Giác ngộ và Giải thoát

Vô minh đi đôi với ràng buộc và khổ đau, giác ngộ đi đôi với tự tại và hạnh phúc.

Giác ngộ trước hết nó thuộc về tri thức nhưng vượt khỏi tri thức hiểu biết thông thường. Cái tri thức thông thường mang cả hai mặt về hiểu biết để thông thái và hiểu biết có tính chất lấp đầy trí óc để rồi biên kiến, tà kiến, định kiến một cách cố chấp và sai lầm. Cho nên giác ngộ tức là hiểu ra vấn đề và trở nên thông thái hơn chứ không phải thỏa mãn trí não. Giác ngộ và giải thoát là động từ rất có ý nghĩa và giá trị lớn lao về mặt tinh thần. Chỉ hai từ này thôi là đã bao hàm tất cả mọi nỗ lực của nhân loại từ đời này sang kiếp khác.

Giác ngộ là sự hiểu biết tỏ rạng ra vấn đề. Một con người gọi là tâm linh thì cấp thiết phải giác ngộ dần dần từng vấn đề để thoát khỏi những ràng buộc khổ đau của cuộc sống, rồi tiến đến giác ngộ hoàn toàn.

Hiểu rằng vì ngu muội nên con người vướng kẹt trong tù ngục do chính mình tự giam hãm đời mình. Tài năng, danh tiếng, tên tuổi, cơm áo gạo tiền và sự ngủ nghỉ là những ham muốn thông tục nhưng thường xuyên nhất của con người. Đó là nhu cầu sống chính đáng, nhưng chính nó lại sai sử con người phải lận đận, toan tính, âu lo và đau khổ nhất. Giác ngộ về điều này là chúng ta phải xem những thứ đó như nhu cầu sống cần thiết vừa đủ nhưng không tham lam quá độ để phải tự làm khổ mình. Đây chính là sự giác ngộ và giải thoát sự trói buộc của vật chất và tinh thần ở cấp thô.

Lĩnh vực gọi là tâm linh là sợi dây vô hình trói buộc cũng ghê sợ không kém. Những phong tục, tập quán cho đến hũ tục, tập tục lạc hậu mê tín đã làm cho con người khổ sở rất nhiều. Tất nhiên người ta khổ vì sự mê tín thì không ai cho mình là khổ. Thói quen, tập tục bao đời người ta kham chịu quen rồi nên không ai còn thấy đó là nỗi khổ hoặc sai lầm, lạc hậu cần phải bỏ. Chúng ta còn cho rằng đó là điều cần phải làm, không thể không làm, hoặc người xưa đã làm sao thì nay cứ làm vậy, hay biết rằng điều này sai lầm nhưng mọi người điều làm thế nên chúng ta cũng phải khiêng cưỡng làm theo cho có.

Thuở khoa học chưa chứng minh được hiện tượng mưa, nắng, sấm, chớp, động đất, sóng thần, mặt trăng, mặt trời, trái đất, vũ trụ… thì con người mông muội đều tin tưởng có những vị thần tạo ra hiện tượng đó và tín ngưỡng thờ cúng xuất hiện. Có những nơi người ta tế thần hằng năm bằng súc vật và bằng cả người sống. Sau mỗi đợt thiên tai, ách nạn, dịch bệnh thì con người lại cúng tế để cầu xin thiện thần phù hộ, và hối lộ để hung thần bớt giận dữ.

Cảm thấy nhỏ bé trước thiên nhiên cộng với dịch bệnh, thiên tai nên con người rất mong sự phù hộ. Xét về mặt tâm lí thì điều đó xuất phát một cách tự nhiên và hợp lẽ, nhưng cũng chính vì không hiểu rõ thực chất mà con người trở nên một thân phận đáng thương trong âu lo và sợ hãi.

Nói về tục táng người chết thôi cũng đủ tạo ra biết bao khổ sở và gánh nặng cho người sống. Có những nơi, khi gia đình có người chết, người ta giết bò mổ lợn ăn uống rượu thịt mấy ngày đêm và chôn cất thật rườm rà khiến thân chủ nghèo kiệt. Rồi tuần tự cúng bái, mồ mã, giỗ quảy tốn quá nhiều tiền của, sức lực và thời gian… Đối với những gia đình giàu có thì không sao, nhưng đối với gia đình nghèo mà theo những tập tục quy định là một gánh nặng.

Ở Tây Tạng là nơi ít có củi, chủ yếu là đá núi nên việc táng của họ là chặt từng khúc người chết ra cho chim kên kên ăn. Họ cho rằng như thế là sạch sẽ và và có phước vì thân xác kia một lần sau cuối cũng còn sử dụng vào việc có ích là cống hiến cho loài khác sử dụng, không phí phạm. Linh hồn không còn nơi bám víu nên không luyến tiếc và dể siêu thoát. Ở Ấn Độ người ta chất củi thiêu xong, mang tro cốt rải xuống sông Hằng. Ở Nội Mông Cổ người ta kéo xác ra vứt ngoài sa mạc cho sói ăn thịt để trả ơn cho sói và hồn dể về trời. Một ngôi làng ở Indonexia có tập tục là người sống phải tốn hàng năm trời leo lên lưng chừng núi đá để đục núi sâu vừa đủ một xác người để bỏ người chết vào trong đó.

Có một bộ tộc du mục ở châu Phi, khi cha mẹ già, đứa con bảo cha mẹ leo lên ngọn cây để nó đứng dưới rung cây, nếu còn khỏe bám được không rơi thì tiếp tục theo con với cuộc sống rày đây mai đó; nếu cha mẹ già rơi xuống có nghĩa là quá yếu, nên con cái làm thịt và ăn luôn. Họ quan niệm ăn thịt cha mẹ là có hiếu, vì thân xác cha mẹ được con cái mang trong mình. Chứ sống du mục, hành trình một đi không trở lại của họ như thế mà chôn cất thì cha mẹ bị bỏ quên và không thể nào gặp lại. Người Hoa kiều ở sài gòn thường thiêu người chết xong, mang hủ tro cốt gửi vào chùa 7 năm sau đó mang đi đổ biển. Qua đó, chúng ta thấy từng nơi có từng cách táng người chết khác nhau, tùy theo hoàn cảnh và quan niệm. Tất cả do người sống quyết định. Người xưa làm gì điều có nguyên nhân, người đời sau không hiểu ý nghĩa mà bắt chướt thì trở thành lạc hậu.

Ở Việt Nam tùy từng vùng cũng có rất nhiều cách táng khác nhau. Có nơi thủy táng, có nơi địa táng, hỏa táng. Trong thời hiện đại, nếu hỏa táng được là tốt nhất. Miền Bắc Việt có tục chôn sau ba năm phải đi bốc mộ, phải bốc giữa khuya, bằng cách đào mộ lên lấy rượu hoặc hóa chất rữa xương cho sạch rồi gói lại mang chôn vào một nơi khác. Còn ở miền Trung Nam Việt thì xem mồ mã là nơi an nghỉ của người chết nên cấm kỵ đụng chạm. Chính quan niệm này mà việc di dời mồ mã cho cuộc sống dân sinh rất khó khăn.
Chúng ta nhìn sơ qua sự an táng từng vùng để hiểu rằng tất cả chẳng qua là do hoàn cảnh và quan niệm tùy thời chứ không nhất thiết phải cố chấp thế nọ hay thế kia. Phần lớn người Việt có một cổ hủ quá đáng khi quan niệm về việc an táng phải thế nọ thế kia, khiến người sống bao phần vất vả.

Đa phần người việt quan niệm sống có nhà thác có mồ nên vấn đề xây mồ mã cũng rất quan trọng và tốn kém. Tại thôn Tân Mỹ – Huế có một nghĩa trang mà mồ mã được Việt kiều về xây dựng mỗi cái hàng tỉ đồng. Người ta nghĩ rằng cha mẹ ông bà trước kia nghèo quá chưa được ở nhà cao cửa rộng, giờ kinh tế khá giỏi, họ thể hiện lòng hiếu đạo để ông bà vui lòng và phù hộ. Chính việc xây mồ mã khiến những gia đình nghèo cảm thấy thương cảm ông bà mình không có mồ to mã đẹp. Thực ra, kể cả người sống vẫn còn đó biết bao gia đình nghèo đói.

Việc bốc mộ có thể xuất phát từ ngày xưa, có thể khi dân chúng lúc ấy nghèo khó, bịnh tật, ách nạn, thiên tai, chiến tranh, loạn lạc nên người chết nhiều, phải chôn sấp chôn nghiêng vội vàng nơi trũng thấp… Về sau con cháu kinh tế khá hơn, nghĩ về ông bà không được chôn cất đàng hoàng nên bốc lên chôn chổ cao ráo, phong thủy đẹp để dể dàng thăm viếng khói nhang. Dần trở thành một tập tục bốc mộ mặc dầu đã được an táng đàng hoàng vào một nơi cao đẹp. Nhưng ngày nay người ta đã chôn một chổ tốt rồi mà sau đó bốc mộ để mang chôn chổ khác thì thật là mê tín.

Ở miền Bắc xem bát nhang (hương) rất linh thiêng, nơi ngự và an nghỉ của ông bà nên ít khi dám động vào bát nhang. Nhưng có vùng ở miền Trung hễ cứ làm một việc gì có tính cách đại sự là dời (xê) bát hương. Sửa mái hiên, sửa nhà, tráng sân, đào giếng, sửa chuồng trâu, xây tường rào… đều đến trước bàn thờ dời bát hương qua một bên, xong việc rồi dời lại chổ cũ. Qua điều này chúng ta thấy việc xem bát hương thế nào là do người sống chứ đâu phải là do người đã khuất.

Rồi tập tục đốt vàng mã, rải gạo muối. Ngày xưa nó mang một ý nghĩa nhân sinh phồn thực và tình cảm chân thành mang tính chất chia sẻ tình người. nhưng ngày nay việc lãng phí quá nhiều là một điều không nên.

Rồi những mê tín về ngày giờ tốt xấu như ngày trùng tang, tam tang, sát chủ, tam nương…cũng lại là một sự ám thị tâm thần quá lớn. Ngày xưa vì chưa có trung tâm dự đoán khí tượng thủy văn, trước khi hành sự người ta xem ngày giờ tốt xấu từ những nhà phong thủy, chiêm tinh thông thái để tính toán thời tiết, khí hậu và sự vận hành của ngũ hành trong vũ trụ để tìm ra giải pháp thích hợp nhất cho công việc. Ngày nay xem ngày giờ theo tính cách tâm thần bị ám thị khiến trể nãi công việc và hao tốn thời gian. Thực ra ngày nào chẳng 24 tiếng. Nếu tâm an lành thì mọi thời khắc điều an lành, nếu tâm bất an thì mọi thời khắc điều có vấn đề. Những kẻ tâm trí lăng xăng và tâm hồn bấn loạn đầy toan tính phiền muộn và khổ sở thì một ngày trôi qua như là một gánh nặng mình phải gánh. Khi mở cửa lại nói ‘ủa, trời lại sáng rồi sao?. Nhưng Đối với người hạnh phúc thì mỗi ngày mới là một ngày được hưởng ân huệ tốt đẹp của tạo hóa ban tặng.

“Đời nhiệm mầu không cùng
Lòng dặn lòng tỉnh thức
Dòng nước tâm trong ngần”

Một thiền giả thì xem mỗi ngày là một sự tinh không và đầy ý nghĩa:

“Thức dậy miệng mỉm cười
Hai bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.”

Hoặc xem một ngày được sống như là được nhận một món quà quý giá của cuộc đời ban tặng, vì nhờ đó ta có thêm một cơ hội nữa để thực nghiệm con đường tâm linh hạnh phúc:

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.

Ở các nước phương Tây, họ không quan trọng xem ngày giờ nhưng chủ yếu là sắp xếp công việc cho hợp lý, điều đó khiến công việc và sự nghiệp của họ phát triển tốt đẹp. Đó là điều hay chúng ta cần học hỏi. Còn chúng ta thường xem ngày giờ tốt xấu trước khi hành sự nhưng rồi cũng cứ vẫn nghèo khó, tai nạn… Thế thì vấn đề không phải ở ngày giờ tốt xấu mà nó còn do nhiều nguyên nhân khác.

Và bao lễ nghi, tập tục rườm rà khác nữa trong đời sống để gọi là có tính tâm linh đã khiến con người phải lao nhọc tâm trí, căng thẳng tâm thần và tổn hao sức lực, thời gian và tiền của quá nhiều. Thế, vấn đề không phải là linh hồn người chết bảo thế nào mà do quan niệm người sống.

Những nghi lễ cúng bái, tán tụng, cầu nguyện, trì niệm…người ta cứ nghĩ đó là tâm linh nhưng thật ra đó chỉ là việc thực hiện lại mệnh lện của trí óc. Con người đã tưởng tượng ra và cố công hiện thực hóa nó. Khi con người không có được sự thông thái, cái tâm trí rối rắm lắm chuyện của chúng ta đã bày vẽ và nghĩ tưởng ra bao thứ rắc rối phức tạp và cho đó là tâm linh. Đức Phật nói rằng khi con người ngu muội không hiểu rõ bản chất của vạn pháp nên thấy nó bí ẩn và gọi những sự tinh tế vi diệu là tâm linh. Cho đến khi con người giác ngộ và thấu triệt toàn bộ bản chất vạn pháp thì không có gì là bí ẩn tâm linh. Con người càng giác ngộ phải ung dung, tự do tự tại và không phải vướng bận lăng xăng trong nhiều vấn đề rắc rối. Trong con mắt của các bậc giác ngộ, thế gian này như là một tuồng ảo hóa, trên sân khấu đời đó, con người vô minh đã lăng xăng diễn đủ thứ vai thiện ác và đủ thứ tâm trạng buồn, vui, thương, ghét, ân, oán, tình, thù.

Đức Phật nói rằng con người chẳng qua là do 5 phần (ngũ uẩn): sắc, thọ, tưởng, hành và thức hợp lại mà thành. Phân tách từng yếu tố ra thì con người không còn cái ngã thực thể. Thế thì linh hồn không có. Con người tự tại an lạc giải thoát. Nhưng sự cố chấp và ngu muội tưởng bản ngã là thật nên cái gọi là linh hồn hiển nhiên tồn tại. Và như thế con người trầm luân khổ não trong nhiều kiếp sống. Nhưng cái gì khiến con người không tự thấy 5 yếu tố vốn không thực thể. Đức Phật cho rằng do 12 nguyên nhân (thập nhị nhân duyên) hay còn gọi là 12 sợi dây xiềng xích trói buộc khiến con người tự trói mình. Đó là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. Trong cái vòng luẩn quẩn, con người sinh diệt diệt sinh và cảm thọ khổ đau đời nọ đời kia thông qua cái nghiệp thức cố chấp. Cái nghiệp đó một số tôn giáo gọi là linh hồn. Cho đến một ngày, nhờ thiền quán mình tự cắt đứt được 12 sợi dây kia thì toàn bộ đều thoát khỏi tù ngục của mình. Cắt đứt 12 nhân duyên con người thoát khỏi sự ràng buộc cố chấp của linh hồn hay bản ngã. Như thế một lần nữa khẳng định rằng không thể gọi thiên đàng hay cực lạc nào đó là nơi trú ngụ vĩnh viễn an lạc hạnh phúc. Không có một đức Phật hay Thượng đế nào có thể cứu rỗi, tiếp dẫn hoặc bảo đảm sự an lành hạnh phúc tuyệt đối cho bất cứ ai. Trong mỗi chúng sinh có những sợi dây vô hình xiềng xích tù ngục thì cũng tự bản thân chúng sinh cắt đứt, giải thoát và tự đạt sự an lạc hạnh phúc. Đều này mang quyền quyết định tuyệt đối công bằng cho chúng sinh. Cho nên làm sao có thể cầu xin Phật, Thượng đế ban phước hay giáng họa. Làm sao có thể cầu xin Phật, Thượng đế rướt đón về cõi phúc lạc đời đời.

Thế thì việc giải oan, đoạn nghiệp chính là tự mình tu tập và giải thoát cho mình. Không thể lập cái gọi là đàn giải oan đoạn nghiệp rồi nhờ thầy cúng để giải oan đoạn nghiệp. Đức Phật cũng đã từng nói ‘chính cái nghiệp lôi kéo chúng sinh trầm luân khổ hải, không ai có thể giải thoát giùm được’. Thế thì vị thầy cúng nào cao ấn hơn đức Phật mà có thể giải oan và đoạn nghiệp được cho các linh hồn. Việc mê tín trong việc giải oan bạt độ, chẩn tế bằng cách làm một chiếc thuyền Bát nhã bằng giấy, vị chủ sám dùng gậy Địa tạng dộng xuống đất để mở cửa địa ngục, rồi đứng vào thuyền Bát nhã để hò hát và làm động tác chèo đò đưa linh hồn qua sông về miền nước trời hoặc cực lạc. Lúc vị thầy cúng chèo đò Bát nhã đưa linh hồn qua sông thì có những tín đồ thành tâm và rộng rãi nên ném tiền lên thuyền gọi là trả đò phí giùm cho linh hồn. Trong đàn cúng còn có vải trắng được thiết kế thành dải ngân hà và làm cầu để qua sông ngân hà, tín đồ thì chui vào đội vải lên gọi là đã đến được sông ngân hà với vẻ mặt rất khẩn trương và hoan hỷ. Cây nêu phướng sau khi cúng được mọi người tranh nhau cắt mỗi người một miếng vải để làm bùa hộ mệnh. Lấy những đồng xu về làm bùa may mắn, lấy nước cũng uống để chữa bệnh…tất cả xuất phát từ niềm tin ngây ngô trông rất hài hước. Mỗi đàn chẩn tế phải trả cho thầy cúng hàng mấy chục cho đến vài trăm triệu. Điều đó trái ngược với từ chẩn tế, chẩn bần là thí chủ mang tiền của ra bố thí cho người nghèo đói. Ở đây âm linh cô hồn nhận được gì thì chưa biết nhưng rõ ràng khoản kinh phí lớn mà tín chủ bỏ ra vào không đúng chổ đói khổ của nhân dân.

Việc cúng tế đó chẳng qua là sân khấu hóa cái ý nghĩa cứu độ chúng sinh bằng vai diễn của những diễn viên tuồng chèo chứ không thể là sự thật. Địa ngục chính là phiền não, khổ đau tự giam hãm ngục tù trong tâm thức chứ đâu dưới đất mà dộng và mở cửa. Bát nhã chính là trí tuệ siêu việt. Phạn ngữ là Prajnàpàramità .Có trí tuệ thì vô minh tan biến. Người mê cố chấp và trầm luân sinh tử ở biển ái dục và nhờ trí tuệ Bát nhã mà thoát khỏi u mê. Việc tu tập giác ngộ cũng dần dần chứ không thể liền liền ngay lập tức. Thế thì việc từ sông mê qua bến giác là hình tượng hóa sự giác ngộ và giải thoát chính mình chứ làm gì có thuyền Bát Nhã mà cả thầy cúng và linh hồn cỡi lên đó để qua sông. Thiền sư là vị thầy chèo thuyền từ cứu độ chúng sinh từ sông mê qua bến giác trong ý nghĩa thuyết pháp và hướng dẫn chúng sinh tu tập giác ngộ và giải thoát. Các phương pháp tu tập của Phật khiến chúng sanh chuyển từ mê lầm và trói buộc ngay tại biển trần gian sang giác ngộ và giải thoát nên nó có công năng ví như một chiếc thuyền. Việc chèo thuyền bằng giấy và cúng theo giọng điệu hò kia chỉ là sân khấu hóa giáo lý. Các vị thầy cúng như là những diễn viên hát bội, hát tuồng, chèo nhằm chuyển tải đạo lý cho người nghe. Nó có ý nghĩa gián tiếp chuyển hóa chứ không thể là quyết định. Cho nên tin tưởng vào việc lập đàn tràng giải oan tốn kém kia để đưa linh hồn mau chóng thoát khỏi địa ngục để về cực lạc là điều mê tín.

Trong vũ trụ này, nguyên lý có tính chân lý đó là hữu hình hữu hoại. Những gì có hình tướng đều có sự hoại diệt trong chu trình sinh, trụ, dị, diệt. Và tất cả đi theo một lộ trình nhân duyên và quả. Dù chúng ta theo tôn giáo A hay tôn giáo B hoặc người không theo tôn giáo nào cũng phải chịu như vậy. Những bí ẩn của sự khổ đau mà đức Phật phát hiện ra có tính cách khách quan. Nó là luật tắc chung cho tất cả chúng sinh không trừ một ai. Ai vận dụng nó để tu luyện thì giác ngộ và giải thoát. Dù chúng sinh đó có niệm Phật hàng triệu tiếng, bái lạy hàng triệu lần, cầu nguyện tinh tấn hàng triệu thế kỉ và siêng năng thực hành các thời khóa nghi lễ đêm ngày nhưng không tự cắt đứt các sợi dây triền phược bên trong thì đức Phật cũng không cứu giúp được gì. Đơn giản đức Phật chỉ là người chỉ đường, đi hay không là quyền của chúng sinh. Đức Phật chỉ là vị lương y cho toa thuốc, uống hay không là do chúng sinh. Đức Phật không có phép mầu và thần lực giải thoát được khổ đau cho chúng sinh như nhiều người lầm tưởng.

Đức Phật Thích Ca giác ngộ, giải thoát và tuyên thuyết một giáo lý hoàn toàn mới lạ và khách quan. Nó phá tan bức màn vô minh và sự ảo tưởng để hiển lộ một chân tâm sáng ngời hay còn gọi là niết bàn tịnh lạc. Nó phá bỏ tất cả những tri kiến sai lầm về một bản ngã thường hằng của hàng trăm ngàn tôn giáo từ cổ chí kim. Đánh động và thức tỉnh đến một nền giáo lý đồ sộ về chân ngã hằng hữu của đa số tôn giáo lớn. Như thế hàng vạn kinh sách ngoại đạo trở thành vô nghĩa trong sự giác ngộ và vô ngã. Đức Phật như một kẻ độc hành đi vào giữa rừng sâu đầy hiểm độc. Đức Phật trở nên một ngôi sao sáng giữa đêm trường vô minh. Đạo Phật được lan tỏa và mang lại sự hòa bình an lạc cho đời bằng chính trí tuệ và tình yêu thương. Điều đó đức Phật đã đúng và được các bậc hiền triết tán thán.

Ngoại đạo đã cố tình muốn tiêu diệt Phật giáo để bảo vệ ngã chấp và pháp chấp của mình. Họ đã cố tình tiêu diệt trực tiếp nhưng không được, và cuối cùng tìm cách tiêu diệt bằng gián tiếp. Họ soạn kinh điển ngụy tạo và gán ghép cho Phật Thích Ca thuyết để đời sau tin theo và hành trì sai lạc. Nếu nói kinh nào có đủ “lục chủng thành tựu” ( sáu yếu tố cần và đủ để xác định đó là kinh Phật: chủ thuyết, thời gian thuyết, địa điểm thuyết, đối tượng được thuyết, nguyên nhân thuyết và nội dung thuyết) thì sẽ không có gì là chắc thật. Vì lẽ người ta có thể tự soạn kinh điển theo ý riêng nhưng muốn có giá trị để người đời sau theo và thực hành theo ý riêng của người soạn kinh thì người soạn kinh có thể tự đặt ra “lục chủng thành tựu”. Với một kho tàng kinh luật luận đồ sộ đa dạng hàng vạn quyển như thế thì việc phân biệt để biết kinh Phật nào là thật kinh nào là giả cũng là vấn đề không dễ dàng tí nào. Cho nên các bậc thức giả Phật giáo đã thống nhất rằng hễ kinh nào theo đúng “tam pháp ấn” (3 dấu ấn chứng là kinh Phật, 3 dấu hiệu để biết đó là kinh Phật): đó là chư hành vô thường ấn – chư pháp vô ngã ấn- Niết bàn tịch tĩnh ấn. (Tất cả pháp hữu vi đều vô thường, biến đổi, hoại diệt. Tất cả pháp đều không có thật bản ngã mà chỉ là do duyên hợp rồi duyên tan. Khi vọng tâm sinh diệt lăng xăng chuyển thành chân tâm tịch tĩnh thì đạt được niết bàn phúc lạc).

Nếu niệm Phật là một pháp tu giúp cho tâm được định tĩnh thì tại sao không niệm Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni mà thay vào một danh hiệu Phật khác. Nếu niệm danh hiệu Phật Thích Ca thì những giáo lý liên quan đến Ngài như tứ diệu đế, bát chánh đạo, thập nhị nhân duyên hoặc nhân quả, nghiệp báo và kỹ thuật luyện tâm sẽ được mọi người tìm hiểu và ứng dụng. Nhưng khi danh hiệu của Ngài không được nhắc đến mà chuyển sang niệm một danh hiệu khác thì việc quên vị Phật lịch sử và giáo lý của Ngài là điều chắc chắn. Đức Phật Thích Ca đã giác ngộ và truyền giảng giáo pháp giác ngộ đến nhân sinh. Điều đó gây ra sự đố kị không ít của những thế lực hắc ám. Bởi một khi ánh sáng giác ngộ đến thì các thế lực vô minh hắc ám phải bị xua tan. Thi sĩ yêu trăng và làm thơ ca ngợi ánh trăng nhưng kẻ ăn trộm thì rất ghét đêm trăng sáng. Tín đồ Phật giáo đã bị ngoại đạo mở đường dẫn lối chệch qua hướng khác bằng cách làm cho quên đi danh hiệu và giáo lý thiết thực của Phật Thích Ca. Từ đó không thể tiếp cận với giáo lý của Phật tổ lịch sử và trở nên mơ hồ mê tín điều dể hiểu. Một khi đã không hiểu chánh pháp thì việc bị lôi kéo, dẫn dụ bởi những ngoại thuyết là chắc chắn. Một khi chúng ta bị mê muội thì dể dàng bị các thế lực âm mưu lợi dụng. Đó là “chính sách ngu dân”.Việc thay một danh hiệu Phật khác là một âm mưu của ngoại đạo khiến người đời sau dần quên vị Phật tổ khai sáng ra đạo Phật với một giáo lý tự lực thực tiễn; thay vào một danh hiệu khác để nhằm mục đích chuyển sự chú tâm qua một loại giáo lý ảo tưởng mơ hồ và chỉ biết phó thác vận mệnh. Đây thực tế là một mưu đồ của những kẻ muốn thâu tóm của cải địa vị ở đời bằng cách phỉnh dụ người khác tìm cầu một thế giới ảo trên trời. ngửa mặt lên trời để ăn những chiếc bánh vẻ và ở những ngôi nhà lộng lẫy của trí tưởng tượng.

Mặc khác, họ làm cho một nền giáo lý tự lực giải thoát bản ngã cố chấp bên trong của Phật Thích Ca Mâu Ni thành nhiều thứ giáo lý cầu xin tha lực bên ngoài và tìm về một thế giới thường hằng bản ngã. Thứ giáo lý cầu xin ân huệ, phước lành đã rất thành công vì chạm đúng bản chất tham lam cố hữu của chúng sinh. Vì không hiểu được bản chất của sự vật vạn pháp, con người ta thường lo âu, sợ hãi và cảm thấy yếu đuối trước vũ trụ. Con người có tâm lí muốn nương tựa vào cái vững chắc, an toàn. Nhưng vũ trụ này vốn vô thường biến dịch không gì là an toàn bền vững. Đó là một chân lý khách quan. Vì không tự tu chuyển hóa sự xấu ác bên trong, nên luôn gây nhân bất thiện nhưng lại sợ quả báo xấu, nên tâm lí sợ địa ngục tù đày là vì vậy. Làm sao có thể không lo tu tập chuyển hóa điều xấu ác bên trong mà có thể chỉ cần tin một đấng nào đó rồi chỉ cần cầu nguyện hoặc niệm danh hiệu đấng đó vài ba câu là được cứu rỗi, vãng sanh.

Dựa vào tâm lí đơn thuần như thế, ngoại đạo đã rất thành công khi vẽ lên cảnh địa ngục và thiên đàng, cực lạc. Khiến tín đồ tin rằng muốn thoát địa ngục khổ ải phải nhờ tha lực cứu với lên thiên đàng, cực lạc. Cho nên sở dĩ cái tôn giáo ấy được nhiều người tin theo vì nó quá dễ dàng. Cũng chính vì thế, dù cho hàng triệu hàng triệu người theo tôn giáo ấy thì điều xấu ác, chiến tranh, phiền não đau khổ vẫn cứ tiếp diễn hàng ngày. Tôn giáo trốn chạy quả báo địa ngục và hưởng thụ thiên đàng cực lạc là tôn giáo hướng con người ta đến mất khả năng tự giác, tự lực, không chịu trách nhiệm về nhân đã gây, và nó không công bằng trong nhân quả. Nó là một thứ ảo tưởng mơ hồ, một ước muốn tốt đẹp nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại. Thử ví dụ mấy tỉ người trên trái đất này ai cũng cầu nguyện đấng bề trên cứu rỗi, tiếp độ lên thiên đàng, cực lạc, trong khi họ không chuyên cần chuyển hóa tham lam, sân hận, si mê thì một khi tất cả chúng ta lên thiên quốc chúng ta có hết tham lam, sân hận, si mê và có hết phiền não không?; Chúng ta có hết tiếp tục hơn thua, thù ghét, đánh giết và gây khổ đau cho nhau nữa không? Thiết nghĩ rằng điều đó không sao tránh khỏi. Thế thì việc bỏ sự chuyển hóa bên trong mà mong ước mọi điều tốt đẹp sẽ có bên ngoài là điều không tưởng. Bỏ bây giờ và ở đây để chạy đến mai sau và nơi khác là điều không tưởng.

Thông qua con đường thiền quán để thấy rõ tâm để chuyển hóa nội kết, giải thoát triền phược là điều quan trọng. Đức Phật cũng như tất cả các vị tổ sư, thánh hiền không ai không đi qua con đường này. Thế nhưng thật xót xa khi một số Phật tử lại phản bác con đường thiền quán, thay vào đó tôn vinh một con đường hướng ngoại. Ngoại đạo không chỉ là các tôn giáo khác, ngoại đạo chính là sự vọng tâm hướng ngoại. Tất cả kinh điển nguyên thủy của Phật giáo đều phân tích và hướng dẫn kỹ thuật luyện tâm, và phân tích trạng thái chứng nhập của tâm. Kể cả kinh điển trừu tượng của đại thừa ( được các nhà đại thừa viết ra cách sau Phật nhập diệt khoảng vài trăm năm) tuy ít đề cập đến kỹ thuật luyện tâm nhưng những nhà đại thừa xem thế giới bên ngoài là ảo tượng và luôn đề cao cái tâm: Câu kệ tóm tắt kinh Hoa Nghiêm là “muốn biết rõ tất cả, ba đời hết thảy Phật, hãy quán tánh pháp giới, tất cả do tâm tạo”. Câu kệ tóm tắt kinh Pháp Hoa: “các pháp từ xưa nay, thường có tướng vắng lặng, giống Phật từ đó sanh, nên gọi nhất thiết thừa”. Kinh Kim Cang Bát Nhã: “tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như sương như điện chớp, cứ như thế mà quán”.

Hay “Nếu nhìn Phật bằng tướng, nghe Phật bằng âm thanh, kẻ ấy hành tà đạo, không thể thấy Như Lai”. Kinh Niết Bàn: “không có Phật vào niết bàn, không có niết bàn của Phật, xa lìa sự giác ngộ, và cái để giác ngộ, quán sự tịch tịnh của tâm”. Kinh Lăng Già: “rời sự sinh diệt của thế gian, vì nó chỉ như hoa đóm giữ hư không, trí không chấp có hoặc không, từ chổ vô trụ đó mà khởi tâm đại bi”. Duy Thức Tông: “nhất thiết duy tâm tạo”, “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”…Như thế, dù kinh điển đại thừa do các nhà đại thừa viết ra có tính tổng quan về triết lý của Phật. Nhưng kinh điển đại thừa có tính cách tân về văn phong như là một tác phẩm văn học. Trong đó không tránh khỏi dụng ý nhằm tạo ra sự hấp dẫn để thu hút người đọc nên buộc phải hình tượng hóa thế giới tâm linh, nhân cách hóa triết lý…. Điều đó lôi cuốn được độc giả nhưng cũng tạo ra vô vàng hiểu lầm về giáo lý của Phật. Nhất là cái cảnh giới niết bàn, cực lạc được diễn tả như là một thế giới vật chất. Thật ra nó chỉ là trạng thái của tâm. ‘Chân không’ là sau khi tâm được dứt trừ tất cả ngã chấp và pháp chấp, trở nên rỗng rang; ‘diệu hữu’ là tiếp kiến với thế giới hình tượng muôn màu nhưng không bị ràng buộc và chướng ngại, đó là những gì mà kinh điển đại thừa muốn đề cập.

Cho nên cầu xin sự gia hộ, cầu xin tiếp độ, cầu xin phước lành, phước đức, cầu xin phép mầu…đều là vọng tâm hướng ngoại. Vì vọng tâm một tí mà đã bày vẽ ra bao nhiêu lễ nghi, khoa nghi tốn kém thời gian, sức lực và tiền của. Tất cả những ác nghiệp, những tâm tính xấu ác, những phiền muộn muôn đời vẫn đóng khối, không chuyển hóa thì cảnh giới an vui làm sao xuất hiện. Dù cho chúng ta có dán chữ Phật lên trán, hay niệm Phật đêm ngày để cầu xin Phật tiếp độ để sau khi chết được vãng sanh thì vẫn cứ là ngoại đạo như thường. Cái chữ vãng sanh của Tịnh Độ tông đã khiến đa phần hiểu lầm như là một linh hồn được bay về cõi cực lạc sau khi chết. Vãng sanh chẳng qua là một cách gọi ngắn gọn của sự tu sửa, chuyển hóa và thăng hoa tâm linh trong từng giây từng phút. Điều đó hàm ý cho việc thực hành sự giải trừ phiền não và nội kết để trạng thái an lạc xuất hiện dần dần. Đến một lúc, mọi phiền não nội kết không còn và niềm vui tột đỉnh xuất hiện được gọi là cực lạc. Danh hiệu A Di Đà đã trở nên quen thuộc nhưng cũng chính nó như một đức tin về hai bản ngã thực thể. Xem A Di Đà là một đối tượng bản ngã làm giáo chủ và chúng ta như một ngã sở dựa dẫm là điều hết sức sai lầm và ngoại đạo. A Di Đà đúng chăng khi nó chỉ là sự hàm ý của giới định và tuệ. Vì theo sự phân tích của các nhà đại thừa thì A Di Đà nghĩa là vô lượng quang, vô lượng thọ và vô lượng công đức. Ánh sáng vô lượng hàm ý trí tuệ vô lượng, tuổi thọ vô lượng đó là trạng thái đại định của tâm chân như bất sinh bất diệt và sau đó lưu xuất từ bi để cứu độ chúng sinh và tạo vô vàng công đức; mặc khác giới thể trang nghiêm sẽ mang lại điều thiện lợi cho đời chứ không bao giờ tổn hại chúng sinh. Đó chính là con đường giới, định và tuệ. Con đường này chỉ có ý nghĩa và lợi lạc khi nó phải được cụ thể hóa chứ không phải là niệm tụng mà được. Cũng như cần ăn uống thì mới no chứ không thể tụng niệm hay đọc tên cơm nước mà no được.

Còn cái thế giới thiên đàng hay cực lạc nếu bằng vật chất thì ở đâu cũng phải chịu luật vô thường biến hoại theo chu kì thành, trụ, hoại và không. Nó không thể là vĩnh viễn đời đời. Nếu nó là cảnh giới của tâm thì tâm ở trong mỗi người. Phải tìm ra thế giới tâm tốt đẹp, tức trạng thái tâm tốt đẹp ở đây và bây giờ. Vì tâm tịnh thì độ tịnh. Bản chất con người là tham lam nên việc mơ tưởng một nơi có đầy đủ sự tiện nghi và của cái quý báu như vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não là điều hằng mong muốn. Bản chất tham muốn luôn có mặt ở đời này và kiếp khác. Những thứ đó được gọi là của báu trần gian nhưng không dể ai cũng sở hữu được. Đánh vào tâm lí như thế, nên việc miêu tả một thế giới có đầy đủ của báu thì dể dàng hấp dẫn được con người vốn dĩ tham lam. Đó được gọi là phương tiện dẫn dụ của các nhà truyền giáo. Việc đó thu hút sự chú ý và dần sẽ đưa người ta vào chánh đạo. Nhưng nếu sau đó không hướng dẫn người ta hiểu được chánh đạo mà chỉ đơn thuần về niềm tin thì vô tình điều đó cũng là sự nguy hại nhất. Khiến người ta tăng trưởng lòng tham vọng và đánh mất tuệ giác. Đức Phật Thích Ca đã tuyên giảng rất nhiều về tính chất của Niết bàn an lạc là sự tịch tĩnh của tâm nhờ vào sự là ly dục, ly bất thiện pháp. Nó giải thoát mọi tham vọng. Không lý nào đức Phật lại tự mâu thuẩn với mình khi vẻ bày ra một thế giới tiện nghi vàng bạc để kích thích lòng tham muốn mà cho đó là cực lạc. Cho nên kinh nào diễn tả và kích thích lòng tham muốn thì chỉ là ngụy tạo kinh Phật. Dù cho hàng triệu Phật tử tin tưởng vì thỏa mãn được ham muốn thì đó vẫn không phải là chân lý của Phật tổ.

Nhưng nếu xem đó là phương tiện dẫn dụ thì sau đó phải nói rõ đây chỉ là dụ chứ không thật. Các nhà đại thừa đã biết trước nên diễn tả ý nghĩa hóa thành và bảo sở rất rõ trong phẩm hóa thành dụ trong kinh Pháp Hoa. Tất cả những cảm nhận hạnh phúc dù ở cấp độ nào cũng chỉ là hóa thành cho đến khi đạt được chân tâm tịch tĩnh mới gọi là bảo sở. Tín đồ Tịnh Độ tông đa phần hiện tại hiểu cực lạc như là một thế giới vật chất vĩnh hằng và cái lòng tham cố hữu là động lực mãnh liệt khiến người ta luôn nguyện cầu vãng sanh. Thay vì xả bỏ lòng tham muốn như tinh thần giáo lý thì chúng ta hành ngược lại. Nếu đây là kinh do Phật Thích Ca tuyên thuyết thì có phải chính đức Phật đã tự mâu thuẩn với mình. Cho nên khẳng định rằng đây là kinh điển ngụy tạo. Chỉ có hiểu như thế mới không mâu thuẩn với giáo lý nói về cái tâm của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Việc ít quan tâm đến giáo lý chuyển hóa tâm xấu ác thành tâm tốt và an lạc mà chủ yếu mơ màng ảo tưởng đến phước báu giàu sang và sự gia hộ của đấng bề trên trở thành phổ biến với tín đồ Phật giáo hiện nay. Người ta rất quan tâm đến vấn đề trì chú để được sự phù hộ, người ta rất chú trọng đến một thế giới xa lạ mai sau hơn là vấn đề chuyển hóa tham sân si để tìm ra chân tâm an lạc. Cho nên chúng ta thấy có những kinh chú được in ấn và phát rãi tràn lan đa số là những kinh điển hướng ngoại tìm cầu. Cuốn viết về Đời Sống Cõi Tây Phương Cực Lạc được in phát rộng rãi. Nhưng thử hỏi nếu chưa về Tây phương thì làm sao biết được đời sống trên đó mà viết, nếu về rồi thì trên đó sướng thế sao không ở luôn mà phải xuống lại trần gian. Vấn để ở đây là lộng giả thành chơn nên khiến phần đông bỏ bê cái tâm hiện tại mà cố tin và dốc sức nguyện cầu. Nếu tín đồ Phật giáo xem trọng vấn đề vãng sanh sau khi chết thì vô tình đã cho rằng đạo phật chỉ là đạo độ tử. đó thực sự là sự hủy hoại phật giáo. Đức phật đã thuyết giảng con đường thánh đạo tám nhánh để thiết lập một nhân gian tịnh độ. Niết bàn không phải là sự chết mà là sự sống an lạc không đau khổ phiền não. Cái chữ vãng sanh của Tịnh độ tông để hiểu cho đúng tinh thần của phật giáo thì đừng xem nó là sự siêu sanh sau khi chết. Nó phải hiểu như sự tịnh hóa, chuyển hóa và siêu việt từng phút từng giây. Mỗi giây phút tu tập là mỗi giây làm tiêu trừ ác nghiệp và sanh qua thiện nghiệp. Mỗi giây phút là sự chuyển đổi từ ràng buộc, phiền não, khổ đau sang tự do, an lành, hạnh phúc. Điều đó có thể thực hiện trong giây phút hiện tiền không phải là sau khi chết. Mỗi giây phút vọng niệm điên đảo phải sanh qua giây phút chân tâm bình ổn. vãng sanh là sự sanh qua. Giây phút trước chết đi sự xấu ác để sanh qua điều chân thiện. Đó mới là ý nghĩa phật pháp đích thực. đừng bỏ bê tâm thức mốc meo trong giây phút hiện tiền mà đợi đến lúc thân hoại mạng chung mới lo đình đám, nghi lễ cúng tế rình rang. Đó đích thị là con đường thiền quán và tịnh hóa.

Thế gian là vô thường, mượn thế gian để đi về chân tâm. Phật giáo xem trọng việc tu luyện chuyển hóa tâm khi còn sống và nhẹ nhàng thanh thản lúc ra đi. Thế nhưng hiện nay chúng ta thường làm ngược lại. Chúng ta khi sống chỉ chạy theo danh vọng, địa vị và cũng cố bản ngã mặc dù đó là danh vọng địa vị và bản ngã tôn giáo. Để mặc cho tham, sân, si, phiền não và nghiệp chướng còn chất thành khối bên trong. Rồi xem vấn đề hộ niệm ma chay khi lâm chung là quan trọng nhất. Một số tín đồ tịnh độ tông lập thành ban hộ niệm chuyên đi niệm giúp cho người sắp chết hàng tuần hàng tháng cho đến lúc họ chết. Rồi sờ tay lên trán lên đầu thấy xác chết còn ấm là mừng rở và khẳng định rằng người đó chắc chắn được sinh thiên hoặc vãng sanh. Ban hộ niệm cho rằng khi người sắp lâm chung trút hơi thở cuối cùng mà điểm nào trong cơ thể còn nóng sau cùng thì xác định được người ấy sinh về đâu. Chân nóng là đọa địa ngục, bụng nóng là đầu thai làm người, trán nóng sanh thiên và đầu nóng được vãng sanh cực lạc. Có thật vậy chăng hay là tự tưởng tượng ra. Nếu thật thì lấy gì chứng minh là người đó về được cực lạc hay đọa địa ngục. Thật ra hơi ấm nóng ở đâu chỉ là hiện tượng tâm và sinh lý được kết hợp theo nguyên lý âm dương.

Theo nguyên lý âm dương thì phần dương ở dưới chân và phần âm ở trên đầu người để hài hòa với phần dương của trời phần âm của đất. theo nguyên lý âm hút dương và dương hút âm. Gọi âm là âm hơn so với dương, gọi dương là dương hơn so với âm chứ thật ra trong âm vẫn có dương và trong dương vẫn có âm. Một người khỏe mạnh thì chân ấm đầu mát, nếu ngược lại thì bị sốt, bịnh. Dương càng đi lên thì tuổi thọ càng giảm dần cho đến khi dương hết thì chết. Chết từng phần cho đến khi chết hoàn toàn. Một người sống được bao nhiêu năm trên cuộc đời gọi là hưởng dương bao nhiêu tuổi. Nếu hết dương thì chết. Theo nguyên lý đó thì người sắp chết yếu tố dương sẽ hết dần từ dưới lên. Phần đầu sẽ là phần sau cùng kết thúc dương. Nhưng nếu như phần đầu não bị bịnh hoặc gặp tai nạn bất ngờ dập nát mất hết dương đột ngột thì phần đầu lạnh trước và toàn bộ cơ thể còn lại cũng chết tức thì. Thế thì việc ấm phần đầu sau cùng mà ban hộ niệm cho là người chết được vãng sanh thì không đúng. Đó là hiện tượng vật lý bình thường chứ không có gì là tâm linh như các tín đồ Tịnh Độ tâm khẳng định. Còn việc niệm Phật một lúc thì cơ thể người chết da dẻ hồng hào trở lại cũng chỉ là hiện tượng vật lý. Giả sử không niệm Phật mà mở một bản nhạc không lời du dương hoặc mở một đĩa kinh chú gì đó thì trạng thái cũng tương tự. Tại sao lại như vậy. Đó là sự liên hệ giữa thể xác, thể phách và thể vía.

Các nhà huyền môn chia con người bình thường ra làm 4 thể: thể xác, thể phách, thể vía và thể hồn. Cho đến khi giải thoát và vô ngã thì mới không còn phần hồn mà lúc đó là trí hay còn gọi là chân tâm. Trở lại vấn đề màu da của người lâm chung chúng ta tìm hiểu theo lý giải sau: Nếu bình thường màu da mà không có sự tiếp ứng luân lưu của máu thì sẽ xanh nhợt. Nhưng đó là đối với người có thể vía bị xáo trộn thất tán thần khí. Nhưng nếu thể hồn tập trung định tĩnh không bị xáo trộn bởi âm thanh ồn ào huyên náo thì sẽ khiến thể vía và thể phách giữ được các biểu mô linh tử tinh thần, từ đó giúp mà da của thể xác vẫn còn sắc thái. Ở dân gian người ta thường hay gọi hú hồn hú vía (“ba hồn, bảy vía” ) về nhập xác vì cho rằng một người bị hồn phiêu phách tán sẽ về lại để người chết lâm sàng được hồi phục lại. Qua đó chúng ta thấy rằng việc màu da hồng hào khi niệm Phật là nhờ chúng ta giữ được một âm thanh thuần nhất khiến dể nhất tâm hay nói cách khác phần hồn không bị phân tán. Từ đó thể vía và thể hồn (các hạt linh tử dạng sóng hạt rung chuyển một cách hài hòa, nhẹ nhàng và giữ sắc thể của da. Nhìn dưới góc độ sinh học: Có vài cơ quan chết trong khi tổng cơ thể vẫn còn tiếp tục sống; Có những tế bào có thời gian sống ngắn hơn so với đời sống cơ thể; Có những tế bào già chết và được thay thể bởi tế bào mới; có những tế bào sống thêm một thời gian ngắn khi cơ thể đã chết, trường hợp này giúp chúng ta có thể hiến nội tạng để ghép cho người khác; Hoặc có những trường hợp hiếm thì số tế bào có thể “bất tử” như dòng tế bào Hela.

Khi tắt thở, oxy không tiếp ứng được cho hồng huyết cầu nên màu da trở nên nhợt nhạt. Nhưng có trường hợp đặt biệt thần khí con người tụ lại và khiến tế bào và hồng cầu vẫn còn hoạt động và màu da vẫn hồng.

Theo Phật giáo Tây Tạng, việc không nên chạm tay liền vào người mới chết là điều nên biết. Nên để yên cho các thể đó rung chyển nhẹ nhàng, giảm thiểu sự đau đớn và hoảng hốt của thể hồn trong quá trình xuất ra khỏi thể xác. Như vậy, vấn đề không phải là khi niệm Phật được Phật gia hộ mà là một quá trình tất yếu chúng ta cần phải hiểu. Điều đó không liên quan đến sự gia hộ mà liên quan đến môi trường tác động.

Việc tu là phải chuyển hóa dần dần chứ đâu thể cả đời không tu sửa mà một phút chốc chỉ cần niệm Phật mười tiếng là được Phật tiếp độ vãng sanh. Với vọng tưởng ác nghiệp còn chất chồng chưa chuyển hóa thì làm sao chúng ta có thể giải thoát liền được. Chư Tổ ngày xưa thường nói “tiệm tu nhưng đốn ngộ”. Như vậy có ngộ và giải thoát thoáng chốc là nhờ công phu đã tu luyện lâu dài chứ không thể dể dàng mà được. Thế nhưng ban hộ niệm trợ giúp cho một người cả đời không tu hành thậm chí còn làm quá nhiều việc ác trong thoáng chốc mà được vãng sanh thì thật quá phi thường hơn cả đức Phật. Vì ngay chính Phật và chư Tổ sư vẫn không làm được việc này.

Những cuốn khác nói cái tâm hướng ngoại cầu xin đó là cuốn “sự mầu nhiệm khi trì chú đại bi” và “bạch y thần chú”… Thật ra trì chú cũng là một pháp tu cho định tĩnh tâm trí. Nhưng đa phần xem đó như việc cầu xin sự gia hộ. Thế thì phi nhân quả. Không làm mà mong ăn ngon mặc đẹp, gieo nhân xấu mà mong được quả tốt, làm ác mà muốn tránh quả báo… Đó chính là thói lười biếng và vô trách nhiệm. Nếu cả thể giới xem việc trì chú là linh hiển mầu nhiệm và không cần làm ăn gì cả thì lương thực ở đâu mà có ăn cho đủ. Thật ra thần chú đại bi là mật ngữ hàm ý chỉ về công năng thần lực của cái tâm yêu thương rộng lớn. Khi người tu phát huy được lòng từ bi lớn, cứu độ chúng sanh cụ thể không mệt mỏi trong tinh thần bồ tát thì công đức Phật quả sẽ hoàn thành. Được chư Phật mười phương tán thán. Như thế chú trì chú đại bi đúng nhất là cụ thể hóa tình yêu thương cứu giúp chúng sinh khổ nạn ở đời chứ không phải ngồi đó lâm râm đọc tụng mỗi ngày vài chục hay vài trăm biến để mong cầu sự gia hộ, mong tai qua nạn khỏi, mong ước thành đạt vật chất… Cho nên kinh đại thừa có nói “tin Phật mà không hiểu Phật là phỉ báng Phật” là vậy.

Thật ra Mật tông Tây tạng – con đường Kim cương thừa xem mật chú là linh ngữ giúp họ đạt đại định và sau đó phát sinh trí tuệ chân thật một cách nhanh chóng trong ý nghĩa “tức thân tức Phật”. Như câu thần chú nỗi tiếng Tây Tạng là câu thần chú “Om Mani Padme Hum. Nghĩa là viên ngọc quý nằm trong hoa sen, cầu các đấng bề trên khai thị. Ở đây cho thấy rõ ràng hàm ý trong mỗi chúng sanh đều có Phật tánh quý giá, chỉ cầu xin chư Phật thánh chỉ cách để làm hiển lộ hạt châu ngọc đó ra giúp chúng ta. Có nghĩa là sau chúng ta phải thanh lọc làm sao cho hạt ngọc chân tâm ngày càng hiển lộ. Nhưng chúng ta thì đọc tụng mật chú theo kiểu bắt chước và mong cầu sự gia hộ về tài lộc. Thật ra, chúng ta thường hay bỏ quên thế giới hiện thực mà tâm trí cứ mơ tưởng đến những thần lực phi thường, mơ tưởng cảnh giới mầu nhiệm khác lạ. Nhưng một khi tâm trí suy niệm điều gì thì chiêm bao trước sau cũng thấy cảnh ấy. Đó chẳng qua là cảnh giới ảo tưởng từ tâm thức. Trong kinh Lăng Nghiêm các nhà đại thừa cũng đã cảnh báo có 50 loại ma có thể hiện ra đối với hành giả tu tập. Đó chẳng qua là ảo tưởng. Khi thiền quán dù thấy Phật hiện ra hoặc ma quỷ hiện ra cũng phải quán đó là một ảo tưởng không thật. Tịnh hóa hết tất cả ảo tưởng thì chân tâm hay Phật tánh bên trong mới hiển lộ.

Khi tâm tương đối tịnh, lục thức giảm hoạt động và được nghỉ ngơi thì lúc đó mạt na thức và A- lại- da thức sẽ làm việc. Lúc đó tàng thức dể dàng phóng chiếu lại những hình ảnh và ý niệm đã từng được lục thức đưa vào và lưu trử trong tàng thức. Cho nên khi chiêm bao, khi tụng niệm mơ mơ màng màng và khi sắp lâm chung thì tất cả ảnh tượng dường được phóng chiếu lại. Nếu chúng ta thường niệm Phật và lưu trữ hình ảnh Phật vào thì tất nhiên ảo tượng Phật lại xuất hiện. khi sống chúng ta làm nhiều điều ác và trái với lương tâm thì khi sắp lâm chung tâm thức quay hiện lại cảnh tượng hãi hùng và những ám ảnh lo sợ quả báo sắp xảy ra. Điều đó là do sự cố chấp vọng tâm. Điều đó chỉ là ảo tượng. Nhưng nếu giác ngộ và giải thoát được tất cả sẽ tan biến. Điều đó liên quan đến sự tu học và chuyển hóa tự nội. Cho nên kinh Lăng Nghiêm cho rằng đó là vọng tâm hoặc ma cảnh. Dù thấy đó là Phật hiện ra với thân chói vàng hoặc đang thuyết pháp cũng không nên chạy theo. Nhà thiền có câu “phùng Phật sát Phật, phùng tổ sát tổ” là sợ chúng ta lầm tưởng ảo ảnh là thật.

Như đã phân tích ở trên, sự hình tượng hóa và nhân cách hóa có sức hấp dẫn nhưng cũng khiến không ít hiểu lầm và thực hành sai lệch. Chữ Budha tiếng Phạn chính là sự tỉnh thức. Người Trung Hoa dịch ra Phật là con người trống rỗng không còn phiền não, không còn ngã chấp và pháp chấp. Phật chính là sự tỉnh thức. Phật chính là sự giác ngộ và giải thoát hoàn toàn bên trong. Phật chính là bản thể thanh tịnh. Phật chính là Như Lai bất sanh bất diệt. Theo Phật là tập tu sửa điều xấu ác, thiền quán và chuyển hóa cũng như đoạn tận nội kết triền phược bên trong chứ không phải bỏ bê tâm để hướng về một thế giới tốt lành nào đó. Dù chúng ta có chạy đến phương trời nào thì cái tâm vẫn là cái tâm của chúng ta, phiền não, nghiệp chướng trong lòng ta vẫn là của ta, không cho ai được, không ai lấy được và nó sẵn sàng trổi dậy cho đến khi tự ta chuyển hóa chúng.

Thông Nhã
Previous Post
Next Post