Đã là con người, ít ai có thể tồn tại mà không có định kiến, hoặc không bị xâm soi bởi chính định kiến của cuộc đời. Và trong một xã hội tồn tại quá nhiều định kiến, thì những cái tôi đơn lẻ – nồi méo vung cong lại càng phải chịu nhiều tai tiếng. Phải đeo một cái gông từ “ngàn xưa vọng lại” mà không một lối ra.
Thường định kiến là những nhận định, phán xét mang tính chất phi chân lý nhưng được truyền đời trong văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác, các thế hệ sau sẽ nghe theo nhưng ít khi “kiểm duyệt” những tư tưởng đó. Một phần vì những định kiến ít nhiều mang dáng dấp truyền thống dân tộc, kinh nghiệm dân gian. Bản thân một số cũng mang tính xây dựng lối sống tích cực. Nhưng vì xã hội phần nào lười biếng trong tư duy, thích lắng nghe và chấp nhận sự thật có rồi hơn là xem xét lại thực hư sai trái. Nên những định kiến sai trái vậy là tồn tại mãi. Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Câu ca dao như lột tả sức mạnh miệng lưỡi thế gian.
Những câu nhận xét kiểu “rậm râu sâu mắt”, “vợ chồng cùng tuổi, ngồi duỗi mà ăn”, “xướng ca vô loài”, “phú bất nhân, bần bất nghĩa” v.v… đã tồn tại bao lâu không ai biết. Độ chính xác nếu có ai tình nguyện làm một báo cáo khoa học, có lẽ con số sẽ đủ thuyết phục để phủ quyết bất kỳ định kiến nào hiện nay. Thế nhưng con người lại thích những sự thật có sẵn hơn là chứng minh cái mới. Thế là cứ ai còn trẻ mà thích làm nhà thám hiểm, diễn viên sẽ mang tiếng là thất học; ai dám bỏ việc mà theo đuổi con đường riêng bị gọi là “nhàn cư vi bất thiện”; ai thích có con gái thì bị rỉ tai “nữ sinh ngoại tộc”. Người giàu nào có lễ nghĩa cũng là “trưởng giả học làm sang”, gia đình nào túng thiếu thì cũng “bần cùng sinh đạo tặc”. Xã hội có thể giàu có vật chất hơn, nhưng cái bóng ma định kiến đủ quỷ quyệt để bắt con người ta ngoan ngoãn cả đời chỉ biết an phận thủ thường trong cái vòng lẩn quẩn lũy tre làng.
Để phá được vòng kiềm tỏa của định kiến, con người phải thật can đảm. Bịt được tai mình trước đàm tiếu xì xào không chỉ từ người dưng, mà có khi còn xuất phát từ chính trong gia đình đã là điều không dễ. Họ còn cần phải gạt bớt cái tư duy sói mòn trong chính tâm can mình lên cuộc đời này. Việc từ bỏ cái cũ, nhìn nhận cái sai của mình là điều rất khó khăn. Nhưng sự thay đổi bên ngoài chỉ có thể bắt đầu từ bên trong. Cần có sự phân biệt rạnh ròi giữa đạo đức và định kiến xã hội. Khi áp dụng những định kiến lên người khác, con người thường quy chụp đó cũng là những chuẩn mực đạo đức. Điều đó hoàn toàn sai.
Nếu ngày xưa, một con vượn tên là Homo habilis không nghĩ đến chuyện sử dụng công cụ bằng đá thay vì tay chân như những thế hệ trước, hẳn đã không có con người hiện nay. Nếu Đức Thích Ca không từ bỏ lối tu hành khổ hạnh, đi tìm một con đường giải thoát khác thì đã không có triết lý nhà Phật. Nếu Galileo, Newton, Darwin chấp nhận cái nhìn tù túng của xã hội đương thời thì không có ngành khoa học hiện đại. Không cần phải phát minh ra một định luật mới hay lật nghiêng Địa Cầu, mỗi người đều có quyền sống mạnh mẽ, sống đạp đổ mọi định kiến. Sống để tìm kiếm số mệnh riêng. Và sống để lắng nghe chính mình.
Nguồn: hocongthanh.wordpress.com