Chết là gì?

Sống nếu không hiểu là gì thì làm sao biết được chết? Nếu mình chỉ nói đến chết khi mình còn sống thì mình chưa thật sự hiểu chết là gì. Mình chỉ biết cái thân ngũ ấm này phải già, phải bệnh và phải chết. Đó là sự thật hiển nhiên mà ai cũng thấy và cũng biết. Nhưng cái thấy biết này là do chưa chết mà thấy chứ không phải là hiện nghiệm của cái chết. Chúng ta thấy người khác chết rồi biết mình cũng chết. Chúng ta thấy người khác già yếu và bệnh hoạn thì chúng ta có thể thông cảm và biết đó là khổ. Nhưng cái KHỔ CHẾT thì ai chết thì người đó biết chứ người còn sống không thể biết được. Bởi vì chết là cái khổ mới lạ, không có cái chết nào giống cái chết nào. Cái chết đến như một cái mới lạ mà khi sống thì chưa ai trải nghiệm, nên chỉ ức tưởng về cái chết chứ không hiện nghiệm về cái chết. Có nhiều người thống khổ quá lại muốn tìm đến cái chết như một sự hủy bỏ cái thân. Người ta muốn xin trợ tử khi biết mình bịnh nan y phải chịu nhiều đau đớn và không thể bình phục được. Chết là một sự thật không thể tránh khỏi.

Chết là chắc chắn vì có cái thân thì phải có chết. Người ta sợ hãi đau đớn, sợ hãi tủi nhục, sợ hãi hình phạt, sợ hãi cái khổ của thân tâm khi còn sống, vì vậy muốn mau đến cái chết để chạy trốn cái không thể trốn là cái chết. Những cái chết như vậy là rất thống khổ. Vì vậy xin trợ tử khi mắc bệnh nan y tuy hợp lý nhưng không hợp sự thật, bởi vì đó là điều đau buồn không mong muốn của người xin chết. Cái chết là khốn khổ khi người ta vẫn còn muốn sống. Bởi vì sự thật là ai cũng muốn sống và có sự sống. Nên nghe đến cái chết thì thấy đó là cái phản ngược lại cái sống. Nhưng cái sống của thân tâm mà bị thống khổ quá thì lại muốn tìm đến cái chết để rủ bỏ cái khổ. Chỉ vì Khổ mà phải tìm cái chết vì đó là sự tuyệt vọng. Nhưng dù trong tình trạng nào thì cái chết vẫn là cái mới lạ. Chết là sự rũ bỏ thân xác ngũ uẩn nếu chỉ đơn giản nhìn thấy như vậy.

Có nhiều tôn giáo và giáo điều ngăn cấm tự sát, bởi vì đó là sự hủy bỏ sự sống không nên có. Nhưng sống chỉ là kéo dài vô ích một nỗi khổ thì được phép trợ tử theo yêu cầu của bệnh nhân. Nhưng trong trường hợp cố tình tìm cái chết nào thì cái chết vẫn mới lạ. Chết là mới lạ nhưng không mới lạ với người đang sống. Người đang sống vẫn tiến về phía cái chết bằng "cái tôi" của mình, vì không có cái tôi nào giống nhau nên cái chết cũng khác nhau. "Cái tôi" đó có khi gọi là linh hồn, có khi gọi là Nghiệp thức, có khi gọi là sự sống. Nhưng tất cả danh từ gọi tên thì cũng không thể qua được sự thật là có một "cái tôi". Tất cả danh từ cũng để chỉ có một cái tôi. Nếu thân của tôi chết thì tôi chết. Vậy điều đó có sự thật hay không?

Cái chết sẽ trả lời điều đó, vì điều đó là mới lạ với người còn thân xương thịt này. Cái mà con người có thể hiểu và nhận thức như thực tại là cái ngay bây giờ. Cái chết phải được hiểu khi đang chết. Khi mang cái  thân có năm uẩn hòa hợp này, nếu mình không biết sự sống là gì thì khi cái giờ năm ấm phân ly làm sao biết được sự sống. Một người đang hấp hối thì không còn sự suy luận của ý thức nữa. Một người bị cái chết đến thật nhanh thì cũng chẳng có suy lường hay chuẩn bị gì của ý thức nửa.  Một ngươi đã rơi vào hôn mê thì ý thức cũng hôn mê.

Như vậy sự phân biệt của suy lường không có trong giờ cận tử. Chỉ có trực giác bén nhạy của cái Ngã mà danh từ Phật giáo gọi là Nghiệp thức là nhận ra cái đang là của cận tử nghiệp. Như vậy nếu sống mà không biết đạo thì đạo quả không có nơi người chết. Nghiệp như thế nào thì theo đó mà đi tái sanh. Nói rằng chết là hết hay chết là còn cái gì đó thì cũng không ai biết được cho người chết, bởi vì khi sống thì cũng không ai sống thay thế cho người sống. Ai thở thì người đó biết chứ không ai thở thay thế cho ai được. Vì vậy dù có các thánh nhân hay các nhà thông thái chỉ dạy thì cũng không thể làm Minh Sư được cho ai. Dù là bậc đạo sư vĩ đại cũng không thể làm gì thay thế cho một sanh thể khi đã đi vào cái chết. Nhưng chắc chắn cái chết thì phải mới lạ chứ không như cái thân ngũ uẩn đang sống. Bởi vì dị thục quả của Nghiệp thức sẽ đưa cái tôi của sanh thể đi về tượng lai như một cái mới lạ. Đây là luật nhân quả luôn mới lạ, giống như người có việc đi xa, gởi một thùng sữa cho người hàng xóm. Một tháng sau trở về thì không chịu nhận lại thùng sữa, vì cho rằng sữa đã lên men không còn là sữa của Anh ta gởi khi trước. Dị thục quả của cái chết cũng mới lạ như vậy thôi. Vì vậy nếu một tội nhân bị tuyên án tử hình mà sợ chết, thì người sợ chết sẽ không thể ăn ngủ hay nhìn thấy cái gì được nửa.

Nhưng nếu là  người luôn dọn mình tĩnh thức với sự sống đang sống thì cũng sẵn sàng đón nhận cái chết bất cứ lúc nào. Nếu phải sống vài chục năm hay vài chục phút nữa thì cũng không rời sự tinh tấn với chánh niệm của mình. Bởi vì niềm tin sự sống chính là tin nhân quả. Nhân quả có mặt ngay tại đây và bây giờ. Nếu không tinh tấn nhận lấy và tĩnh giác thì đừng có hẹn hò gì cho ngày mai. Cái tôi là sự sống thì sự sống phải có nhân quả. Cái tôi không phải là một mãnh vụn của cảm thọ, của tri giác, của khái niệm, của hành vi và ý tưởng  suy lường phân biệt của nhận thức. Do sự hòa hợp của nhiều yếu tố duyên hợp với nhau nên có cái tôi giả định. Còn sự sống chân thật thì ở khắp mọi nơi. Giác tánh tùy duyên mà sanh thân nên thân chân thật là vô biên thân. Niềm tin nhân quả trường tồn nên không sợ hãi khi mình khởi niệm chấp nhận tất cả cái sống chết đang hiện hữu. Nếu thấy được đạo Pháp trường tồn thì không sợ chết mà cũng không sợ sống. Cái chết là bất diệt vì ngũ uẩn tùy duyên mà sanh diệt, sanh mạng của thân này chỉ là giọt nước rơi vào biển, nếu thương tiếc giọt nước thì đã quên mất rằng nước đang hòa nhập cùng nước.

Previous Post
Next Post