Tính bất định - trạng thái ưu tư của con người

Bất định lượng tử được khám phá đầu thế kỷ XX, nó giúp cắt nghĩa những bí ẩn của đời sống và, thật là kỳ lạ, nó giúp cắt nghĩa phạm trù sắc không của Thích Ca, hữu vô của Lão Tử; chứ nó không dự phần vào sự đảo lộn các giá trị của đời sống hiện đại. Tôi thấy các ông Kundera, Nguyễn Hưng Quốc và người học trò xuất sắc của các ông là Nguyễn Mạnh Hà đã vẽ rắn thêm chân cho vật lý lượng tử mà thôi...Khi W. Heisenberg chưa sinh ra, trong hạt đã có electron và proton, chúng không ngừng chuyển động trong nguyên tử một cách náo nhiệt; nhưng xã hội và tự nhiên vẫn tồn tại và phát triển theo trật tự nhân quả của nó, theo cơ duyên và theo tập quán văn hoá, nam mô a di đà! vanchinh.net

Tính bất định, trong cội nguồn của từ ngữ, là phát kiến của ngành lượng tử học khi các nhà vật lí như W. Heisenberg sau có Niels Bohr tiến hành các thí nghiệm. Tính bất định, hay nguyên lí bất định đại để nói rằng: “bạn không thể tiên đoán chính xác vị trí của một hạt cơ bản tại một thời điểm cho trước giống như các nhà thiên văn tiên đoán chính xác vị trí của một ngôi sao tại một thời điểm cho trước”[1]. Nhưng nguyên lí bất định [với việc khẳng định tính tương đối của giá trị và theo đó là sự phá vỡ hệ thống] còn chứng tỏ rằng một thời đại mới đã mở ra, thời đại “sự cất cánh rời bỏ khái niệm cũ đặc cứng tính thiết yếu và khuynh hướng về sự mơ hồ và cái vô định” [nguyên lí bất định dược phát biểu là nhằm bài bác lại quan điểm tất định của vật lí cơ học về chuyển động và tương tác giữa các vật trong không gian có cội nguồn từ những thí nghiệm của Newton] đó thực chất là sự “phản ánh sự khủng hoảng của nền văn minh đương đại”[2].

Nói chính xác đó là khủng hoảng của lòng người trước những thành tựu của văn minh đương đại. Nếu trước đây với tinh thần duy lí cơ học, khủng hoảng là không tìm ra con đường, lí trí bị đẩy đến tột cùng, ngột ngạt, không lối thoát; thì nay khủng hoảng là khủng hoảng trước sự không biết lựa chọn con đường nào trước ngàn con đường mở ra trong nhận thức bao biện của con người; hơn nữa, do chỗ, con người là một thực thể sinh động gồm hữu thức vô thức, cảm giác, trực giác.

Nguyễn Hưng Quốc trong Tóm lược các lý thuyết phê bình văn học chính từ đầu thế kỷ 20 đến nay, khi viết về hậu hiện đại - trào lưu mà nhiều người cho là “bóng ma ám ảnh”, số khác gọi là một thứ “phớt lờ” nhằm đánh lừa tâm trí con người hiện đại - đã viết: “chủ nghĩa hậu hiện đại đề cao tính bất định, tính đa tạp và tính phân mảnh […]. Khác với chủ nghĩa hiện đại vốn tìm kiếm sự thống nhất trong đó mọi yếu tố đều quy vào một trung tâm nhất định với một cấu trúc chặt chẽ và có thứ bậc rõ rệt, chủ nghĩa hậu hiện đại chủ trương phi tâm hoá […] Cũng có thể nói chủ nghĩa hậu hiện đại là sự sụp đổ của những cái đơn nhất và toàn trị để nhường chỗ cho những phân mảnh và những yếu tố ngoại biên [margin], là sự khủng hoảng của tính nhất quán và là sự nở rộ của những sự dị biệt, là sự thoái vị của tính hệ thống và sự thăng hoa của tính đa tạp. Một cách văn tắt, tự bản chất, chủ nghĩa hậu hiện đại là một thứ chủ nghĩa đa nguyên”[3].

Milan Kundera nhà tiểu thuyết, nhà lí luận người Pháp gốc Séc khi trình bày quan niệm của mình về thời hiện đại [nhìn từ quan điểm tiếp cận thể loại tiểu thuyết] cũng đã viết: “Thời hiện đại không chỉ bắt đầu với Descartes mà còn bắt đầu với Cervantès và Rabelais [...] Nếu thời hiện đại ra đời bằng sự chấm dứt bóng đêm u u minh minh trung cổ và sự xuất hiện của chủ nghĩa duy lí sáng rõ, minh bạch, ngăn nắp, rạch ròi, thì mặt khác, thời hiện đại đồng thời cũng ra đời khi tư duy nghệ thuật sử thi với niềm tin vào chân lí duy nhất độc tôn, tuyệt đối của nó chấm dứt, tan rã thành hàng trăm ngàn chân lí tương đối trái ngược nhau, thế giới trở thành một thế giới nước đôi lưỡng lự”[4]. Thực ra những ý kiến trên đều tập trung ở khái niệm hệ hình tư duy. “Thời hiện đại là thời của những sự thay đổi hệ hình” [Trần Đình Sử].

Con người thời hiện đại là con người với tính chất cá nhân của nó, là con người được đẩy lên đỉnh cao của khái niệm “người”, “quyền” vốn được đặt nền từ phong trào Khai sáng ở Châu Âu thế kỉ XVIII. Nơi đó [thế giới này] là nơi con người thực hiện bằng nghiệm sinh của mình, là quá trình thực hiện hiện sinh từng thời khắc tồn tại, nơi của sự sự đầy ắp thực tại, sự nhiễu loạn hiện thực [bởi đã giải phóng cho cái tôi con người individu], sự quá tải của lượng thông tin; con người hiện thực nhất lúc bấy giờ chính là con người hiện sinh [chủ nghĩa hiện sinh là chủ nghĩa nhân bản nhất, quan điểm của J. P. Sartre đưa ra năm 1946] với tất cả sự tồn tại hữu thức vô thức, sự bi luỵ trước thân phận người của nó. Và nói chung quy, tất cả những điều trên chỉ có được khi giải phóng cái tôi cá nhân, khi cho phép “con người này” [G. Hegel] nhìn ngắm và đối chát với bất cứ sự vật nào, con người nào; nghĩa là xoá bỏ khoảng cách tâm thế, trả lại bình quyền.

Sự “hoài nghi tất cả” theo phương châm của tổ sư Karl Marx xem ra không còn quá rợn ngợp nữa. Dĩ nhiên, như đã nói, khi trao tất cả quyền phát xét cho cá nhân thì sẽ không bao giờ có một sự vật, hiện tượng hoàn kết, bao giờ nó cũng làm cho cá nhân đó đặt vào trạng thái ưu tư, không có một cái gì tuyệt đối và vô song cả, một sự vật khi ta nhìn từ góc nhìn nào đó với một tâm thế nào đó thì sẽ thế này nhưng khước từ cái nhìn đó, bằng việc thay đổi hẳn góc độ quan sát, đánh giá, tự dưng nó là một sự vật với phẩm chất khác, có khi trái ngược với phẩm chất mà ta thu được ban đầu. Điều này có liên quan đến quan điểm của các nhà hiện tượng học và quan điểm của Paul Cézanne “cảnh quan bao gồm cả người quan sát” trong hội hoạ.

Triết học hiện tượng học cho rằng: “khách thể đó là hoạt tính [activity - tính tích cực] của chính ý thức; hình thức của hoạt tính ấy là tính chủ định [intentionality]”[5]. Merleau - Ponty, một triết gia đến sau chịu ảnh hưởng của ông tổ Edmund Husserl diễn giải: “Bằng cách nào mà bất cứ sự vật nào đó có thể “tự nó hiện diện” thực sự trước chúng ta khi mà sự tổng hợp của nó không bao giờ hoàn thành? Có thể nào thu được kinh nghiệm về thế giới, như ta có thể thu được về một cá nhân đang thực thi sự hiện hữu của mình, khi mà chẳng có cái nhìn nào hoặc nhận thức nào ta có về thế giới có thể làm nó cạn kiệt và những chân trời còn mở ra mãi mãi? […] Cái mâu thuẫn, mà chúng ta cảm thấy hiện hữu giữa thế giới thực tại và tính chưa hoàn thành của nó, là đồng nhất với cái mâu thuẫn hiện hữu giữa tính hằng hiện khắp nơi của ý thức và sự gắn bó của nó vào một trường hiện diện […] ý thức, thường được cho là một khu vực cực kỳ khai sáng, ngược lại, chính lại là khu vực của sự bất định”[6].

Paul Cézanne phát biểu: “việc biểu đạt phải tính đến cả hiệu quả của sự tương tác giữa hành vi quan sát và đối tượng quan sát, những thay đổi của điểm quan sát, cũng như khả năng có sự nghi ngờ ở những gì ta thấy [NMH nhấn mạnh]”[7]. Quan điểm của Paul Cézanne đã mở hướng đi thoát khỏi khủng hoảng cho hội hoạ trước sự xâm lấn đầy quyền uy của kỹ thuật bấm máy chụp ảnh, ông không vẽ bản thân thực tại mà vẽ bản thân sự tri giác thực tại đó. Nói như vậy cũng có nghĩa là nhìn nhận con người không phải là cái gì đó biệt lập đối với thực tại.

Chính lý thuyết của Paul Cézanne đã được Picasso - người sáng lập chủ nghĩa lập thể năm 1907 - áp dụng để hoàn thành bức Cô gái với cây đàn Mandolin [1910]. Chủ nghĩa lập thể tán đồng với vật lí hiện đại trong việc khước từ ý niệm về một sự kiện duy nhất có thể khu biệt, cô lập hoá. Nói những điều này không phải là sáo rỗng và thừa thãi mà ý muốn chứng tỏ tất cả những loại hình nghệ thuật, kể cả lối sống, thời trang, cả cách chơi ô tô [sự chú ý của R. Barthes] đều liên quan đến nhau trong một sự biện chứng thống nhất của tư duy, tựu chung, đó là hệ hình tư duy của con người dưới một thời đại đã chấm hết sự ngây thơ, cũng chẳng còn sự ngây thơ giả tạo.

Thoát khỏi cách đánh giá hàn lâm, tính bất định, trước hết, theo nhận biết thuần tuý hình thức là một vấn đề hiện thực. Cuộc đời vốn đầy bất trắc, khó đoán lường [dĩ nhiên không phải là cái nhìn bi luỵ]. Mọi đoán lường của người ta suy đến cùng đều là sự nhạy bén của lí trí. Mà lí trí không phải lúc nào cũng hoàn toàn tỉnh táo và thượng đẳng: “sự bất túc của trí tuệ” [Kinh Upanishad] cổ nhân đã tĩnh tâm răn dạy vậy. Đơn giản nhất đó là hình thức giao tiếp giữa cá nhân hai người; người này có thể đoán lường được ý định sắp nói ra của đối tượng, thế nhưng cũng có rất nhiều khi sự kiềm toả bằng vùng đoán định đó không tính đến khả năng tồi tệ nhất [thoát khỏi sự đoán định], nó làm cho người chủ ngôn đón nhận về một sự ngạc nhiên. Đó là chưa nói đến những tác nhân bên ngoài ta, như sự giận dữ của tự nhiên, sự hành động hoảng loạn bất thình của con người, con vật vv… như con trâu điên húc chết giáo Triệu trong Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp.

Tựu chung, tất cả những điều trên đều nói đến hệ hình của tư duy của con người thời hiện đại. Con người bấy giờ bị đặt vào một trạng thái ưu tư, trở nên lạc lõng, không ăn khớp với thực tại. Điều đó là nguyên nhân trực tiếp của sự tiến bộ, dễ thấy nhất là sự tác động của khoa học kỹ thuật với những khả quan trông thấy của nó.

------------------------------------------------------------------------
1. Trần Ngọc Linh, Chúa không chơi trò xúc xắc, .
2. Umberto Eco [2004], Đi tìm sự thật biết cười [Vũ Ngọc Thăng dịch], Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, tr.157.
3. Nguyễn Hưng Quốc, Tóm lược các lý thuyết phê bình văn học chính từ đầu thế kỷ 20 đến nay, 
4. Nguyên ngọc [2006], Tạp văn [tập hai], Nxb hội nhà văn, Hà nội, tr. 339.
5. I. P. Ilin và E. A. Tzurganova [2003], Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX [Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch], Nxb ĐHQG Hà Nội, Hà Nội, tr. 321.
6. Umberto Eco, sđd, tr.157.
7. Richrdchat Appignanesi – Chris Gattat [2006], Nhập môn chủ nghĩa hậu hiện đại [Trần Tiễn Cao Đăng dịch], Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr. 14. 
Previous Post
Next Post