Đức không tham sắc dục với các bác, các chú

Hỡi các bác và các chú! Các bác, các chú đã nghĩ gì mà bước chân vào những vũ trường, quán bia ôm, cà phê ôm? Nơi đó là nơi mua bán mãi dâm; nơi đó là nơi không phải để giải trí lành mạnh; nơi đó là nơi không phải để các bác, các chú vào; nơi đó là nơi ổ bệnh tật nan y như: Giang mai, Aids, Sida, HIV, v.v... nơi đó là nơi sản xuất ra những kẻ ăn chơi trác táng, đồi trụy, du côn, du đãng, v.v... Những tay anh chị, những đàn em đầu trộm đuôi cướp cũng xuất phát tự nơi đó. Những người này đã làm những việc cho mọi gia đình đau khổ, cho xã hội mất trật tự, an ninh; nơi đó các cháu gái mua bán bia ôm, cà phê ôm, lấy văn nghệ ca hát nhảy múa khiêu vũ che đậy trá hình buôn bán dâm. tuổi tác các cháu ấy nhỏ hơn con cháu của các bác, các chú.

Các bác, các chú có biết chăng? Cớ sao các bác và các chú lại vào quán ngồi uống bia hoặc cà phê, rồi cọ dựa với những cô gái nhỏ tuổi hơn con cháu của mình. Làm như vậy các bác, các chú có thấy được không? Có xấu hổ không? Có nhục nhã với tuổi tác của mình không? Đạo đức làm người, nhất là đức không tham sắc dục không chấp nhận những hành động này. Các bác, các chú có biết không? Những hành động này là những hành động vô đạo đức. Các cháu gái này như con cháu của các bác, các chú, thế mà ngồi bên nhau cọ dựa như vậy là khiêu dâm gợi dục, các bác các chú có tránh khỏi không? Hay là ôm con cháu của mình để truy hoan sắc dục. Như vậy các bác, các chú nghĩ sao? Tuổi tác của các bác, các chú như thế này mà hành động như thế kia thì chẳng khác nào là một con thú vật, chứ đâu phải là một con người nữa. Phải không hỡi các bác, các chú?

Tuổi tác của các bác, các chú là tuổi tác chững chạc của một con người đã từng nếm vị cuộc đời nhiều cay đắng và khổ đau. Không lẽ các bác, các chú không hiểu sao? Lại truy hoan với các cháu tuổi còn nhỏ hơn con cháu của mình, thì các bác, các chú có thấy nhục nhã không? Đời sống của con người đạo đức đang bị đi xuống dốc. Ngày nào cũng xảy ra và đem đến cho con người biết bao nhiêu là thống khổ, cay đắng. Thế sao các bác, các chú lại nỡ nhẫn tâm diệt đạo đức nữa? Năm mươi, sáu mươi tuổi rồi mà còn truy hoan với một cô gái tuổi nhỏ hơn con cháu của mình, đó là hành động phá hoại đạo đức làm người. Các bác, các chú có biết không? Các bác, các chú có biết đạo đức là gì không? Đạo đức là những hành động không làm khổ mình; không làm khổ cho mọi người; không làm khổ chúng sanh; không làm cho gia đình tan nát; không làm nhục cho bản thân mình; không làm trò cười chê nhạo báng cho thiên hạ. Đạo đức là những hành động thường được mọi người chấp nhận ca ngợi và tán thán.

Kính thưa các bác, các chú! Người có tuổi tác lớn như cha mẹ, như ông bà thì phải sống đúng nghĩa làm bậc cha mẹ, ông bà, chứ không thể có những hành động truy hoan với các cháu như vậy, thì coi sao được và còn nghĩa lý gì là chú, là bác, là ông bà nữa, v.v...

Một người lớn tuổi phải sống cho ra người lớn tuổi, phải đúng đạo đức làm người lớn tuổi, đừng để con cháu xem thường, khinh chê, v.v... “ông già này, ông già nọ”. Nhất là các bác, các chú phải làm gương tốt về đức hạnh cho con cháu soi. Có được như vậy các cháu mới tôn trọng và cung kính các bác, các chú. Chứ các bác, các chú có những hành động “ba mươi lăm”, thì làm sao các cháu kính trọng và tôn quý được. Phải không hỡi các bác, các chú? Thưa các bác và các chú! Tất cả các cháu gái cũng như các cháu trai trong đất nước Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung là con cháu của các bác, của các chú. Vậy thì các bác, các chú phải đối xử như thế nào? Thương yêu như thế nào? An ủi giúp đỡ các cháu như thế nào là đúng nghĩa và trách nhiệm bổn phận của các chú, các bác? Đời là một chuỗi ngày dài đầy đau khổ mà mọi người cần phải chiến đấu từng giây, từng phút để giữ gìn đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người. Cho nên, đời sống của con người có gì là hạnh phúc đâu? Không lẽ cuộc đời chưa từng dạy các bác, các chú một bài học, để hiểu thế nào “đời là khổ sao? Vậy mà các bác, các chú lại còn chui vào quán bia ôm, cà phê ôm, vũ trường huyên náo, mơn trớn với những cháu gái bé nhỏ này. Hình ảnh này để lại trong tâm hồn của các cháu một vết nhơ vô đạo đức khó quên: “Già không nên nết”.

Đức không tham sắc dục không chấp nhận một ông già gần chết mà lấy một người vợ trẻ. Tại sao vậy? Tại vì mang đến cho đời nhiều tội lỗi khổ đau như:

1- Vô đạo đức nhất: Sau khi ông chết để lại một cô vợ trẻ tuổi còn đôi mươi, và như vậy phải chịu suốt đời gối chiếc, chăn đơn.

2- Vô đạo đức thứ hai: Nếu vợ cả còn sống thì nỗi đau khổ, cay đắng, thù hận của hai người phụ nữ này biết chừng nào quên? 3- Vô đạo đức thứ ba: Một ông già sành đời lớn tuổi như cha mẹ, khéo léo dụ dỗ, làm mê hoặc con gái của người ta, khiến cho cha mẹ đau khổ và cả gia đình cô gái buồn phiền bất an.

4- Vô đạo đức thứ tư: Tuổi tác lớn như cha mẹ mà ôm lấy một cô gái như con, cháu của mình, thì lương tâm, trách nhiệm bổn phận đạo đức làm người ở chỗ nào chấp nhận được nữa? Nếu muốn bảo rằng tình yêu không ranh giới ở tuổi tác, thì đó là lối lý luận che đậy tâm ngu si đang đắm đuối si mê sắc dục giữa nam nữ. Vậy tình yêu là gì? Nếu muốn hiểu biết hai chữ tình yêu cho đúng nghĩa, thì chúng ta nên xét về nhân quả. Nếu không có nhân quả thì không nhân duyên gặp nhau, không có nhân duyên gặp nhau thì làm sao gọi là tình yêu.

Tình yêu chẳng qua chỉ là nhân duyên của nhân quả. Một trò đùa trên sân khấu của nhân quả, chứ tình yêu có nghĩa lý gì đâu mà gọi yêu đương. Trang Tử đã hiểu được một nửa nghĩa này do bà vợ phụ bạc. Nên khi vợ chết, Ông vừa ngồi vỗ trống cơm vừa hát: “Vợ chết trước là vợ mình, vợ chết sau là vợ người ta”. Đúng vậy, tình yêu ở chỗ nào? Vì đạo lý Nho giáo áp đặt quá khắt khe với nữ giới: “Chính chuyên một chồng”, hay: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Đó là lối áp đặt của chế độ phong kiến, chứ con người thì không phải như vậy.

Ngày nay, đạo đức Nho giáo áp đặt của chế độ phong kiến được cởi bỏ, mà nền đạo đức nhân bản - nhân quả chưa được thay thế vào, thì có thể một tai họa rất lớn cho con người. Bằng chứng nam nữ được bình quyền như nhau, nên trai gái ôm nhau nhảy múa, ngồi sát bên nhau cười cợt, hôn hít không như ngày xưa: “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Có nghĩa là trai gái không được gần nhau. Gần nhau thì như: “Lửa gần rơm không trèm thì trụa”, hay: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”.

Những lời dạy này không sai. Hiện giờ, nam nữ truy hoan sắc dục một cách bừa bãi, gây ra một tệ nạn xã hội to lớn, mà các nhà lãnh đạo phải nhức óc, đau đầu. Vì tuổi trẻ là mầm non của Tổ quốc.

Trong cuộc sống hằng ngày, trai gái yêu nhau cũng chỉ làm theo qui luật của nhân quả, để thực hiện con đường sinh tử luân hồi qua sự cám dỗ khoái lạc tình dục, chứ chẳng có gì là yêu thương. Yêu thương là những danh từ chỉ cho tình cảm nam nữ gắn bó trong tình dục, để thực thi qua sự hôn phối theo luật pháp thế gian, để trói buộc nam nữ thành chồng thành vợ. Nhờ có nhiều người chứng kiến nên tránh cảnh ly dị hoặc nay chồng này mai vợ khác.

Cho nên nói tình yêu không ranh giới ở tuổi tác là một cái lý để áp đặt người phụ nữ chịu thiệt thòi nhất: “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”. Một người phụ nữ già khó tìm một người chồng trẻ. Ngược lại, một ông già tìm nhiều người vợ trẻ rất dễ dàng. Cho nên, nói tình yêu không ranh giới tuổi tác là sai.

Không có tình yêu, mà chỉ có sự mê muội say đắm lầm lạc trong qui luật của nhân quả. Khi luật nhân quả đi qua rồi, là để lại một hậu quả cay đắng và phũ phàng của kiếp người, mà không thể chuộc lại được như thủa ban đầu của con người chưa nhiễm ô tình dục.

Còn bảo rằng có tình yêu chân thật của tuổi trai gái mới lớn lên, thì điều này cũng không đúng, đó là những mối tình lãng mạn của trai gái tuổi còn đôi mươi bồng bột, chưa chín chắn trong cuộc đời. Cho nên gặp những điều gì trắc trở dám sống dám chết với nhau. Đó là thứ tình yêu mê muội lãng mạn. Trên đời này không có ai yêu thương mình bằng chính mình, vậy mà mình còn chưa yêu thương mình mà bảo rằng tình yêu chân thật đối với người khác, thì làm sao ai tin được.

Phải không hỡi các bác, các chú? Các cháu gái này tuổi còn trẻ dại, chưa biết và chưa hiểu đời là một chuỗi ngày đau khổ của kiếp người, tưởng rằng: đời chỉ có tiền là hạnh phúc, là muốn gì cũng được, “có tiền mua tiên cũng được”. Vì ý nghĩ nông cạn như thế, nên tham tiền mà bạc bán thân nuôi miệng; vì tham tiền bạc mà ăn mặc cho sang đẹp; vì tham tiền mà lấy một ông chồng già tuổi lớn hơn cha; vì tham tiền bạc nên làm một nghề bẩn thỉu, tồi tệ, hèn hạ nhất trong các nghề. Nghề bán chôn nuôi miệng không phải là một nghề nghiệp, mà là một hành động tham sắc dục và tham tiền bạc.

Cho nên các bác, các chú phải làm gương sáng đạo đức cho các cháu soi, chứ lẽ đâu các bác các chú có những hành động “ba mươi lăm” với các cháu nhỏ như vậy thì còn ra gì! Thưa các bác, các chú! Đất nước ta là một đất nước hiền lành nằm dọc theo biển Thái Bình Dương. Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng. Lịch sử đã ghi chép lại những trang sử oai hùng chống giặc phương Bắc, dẹp giặc phương Nam, đuổi giặc phương Tây như Trưng Vương, Triệu Ẩu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung Nguyễn Huệ và thời hiện tại là Hồ Chí Minh. Đất nước anh hùng như vậy thì các bác và các chú phải làm sao cho xứng đáng quê hương xứ sở này, với tổ tiên của chúng ta, thì chúng ta mới không hổ thẹn mặt với những người xưa.

Vì thế, đạo đức làm người các bác và các chú phải thực hiện cho bằng được. Nhất là đức không tham sắc dục, để các bác các chú có một tâm hồn được trong sạch và không lầm lỗi, để không đánh mất danh dự của bản thân, danh dự của đất nước mình, quê hương mình. Phải không hỡi các bác các chú? Các bác và các chú làm được điều này là một tấm gương sáng cho cháu, con. Để các cháu con xin hứa: nguyện mãi mãi noi theo gương sáng của các bác và các chú, sống một đời sống giữ gìn đức không tham sắc dục, để các độ tuổi của cháu con từ thiếu niên, thanh niên, trung niên đều được vui trong sức khỏe, trẻ trong tâm hồn, hồn nhiên trong cuộc sống hiện tại và mai sau.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Previous Post
Next Post