Hỏi: Kính thưa Thầy! Con người từ nhân quả sanh ra là sao? Sống trong nhân quả, chết trở về nhân quả, nghĩa như thế nào? Xin Thầy giảng cho chúng con được hiểu.
Ðáp: Con người từ nhân quả sanh ra có nghĩa là con người được sanh ra từ những hành động nhân quả thiện ác của môi trường sống.
Ðức Phật dạy: “Vô minh” sanh “hành”; “hành” sanh “thức”. Vậy “thức” có được là nhờ “hành”; “hành” có được là nhờ “vô minh”. Do vô minh mới có những hành động lúc ác, lúc thiện; do hành động lúc ác, lúc thiện mới làm khổ mình, khổ người. Do hành động ác và thiện này mà sanh ra thức, do thức mới có danh sắc.
Trên đây là nói theo kinh sách, nói theo lời dạy của đức Phật, còn nói theo thực tế qua cái nhìn hiểu biết của ý thức, thì con người từ môi trường sống sanh ra. Trong môi trường sống gồm có đất, nước, gió, lửa, các chất khí và các từ trường. Do sự vận hành của các chất khí và các từ trường mà tạo ra sự biến dịch thay đổi không ngừng của các vật thể, vì thế mà tạo các duyên tan hợp; nhờ các duyên tan hợp này mà vạn vật sanh ra.
Con người từ nhân quả sanh ra, chết trở về nhân quả, chứ không từ đâu sanh và cũng không về đâu. Ðó là câu trả lời: “Con người từ đâu sanh ra và chết đi về đâu?”.
Câu trả lời này rất cụ thể và dễ hiểu. Vì con người từ cát bụi và không khí (môi trường sống) sanh ra thì chết cũng trở về cát bụi và không khí (môi trường sống).
Nếu không có môi trường sống thì con người không thể sanh ra được, như mặt trăng, mặt trời và các hành tinh khác không có sự sống thì không có vạn vật sanh ra.
Sự sanh ra được vạn vật trong vũ trụ là nhờ sự vận hành của các duyên lúc hợp lúc tan; lúc hợp lúc tan tức là có sự thay đổi. Sự thay đổi ấy đức Phật gọi là các duyên vô thường, hay các pháp vô thường đều có nghĩa này. Do các pháp vô thường và biết chắc chắn như vậy nên đức Phật xác định: “Mười hai nhân duyên khi tan rã thì không còn duyên nào cả, cũng như thân ngũ uẩn, khi một người chết thì không còn uẩn nào cả”. Do đó, đức Phật lại còn xác định thêm: “Nếu các duyên dù còn một chút xíu như đất trong móng tay Ta thì Ðạo Ta không ra đời, vì không giải khổ cho ai được hết”. Do tánh chất vô thường thay đổi của các pháp, nên con người tu hành giải thoát được.
Ví dụ: Một người chửi mắng chúng ta, nhưng chúng ta không chửi mắng lại họ, không tức giận họ, và còn khởi tâm thương họ, thì ngay đó nó đã thay đổi các duyên của các ác pháp đó trở thành các duyên cho các thiện pháp. Do tánh chất các pháp vô thường thay đổi như vậy nên chúng ta thấy được sự giải thoát một cách cụ thể và rõ ràng. Nếu các pháp không vô thường, cố định, hay nói cách khác là các pháp có tánh chất thường hằng thì không thể làm thay đổi được ác pháp thành thiện pháp được.
Ví dụ: Một người chửi mắng chúng ta thì chúng ta phải tức giận và chửi mắng lại họ. Nếu tánh chất các pháp thường hằng thì ác pháp này không thể thay đổi được, nếu thay đổi không được thì con người dù có tu hành cũng không thể giải thoát được.
Nếu các pháp không thể thay đổi được thì các pháp phải có bản thể thường hằng; nếu các pháp có bản thể thường hằng thì con người phải có đời sống sau khi chết; nếu có đời sống sau khi chết thì con người phải có linh hồn; nếu có linh hồn thì thế giới siêu hình mới có.
Nếu thế giới siêu hình có thì phải có một ông vua của thế giới này, và ông vua của thế giới này thì phải là một đấng toàn năng, một đấng tạo hóa, một đấng toàn thiện v.v… Mà là đấng tạo hóa toàn năng, toàn thiện khi tạo tác ra con người và vạn vật thì con người và vạn vật phải là hiền lành không bao giờ giết hại và ăn thịt lẫn nhau.
Con người và vạn vật do đấng toàn thiện sanh ra thì phải thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chứ có đâu giết hại lẫn nhau mà chẳng hề xót thương chút nào...
Do thế, chúng ta không tin thuyết này vì nó không thực tế, mơ hồ, trừu tượng, cho nên những tôn giáo xây dựng thế giới siêu hình đã lỗi thời, không thể còn lừa đảo được ai nữa, khi trình độ hiểu biết của con người được nâng lên theo sự tiến bộ của khoa học.
Cho nên, thuyết “nhân duyên” của Phật giáo là phù hợp, là thực tế, cụ thể như khoa học. Vì thế, không có một triết thuyết nào bài bác nó được. Thuyết “nhân duyên” của Phật giáo biết vạn vật trên hành tinh này đều do duyên hợp, là một sự thật hiển nhiên. Mà đã do duyên hợp thì chỉ có môi trường sống mới có sanh ra vạn vật, từ loài rong rêu, cỏ cây cho đến các loài động vật nhỏ như vi trùng, vi khuẩn, v.v…
Con người cũng là một loài động vật như bao nhiêu loài động vật khác nên cũng từ môi trường sống sanh ra. Vì thế , chúng ta khẳng định: “Con người từ nhân quả sanh ra, chết trở về nhân quả”.
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích: Đường Về Xứ Phật - Tập III