Trong suốt 150 năm vừa qua, tại các quốc gia Tây Phương đã dấy lên mối quan tâm sâu sắc đến những lời dạy của Đức Phật. Đạo Phật ngày càng có thêm nhiều tín đồ tại châu Âu và châu Mỹ, và đã trở thành đối tượng nghiên cứu về mặt học thuật cũng như văn chương. Việc này xảy ra trong bối cảnh lịch sử khi các khủng hoảng toàn cầu về môi trường và xã hội ngày càng đang có chiều hướng gia tăng.
Chủ đề chính của bài này đề cập đến khả năng đặc biệt của Phật Giáo trong việc giải quyết các vấn đề này – đây chính là yếu tố chủ yếu để Phật Giáo ngày càng trở nên phổ biến tại Tây Phương.
Dù không đi sâu vào chi tiết, bài viết này vẫn nhằm mục đích xác nhận lại rằng những khía cạnh khác nhau trong nền văn hóa hiện đại, cả về mặt tôn giáo và thế tục, cũng đã đóng vai trò trong việc tạo ra những khủng hoảng, trên mức độ là chúng đã tạo điều kiện cho những cạnh tranh trong cùng một quốc gia, những mâu thuẫn bè phái, cũng như những ham muốn vật chất đã góp phần làm cạn kiệt những nguồn tài nguyên giới hạn, làm nhiễm độc môi trường, và chúng cũng góp phần đưa đến việc gia tăng dân số thiếu bền vững. Về tổng quan, những giải pháp cho các vấn đề của thế giới không thể tìm ra được từ những quan điểm ủng hộ việc ưu tiên quyền lợi của một nhóm người này so với một nhóm người khác, hoặc từ những quan điểm không đánh giá đúng đắn đuợc sự bình đẳng và mối quan hệ hỗ tương của các sinh vật. Đối với những vấn đề mang tính toàn cầu, cần phải có những giải pháp mang tính toàn cầu.
Trong phạm vi họat động kinh tế, cả nền kinh tế thị trường tự do và nền kinh tế tập trung đều không thể ngăn chặn một cách hữu hiệu sự gia tăng về ô nhiễm môi trường-mối đe dọa cho sức khỏe của toàn bộ hành tinh. Động lực về lợi nhuận- hiện đang giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế thế giới- cũng khó có thể làm được điều gì để ngăn chặn những mối cạnh tranh trong cùng một quốc gia, và những bất công trong xã hội- những điều đang đe dọa đến sự sống còn của nền văn minh nhân loại. Những hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng của ham muốn và cạnh tranh không bao giờ có thể là nền tảng cho một thế giới hòa bình, yên vui và hạnh phúc.
Khoa học cũng bị giới hạn về khả năng đưa ra giải pháp cho những khủng hoảng về môi trường và xã hội. Khoa học đã trang bị cho chúng ta những công cụ để nhận diện những mối đe dọa về môi trường, và cung cấp những giải pháp để thực sự giải quỵết những mối đe dọa này, và phục hồi lại sức khỏe cho hành tinh. Tuy nhiên, khoa học không thể cung cấp được những ý nguyện và tư tưởng cần thiết để thực hiện được những giải pháp đó. Khoa học đưa ra được những liều thuốc mới mẻ và quý báu hơn, tuy nhiên lại không thể đưa ra những lối đi bình đẳng cho mọi nguời để lấy được những liều thuốc này; và bản thân những liều thuốc mới này cũng không thể chữa trị được những căn bệnh mới phát xuất từ những vấn đề mới mẻ, hay những độc dược do chính khoa học đã tạo nên.
Khoa học đã được sử dụng để khai thác ngày càng nhiều hơn nguồn năng lượng từ môi trường, nhưng những người được hưởng lợi từ nguồn năng lượng này lại ít có những giải pháp về mặt tài chính để đối phó hay giải quyết những sản phẩm phụ độc hại từ nguồn năng lượng này. Khoa học đã cung cấp những phương tiện để khai thác ngày càng nhiều những thực phẩm từ trái đất, tuy nhiên những người được hưởng những thục phẩm này lại ít có khả năng hay có những giải pháp nào để đảm bảo việc phân phối một cách công bằng nguồn thực phẩm này. Khoa học đã cung cấp những phương tiện để tạo ra những vũ khí chiến tranh có khả năng hủy diệt tất cả các nền văn minh trên trái đất,nhưng lại không thể cung cấp trí tuệ để người ta không bao giờ sử dụng đến những vũ khí ấy.
Như vậy nguồn động lực, tri thức và những phương tiện hữu hiệu để đề cập đến những vấn đề khó khăn ấy có thể được tìm thấy từ đâu? Trong suốt hai thế kỷ vừa qua, càng ngày càng có nhiều người Tây Phương đã chuyển hướng tư tuởng sang Phật Giáo nhằm tìm ra một câu trả lời hữu lý cho những cuộc khủng hoảng về xã hội và môi trường mà xã hội hiện đại đang phải đương đầu. Phật Giáo có thể cung cấp được nhân sinh quan và động lực cần thiết để đề cập đến những vấn đề khó khăn và phức tạp của thế giới bên ngoài chứa đựng những vấn đề về môi trường và xã hội, cũng như thế giới bên trong chứa đựng những mâu thuẫn cá nhân mà mỗi sinh vật đều gặp phải. Điều này đã đuợc ghi nhận bởi nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng trong lịch sử tri thức của thế giới Tây phương hiện đại. Lấy ví dụ như Albert Einstein- một nhân vật khá nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trong giới khoa học.
Khi đề cập đến sự cần thiết phải có một tôn giáo chung trên toàn cầu để hỗ trợ cho việc tìm hiểu thấu đáo về khoa học hiện đại, Einstein đã phát biểu:
“Phật Giáo có những đặc trưng của một tôn giáo mang tính toàn cầu trong tương lai mà mọi người mong đợi. Nó vượt xa hơn giới hạn của việc thờ cúng cá nhân một vị thần hay thánh, và tránh được chủ nghĩa giáo điều hay thần học; nó bao hàm cả lãnh vực tự nhiên và siêu nhiên, và nó dựa trên một cảm nhận về tâm linh xuất phát từ kinh nghiệm tiếp xúc với mọi vật, dù mang tính tự nhiên hay siêu nhiên, như một tổng thể có ý nghĩa. Nếu có được một tôn giáo nào có khả năng đáp ứng được những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật Giáo.”
Là một thành viên nổi tiếng của cộng đồng người Do Thái, và có lẽ cũng là người có bộ óc siêu việt nhất về khoa học trong lịch sử, Einstein đã tìm thấy ở Phật Giáo một quan điểm về thế giới phù hợp với những quan điểm của khoa học, tuy nhiên ông đã thêm vào đó một chiều sâu tôn giáo cần thiết để có thể hợp nhất giữa tự nhiên và siêu nhiên. Chiều sâu tôn giáo này không thể giải thích được bằng quan điểm khoa học thuần túy, tuy nhiên nó có thể diễn tả một cách chính xác những vấn đề cần thiết về môi trường và xã hội hiện đang là nguy cơ cho trái đất. Đó là một tầm nhìn có thể “kết hợp tất cả mọi vật- tự nhiên hay siêu nhiên- thành một thể thống nhất có ý nghĩa.” Triết lý Phật Giáo đem lại một cách nhìn sự vật theo một phương thức có thể thống nhất tất cả sự vật và sinh vật vào một tổng thể có liên quan hỗ tương với nhau. Bất cứ ai chấp nhận quan điểm này đều sẽ chấm dứt việc làm hại bất cứ sinh vật sống nào, hay hủy hoại môi trường đang hỗ trợ cho sự sống của tất cả các sinh vật.
Những lời phát biểu của Einstein về khoa học và tôn giáo đã phản ánh sự thán phục của ông về việc Phật Giáo làm cách nào để có thể đem đến cho mọi người lòng từ bi và đạo đức- hai yếu tố rất quan trọng trong nền văn hóa Do Thái, cũng như một quan điểm logic mang tính phân tích tuyệt đối- nền tảng của những ý tưởng khoa học. Ông đã tìm thấy ở Phật Giáo một hệ thống duy nhất kết hợp được logic, từ bi, và đạo đức theo một phương cách có thể mang đến một quan điểm thống nhất về thế giới và vũ trụ, và phát huy quyền lợi cho tất cả mọi người. Einstein đã phát hiện ra rằng Phật Giáo rất phù hợp với khoa học hiện đại. Tuy nhiên, không giống như khoa học, Phật Giáo lại là một nguồn lợi ích và hạnh phúc đáng tin cậy cho tất cả mọi người. Vì quan điểm này xuất phát từ một nhà khoa học nổi tiếng nhất, nó đã là một động lực đáng kể trong việc thúc đẩy các trí thức Tây Phương nghiên cứu và thực hành đạo Phật.
Một nhà khoa học gốc Do Thái nổi tiếng khác, J. Robert Oppenheimer, cũng đã nêu ra một vài lãnh vực rất tương đồng giữa quan điểm của Phật Giáo và quan điểm của khoa học hiện đại. Ví dụ như vì sao những thực tiễn cơ bản không thể lý giải được bằng những thuật ngữ hay quy cách phân loại theo đúng như quy ước:
“Ví dụ như, nếu chúng ta đưa ra câu hỏi là vị trí của một electron có cố định không, câu trả lời sẽ là ‘không’. Nếu chúng ta đưa ra câu hỏi là vị trí của electron có thay đổi theo thời gian không, câu trả lời sẽ là ‘không’. Nếu chúng ta đưa ra câu hỏi là electron có ngừng chuyển động hay không, câu trả lời sẽ là ‘không’. Nếu chúng ta đưa ra câu hỏi là electron có đang chuyển động không, câu trả lời sẽ là ‘không’. Đức Phật đã đưa ra những câu trả lời như vậy khi có người hỏi Ngài về những trạng thái của cái “Ngã” của một người sau khi người ấy qua đời, nhưng đó không phải là những câu trả lời quen thuộc đối với khoa học ở thế kỷ XVII và XVIII.”
Vì Einstein và Oppeinheimer đã nêu ra rằng học thuyết Phật Giáo luôn luôn phù hợp với những quan điểm nội tại cao nhất của khoa học hiện đại, nên nhà tư tưởng nhân đạo vĩ đại Albert Schweitzer có thể phát biểu một cách mạnh mẽ về quan điểm đặc sắc của Phật Giáo về Tứ Diệu Đế và các pháp giới. Việc xuất phát từ quan điểm đạo đức Phật Giáo có thể giúp tìm ra được nền tảng cho những giải pháp đối với những vấn đề của thế giới hiện đại. Nếu tuân thủ những giới luật căn bản do Đức Phật đề ra, thì xã hội sẽ được hòa hợp và sẽ khiến cho mọi người tự nhiên sẽ có trách nhiệm đối với môi trường sinh sống.
Schweitzer đã phát biểu về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như sau:
“Người đã đưa ra những lời diễn giải cho những sự thật có tính xác đáng tuyệt đối, và đã thúc đẩy sự phát triển của những nền tảng đạo đức không những cho đất nuớc Ấn Độ mà còn cho cả nhân loại. Đức Phật là một trong những nhà tư tưởng tài ba lỗi lạc nhất đã từng hiện tiền trên thế giới này.”
Nếu Einstein và Oppenhemmer là hai nhà tư tưởng vĩ đại của giới khoa học gia Tây phương, thì Albert Schweitzer lại là một người anh hùng văn hóa Tây phương trong lãnh vực nền tảng đạo đức và các hoạt động từ thiện. Việc mỗi nhân vật nổi tiếng như đã nêu trên tỏ lòng thán phục Đức Phật với những quan điểm riêng xuất phát từ kinh nghiệm sinh sống và làm việc của mình là minh chứng cho ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Phật Giáo đối với những nhân vật xuất sắc trong nền văn hóa Tây phương. Ngoài những nhà khoa học và những nhà tư tưởng đạo đức, các nhà tâm lý nổi tiếng cũng đã tỏ lòng thán phục sâu sắc đối với Đức Phật. Lấy ví dụ, Sigmund Freud và Carl Jung, đã nhìn nhận những hoạt động liên quan đến nội tâm và những kỹ thuật trị liệu để làm gia tăng sức khỏe tâm lý và hòa đồng xã hội theo những chiều hướng rất tương đồng với tâm lý học Phật Giáo.
Freud đã từng phát biểu:
“Không điều gì có thể ngăn cản việc chúng ta quán sát bản ngã, hoặc sử dụng tri thức của mình vào việc tự phê phán bản thân. Trong lãnh vực này, đã có một số nghiên cứu được thực hiện - với những kết quả dù chưa thể khắng định chắc chắn nhưng có thể làm nền tảng cho việc xây dựng một Weltanschauung???”
Mặc dù Freud không tỏ ý thán phục trực tiếp giáo lý của Đức Phật, những lời phát biểu của ông luôn phản ánh những ý tưởng của Bậc Hiền Triết dòng họ Shakyas. Ông luôn luôn đề nghị việc xây dựng một quan điểm mang tính toàn cầu dựa trên việc quán sát không ngừng những hoạt động, những ý tưởng và những quá trình tâm linh của từng cá nhân. Ông đòi hỏi mỗi người đều phải tự có trách nhiệm với bản thân, và ông không thừa nhận những khuôn mẫu mang nặng tính giáo điều hay ép buộc về hành vi hay ý thức. Việc kiên định trong quá trình quán sát bản ngã là điều cần thiết để giúp tìm ra được ánh sáng nội tâm dẫn dắt đến hòa hợp trong xã hội và cứu chữa những vết thương của môi trường sống. Khi một cá nhân còn chấp nhặt vào những nguồn kiến thức hay chỉ dẫn từ bên ngoài, người đó sẽ rất dễ dàng chịu những ảnh hưởng tác động bên ngoài, đưa đến những hành động đi ngược lại đạo lý, làm thương tổn những người khác và môi trường sống. Một cá nhân thường quán sát nội tâm sẽ là một cá nhân nhận thức được mối liên hệ mang tính nhân quả giữa hành động và hậu quả, và sẽ cảm thấy sợ hãi không muốn làm thương tổn các sinh vật hay sự vật, vì biết rằng việc làm thương tổn như thế sẽ đem lại một sự trả thù.
Cũng như Freud, Carl Jung cũng mong muốn tìm ra sự thật thông qua việc quán sát nội tâm và phân tích. Tuy nhiên, những nghiên cứu của ông lại trực tiếp dẫn dắt ông đến với Phật Giáo nhiểu hơn. Jung đã phát biểu như sau:
“Là một nhà nghiên cứu tôn giáo so sánh, tôi tin tưởng rằng Phật Giáo chính là tôn giáo hoàn hảo nhất mà thế giới đã từng có được. Triết lý về Thuyết tiến hóa và Luật Nhân Quả (Định Nghiệp) đã vượt bậc rất xa so với bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo nào.Căn duyên dẫn dắt tôi đến với thế giới tư tưởng Phật Giáo không phải là lịch sử tôn giáo hay những nghiên cứu triết học, mà lại là công việc ưa thích của tôi- bác sĩ trị liệu. Công việc của tôi là chữa trị những vết thương về tinh thần, và chính công việc này đã thúc đẩy tôi đến việc quen thuộc với những quan điểm và phương pháp của Bậc Đại Sư về lòng nhân đạo, với đề tài chính là chuỗi nối tiếp Khổ- Lão- Bệnh- Tử.”
Jung đã viết rất nhiều về Phật Giáo, và những tác phẩm của ông đã dẫn dắt rất nhiều thế hệ người Tây phương vào con đường học hỏi và thực hành đạo Phật. Jung đã tìm thấy ở Phật Giáo một nguồn tài nguyên chân thực trợ giúp cho việc nhìn lại nội tâm nhằm tiêu diệt tận gốc rễ những căn nguyên nỗi khổ đau của con người. Ông đã tìm ra từ triết lý Phật Giáo một học thuyết tiến hóa hoàn toàn phù hợp với học thuyết tiến hóa của Darwin , nhưng đã có mặt trước học thuyết Darwin khoảng 25 thế kỷ. Từ những học thuyết Phật Giáo, Jung không chỉ thấy được quá trình tiến hóa, mà còn cả một tầm nhìn rộng lớn hơn về một vũ trụ có liên quan và hỗ tương lẫn nhau, trong đó bất kỳ một hành động nào của một cá nhân làm gây tổn thương cho một cá nhân khác hay cho môi trường sống đều sẽ là tác nhân trực tiếp dẫn đến việc cá nhân đó sẽ chịu khổ đau. Jung chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những lời dạy của Đức Phật khi ông tuyên bố rằng hạnh phúc thực sự được tìm thấy không phải là từ việc theo đuổi và đạt được những của cải vật chất hay cảm giác dục lạc, mà là từ việc nhận biết được một sự thật tiên nghiệm. Sự chữa trị những vết thương gây ra do những khủng hoảng về xã hội và môi trường trong thời đại của chúng ta chỉ có thể xuất phát từ quan điểm này mà thôi.
Trong lãnh vực triết lý Tây phương, nhiều nhà tư tưởng nổi tiếng cũng đã từng ca ngợi Phật Giáo về những cống hiến to lớn của nó trong việc tìm ra căn nguyên của thực tại và những ý tưởng tự do cho toàn nhân loại, cũng như hạnh phúc cho muôn loài. Chẳng hạn như Frederick Nietszche đã từng nhấn mạnh đến tính duy thực và tính nhẫn nhục- hai đặc tính của đạo Phật- như sau:
“Đạo Phật mang tính thực tiễn cao hơn gấp hàng trăm lần so với những tôn giáo khác. Đạo Phật bắt đầu bằng việc tiếp nhận mọi một cách hòa nhã và khách quan mọi vấn đề. Đạo Phật đã đi sâu vào đời sống sau nhiều năm phát triển về phương diện triết lý. Khái niệm về Thượng Đế cũng biến mất ngay sau khi khái niệm ấy vừa xuất hiện, và việc cầu nguyện cũng không được đặt thành vấn đề. Việc tu khổ hạnh cũng thế. Không hề có những áp đặt theo khuôn mẫu. Hoàn toàn không có sự ép buộc, ngay cả trong cộng đồng tu sĩ. Vì thế, không có việc kình địch hay chống đối lại những cộng đồng các tín đồ của những tôn giáo khác. Những lời giáo huấn trong đạo Phật không nhằm mục đích chỉ trích bất cứ điều gì ngoại trừ các cảm giác hiềm thù, thù hận và oán giận.”
Nietszche tỏ ý rất khâm phục phương pháp mà Đức Phật đã dạy để chịu đựng kiên nhẫn các tai ương. Khi đã hiểu được rằng tai ương tồn tại và xảy ra cho bất cứ sinh vật nào trên trái đất, thì sinh vật ấy không nên hoảng sợ tìm cách tránh né hay làm tai nạn chệch hướng đi, mà nên tuân theo con đường tu tập chính đáng. Việc này, theo như Nietszche nói rõ hơn, không hề liên quan đến các thần linh hay ma quỷ, hay đến những lời cầu nguyện những đối tượng này. Đạo Phật không chấp nhận sự ép buộc, mà nhấn mạnh việc tự giải thoát và trách nhiệm của mỗi cá nhân.Với lối suy nghĩ như thế, Phật Giáo hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với những tôn giáo khác, và chỉ nhắm đến mục tiêu tối thượng là tiêu diệt những “kẻ thù trong tâm”- tham, sân, si.
Nhiều văn sĩ và thi sĩ vĩ đại ở thế kỷ XIX, XX, và hiện nay là thế kỷ XXI đã xem đạo Phật là một nguồn quán chiếu nội tâm và cảm hứng sáng tác. Việc ca ngợi giáo lý đạo Phật của họ đã làm cho vô số những người dân Tây phương chú ý đến đạo Phật. Một người tiêu biểu từ khá lâu đời trong số những văn sĩ- thi sĩ này là Sir Edwin Arnold, nhà thơ được giải thưởng lớn về văn chương của Anh Quốc, người đã xuất bản tập thơ nổi tiếng The Light of Asia của mình vào năm 1879. Ông đã viết như sau:
“Về niên đại, vì thế, các tôn giáo khác đều rất trẻ so với tôn giáo đáng kính này. Tôn giáo này chứa đựng sự vĩnh cửu của một niềm hy vọng của toàn thế giới, sự bất tử của một niềm thương yêu vô hạn, một niềm tin không thể hủy diệt được vào cái thánh thiện tột cùng, và sụ khẳng định một cách tự hào nhất từ trước đến nay về tự do nhân loại.”
Những lời ca ngợi đạo Phật của Arnold đã ảnh hưởng nhiều đến những tác phẩm của ông về cuộc đời và sự nghiệp của Đức Phật. Những tác phẩm này đã có tác động rất lớn đến nhiều thế hệ người Tây phương trong việc tìm hiểu về giáo lý của đạo Phật, và trở nên hạnh phúc, hiền hậu dịu dàng và tốt bụng hơn. Đặc biệt hơn, Arnold đã giải thích được cái đẹp của mục tiêu tối thượng trong việc thực hành đạo Phật- đó là trạng thái được giải thoát hoàn toàn. Đây là trạng thái, theo ông giải thích, là trạng thái “ tốt đẹp tối thượng”, được biểu hiện bằng “tình thương vô hạn”, và giải thoát hoàn toàn. Chính vì biết được những thực tế của mục đích tối thượng này mà các tín đồ Phật Giáo đã có thể chịu đựng được bất cứ một sự gian khổ nào với sự nhẫn nại đáng ngợi khen, và đáp lại những sụ nhục mạ của người khác bằng tấm lòng từ bi và tình thương. Tình thương vô biên và sự giải thoát hoàn toàn không chỉ là những tính chất trừu tượng của một mục tiêu xa xôi, mà chúng tồn tại một cách lâu dài ngay trong tâm trí một cá nhân đã thật sự đi vào con đường của Phật.
Tác phẩm của Arnold cũng là một nguồn ảnh hưởng vô tận đối với những người đang tìm kiếm một thế giới tốt đẹp hơn. 127 năm sau khi tác phẩm The Light of Asia ra đời, hang trăm cuốn sách có giá trị khác về đề tài Phật Giáo đã được xuất bản bằng tiếng Anh, và hàng trăm kinh điển Phật Giáo đã được dịch ra tiếng Anh hay các ngôn ngữ Tây phương khác. Những tác phẩm này thường được tìm thấy trong các thư viện và nhà của những người đang đi tìm thực tại nội tâm và những nguồn cảm hứng trong quá trình tìm kiếm những giải pháp cho những khủng hoảng về xã hội và môi trường.
GS.TS. R. Clark, Đại học Stanford, CA. Hoa Kỳ