Về tác động có tính hai mặt của tiến bộ khoa học - công nghệ đối với đạo đức

Khẳng định những thành tựu của khoa học - công nghệ không chỉ đóng vai trò là nền tảng, là động lực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mà còn có tác động nhất định đến tiến bộ xã hội và đặc biệt là đến sự phát triển nhân cách đạo đức của con người, trong bài viết này, tác giả đã chỉ ra và phân tích tác động của chúng, cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực, đến lĩnh vực đạo đức, cả trên bình diện xã hội lẫn bình diện cá nhân.

Ngày nay, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang là quá trình mang tính toàn cầu. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá chính là việc áp dụng những  thành tựu khoa học - công nghệ để đổi mới về căn bản và nâng cao toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của xã hội, từ kinh tế đến chính trị, văn hoá,… Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII của Đảng đã xác định: “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước phải bằng và dựa vào khoa học và công nghệ”, “khoa học - công nghệ phải trở thành nền tảng và động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá”[1]

Tuy nhiên, khi đóng vai trò là nền tảng và động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, những thành tựu của khoa học - công nghệ vẫn có thể gây ra những tác động tiêu cực nhất định đến tiến bộ xã hội và đặc biệt là đến sự phát triển nhân cách đạo đức con người. Ngay từ thế kỷ XIX, C.Mác đã cảnh báo về tính hai mặt hay nghịch lý của việc áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. Ông viết: “Chúng ta thấy rằng, máy móc có một sức mạnh kỳ diệu trong việc giảm lao động của con người và làm cho lao động của con người có kết quả hơn, thì lại đem nạn đói và tình trạng kiệt quệ đến cho con người. Những nguồn của cải mới, từ xưa đến nay chưa ai biết, dường như do một sức mạnh thần kỳ nào đó lại đang biến thành nguồn gốc của sự nghèo khổ. Những thắng lợi của kỹ thuật dường như đã được mua bằng cái giá của sự suy đồi về mặt tinh thần. Dường như loài người càng chinh phục được tự nhiên nhiều hơn thì con người lại càng trở thành nô lệ của những người khác hoặc nô lệ cho sự đê tiện của chính mình”[2]. Nghịch lý đó dường như càng thể hiện rõ rệt hơn trong điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Năm 1988, Fedérico Mayor cũng nhận xét: “Chưa bao giờ như ngày nay, sự căng thẳng giữa khoa học và lương tâm, giữa kỹ thuật và đạo đức lên tới cực điểm đã trở thành mối đe dọa toàn thế giới”[3]. Vì thế, việc nhận diện biểu hiện và xem xét cơ chế tác động của tiến bộ khoa học - công nghệ đối với đạo đức là cần thiết nhằm xác định giải pháp cho việc phát huy những tác động tích cực, khắc phục tác động tiêu cực của tiến bộ khoa học - công nghệ trong điều kiện hiện nay. Theo chúng tôi, những tác động của tiến bộ khoa học - công nghệ đối với đạo đức là đa dạng và phức tạp, nhưng nổi bật và tựu trung là những biểu hiện sau:

Thứ nhất, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, tiến bộ khoa học -  công nghệ tạo điều kiện cho việc mở rộng sản xuất và tăng năng suất lao động.  Từ đó dẫn tới sự phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập của xã hội và con người. Theo Ngân hàng thế giới, tiến trình toàn cầu hoá với các nước đang phát triển giữ vai trò trung tâm sẽ giúp thu nhập thế giới trong 25 năm tới tăng nhanh hơn so với giai đoạn 1980 – 2005, đưa tổng giá trị GDP toàn cầu tăng từ 35.000 tỉ USD năm 2005 lên 72.000 tỉ USD vào năm 2030[4]. Đồng thời, sự phát triển kinh tế và khoa học - công nghệ vừa làm cho các lĩnh vực sản xuất, các lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp gia tăng và mở rộng, vừa tạo điều kiện cho con người tham gia sâu rộng vào các hoạt động, các quan hệ xã hội. Tất cả những điều đó tác động thuận lợi đến sự phát triển đạo đức. Tác động này thể hiện cả trên bình diện xã hội, cả trên bình diện cá nhân.

Trên bình diện xã hội, dưới tác động của tiến bộ khoa học – công nghệ, cùng với sự mở rộng phạm vi của hoạt động sản xuất và hoạt động xã hội, phạm vi điều chỉnh lợi ích và do đó, phạm vi điều chỉnh của đạo đức được mở  rộng. Sự mở rộng phạm vi điều chỉnh của đạo đức chính là một trong những biểu hiện của tiến bộ đạo đức.[3]

Trên bình diện cá nhân, do có nhiều điều kiện hơn và được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động, các quan hệ xã hội, nhân cách nói chung và nhân cách đạo đức của con người nói riêng có thêm điều kiện để phát triển. Hơn thế, đạo đức giờ đây được thể hiện ra trong tính tích cực xã hội của con người, thay vì thứ đạo đức trong xã hội truyền thống mang nặng tính thụ động bởi con người không có nhiều cơ hội gia nhập vào các quan hệ, các hoạt động xã hội.

Tuy nhiên, tiến bộ khoa học - công nghệ trong điều kiện kinh tế thị trường lại đẩy mạnh quá trình cạnh tranh kinh tế. Những người đi tiên phong trong việc đổi mới công nghệ sẽ thu được nhiều lợi nhuận, lợi nhuận siêu ngạch so với những người khác. Vì vậy mà mặc dù, tổng thu nhập xã hội tăng lên nhanh chóng, nhưng phân phối lại không đồng đều. Cùng với tiến bộ khoa học - công nghệ là sự phân cực giàu nghèo ngày một sâu sắc. Ngày nay, khi một nhóm nhỏ giới chủ các công ty tư bản độc quyền xuyên quốc gia giàu lên nhanh chóng, thì hơn 1 tỷ người lao động trên toàn thế giới, bao gồm cả hàng trăm triệu người ở các nước tư bản phát triển nhất, lại rơi vào cảnh đói nghèo, bệnh tật, thất học và bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển. Theo Báo cáo về phát triển con người năm 1999 của UNDP, mức chênh lệch về thu nhập giữa 20% dân số thế giới sống ở các nước giàu nhất và 20% dân số thế giới sống ở các nước nghèo nhất đã tăng từ 30/1 năm 1960 lên 74/1 năm 1997[5]. Theo Ngân hàng thế giới, năm 2006, tổng số người nghèo ở châu á là 1,9 tỷ, trong khi đó, tổng số người giàu [1triệu USD trở lên] chỉ là 9,5 triệu. Hơn thế, đổi mới công nghệ và chuyển giao công nghệ vào các nước đang phát triển đã gạt ra ngoài lề nền sản xuất xã hội hàng loạt người lao động trong các ngành nghề truyền thống. Điều đó vừa làm gia tăng thất nghiệp và bất bình đẳng tại các quốc gia đang phát triển, vừa làm gia tăng bất bình đẳng giữa các quốc gia phát triển với các quốc gia đang phát triển. Đối lập quá mức giữa giàu nghèo, bất bình đẳng, thất nghiệp,… đó chính là điều kiện kinh tế, xã hội dẫn tới sự thù hận, bạo lực, các tệ nạn xã hội, nghĩa là dẫn tới sự xuống cấp đạo đức trong xã hội hiện đại.

Thứ hai, trong điều kiện kinh tế thị trường, những thành tựu khoa học - công nghệ chính là tác nhân trực tiếp và quyết định nhất rút ngắn chu trình và mở rộng đầu tư sản xuất. Nhưng để rút ngắn chu trình và mở rộng sản xuất thì phải khuyến khích tiêu thụ. Trong điều kiện của xã hội hiện đại, khuyến khích tiêu thụ [kích cầu] chính là một trong những động lực trực tiếp để phát triển sản xuất, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập xã hội. Hơn thế, trên bình diện cá nhân, kích cầu nghĩa là khuyến khích tiêu dùng cho phát triển thể chất cũng như phát triển tinh thần tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mở rộng và phát triển sản xuất trong điều kiện hiện đại, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển nhân cách đạo đức. Nhưng cùng với vai trò và ý nghĩa đó, việc khuyến khích tiêu thụ từ chỗ chỉ là một yêu cầu có tính tất yếu về mặt kinh tế lại dẫn tới sự hình thành  lối sống tiêu thụ đặc trưng cho xã hội hiện đại.[5].

Trong các xã hội tiền thị trường, kể cả phương Đông và phương Tây, do sự kém phát triển về kinh tế và công nghệ, thu nhập thấp, nên nhìn chung, con người không thể có mức sống cao được. Do vậy, tiết dục và tiết kiệm là yêu cầu phổ biến của lối sống; đó cũng là chuẩn mực đạo đức phổ biến, tiêu biểu và đặc trưng cho đạo đức xã hội. Trong các xã hội truyền thống, tiết kiệm được coi là đức tính, hoang phí bị coi là thói xấu về mặt đạo đức. Ngược lại, trong xã hội hiện đại, lối sống tiêu thụ đã thay thế cho lối sống tiết kiệm. Lối sống tiêu thụ dựa trên nguyên lý: cái gì mới, hợp mốt là cái có giá trị; cái gì cũ, không hợp mốt là không còn giá trị. Dưới tác động của nguyên lý này, người ta đua nhau tiêu dùng, mua sắm, xài sang để khẳng định sự sành điệu. Càng tiêu thụ, con người càng thấy thiếu, càng khát tiêu thụ. Việc khẳng định sự sành điệu qua tiêu thụ trước hết được thực hiện ở những người giàu có, những người có quyền lực, ở giới trẻ. Điều đó dẫn đến sự đối lập giữa họ với tầng lớp nghèo khó của xã hội, nghĩa là dẫn đến tâm lý bất bình ở tầng lớp nghèo khó. Nhưng với tư cách là một đặc trưng của xã hội hiện đại, lối sống tiêu thụ với những độ khác nhau cũng ảnh hưởng tới toàn xã hội, kể cả người nghèo. Khi nhu cầu tiêu dùng, dưới áp lực của lối sống tiêu thụ, vượt quá khả năng kinh tế thì trong không ít trường hợp, người ta sẽ vi phạm pháp luật và đạo đức, thực hiện những hành vi tiêu cực, như làm ăn phi pháp, biển thủ công quỹ, trộm cướp,… Lối sống tiêu thụ, do vậy, cũng là một trong những tác nhân dẫn đến những tiêu cực về mặt đạo đức.

Thứ ba, dưới tác động của khoa học - công nghệ, nhịp độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày một gia tăng. Nhịp độ này được thể hiện rõ nét nhất ở mức độ gia tăng tỷ lệ dân số đô thị. Nếu như, vào những năm đầu thế kỷ XX, tỷ lệ dân số đô thị ở Nhật Bản khoảng 20%, ở châu Âu khoảng 30% thì đến nay, tỷ lệ này đã lên tới trên 90%, thậm chí ở Bắc Âu lên tới trên 95%. Hiện nay, diện tích các thành phố trên thế giới chỉ chiếm 0,3%, nhưng dân số từ năm 1960 đến năm 2000 đã tăng gấp 3 lần, đạt 3,2 tỷ người tức là 1/2 dân số thế giới.

Sự gia tăng dân số đô thị là kết quả của sự phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ. Sản xuất công nghiệp lôi cuốn lao động nông thôn vào các khu công nghiệp, đô thị; các khu công nghiệp, đô thị được mở rộng hoặc xây dựng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của phát triển sản xuất, của công nghiệp hoá. Dân số đô thị tăng lên quá nhanh và thông thường là nhanh hơn khả năng cung ứng những dịch vụ hạ tầng, chẳng hạn giao thông, điện nước, cơ sở giáo dục, y tế,… Hơn thế, con người lại bị cách biệt với thiên nhiên và bị dồn nén vào những khu dân cư đông đúc và thường là chật hẹp. Điều đó dẫn đến tình trạng gia tăng áp lực cuộc sống, kích thích bạo lực và các tệ nạn xã hội. Đối với những quốc gia phát triển, quá trình đô thị hoá mang tính tự giác hơn, nghĩa là được quy hoạch một cách hợp lý nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa việc đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất với việc đáp ứng các nhu cầu sống ngày càng cao của con người. Điều đó làm giảm bớt đi áp lực cuộc sống. Ngược lại, với những quốc gia chậm phát triển, quá trình gia tăng đô thị hoá thường là mang tính tự phát. Đô thị hoá tự phát là quá trình gia tăng và mở rộng đô thị  một cách tự phát, thiếu quy hoạch khoa học, là hệ quả của sự gia tăng dân số cơ học và những làn sóng nhập cư ồ ạt, cũng như sự quản lý yếu kém của các cấp chính quyền. Điều đó dẫn tới sự gia tăng tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội với tư cách biểu hiện của tình trạng xuống cấp đạo đức.

Quá trình đô thị hoá còn dẫn đến tình trạng xáo trộn cư dân, sự ly hương cư dân nông thôn. Khi con người rời bỏ quê hương vào thành phố, vào các khu công nghiệp với nghề nghiệp mới, cuộc sống mới thì mối dây liên hệ với gia đình, quê hương bị suy yếu đi. ở các khu công nghiệp, các thành phố mới, con người từ tứ xứ không thể ứng xử với nhau theo những chuẩn mực văn hóa, đạo đức thuần tuý của quê hương mình nữa. Học giả phương Tây nổi tiếng - E.Fromm đã đưa ra cách nhìn nhận tiêu cực về hiện tượng này. Theo ông, trong điều kiện như vậy, định hướng lối sống, đạo đức của họ không có gì khác hơn là những định hướng từ truyền thông đại chúng [mass communication]. Công nghiệp hoá, đô thị hóa, truyền thông đại chúng với tư cách kết quả của tiến bộ công nghệ đã biến những con người vốn có một truyền thống văn hoá thành những kẻ nặc danh, trống rỗng, không bản sắc, chỉ biết trông cậy vào truyền thông đại chúng để định hướng cho các ứng xử của mình. Họ trở thành những khối đại chúng [masses], yếu tố cấu thành hệ thống truyền thông đại chúng và là đối tượng phục vụ của truyền thông đại chúng. Cách nhìn nhận có phần thái quá như vậy chắc là không hoàn toàn hợp lý. Nhưng đô thị hoá với việc làm suy yếu đi mối dây liên hệ của con người với gia đình và quê hương chính là một trong những tác nhân làm suy giảm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống.

Thứ tư, khi cả thế giới đang từng bước trở thành một đại thị trường thì sự đồng nhất hoá các tiêu chuẩn của công nghệ sản xuất, của tiêu dùng trở thành một tất yếu. Ngày nay, một chiếc máy bay Boing được xuất xưởng ở Mỹ, nhưng các cấu kiện của nó lại được chế tạo tại nhiều nơi trên thế giới. Để thực hiện được điều đó, người ta phải quy cách hoá, chuẩn hoá các cấu kiện của máy bay. Cũng như vậy, một sản phẩm dệt may hoặc hải sản Việt Nam muốn gia nhập thị trường quốc tế phải đáp ứng các yêu cầu, các quy định chất lượng sản phẩm quốc tế. Sự đồng nhất hoá các tiêu chuẩn của công nghệ, của sản phẩm là nhằm đáp ứng các yêu cầu của sản xuất, kinh doanh trong điều kiện hiện đại. Nhưng sự đồng nhất hoá đó lại là tác nhân gián tiếp dẫn tới sự đồng nhất hoá các chuẩn mực của lối sống, hành vi ứng xử, của quan niệm, thói quen và thị hiếu, nghĩa là của các giá trị văn hoá, đạo đức.

Ngày nay, Mỹ là siêu cường quốc về kinh tế và công nghệ [bao gồm cả công nghệ trong lĩnh vực quân sự]. ảnh hưởng của Mỹ về kinh tế và công nghệ  đối với phần còn lại của thế giới là cực kỳ lớn. Đồng thời, chủ nghĩa bá quyền về văn hoá luôn thường trực trong đầu óc giới lãnh đạo Mỹ và luôn thể hiện ra qua hệ thống truyền thông đồ sộ và hiện đại nhất thế giới đã và đang dẫn đến tình trạng là, sự đồng nhất hoá văn hoá trên phạm vi toàn cầu là một thực tế, và thực tế này in đậm dấu ấn Mỹ hoá.

Ngày nay, khắp nơi trên thế giới, người ta đua nhau bắt chước mô thức văn hoá Mỹ, phong thái xã hội Mỹ, kiểu cách hưởng thụ Mỹ, sử dụng, tiêu dùng các văn hoá phẩm Mỹ. Có học giả người Pháp lo ngại rằng, đến một thời điểm không xa nào đó, người Pháp không biết đến phim Pháp nữa mà chỉ xem phim Mỹ qua các phương tiện kỹ thuật của Nhật Bản; còn người Anh lại lo ngại rằng, với tốc độ Mỹ hoá hiện nay, trong tương lai không xa, cả thế giới sẽ nói tiếng Mỹ [Anh - Mỹ] và đẩy tiếng Anh nguyên bản trở thành một thứ thổ ngữ riêng của người Anh.

Thứ năm, truyền thông, đặc biệt là viễn thông [telecommunication] là một thành tựu kỳ diệu của khoa học - công nghệ hiện đại. Vai trò và tiện ích của nó là điều hiển nhiên không còn phải nghi ngờ gì nữa. Tuy vậy, trên bình diện văn hoá, đạo đức, ít ra vẫn có hai điều đáng lo ngại dưới tác động của thành tựu kỳ diệu này.

Do có ưu thế vượt trội trong việc cung cấp thông tin, truyền thông đại chúng thường bị lạm dụng trong việc đáp ứng nhu cầu giao tiếp của con người với ngoại giới. Thay vì tham gia trực tiếp vào các hoạt động hay các quan hệ giao tiếp của cuộc sống sinh động, con người ngồi lỳ hàng giờ trước màn hình ti vi hoặc vi tính, giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua một thế giới ảo. Cái thế giới ảo ấy thực sự có ích, khi nó không tiêu tốn quá mức thời gian của con người. Còn trong trường hợp ngược lại thì, nó trở thành một thứ phản tác dụng, đặc biệt là với trẻ em. Những nghiên cứu thực nghiệm đối chứng ở Mỹ đã cho thấy, những trẻ em xem ti vi nhiều thường kém phát triển trí tưởng tượng hơn những trẻ em ít xem ti vi. Về mặt tâm lý, điều đó cản trở sự phát triển tình cảm ở trẻ em. Tình cảm chính là cơ sở tâm lý của quan hệ và hành vi đạo đức. Con người xa lánh con người, không biết đến bổn phận đối với người khác, đối với xã hội là con người kém phát triển về mặt tình cảm. Một trong những hiện tượng xuống cấp đạo đức trong xã hội hiện đại là sự suy giảm tình cảm đạo đức biểu hiện ở tính ích kỷ và chứng vô cảm về mặt xã hội của con người. Điều đó có nguyên nhân từ cơ chế thị trường, nhưng cũng có nguyên nhân từ sự lạm dụng và không làm chủ được các thành tựu của tiến bộ khoa học - công nghệ.

Trong điều kiện hiện nay, với sự xuất hiện và hoạt động của mạng Internet trên phạm vi toàn cầu, nhân loại lại phải đối mặt với một tình huống đạo đức khó giải quyết. Cũng như truyền thông nói chung, Internet xúc tiến sự giao tiếp giữa người và người, góp phần tạo ra tiếng nói chung và sự hiểu biết lẫn nhau, sự đồng cảm và tinh thần hữu nghị. Nhưng một khi không có cơ chế và một thái độ tích cực đối với việc quản lý thì mặt trái của Internet lập tức thể hiện tác dụng. Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều quốc gia không quản lý được hoạt động của  thông tin trên Internet. Những văn hoá phẩm độc hại được đưa vào mạng và tác động tiêu cực đến sự phát triển đạo đức ở hàng loạt quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phương Đông. Lo ngại về tình trạng này, ngay ở Autralia, một vài học giả đã lên tiếng đòi đình chỉ hoạt động của Internet. Làm sao có thể đình chỉ được sự hoạt động của một thành tựu khoa học - công nghệ kỳ kiệu như Internet; đòi hỏi trên chẳng qua chỉ là sự cảnh báo và nhắc nhở trách nhiệm của xã hội và con người đối với sự sáng tạo và sử dụng những thành tựu khoa học - công nghệ, mà khách quan, chúng luôn có xu hướng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người.

Thứ sáu, nói đến tiến bộ khoa học - công nghệ trong điều kiện hiện nay không thể không kể đến những thành tựu trong lĩnh vực sinh học, sinh học người, y học,… Nhân bản vô tính, biến đổi gien, sinh sản nhân tạo, cấy ghép các cơ quan, các phủ tạng người,… mỗi thành tựu như vậy đều mở ra những triển vọng lớn đối với sản xuất và bảo vệ sức khoẻ con người; nhưng mỗi thành tựu như vậy lại đặt ra những nan giải, những tranh luận về đạo đức. Chính vì vậy mà khi cừu Dolly ra đời bằng nhân bản vô tính vào năm 1997 thì nhân loại đón nhận thành tựu này với những tâm trạng khác nhau: vừa mừng, vừa lo. Watson - một trong hai người nhận giải Noben với phát hiện cấu trúc ADN, cho rằng, khi được thực hiện ở loài người thì nhân bản vô tính sẽ có hậu quả ghê gớm, nếu như người ta theo đuổi mục tiêu tạo ra nòi giống của những nhân vật kiệt xuất. Khi đó lấy gì bảo đảm cho quyền sống, phẩm giá của con người và các dân tộc khác nhau trên thế giới.

Sau cùng, đặc trưng của xã hội hiện đại là sự thay đổi nhanh chóng các thế hệ công nghệ và sản phẩm công nghệ. Chẳng hạn, một kiểu ti vi hoặc máy vi tính nào đó, khi mới xuất hiện thì nó là kiểu hiện đại nhất; nhưng chỉ sau dăm năm nó đã có thể bị thay thế bởi kiểu hiện đại hơn, với những chức năng đa dạng hơn. Như vậy, một thế hệ công nghệ hay một sản phẩm công nghệ đang có giá trị thậm chí, đang là thời thượng, mốt, thì chỉ trong tương lai không xa đã trở thành lạc hậu hoặc hết mốt, nghĩa là không còn giá trị nữa. Sự thay đổi nhanh chóng ấy khuyên người ta không nên nhìn nhận giá trị của sự vật một cách bất biến, trường tồn. Đồng thời, trong quan hệ thị trường, cơ hội không nhiều mà dễ mất, rủi ro không muốn nhưng nhiều khi không tránh khỏi, mặc dù đã được tính toán kỹ lưỡng. Tất cả những điều đó dạy người ta không nên trở thành nô lệ cho các nguyên tắc, các quy phạm của quá khứ mà cần tìm ra giá trị có thể biện hộ được bằng lý tính trong đời sống hiện thực. Điều này có tính hợp lý của nó, nhưng nó lại là tác nhân làm nảy sinh xu hướng thực dụng mà trong điều kiện kinh tế thị trường, có người gọi đó là phương thức tìm kiếm giá trị tiền mặt [cash value]. Hơn thế, trong đời sống tinh thần, cái lối tìm kiếm giá trị tiền mặt đó khiến cho người ta khó tin vào những chân giá trị, những giá trị tinh thần, đạo đức trường tồn. Trong các xã hội nông nghiệp, công nghệ không phát triển, xã hội tĩnh lặng, đời sống tinh thần của con người được an bài bởi những giá trị, những định hướng được coi là vĩnh hằng. Các giá trị đạo đức của Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Nho giáo,… đã định hướng tinh thần cho con người hàng ngàn năm; và hàng ngàn năm, con người yên tâm nương gửi tâm hồn vào những giá trị đó. Nhưng, với sự biến động của kinh tế và công nghệ, con người không còn những giá trị trường tồn để mà tin tưởng, để mà noi theo. Vì thế, trong xã hội hiện đại, thường xuất hiện tâm trạng hoài nghi, bất an về mặt tinh thần, chủ nghĩa hư vô về mặt đạo đức.

Những tác động mang tính hai mặt trên chính là những thách thức đối với sự phát triển đạo đức nói riêng, sự phát triển con người và xã hội nói chung trong điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thông qua việc tăng cường áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ. Những tác động này, dưới những hình thức, những mức độ nhất định cũng đang thể hiện trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta hiện nay. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là, đối diện với những nghịch lý đó, chúng ta cần chủ động và tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm phát huy những phương diện tích cực, khắc phục những phương diện tiêu cực từ những tác động mang tính hai mặt đó để sao cho tiến bộ khoa học - công nghệ thực sự biểu trưng cho sức mạnh bản chất của con người, thực sự là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.


[*] Trưởng phòng Đạo đức học và Mỹ học, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.59; 48.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.10.

[3] Xem: Người đưa tin UNESCO, số 5/1988.

[4] Xem: http://vietbao.vn/Kinh-te/GDP-the-gioi-se-tang-len-71.000-ty-USD-vao-nam-2030/40178258/87.

[5] UNDP. Human development report 1999, p.3.
Previous Post
Next Post