Cái Tôi và Niềm tự hào

Ta hãy đào sâu vào các hành vi thuận lý của tâm trí .

Như chúng ta đều biết, cái ngã giả tạo hay là cái "Tôi" và "Niềm Tự hào" cần sống còn. Đa số con người ta không thể sống mà không bám víu vào cái Tôi và sự Tự hào này. Cái Tôi này cần phải có năng lượng hỗ trợ để sinh tồn. Năng lượng này từ đâu tới? Một trong những đường lối của năng lượng này là cách “tiếp tục so sánh với người khác”.

Một khi đã có sự so sánh với người khác rồi, con người sẽ tiến tới sự phê bình. Tại sao phê bình? Chê người khác là bệnh hoạn hay xấu xa là đơn thuần làm cho cái Ngã của họ cao giá lên thôi. Một khi ta có thể nói người này dở tức là ta đã có so sánh với người khác khá hơn. Có lẽ khi nói họ là dở thì đồng thời ta gián tiếp cho họ biết rằng chính ta là tốt. Có nhiều khi một người biết mình không tốt mà còn dám phê bình người khác là dở. Với nguyên tắc này........ nếu ta chê bai người nào đó rõ ràng là bệnh hoạn, tức là ta đã gián tiếp nói cho mọi người biết ta đương nhiên khỏe mạnh.

Tại sao người ta cần có những phê bình như vậy? Thật giản dị.......Cái Tôi cần sự “so sánh”, và đây là một hành vi thông thường của cái Tôi, vì cái Tôi cần có loại “thức ăn” này để sinh tồn.  Đây là một năng lực làm khích động cho cái Tôi. Cứ tiếp tục so sánh với người khác. Có khi loại năng lực khích động này sẽ mang con người đến sự đói khát quyền lực, đến thành người toàn hảo, và con người luôn luôn đắm chìm trong tình trạng và lĩnh vực so sánh.  Họ tự trói buộc vào thế giới điên đảo, và tâm trí của họ chỉ có “Mục tiêu và Thành công”. Căn bản là phần lớn những người đó không thỏa mãn với chính họ và cứ tiếp tục làm việc cực nhọc hơn trong chiều hướng này, hướng nặng về một tương lai hão huyền mà không bao giờ họ có được. Nếu một người nào đó sống cho tương lai như vậy, chắc chắn là họ không sống từng khoảnh khắc này đến khoảnh khắc kia trong hiện tại của họ.

Cho dù đang ở bất cứ nơi đâu, những người đó vẫn tiếp tục làm việc với cái tâm so sánh của họ. Mỗi khi tìm thấy có ai yếu kém hơn thì lại càng làm cho cái Tôi của họ tăng trưởng lên một cách dễ dàng hơn; nếu thấy ai hơn, thì đây cũng là cái cớ làm cho họ hoặc cảm thấy tự ti mặc cảm hoặc phải tự cố gắng hơn nữa để đạt tới mức ngang hàng với người đó.

Tại sao những chuyện như vậy có thể xẩy ra? Tại sao con người cần phải tạo ra những sự căng thẳng không cần thiết cho cuộc sống của họ? Đây là một trong những con đường con người tạo ra những khổ đau cho cuộc sống mà chính họ không tự nhận thức được. Tất cả những hành động này sẽ làm cho con người lạc mất con đường về nhà, họ sẽ phải phấn đấu với tình trạng lầm lẫn này thật lâu trước khi họ có thể phát giác ra được; có nhiều người sẽ không bao giờ nhìn thấy sự lầm lẫn đó trong suốt cuộc đời của họ.

Kim Morris dịch dựa theo bài viết của Acheman
Previous Post
Next Post