạo trọc chỉ là một hình thức lừa đảo người, nó đã làm ô uế cho Phật giáo từ bao nhiêu thế kỷ nay.

Xưa, khi đức Phật nhập Niết Bàn đã nói lên lời nói di chúc: “Giới luật Ta còn là đạo Ta còn, giới luật Ta mất là đạo Ta mất”.

Giới luật là gì? Giới luật là Phạm hạnh. Nếu một tu sĩ còn có Phạm hạnh là đạo Phật còn, nếu một tu sĩ Phạm hạnh không có thì đạo Phật mất.

Lời di chúc này chúng ta cũng xác định đạo Phật còn hay là mất, không thể che dấu ai được.

Phạm hạnh là gì? Là tâm ly dục ly ác pháp. Chỉ khi nào con ly dục ly ác pháp thì đời sống Phạm hạnh con trọn vẹn.

Con có nhìn thấy bạn của con không? Cũng cạo đầu, cũng mặc áo tu sĩ rồi một thời gian để tóc lại, mặc đồ đời, có chồng rồi đây sắp có con. Họ có thật sự thấy đời sống thế gian là khổ không? Hay chỉ muốn tu để có thần thông phép tắc và ngồi mát ăn bát vàng. Hay muốn tìm đường giải thoát mà không muốn buông xả bỏ sanh y thì làm sao tìm đường giải thoát cho được. Sanh y là gì? Là chồng con hay vợ con, là của cải tài sản v.v..

Này các con, sanh y trong lòng con chứ không phải sanh y là những vật chất bên ngoài. Xả sanh y vật chất bên ngoài như Minh Tông, còn sanh y bên trong thì tâm không chịu xả, ngồi trong thất mà nhớ vợ, nhớ con, như vậy xả sanh y bên ngoài để làm gì? Có lợi ích gì? Phải không các con? Cuối cùng cũng chỉ trôi lăn trong lục đạo. Cô Diệu Quang đã trắc nghiệm tâm sân của Minh Tông đã hiện ra, như người chưa bao giờ tu, chắc các con đã trực tiếp thấy và nghe rõ ràng.

Năm năm trời, mài miệt trong thất chỉ có một phút giây tan tành như gió bụi, uổng công phu tu tập vô cùng.

Tới hôm nay, tâm con đã sống Phạm hạnh được chưa? Nếu chưa được, thì hãy cố gắng con ạ! Đừng bỏ cuộc, đừng nản lòng, đừng bắt chước các bạn con thối tâm.

Hãy đứng lên chiến đấu tận cùng, để đạt được đời sống Phạm hạnh, để làm chủ đời sống sanh, già, bịnh, chết, đời sống cao thượng của một bậc chân tu với một tâm hồn phóng khoáng như hư không.

Nếu trên đường tu tập theo Phật giáo mà con không có chí lớn như Bà Triệu Ẩu “Cưỡi cá kình, vượt sóng to, sống một đời không chịu luồn cúi làm thê thiếp cho thiên hạ”.Ý chí này, với tư tưởng này thì mới có thể sống một đời sống cao thượng, phóng khoáng như hư không và trắng bạch như vỏ ốc của các bậc Thánh Ni, những đệ tử Ni của đức Phật ngày xưa. Còn nếu sống không được đời sống Phạm hạnh thì con chẳng khác gì như các bạn con, chỉ một đời luồn cúi làm thê thiếp cho kẻ khác và còn bị đánh đập chửi mắng và hành hạ nữa, con có thấy bạn con không???

Rấc tiếc là bộ giới đức, giới hạnh và giới hành Thầy đã viết chưa xong. Giới đức, giới hạnh, giới hành tức là Phạm hạnh, hay gọi là Sa Môn hạnh hoặc gọi là Sa Môn Quả. Đó là những giới luật của Phật giáo chứ không phải giới bổn Ba La Mộc Xoa Đề. Giới bổn Ba La Mộc Xoa Đề là giới luật của các Tổ biên soạn viết ra dựa vào kinh giới rút ra một số lập thành giới cấm.

Như chúng ta ai cũng biết, đạo Phật là đạo tự lực không cầu tha lực, vì thế, giới là sự sống của Tăng Ni và các cư sĩ, cho nên người nào đến với đạo Phật là phải tự nguyện sống Phạm hạnh chứ không có sự bắt buộc như giới cấm của các Tổ. Vì cầu giải thoát, nên chúng tôi mới tự nguyện sống đời Phạm hạnh dưới sự chỉ đạo của đức Gotama. Cho nên, giới cấm của các Tổ là sai, không đúng tinh thần tự nguyện, tự giác của Phật giáo.

Đạo Phật là một tôn giáo tự do tín ngưỡng, không cám dỗ, mà cũng không bắt buộc ai. Ai tự nguyện, đến giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì dạy bảo và giúp đỡ cho tu hành, còn sống giới luật không nổi, xin ra, thì cũng vui vẻ chấp nhận ngay liền, không bắt buộc người theo Phật giáo phải thề thốt “Trời tru đất diệt”.

Cho nên, giới cấm của các Tổ là sai, vì giới cấm là có sự bắt buộc. Đạo Phật không có cấm ai cả, chỉ người tu phải tự nguyện, tự lực, tự giác, tự ngộ mà đến với đạo Phật. Còn giới luật đúng của đạo Phật là giới đức, giới hạnh, giới hành. Những giới luật này, đức Phật dạy cho đệ tử mình, sống một đời sống Phạm hạnh và tu tập để được giải thoát, nên giới luật này còn gọi là Giới Vô Lậu. Vì thế, giới là đức hạnh sống của người tu sĩ, giới là pháp môn tu tập để dứt trừ các lậu hoặc. Các bạn đừng nhầm lẫn giới cấm và giới hành. Vì giới hành là thể hiện đời sống Thánh Tăng, Thánh Ni, Thánh cư sĩ.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Previous Post
Next Post