So với vô số chúng sanh sống trên thế gian thì nhân loại chỉ là một phần rất nhỏ, cho nên được sanh làm người hẳn không phải dễ. Nhưng duy trì được kiếp người một cách toàn vẹn lại còn khó hơn vì phải chịu bịnh, lão, tử, lo âu, phiền muộn, khổ đau, thất vọng... Nhiều người mới sinh ra đã chết, bất hạnh hơn, lắm kẻ phải chịu kéo lê một cuộc sống bi thảm vì tật nguyền hay nghèo đói. Tuy thế trong những người còn lại không phải ai cũng xứng đáng làm một con người thật sự. Họ sống dã man, độc ác, trụy lạc, ích kỷ và si mê không khác gì cầm thú. Chính Đức Khổng Tử phải than rằng: "Vi nhân nan".
Vì thế đã được sinh ra làm người, đã duy trì được kiếp người một cách toàn vẹn, cần phải sống một đời sống thế nào cho có ý nghĩa, hợp đạo đức và tiến hóa, cải thiện cho thành người hiền nhân quân tử. Song trên thế gian có cả hàng trăm hàng ngàn triết lý, tôn giáo nói là để cải thiện con người mà kỳ thật chỉ được một vài giáo lý khả dĩ đáng gọi là chánh đạo; còn đa số là mê tín dị đoan hoặc dẫn dắt con người đi sâu vào dục vọng đen tối. Một chứng minh cụ thể là ngày nay một vài thứ triết lý đang đưa thanh niên vào con đường trụy lạc, sa đọa, trong khi nhiều tôn giáo đã làm cho một số khá đông trong thế hệ cũ nô lệ cúng tế, khiếp sợ quỷ thần và không phát huy được sức mạnh của một con người đích thực.
Cái khó cuối cùng là được gặp Đức Phật hay các bậc hiền triết ra đời, vì Đức Phật là một vị thầy vĩ đại, một nhà đại cách mạng phá tan gông cùm nô lệ của thần linh bên ngoài và của chính lòng tham lam sân hận si mê nội tại để nâng cao con người lên hàng thánh thiện. Giáo lý của Ngài có một mục đích rõ rệt là "chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc". Tất cả những cố gắng phi thường của Ngài từ khi khước bỏ đời sống đế vương trở thành một đạo sĩ khổ hạnh cho đến lúc chiến thắng ma vương và thành bậc Toàn Giác chỉ nhằm một mục đích duy nhất, tức là khai thị cho chúng sanh con đường giải thoát ra khỏi vô minh và đem lại cho họ một đời sống hạnh phúc an lạc.
Con người đang sống trong một thế giới đầy bất công và đau khổ, giống như ở trong một khu rừng đang bốc cháy, lại còn bị các tà giáo, các ngụy thuyết thừa cơ lừa đảo để thủ lợi. Dĩ nhiên trong cảnh hỗn loạn đó ai gặp được một bậc hiền triết, một vị cứu tinh giàu lòng từ ái vị tha sẵn sàng chỉ đường dẫn lối ra khỏi khu rừng là ấy là một điều hy hữu. Đức Phật quả đúng là một vị cứu tinh toàn thiện của nhân loại vì giáo lý của Ngài là con đường thoát khổ.
Vậy chúng ta thử tìm hiểu nội dung giáo lý giải thoát của Đức Phật, để xác nhận đâu là con đường đích thực dẫn chúng sanh ra khỏi sông mê bể khổ.
Khi được hỏi "Con đường nào dẫn đến Niết Bàn?", Đức Phật trả lời "Đó là Giới, Định, Huệ".
Giới không phải là những điều răn mà một vị giáo chủ đặt ra để buộc tín đồ tuân phục mình. Trong Phật Giáo, giới theo nghĩa tiêu cực là để dẹp bỏ những thói quen bất thiện đã tập nhiễm từ trước và ngăn ngừa các điều ác có thể gây nên về sau; theo nghĩa tích cực là để phát triển những điều lành đã sẵn có và tạo thêm các điều lành chưa từng làm. Giới ví như sợi dây cương nhờ đó người huấn luyện ngưạ dạy một con ngưạ hoang trở thành thuần thục. Cũng vậy Giới là điều kiện tiên quyết để giữ tâm không vọng động, cho nên trong kinh nói: "Giới năng sinh Định".
Khi Giới đã được hành trì đứng đắn thì tâm tương đối bớt xao động và nếu được giữ trên một đối tượng thiền định thì tâm sẽ được an tịnh, thoát khỏi dục vọng trở nên trong sáng. An trú trong thiền định tâm sẽ được nhu thuần, minh mẫn, kiên cố và dõng mãnh. Đó là những điều kiện tất yếu để phát triển trí tuệ đúng như trong kinh đã dạy "Định năng sinh Huệ". Khi tâm đã được an tịnh, sáng suốt và giác tỉnh nhờ thiền định, Minh Sát tuệ (Vipassanà) sẽ phát huy và nhờ đó chúng ta có thể trực giác được chân tướng của vạn hữu: vô thường, khổ não, vô ngã. Đây là tri kiến cuối cùng đưa đến giải thoát tri kiến.
Con người là một hợp thể gồm ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Cả năm yếu tố ấy đều đặt trong tình trạng biến đổi, bất an và không có thực thể. Nhưng vì bị vô minh che lấp, chúng ta không nhìn thấy hiện tượng giới đúng với thực tướng của nó.
Đức Phật dạy: "Dù có Chư Phật xuất hiện trên thế gian hay không, chân lý hiển nhiên này (vô thường, khổ não, vô ngã) vẫn chi phối vạn hữu. Đó là chân lý mà Như Lai đã thực chứng, giác ngộ và công bố, giảng dạy, tuyên thuyết, minh chứng, khai thị và phân tích khiến cho người khác lãnh hội được" (Anguttara Nìkàya, Tăng Chi).
Đức Phật xuất hiện trên thế gian để khai thị cho chúng sanh con đường giải thoát ra khỏi vòng luân hồi (Samsàra) Ngài chỉ dạy một giáo lý duy nhất là Khổ và Thoát Khổ.
Trong cuốn The Word of the Buddha, Đại Đức Nyanatiloka giải thích chữ Khổ như sau: "Danh từ 'khổ' không phải chỉ để mô tả một sự đau đớn thân xác hay cảm giác khó chịu của tinh thần mà còn bao gồm tất cả những gì có thể tạo ra đau khổ hay gánh chịu khổ đau. Chân lý về khổ dạy rằng: vì nguyên lý vô thường mà tất cả mọi hình thức khoái lạc dù là thiên đàng cực lạc cũng đều bị biến đổi và hủy diệt, và tất cả mọi hình thức hiện hữu vì vậy chắc hẳn phải mang mầm mống bất mãn, khổ đau".
Chính vì đau khổ nên con người nỗ lực tìm kiếm khoái lạc mà không biết rằng mình sẽ bị khoái lạc lừa đảo phản bội để rồi càng tìm kiếm khoái lạc con người càng thất vọng và cứ thế họ chìm đắm trong bể trầm luân. Cho nên theo Đức Phật ước muốn khoái lạc (ái dục) là nguyên nhân của mọi khổ đau.
Trong kinh Samyutta (Tương Ưng) dạy rằng: "Không thể lường được đâu là khởi thủy của vòng luân hồi, và từ đâu chúng sanh bắt dầu kiếp sống. Có điều chắc chắn là họ đã bị trầm luân sinh tử vì vô minh và ái dục".
Một hôm tại xứ Kitogama, Đức Phật đã dạy Đại Đức Ananda và tăng chúng rằng: "Vì không nhận thức được bốn chân lý mà các người và Như Lai đã phiêu dạt trong vòng luân hồi từ vô lượng kiếp đến nay. Này chư Tỳ Khưu, bốn chân lý ấy là gì? Đó chính là Khổ, Nguyên Nhân của sự khổ, Chấm Dứt sự khổ và Con Đường đưa đến chấm dứt sự khổ. Nhưng nay, các người và Như Lai đã thực chứng, giác ngộ được những chân lý ấy, và vì thế chúng ta đã chấm dứt vòng luân hồi" (Maha Parinibbàna, Đại Niết Bàn, Trường Bộ).
Cũng trong kinh trên, Đức Phật cả quyết rằng bất cứ ai hành trì theo chân lý mà Ngài đã hành trì và chứng ngộ thì chắc chắn sẽ thoát khỏi vòng sinh tử khổ đau.
"Như Lai đã tự lấy mình làm một nơi nương tựa cho chính mình. Này chư Tỳ Khưu, hãy tinh tấn, chánh niệm và trong sạch. Hãy ngự trị tâm các người bằng thiền định. Kẻ nào sống tinh tấn trong giáo lý này sẽ thoát khỏi vòng sinh tử và chấm dứt khổ đau". Đó là những lời dạy cuối cùng trước khi Đức Từ Phụ nhập diệt, đã nhắc lại cho chúng ta cứu cánh tối hậu của Đạo Phật là Giải Thoát.
Đức Phật đã nêu gương sáng của một vị thầy kiên trì nhẫn nại và tinh tấn. Những lời dạy của Ngài giống như ngọn hải đăng hướng dẫn chúng ta, những người đang bị bão tố cuốn trôi giữa bể luân hồi, vào bờ giải thoát một cách an toàn.
Chúng sinh hiện hữu trên thế gian với một căn bịnh nan y là Khổ. Nhưng Đức Phật, một vị lương y, sau khi chẩn mạch, tìm ra bệnh trạng và nguyên nhân căn bịnh Ngài quả quyết rằng bệnh ấy có thể điều trị được, rồi Ngài chỉ bày cặn kẽ những phương thuốc thần diệu mà Ngài đã dầy công tìm kiếm trong 20 A Tăng Kỳ, một trăm ngàn kiếp và đã chữa trị cho chính mình một cách linh nghiệm. Chỉ còn có một điều kiện là bệnh nhân phải cố gắng theo đúng phương pháp trị liệu đó để sớm thoát khỏi căn bịnh ngặt nghèo. Ngài ân cần dặn dò trước khi từ giã cõi đời: "Handa dàni Bhikkhave ànantayàmi vo vaya Dhammo sankhàrà, appamàdena sampàdetha" (Quả thật vậy, này Chư Tỳ Khưu, Như Lai nhắc lại là tất cả các Pháp hữu vi đều không bền vững, hãy cố gắng chuyên cần).
Con đường giải thoát mà Đức Phật đã thực chứng và chỉ dạy bao gồm trong Tứ Diệu Đế:
- Chúng sanh trong tam giới sống trong đau khổ
- Đau khổ ấy gây nên bởi ái dục
- Ái dục có thể tận diệt bằng con đường Trung đạo
- Con đường ấy gồm: Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Tứ Thần Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực,Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo.
Tứ Chánh Cần là bốn điều Tinh Tấn nhờ đó hành giả có thể diệt trừ được ác pháp và phát triển thiện pháp. Tứ Niệm Xứ giúp cho hành giả phát triển chánh niệm và giác tỉnh, hai yếu tố cần thiết để thấy rõ chân tướng vô thường, khổ não, vô ngã của vạn hữu. Tứ Thần Túc là bốn yếu tố phát huy năng lực tinh thần, nhất là thần thông biến hóa, giúp hành giả tiến bước mau chóng hơn trên đường tự giác ngộ và cứu độ chúng sanh. Ngũ Căn là năm điều kiện cơ bản để đạt đến toàn tri diệu giác, thấu rõ chân lý. Nhờ phát triển ngũ căn mà hành giả có được ngũ lực tức là sức mạnh của đức tin, tinh tấn, chánh niệm, chánh định và trí tuệ. Thất Giác Chi là bảy điều giúp hành giả giác ngộ bồ đề thượng trí.
Tất cả các Pháp trên đều được đúc kết một lần nữa trong Bát Chánh Đạo, con đường giải thoát duy nhất ra khỏi vòng sanh tử. Kinh Dhammapada dạy: "Con đường cao thượng nhất là Bát Chánh Đạo. Chân lý cao thượng nhất là Tứ Diệu đế ... Đó là con đường duy nhất, không còn con đường nào khác dẫn đến kiến tịnh. Hãy đi theo con đường ấy, để sớm thoát khỏi mọi điên đảo của Ma Vương". Điên đảo của Ma Vương ở đây là vòng trầm luân khổ hải hay phiền não ái dục mà chỉ có Bát Chánh Đạo mới trừ diệt được. Chúng ta không tìm thấy con đường trung đạo này trong bất cứ giáo lý của một tôn giáo nào, ngoại trừ Đạo Phật. Đức Phật dạy Đại Đức Subhadda rằng:
"Không thể có được bậc Thánh Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán trong bất cứ một tôn giáo nào không có Bát Chánh Đạo. Này Subhadda, trong giáo lý nào có Bát Chánh Đạo thì tất cũng có hàng Thánh nhân. Đây trong giáo lý của Như Lai lại có con đường Bát Chánh, tất nhiên phải có các bậc Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, và A La Hán mà trong giáo lý khác không thể có được. Này Subhadda, nếu chư đệ tử sống chân chánh thì thế gian không thiếu Thánh nhân" (Maha parinìbbàna sutta, kinh Đại Niết Bàn, Trường Bộ).
Đến đây chúng ta thử đặt vấn đề quan niệm giải thoát theo Phật Giáo như thế nào? Giải thoát theo quan niệm của Đạo Phật không phải là được cứu rỗi bởi một đấng toàn năng mà là đoạn lìa các trói buộc của phiền não (Tham, Sân, Si) hay của ngũ uẫn. Về phương diện Tánh thường được gọi là thanh tịnh giải thoát tức là tính chất an tịnh tự tại của chư Phật và hàng thánh nhân. Pháp thân của chư Phật và hàng thánh nhân gồm năm phần là Giới, Định, Huệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến. Một trong những ân đức vô lượng của Đấng Toàn Giác là Tịnh Đức tức là Đức tính thanh tịnh tuyệt đối, không dao động trước bất cứ một hoàn cảnh nào. Tịnh Đức ấy thường được mô tả dưới bảy hình thức:
1- Giới tịnh (Sìla visuddhi)
2- Tâm tịnh (Cittavisuddhi)
3- Kiến tịnh (Ditthivisuddhi)
4- Đoạn Nghi Tịnh (Kankà visuddhi)
5- Đạo phi đạo tri kiến tịnh (MaggàmaggaƯnãna dassana visuddhi)
6- Đạo Tri kiến tịnh (Patipadà nàna dassana visuddi)
7- Tri kiến tịnh (Nàna dassa visuddhi)
Về phương diện Tướng, thường được gọi là chướng tận giải thoát tức là diệt tận các phiền não chướng, nhất là vô minh và ái dục. Có mười sợi dây phiền não (thập sử) trói buộc chúng sanh là:
1- Tham (Lobha)
2- Sân (Dosa)
3- Si (Moha)
4- Mạn (Màna)
5- Tà kiến (Ditthi)
6- Nghi (Vicikicchà)
7- Thụy miên (Thìna)
8- Trạo cử (Uddhacca)
9- Vô tàm (Arhirika)
10- Vô quý (Anottappa)
Hoặc mười pháp thằng thúc (kiết sử):
1- Thân kiến,
2- Hoài nghi,
3- Giớicấm thủ,
4- Luyến ái trong dục giới,
5- Thù oán,
6- Luyến ái trong sắc giới,
7- Luyến ái trong vô sắc giới,
8- Mạn,
9- Trạo cử,
10- Vô minh.
Bao lâu những phiền não chướng trên còn chi phối đời sống con người thì bấy lâu họ chưa thể giải thoát được vòng trầm luân sinh tử. Đứng về phương diện tâm và trí giải thoát gồm có tâm thiện giải thoát tức là tâm giải thoát ra khỏi các bất thiện tâm sở, và huệ thiện giải thoát tức là trí huệ suốt thông chân lý không bị chướng ngại bất cứ một thành kiến nào.
Đối với chúng ta con đường dẫn đến giải thoát quá khó khăn và đòi hỏi nhiều cố gắng. Nhưng nếu chúng ta kiên trì, tinh tấn và cương quyết thì nhất định một ngày kia sẽ đến đích và rất có thể chúng ta sẽ được giải thoát trong chính kiếp sống hiện tại này.
Viên Minh