Hầu như ở thời nào, nơi đâu hay lĩnh vực hoạt động nào ở nước ta cũng có những hình thức vinh danh để ghi nhận công lao của cá nhân hay tập thể đã có sự đóng góp xứng đáng đối với sự tiến bộ, phát triển của cộng đồng. Nhiều năm gần đây, việc vinh danh các tập thể, cá nhân có công đối với dân, với nước đã được Nhà nước và xã hội ta quan tâm thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú, phù hợp; thể hiện sâu sắc giá trị nhân văn đối với những người và tập thể có công.
Các danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”, các giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh… trong các lĩnh vực hoạt động khoa học, văn hóa, nghệ thuật…; các danh hiệu nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ: ưu tú, nhân dân… tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân đã có những đóng góp tiêu biểu trong mọi lĩnh vực là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước ta đối với công lao của họ trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cộng đồng xã hội cũng đã có nhiều hình thức vinh danh phù hợp, kịp thời, có giá trị rất thiết thực đối với những đóng góp thường nhật của họ cho sự ổn định và phát triển đất nước.
Trái ngược với sự vinh danh chính đáng, trong xã hội hiện nay cũng đã nảy sinh tình trạng chạy theo hư danh vì mục đích vụ lợi. Ngay khi mà trình độ dân trí đã được nâng lên đáng kể, dân chủ được mở rộng, kỷ luật công chức, cán bộ được tăng cường, nhưng ở đâu đó, tình trạng mua danh, bán chức vẫn còn hiện hữu. Gần đây nhất, người ta đã phải chứng kiến ở một quốc gia thuộc diện phát triển, một vị bộ trưởng danh giá phải xin từ chức vì vụ bê bối “đạo luận án” tiến sĩ. Ở ta những năm gần đây, cơ quan chức năng các cấp cũng đã chỉ ra không ít trường hợp sử dụng bằng cấp “dởm” để thăng quan, tiến chức. Tình trạng “chạy” chức, “chạy” quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức là điều được liên tiếp cảnh báo, ngăn ngừa; song ai dám chắc rằng, điều đó đã giảm, đã hết. Ở đâu đó, còn có cả việc “chạy” khen thưởng…
Vì chạy theo hư danh nên có người đã chẳng ngại sử dụng các giải pháp tự quảng bá, tự đánh bóng danh tiếng cá nhân, tập thể mình một cách lộ liễu, thô thiển, kể cả việc tạo ra những “xì - căng - đan” tai tiếng. Trong cơn lốc thị trường, quy luật “có cầu ắt sẽ có cung” cũng đã lan rộng sang cả lĩnh vực vinh danh. Vì thế, trên các trang mạng gần đây cũng không hiếm lời chào mời về việc làm luận án, đề tài, lo chuyện bằng cấp… Cách đây chưa lâu, khi cơ quan chức năng của Chính phủ đưa ra quy chế về việc xét tặng danh hiệu đối với các doanh nghiệp, trên các phương tiện truyền thông, người ta đã thấy nhan nhản các cuộc “vinh danh” với nhiều lý do khác nhau. Có những doanh nghiệp phải than thở vì chưa lo xong chuyện tham gia tài trợ để đón nhận danh hiệu “Quả Cầu vàng” đã phải lo tiếp việc được mời nhận “Cúp Pha lê”…; dẫu rằng lý do để được nhận hai danh hiệu đó cũng chẳng khác nhau là mấy và với họ, chuyện ấy có khi nhiều như cơm bữa…
Vinh danh và hư danh gần như không có khoảng cách đối với ai thường ngụy biện và nặng toan tính cá nhân. Một khi chạy theo hư danh, người ta sẽ dễ tự bằng lòng với danh vọng, tiền tài, quyền chức của mình; thế nhưng, chìm trong cái vòng cá nhân luẩn quẩn đó, thử hỏi, họ sẽ đóng góp được gì cho tập thể và cộng đồng? Nhân cách và uy tín của họ trong mắt mọi người sẽ ra sao? Thiết nghĩ, hư danh cũng là một căn bệnh cần được mỗi người chúng ta tự ý thức và có thái độ phê phán trong cuộc sống hôm nay.