“Vô thường” - bạn cảm thấy như thế nào khi nhắc đến hai chữ ấy? Tôi đoán chắc rằng bạn sẽ rất sợ hãi khi có ai đó nhắc đến hai chữ “vô thường”!
Điều đó là một điều hiển nhiên bởi vì khi nói đến “vô thường” thì chúng ta thường liên tưởng đến sự đổ nát, tan thương, hủy hoại. Nhưng chúng ta đã sai lầm khi nhìn nhận “vô thường” một cách phiến diện và tiêu cực. Nếu như không có “vô thường” thì tất cả mọi sự vật, hiện tượng và sự sống trên trái đất này sẽ không bao giờ tồn tại, nó sẽ đông cứng và đứng yên một chỗ như một dòng chảy bất động.
Trước tiên, ta hãy định nghĩa “vô thường” là gì? Vô là không, thường là như vậy, mãi mãi không thay đổi. Vô thường là không như vậy, luôn luôn thay đổi. Chính có sự thay đổi ấy mới có sự chuyển tiếp từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già và từ sống đến chết. Vì thế Đức Phật đã từng nói rằng: “Những gì hữu hình tất hữu hoại, có sinh phải có tử”.
Trong sách Thử Hòa Điều Sống của Võ Đình Cường cũng có đoạn: “Chúng ta sẽ già yếu và xấu xa. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi mắt trong của em rồi cũng sẽ mờ đục, môi đỏ của em rồi cũng sẽ úa màu, hai bàn tay đẹp đẽ rồi cũng sẽ như hai que củi khô. Ta nghe trong ta, trong em, trong tất cả mọi người mỗi ngày mỗi đỗ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian. Chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng những bảo vật ở trong tay như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương.” Hãy nhìn nhận chính xác về vấn đề cốt yếu này để quán thân này là vô thường, không còn chấp vào thân để mà gây đau khổ cho người và cho chính mình. Đó chẳng phải là mặt tích cực của vô thường đó sao?
Đối với một kiếp người thì có sinh-lão-bệnh-tử, đối với vạn vật thì có sinh-trụ-dị-diệt, hoặc thành-trụ-hoại-không. Tất cả đều phải trải qua vô thường, có sinh tất phải có diệt nhưng phải trải qua gia đoạn trung gian: lão-bệnh, trụ-dị, trụ-hoại. Đó là quy luật của cuộc sống.
Xét thân vô thường
Thân này có được tinh cha huyết mẹ tạo thành, khi thụ thai được nuôi dưỡng thành chất đặc như ván sữa, sau đó tượng hình thành người có đầy đủ tứ chi. Bào thai nằm trong bụng mẹ đủ tháng đủ ngày rồi sinh ra. Vậy nếu như không có vô thường thì sẽ không có thân này. Nếu không có vô thường thì con người sẽ không tăng trưởng lớn lên. Đã tăng trưởng lớn lên thì phải theo quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Do vậy nếu đi ngược lại quy luật này chỉ khổ mà thôi.
Ví dụ như lúc còn nhỏ ta có làn da mịn màng, trắng hồng nhưng đến lúc cái già nua đến thì da lại nhăn nheo xấu xí. Chính vì không chấp nhận sự thật đó nên nhiều người đã đi thẩm mỹ viện để phục hồi lại sắc đẹp như xưa nhưng chỉ “tiền mất tật mang” mà thôi! Cái chết không tránh khỏi huống gì là sự già nua?
Kinh Pháp Hoa nói chúng ta đang ở trong nhà lửa, xung quanh bốn phía lửa cháy, thế mà chúng ta cứ mãi vui chơi, chìm đắm trong dục lạc nên mới gọi là điên đảo vọng tưởng, lấy khổ làm là vậy.
Con người từ khi hiện hữu trong bụng mẹ, mở mắt chào đời cho đến lúc phải nhắm mắt từ giã thế gian này, thân thể của chúng ta luôn luôn thay đổi, thậm chí đến khi sự sống chấm dứt, thân xác này cũng bị chi phối bởi quy luật của vô thường cho đến khi tan rã vào cát bụi. Thế là xong một kiếp người.
Nếu như không có vô thường thì ta sẽ không có mặt trên cuộc đời này, không có vô thường thì thân ta sẽ không thể nào lớn lên, không có vô thường thì người ngu sẽ không thành người trí, không có vô thường Trái Đất này sẽ trở thành bãi tha ma với sự hôi thối của những xác chết không bị phân rã vào đất.
Xét tâm vô thường
Như Đức Phật đã nói: “tâm ta như con khỉ.” Nó luôn luôn thay đổi. Để làm rõ điều này chúng ta hãy nghe câu chuyện nói về Đi Tử Hà. Vào thời đó, nhà vua ban lệnh nấu ai tự tiện lấy xe vua đi thì bị ghép vào tội chặt chân. Lúc đó vào nửa đêm có người đến báo tin cho Di Tử Hà là mẹ ông bị bệnh nặng, nghe tin ông liền vội vàng lấy xe vua về thăm mẹ. Biết chuyện vua không những không trách tội mà còn khen Di Tử Hà là người con có hiếu vì thương mẹ mà không sợ tội chặt chân.
Rồi một lần khác, Di Tử Hà đang ăn quả đào, thấy vua đi ngang qua liền đưa quả đào dâng vua. Tất cả mọi người sửng sốt trước hành động của Di Tử Hà vì hành động đó là thất kính với vua nhưng vua lại khen Di Tử Hà rằng: “Của đang ngon miệng mà nhường cho ta ăn, thật là thương ta” . Nhưng sau một thời gian xảy ra chuyện, vua liền lấy chuyện cũ ra để trị tội Di Tử Hà: “Di Tử Hà dám lấy xe ta đi, coi thường pháp lệnh của ta, lại nữa Di Tử Hà đã coi thường ta khi đưa ta quả đào đang ăn…”. Cũng một sự việc đó nhưng lúc yêu thì khác, lúc ghét thì khác. Đúng là tâm vô thường.
Vạn vật vô thường
Nếu như không có vô thường Trái Đất này sẽ đứng yên một chỗ, sẽ không có ban ngày và ban đêm, ban ngày mãi là ban ngày, ban đêm mãi là ban đêm. Hãy thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra khi không có ngày và đêm.
Nếu đất thường thì không thể sinh ra vàng, than, bạc, đồng. Nếu nước thường thì nước sẽ không thay hình đổi dạng, có vô thường nước mới thành các dạng rắn, lỏng, khí. Điều quan trọng nếu không có vô thường thì nước đục mãi đục không cách nào làm sạch được, có vô thường nước đục có thể trong, nước dơ có thể sạch.
Nếu không có vô thường, cây xanh không thể trưởng thành lớn lên, ra hoa, kết quả. Tất cả mọi thứ đều ngưng đọng lại thành một khối vô tri.
Vì vậy, lời bài hát “Cám ơn vô thường” chính là một ánh sáng vén bức màn vô minh của sự lo lắng khi ta chạm tới hai chữ vô thường: “Nhờ vô thường ta đã lớn khôn thành người có niềm tin trong cuộc sống. Nhờ vô thường ta đã có thêm hy vọng đổi thay thói hư tật xấu. Nhờ vô thường ta chuyển hóa những khổ đau hướng đến hạnh phúc cho nhau. Nhờ có vô thường kẻ ác thành hiền, người điên hóa tỉnh, kẻ bệnh được lành, ngu sanh trí tuệ, vạn vật luôn luôn sinh trưởng tiến lên.
Không có vô thường đời sẽ ra sao? Khi trẻ không lớn, chim chẳng hót cả, hoa không thể nở, mây chẳng thể bay, trái đất này là một bãi tha ma. Cám ơn vô thường giúp cho thân này từng ngày lớn lên. Cám ơn vô thường giúp cho tâm này từng ngày sáng thêm. Cám ơn vô thường giúp cho con người chuyển mê khai ngộ. Cám ơn vô thường giúp ta quay về bến đỗ bình yên. Cám ơn vô thường, cám ơn vô thường chuyển biến đời ta ngày một khôn lớn tốt đẹp thăng hoa.”
Nguồn: kyvientrungnghia.com