“Tình yêu” mãi muôn đời là một đề tài bất hủ, hấp dẫn bao lớp người, và thậm chí làm điên đảo cho ai đó, nếu không đủ sự định tĩnh để chấp nhận sự choáng ngợp của nó hay sự vắng mặt nó. Cũng có biết bao nhiêu người cố gắng định nghĩa nó một cách gượng ép, hay bằng cách nào đó tạo ra một khía cạnh nhìn nhận tương đối toàn diện cho 2 chữ “tình yêu”. Tuy nhiên, rốt cuộc ai cũng phải thừa nhận là chưa có một định nghĩa nào đủ độ chính xác cho khái niệm ngồ ngộ, hay hay, dễ bị mắc lừa cho trí não bởi hào quang ảo ảnh này. Ở đây, chúng ta không cần bàn về định nghĩa, danh xưng hay đặt ra yêu cầu gì về nó cả, mà chúng ta chỉ đứng ở một góc độ khác, dùng ánh sáng của Duyên Khởi (Pratiya Sammutpada) soi rọi vào, để thấy cái gì làm nên “ảo tưởng” này.
Nhắc đến “Duyên Khởi” có nghĩa là nhắc đến một khái niệm mới mà đa số bạn trẻ chưa đọc nhiều sách sẽ hoàn toàn mù mờ. Xin nói gọn, có một chân lý được nêu đơn giản rằng, tất cả mọi sự vật hiện tượng đều nương nhau mà có, không thể có một đối tượng nào có thể tồn tại độc lập.
“Cái này có nên cái kia có
Cái này sinh nên cái kia sinh
Cái này có nhờ cái kia có
Cái này sinh nhờ cái kia sinh.”
Chân lý này được một nhà giáo vĩ đại – đức Sakyamuni – đã khám phá (chứ không phải phát minh) và tuyên bố vào thế kỷ VI trước Tây lịch. Mục đích của việc tuyên bố này không nhằm xiển dương một triết thuyết mới, không nhằm đề bạt thành một đạo lý, một phạm trù triết học, mà chỉ vì giải quyết nổi đau khổ của con người. Chính nhà giáo này đã trình bày những sự thật về kiếp sống con người như sau:
- Sự thật là kiếp nhân sinh đang khốn đốn, bế tắt trước mọi vấn đề, khó làm chủ bản thân, không thể thoát khỏi cảnh đau thương tang tóc, và rên xiết trong cuồng loạn.
- Sở dĩ có thảm cảnh ấy là vì loài người và các loài khác cố bám lấy vào những cái vốn không thuộc về mình, ảo tưởng những cái không phải sự thật và mơ hồ trong mọi sự điên đảo thị phi.
Để giải quyết cặp tương quan rõ rệt “sự thật – nguyên nhân” này, nhà giáo vĩ đại của nhân loại ấy lại tuyên bố rằng, sự bất toàn bất như ý kia bảo đảm giải quyết được, bằng cách rời bỏ những ảo tưởng, xa lìa sự tham đắm, và đừng tiếp tục bám vào nó nữa, để hướng đến những việc làm, những lời nói và tư tưởng cao đẹp, đúng đắn.
Chỉ cần với 2 “bảo bối” này, một là ánh sáng soi rọi và hai là phương pháp giải quyết, chúng ta cùng nhau làm một cuộc lữ hành theo cách “cưỡi ngựa xem hoa” vào với bí lộ tình yêu này ra sao.
Trước hết, chúng ta thử đặt câu hỏi: Mình yêu ai và yêu cái gì nhất? Có người bảo là yêu cha mẹ nhất, có người cho là đất nước quê hương, cũng có một số trả lời rằng họ chỉ yêu lý tưởng, yêu đấng cao cả nào đó, hay đấng tạo vật, hoặc là con đường họ đang đi và sẽ đi. Nếu câu hỏi này đặt vào trái tim của một chàng nào đó đang yêu, 100% chàng sẽ chỉ trả lời người mà chàng yêu thương nhất là nàng. Có bạn sẽ dè dặt hỏi ngược lại, chữ “Yêu” ở đây theo nghĩa nào? Xin thưa, với khả năng hữu hạn của con người chúng ta đang lăn lóc trong gió bụi mịt mù của trần ai khổ não, thì còn nghĩa nào khác hơn là yêu thương, bảo vệ, quan tâm, nhớ nhung, đó chính là “ái”, là luyến ái, si mê, hiến dâng trọn đời, v.v.
Tuy nhiên, nếu xét cho cùng, yêu thương và bảo vệ theo nghĩa đó, cái người mà mình yêu thương nhất, chính là riêng ta, là mình, là bản ngã, là tôi, là “cái tôi” muôn thuở. Để dễ hiểu vì sao chúng ta có thể khẳng định như vậy, thử nghe một lời bày tỏ tình yêu của chàng nào đó:
“Anh yêu em tha thiết, anh yêu em da diết, yêu em như chưa từng yêu, yêu hôm nay nhiều hơn hôm nay, sẽ không bằng ngày mai. Anh yêu em như trời cao biển rộng, dù sông cạn đá mòn nhưng tình anh trao em không hề thay đổi. Anh yêu em như rừng yêu thú dữ, như khách lữ yêu con đường, như nhà trường yêu thầy giáo, như nhà báo yêu thông tin, như đèn pin yêu ánh sáng, như trời nắng thèm trời mưa, như sọ dừa yêu công chúa, như hai lúa yêu đậu nành, như trời xanh yêu mây trắng, … nếu ngày nào không còn được yêu em nữa thì trái tim này xin xẻ làm hai, nửa để lưu thông mạch máu, còn nửa kia xin chết theo em về dưới tuyền đài (có lẽ để em trình với Diêm Vương là có một tên điên muốn đút lót cho vua ngục gì đó)…”
Chỉ nói sơ một loại tình yêu “sến chảy nước” như vậy thôi, đủ thấy vấn đề của anh chàng này thế nào. Khi anh ta yêu nàng, anh ta tuyên bố đúng chứ không sai, là bằng tất cả chân tình anh trao cho nàng, hy sinh hết cho nàng, nguyện sống với nàng, vì nàng… nhưng thật ra đó chỉ là mỹ từ để dỗ ngọt cô nàng mà thôi. Những câu nói chân thành ấy vốn xuất phát từ tâm tham trước, luyến ái của anh ta mà thôi. Thật tình thì anh có yêu nàng đấy, nhưng song hành đó và phủ lên trên đó là một màn che của sự si tình, háo sắc, hoặc bám víu một hình ảnh, một trái tim đồng cảm, hay một sự hy vọng nương tựa lẫn nhau ở ngày sau. Tất cả những động cơ để anh yêu nàng đều có gắn với cái “tôi” của anh ta. Không tin ư, thử dàn cảnh coi: nàng khoát tay, xà nẹo, mỉm cười (dù chỉ là vô tình hay vì xả giao) với anh chàng nào khác, thì bảo đảm anh ta không “thất điên bát đảo” thì cũng “loạn xạ nhịp tim”, “trăm mối tơ vò”, “đầu tro mặt trấu”, không còn phân biệt được tay mình để đi hay để nghe, chân mình để thấy hay để làm…
Vậy đó, anh ta trước hết là yêu bản thân mình đã, bên cạnh đó hoặc thấp hơn đó là yêu một người là “hồng nhan tri kỷ”, là “ý trung nhân”.
Còn nàng thì sao? Khi đã yêu chàng thì “cục đường phèn đã bảo đen thì không trắng”, trái tim xúi đâu nghe đó, lúc này lý trí hoàn toàn vắng mặt. Nàng biết cái gì là sai thuần phong mỹ tục, là ngược lại lễ giáo tổ tông, không được mọi người trong quan hệ cộng sinh chấp nhận, nhưng nàng sẵn sàng chấp nhận để được chàng yêu, và được yêu chàng, thậm chí “ăn cơm trước kẻng”, tạo ra những kết quả không mong muốn, rồi có người còn đan tâm không dám đối mặt với dư luận xã hội, nên dứt bỏ đứa con chưa tượng hình, chưa có tên, chưa một ngày được thở không khí trong lành. Xét ra, họ không đáng trách, mà chỉ đáng thương, đáng thương cho cả mẹ lẫn con, xót thương cho cuộc đời hiện tại, đau thương cho một kiếp sống kim tiền vật chất bủa vây, văn minh càng ngày cao cực điểm, nhưng đạo đức thì càng ngày xuống cấp. Bị lôi cuốn trong dòng xoáy ấy thì khó tránh khỏi những giây phút yếu lòng, buông tay mặc cho dòng nước “dục lưu” cuốn trôi đi đâu thì theo đấy.
Rồi thì sao, kết quả của tình yêu là gì? Nàng đáp ứng tình yêu ư? Nàng đem lại cho chàng cái gọi là “hoàn toàn hạnh phúc” ư? Hay có chăng chỉ là những giây phút “loan phụng hòa minh”, “sắc cầm hảo hợp”, nhưng chén ly bôi chưa cạn thì tình đã nhuốm màu chia phôi, sự nồng nàn vừa đạt đến đỉnh cao thì sau đó cũng sẽ ngã màu tê tái, cũng có thể là chán chường. Vậy, trong khi yêu đó, có phải nàng chỉ thật sự yêu chàng hay trước hết chỉ riêng vì bản ngã của cái tôi?! Nàng đến với chàng thật ra là vì thỏa sự chờ mong nhung nhớ của nàng đã. Nàng đáp ứng cho chàng tất cả mọi sự yêu cầu, về sự có mặt, về tiếp cận tình yêu, về tìm hiểu đôi bên, về gì gì đó đó… thật ra trước hết là nàng đã đáp ứng cho cái sự mong muốn của chính mình. Bởi vì, thật sự ngoài hình ảnh chàng ra, nàng đâu còn thấy ông anh nào hơn chàng ngay trong giờ phút đó nữa. Nàng quyết chiếm lấy trái tim chàng cho bằng được, quyết lấy được tình cảm chàng, thân thế sự nghiệp của chàng, đời sống của chàng, và những gì thuộc về chàng “từ nay ta cùng có nhau, xài chung anh nhé!”.
Tình yêu có muôn hình vạn trạng, trên đây là điển hình một cặp yêu hoàn chỉnh, không trắc trở, không bị rào cản của gia đình, xã hội, địa vị, đạo đức, v.v. Có những khúc ca tình yêu hát lên nghe nghẹn ngào lắm, lại cũng có những đoạn trường bi oán không gì bằng nhưng chỉ vì một chút cách trở nho nhỏ nào đó thôi mà hai người không thể nào đến với nhau được. Lại có những mối tình yêu cho một phía, tức là từ người này cứ bắn mũi tên tình cảm trên “cây cung mía được cột sợi giây mật ông” tới phía bên kia, mà bắn hoài không trúng đích. Dần dần, tên “xạ thủ không trúng tủ” ấy trở nên chai lỳ trong tâm hồn, suốt ngày ôm mãi hình bóng bên kia, khi ăn giờ nói, khi đứng lúc nằm đều thấy chập chờn “ma ảnh” của người mình yêu. (Yêu gì mà khiếp thế không biết!)
Lại có khi, hai mối tình đơn phương cùng hướng về nhau, anh mãi bắn tên nàng, rồi em cũng cứ đợi tin tức chàng, thế mà không có mối duyên nào để gắn kết hai trái tim chung một nhịp thở, để rồi cả hai ôm mối đơn phương ấy mãi cho đến lúc vỡ lẽ thì ôi thôi sự đã rồi. (Chuyện này hình như chỉ có trong phim truyện, hay là những giai thoại xưa như trái đất, chứ thời nay chưa yêu đã ngỏ, chưa thấy mặt đã “I love you” rồi).
Còn gặp phải những trường hợp có rào cản thì sao? Một trong hai người bị gì đó: một chút khuyết tật, một chút cản ngăn của gia phong lễ giáo, của địa vị nghề nghiệp, của lý tưởng khác nhau, của sự tôn thờ không chung một đấng thiêng liêng, của sự bắt buộc mọi giá người ấy hễ yêu nghĩa là có tội, v.v. và v.v. Người kia sẵn sàng chấp nhận làm mù lý trí mình đi, vì những nét tích cực khác đủ sức lấn át, che đậy cái khuyết lở ấy. “Khi yêu trái ấu cũng tròn” là vậy đó, nhưng rồi có bao nhiêu người chấp nhận sự thật ấy đến vĩnh viễn cuộc đời? Hiếm hoi thay! Hay nói đúng hơn là “Hủng có đâu!”
Đến lúc nào đó thì sự thật càng ngày phơi bày càng rõ, cái yếu đuối của con người không thể nào chấp nhận nỗi, đành phải tiến đến đầu tư một hợp đồng mới, giống như câu nói của Kiều Oanh trong kịch “Trúng số độc đắc”: “Nói mà còn tình còn nghĩa thì mình chia tay anh nhé! Nói mà mất hẳn thú tính luôn là Tao bỏ Mày!” Trước đó thì sao? Sau đó thì sao, liệu chừng rồi mọi thứ trở lại nhịp sống bình thường của nó chăng? Không thể nào được. Chỉ vì một lý do duy nhất: người kia với tâm tham ái chấp trước đã gắn chặt với người này, không thể một sớm một chiều mà nói cắt là cắt ngay. Thế là nảy sinh ra nhiều phương pháp giải quyết: “Anh mãi là người đến sau”, “thà rằng đau đau một lần rồi thôi, còn hơn cứ đau một đời”, “một người đi với một người hắt hiu”, hoặc chấp nhận làm kẻ thua cuộc nhìn người với ai kia chung cuộc lữ “lại một người nữa giống như tôi”, hoặc tìm đến với thơ văn nuôi sống lại trái tim đau, hoặc tìm đến với giếng nước, vực sâu để che giấu cái bản ngã yếu đuối của mình, dứt đi sinh mạng, hoặc “ăn không được thì quậy cho hôi”, “không lọt vào tay ông, thì đừng hòng ai đụng tới”, thế là dao găm, acid, xã hội đen … vào cuộc, kéo theo pháp luật, hình cảnh, tòa án … mần việc.
Ôi! tình yêu!
May mắn làm sao, khoảng một nửa cuộc tình rồi cũng trải qua bao giông tố, để đến được với nhau, để gieo trồng nghiệp cảm, để tạo cảnh tái sinh, để luân hồi tiếp tục, nói chung là “mồ yên mã đẹp”. Còn lại hết một nửa, thì đứt gánh giữa đường, ông Tơ đui mắt bà Nguyệt lơ lòng, để cho duyên lạnh tình không, để cho đôi đàng ngăn cách. Cái nửa trên kia có hạnh phúc hoàn toàn không? Có chăng chỉ là tạm thời, rồi cũng phải đối diện với bao rắc rối tiếp theo. Khi mình có được cái gì đó thì đâu phải là hết chuyện. Tạo ra thì dễ mà giữ nó mới gian nan. Hễ “giữ” tức là chấp thủ rồi, chấp thủ thì tạo nghiệp (nghiệp là động cơ để tái sinh), tạo nghiệp thì luân hồi, tiếp tục bị sinh ra, lớn lên, rồi … yêu tiếp. Bởi chỉ có nghiệp của mình dẫn dắt mình đi theo mức độ tốt xấu của nó thôi. Chứ có ai dắt mình đi đâu. Đức Phật, hay đức Chúa trời cũng chỉ là người ngoài. Nếu các Ngài có thương tình thì cũng chỉ: “Đường này tốt đây con, nên đi! Đường đó chông gai lắm, đừng đi!”, chỉ vậy thôi. Các Ngài không thể nào lấy cái linh hồn (vốn không cái cục nào, cái đống gì tên là linh hồn cả) hay cái thần thức của mình mà đẩy lên cõi trời trăng có chị Hằng nuôi thỏ, hay đày xuống cõi đất có nước lụt, bom nổ, động đất, đục đẽo cắt cưa … Ai mà đổ thừa cho các Ngài làm chuyện này là mấy người mang tội “vu khống” đó. Coi gương “cô gái đồ long” đó, mới rảnh tay nói bóng gió một nàng “chanh” bình thường có chút xíu mà phải ra tòa kiện nhau ầm ỉ để làm trò cười cho bao nhiêu người, huống hồ gì “vu khống bề trên”, tội lớn lắm.
Tất cả những vấn đề nêu trên, chúng ta không phải để kể tội tình yêu, vì tình yêu vốn không có tội. Tình yêu là một cái đẹp, một nét đẹp kỳ tuyệt diễm ảo, bao trùm cả vạn vật, tình yêu là nguồn gốc của mọi người mọi loài, là đầu cơ của hạnh phúc mà cũng là nguồn cội khổ đau. Nó tự tính vốn trong suốt, không có nhãn hiệu, không có tên gọi, đặc tính gì cả… Mọi vấn đề sinh ra từ chính chúng ta, từ những người tiếp cận nó, tiếp xúc nó, sử dụng nó, và dần dần nhìn nhận sai về nó, để dẫn đến những ảo tưởng và cuối cùng là đổ tội cho nó.
Phải nói thẳng thắn rằng, khi bước chân vào đường yêu, dù có kết quả hay không kết quả, mọi lữ khách đều phải nếm trải mùi đau thương thậm chí là tột cùng. Giờ đến lượt chúng ta dùng hai món “bảo bối” phòng thân của mình để nhìn rồi. Cái nỗi khổ vì tình như vừa được nêu trên đó rõ ràng đều là do các nhân duyên mà sinh ra. Như đã nói bản chất tình yêu không có khổ, chỉ có con người có cái tôi này thọ nhận cảm giác khổ thôi. Nếu một trong các thành tố của tình yêu vắng mặt, thì không có sự hiện diện của tình yêu mà là hiện diện của một cái gì đó khác hơn. Mọi sự khổ đau hay hạnh phúc liên quan tới tình yêu cũng đều do các duyên mà khởi sinh lên, chứ bản chất thật, không có cái khổ đau hay hạnh phúc nào tồn tại cả.
Sau khi soi rọi ánh sáng duyên khởi vào, chúng ta tiếp tục giải quyết vấn đề trắc ẩn bên trong nó. Thật ra, chúng ta cứ tưởng tình yêu là có thật là vững bền. Cũng phải thôi, khi yêu, cả hai tâm hồn gần như nhất như, không còn gì giấu diếm nhau cả, những cái thầm kín riêng tư nhất cũng cứ thoải mái san sẻ cho nhau, đến mực độ đó thì còn gì có thể chia cách?! Nhưng không, vẫn chia cách như thường, vì tất cả mọi sự trên thế gian này đều không có gì là bền chặt thật sự. Vì sai lầm về nhận thức, nên chúng ta mãi nhìn nhận “tình yêu” bằng “ảo tưởng” mà không nhìn nhận cái thực tại của nó. Bản chất nó chẳng có gì cả, một chút luyến ái, một chút tài của người nam, một chút sắc của người nữ, một chút gần gũi của thời gian, một chút khinh an của cảm giác, v.v. những cái thứ “một chút” đó nối kết đầy đủ với nhau, làm cho 2 con tim kia ngất ngây, đắm say.
Yêu không được thì khổ đã đành, mà yêu được rồi về bên nhau lại cũng nảy sinh ra cái khổ khác vì bảo thủ, tình yêu vị kỷ đâu thể xẻ chia, thế là sinh ra trục trặc. Dù cho có sống đến răng long đầu bạc thì cuối cùng cũng chia ly, ai đi theo đường nấy, theo cái khả năng tái sinh của riêng mình đã tự tạo, lúc này thì chẳng ai nợ ai, cũng chẳng ai giúp được ai. Mà bao giờ cũng vậy, hai người phải kẻ trước người sau, kẻ ở lại khóc người ra đi. Chỉ có trường hợp đặc biệt mới có 2 bạn tri kỷ tri âm mà an nhàn đi chung một lượt. Nên nó có thể coi như một khát vọng thiêng liêng vậy. “Đồng sinh cộng tử” mà, nghe nó hấp dẫn làm sao.
Thế mới có chuyện hai cô cậu yêu nhau, nhưng bị cha mẹ cấm cản, quyết tự tử chết chung để kiếp sau được ở gần bên nhau. Hai người hẹn nhau ra cái giếng rất sâu đầu làng để cùng xuống thăm Long Vương. Tối đến chàng ra trước, theo như hẹn thì ai ra trước hãy chờ người kia cùng chết, nhưng đối trước giây phút sinh tử, chàng lại nghĩ: “chả lẽ đời hết phụ nữ sao, không yêu được thì thôi, dại gì lại chết …” nên chàng mới tạo hiện trường giả, để đôi dép sum-bô bên bờ, chờ nàng gần đến, lấy cục đá to quăng xuống giếng cho nước động lên. Tưởng làm vậy, khi nàng đến thế nào cũng nhảy “chết theo”, để mình thoát. Ai dè, nàng ra thấy cảnh ấy thì sau một hồi khóc lóc, kể lể: “Chàng ơi! Sao chẳng đợi em đi cùng? Giờ đành một thân chàng đi về dưới vậy. Em còn cảm thấy yêu đời chưa vội kết liễu. Thôi thì anh cũng đã thương em, chắc là để lại đôi sum-bô còn mới này để làm tin cho em. Em hiểu ý anh rồi, em hứa sẽ trở về sống thật hạnh phúc cho anh an lòng…” trăng trối xong, nàng mang đôi dép về. Chàng từ trong bụi rậm tức quá, chạy theo la lên:
- Ê, trả đôi dép lại cho tuiiiiii!
Tất cả sự trắc trở, rối rắm của tình yêu nêu trên chỉ vì một nguyên nhân duy nhất, đó là “chấp thủ”. Bảo thủ cho cái tình yêu kia chỉ là duy nhất của mình. Con người đó là chỉ của riêng anh, riêng em. Khi có được tình yêu thì bảo thủ cho rằng tình yêu này sẽ vĩnh viễn, nhưng sự thật không tồn tại lâu dài đã để lại trong lòng người sự tiếc nuối, hụt hẫng, đau khổ, than van, v.v.
Muốn thật sự thoát ra vấn đề ấy, điều nên làm nhất là đừng có nhìn tình yêu bằng “ảo tưởng” nữa, mà hãy nhìn bằng sự thật. Sống làm sao không thể yêu được? Con người là con người của xã hội, phải theo những mối qua hệ đã mặc định của xã hội, nên phải có yêu đương nam nữ, có gia đình, có con cái, có học hành, sinh hoạt… mới là xã hội. Tuy nhiên, khi dẫm chân lên giới vực của tình yêu, chúng ta cần nhận rõ những cái lâu nay được tôn thờ, ca ngợi đó chỉ là những “ảo tưởng” mà thôi. Nhận chân rõ vấn đề thì mọi việc sẽ trở nên yên ổn hơn, nhẹ nhàng hơn vì không còn bám víu, cố chấp vào đó nữa.
Vậy, có tình yêu nào không phải “ảo tưởng” không? Xin thưa có, đó là “Tình yêu chân thật”. Cái tình này là một loại tâm lý không vươn màu nhân ngã, không nhiễm bụi tham đắm, chỉ bằng tấm lòng yêu thương, bảo vệ, tôn trọng và tha thứ đối phương thật sự. Lòng thương này như trong bài viết trước đây MĐ có nói, nó phải đầy đủ bốn yếu tố: Từ – Bi – Hỷ – Xả. Tình yêu của các vị Thánh thương kẻ phàm trần theo kiểu này, các vị Bồ tát thương chúng sanh, đức Chúa trời thương con chiên, mẹ thương con (dĩ nhiên không kể những người mẹ chưa thấy mặt con ra sao). Nếu chúng ta sáng suốt lìa bỏ ảo tưởng, xây dựng tình yêu theo hướng “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” thì “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”.
Hý luận đôi vòng, rốt thì nhạn quá trường không.
Chữ nghĩa lông ngông, chung cuộc cũng không rời huyễn mộng.
Tâm tư manh động, nghiệp lực sa đà
Một ít yêu thương luyến ái giữa Ta Bà
Xin ghi lại coi như lời của gió.