Trong nhiều tác phẩm thành công của văn học Việt Nam thế kỷ XXI, truyện ngắn “Ngôi nhà xưa bên suối” trích trong tập truyện cùng tên của Cao Duy Sơn là một trong những tác phẩm mang đậm dấu ấn của hư vô.
Hư vô có nghĩa là không tồn tại, là một đặc trưng của chủ nghĩa hiện sinh. Theo triết học hiện sinh, con người là hư vô, bởi vì con người là một thực thể có ý thức mà ý thức về bản chất là hư vô vì bản thân nó không có khả năng tự tồn tại mà phải gắn vào một sự vật cụ thể. Khi con người chết đi, ý thức không còn gắn vào cái gì cả thì tất nhiên nó sẽ là hư vô.
Trong nhiều tác phẩm thành công của văn học Việt Nam thế kỷ XXI, truyện ngắn “Ngôi nhà xưa bên suối” trích trong tập truyện cùng tên của Cao Duy Sơn là một trong những tác phẩm mang đậm dấu ấn của hư vô. Cái hư vô được thể hiện trong hình tượng thầy giáo Hạc và hình ảnh ngôi nhà bên suối, nó được đúc kết lại trong câu nói của thầy hạc: Hóa ra cuộc đời làm một kiếp người hãy cứ thanh thản, ung dung mà sống. Gạt bỏ mọi phiền muộn mà đi tới đích. Đích là kết cục của số kiếp. Có là kẻ sang, người hèn cũng về nơi với nhau. Chỉ có điều khác là đừng chết khi đang sống”.
Nội dung truyện xoay quanh nhân vật thầy giáo Hạc, một con người có tài năng và nhiệt huyết mang đầy hăm hở khao khát tuổi trẻ tình nguyện lên công tác ở nơi địa đầu của tổ quốc. Thế nhưng, cuộc đời của người thầy chịu quá nhiều hi sinh ấy lại luôn gặp rắc rối và cuối cùng thầy chẳng còn gì chỉ còn lại ngôi nhà bên suối. Theo thời gian cả thầy và ngôi nhà bên suối sẽ chìm vào lãng quên.
Con người của chủ nghĩa hiện sinh là con người là con người tha nhân với những dự phóng, có nghĩa là con người luôn khát khao, hành động có ý nghĩa với mục đích thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn. Thầy Hạc vốn là một người có học, đa tài “lịch thiệp, hát hay, đàn giỏi” có lý tưởng sống “Tình nguyện lên mục mã dạy học vì tuổi trẻ muốn háo hức muốn cống hiến và khám phá những miền đất mới”. Khi bị phân công vào Páp Lò, vùng xa xôi và nhất của tỉnh Cao Bằng “không điện, không đài, không dầu thắp, không muối”, nhiệt huyết của thầy vẫn không hề giảm. Thậm chí khi tạm thời cho nghỉ việc vì nghi ngờ thầy là tác giả của đứa bé trong bụng nàng tiên, thầy vẫn tạo ra được một vườn thực nghiệm xanh mướt tiếng tăm lan ra cả khu vực. Người thầy giáo ấy lặng lẽ vượt qua nỗi đau mất vợ để nuôi hai đứa con khôn lớn. Cuộc đời thầy là một sự nỗ lực vượt bậc để vượt lên mọi hoàn cảnh.
Hư vô chỉ ra rằng bản chất cuộc đời là vô nghĩa lí, dù con người có cố gắng thay đổi có dấn thân đi nữa thì trước mắt họ là cái chết đang chờ đón sẵn. Cả cuộc đời thầy Hạc hy sinh nhưng thầy luôn gặp phải những rủi ro, yêu học sinh, một việc bình thường như vậy nhưng thầy bị chuyển công tác; không một lý do, không cần nhân chứng chỉ dựa vào suy đoán “hôm đấy người ta thấy cô chạy từ phòng thầy đi ra bưng mặt khóc…cái sự gian díu ấy không phải bây giờ mới có mà nó đã có từ trước vì nó mà thầy mới chuyển đến đây”. Nngười ta cho thầy nghỉ việc, rồi khi vườn thực nghiệm của thầy xanh mướt, người ta ngang nhiên coi đó là thành tích của tập thể…và rồi đứa con yêu quý của thầy cũng ra đi cùng người mẹ ruột của nó. Cả một đời hy sinh cả một đời cố gắng nhưng rút cục thầy nhận ra và chấp nhận rằng mọi thứ đều là do “số kiếp trời đã định”, “có lẽ cái số kiếp tôi nó thế”.
Quan niệm hư vô của triết học hiện sinh có nhiều điểm tương đồng với quan niệm “số kiếp” của Lão Tử, con người sinh ra đều có số kiếp định sẵn, dù con người có cố gắng thì cũng thay đổi, bởi vì “hành sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Số kiếp của thầy Hạc có lẽ đã được định sẵn, không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Cao Duy Sơn đặt tên cho nhân vật của mình là Hạc. Cái tên gợi cho chúng ta nhớ đến lão Hạc của Nam Cao, một ông lão nông dân hiền lành, chất phác cuối cùng đã phải chọn lấy cái chết đau đớn để giữa được phẩm tiết của mình. Nó còn gợi cho chúng ta nhớ đến hình ảnh con Hạc trong ca dao:
“Thân em như con Hạc đầu đình
Muốn bay không cất nổi mình mà bay”
Nhưng cái khác của thầy Hạc là ở chỗ, dù biết đích là kết cục của số kiếp nhưng thầy luôn có cái nhìn tích cực về cuộc đời, con người giống nhau ở cái đích nhưng khác nhau ở hành trình đi đến cái chết “Đích là kết cục của số kiếp. Có là kẻ sang, người hèn cũng về nơi với nhau. Chỉ có điều khác là đừng chết khi đang sống”. Với thầy Hạc cũng như con người hậu hiện đại, thì quá trình phấn đấu của con người quan trọng hơn kết quả mà con người nhận được.
Thầy Hạc luôn thấp thỏm lo âu “số kiếp mình trời hay lấy ra làm thí nghiệm, luôn thắc thỏm tai họa thường trực đâu đó”. Tuy nhiên, thầy tuyệt vọng không phải là buông xuôi, khuất phục mà thầy bắt buộc phải nhập cuộc, thầy gồng lên để mà sống và sống kín kẽ hơn. Hành trình làm người là một quá trình mâu thuẫn, đau khổ vì không có một thước đo, chuẩn mực để hướng tới, có lẽ vì con người sinh ra để đi đến cõi chết và trong cuộc hành trình về với hư vô lại quá trĩu nặng trách nhiệm cũng như sợ hãi nên cuộc đời thật phi lý biết bao. Song, trong cái vòng bắt buộc của phận người ta có quyền lựa chọn để làm nên ta, chỉ khi, đối mặt với mọi tình huống ta mới biết bản chất của mình. Với nhân vật thầy giáo Hạc ta thấy con người luôn cô đơn nhưng con người biết bất chấp cái chết để nhập cuộc tự do làm nên lịch sử của mình bằng những dự phóng. Như vậy, hư vô không phải là quan niệm mang ý nghĩa tiêu cực, nó không phải làm cho cuộc sống mất đi ý nghĩa mà trái lại mang cho cuộc đời một ý nghĩa mới, cuộc sống sẽ được thanh lọc hơn trở nên lành mạnh hơn, trong sáng hơn. Cuộc đời con người ai cũng giống nhau ở cái chết nhưng lại khác nhau ở hành trình đến với cái chết. Vậy thì phải sống có dự phóng để trở thành một con người nhân vị độc đáo.
Văn học hiện sinh thường miêu tả cuộc sống như một thảm kịch, một hư vô tựa những vực thẳm mà con người bị treo chơi vơi và lơ lửng, ở đó họ hoàn toàn bất lực. Tuy nhiên, trong “Ngôi nhà xưa bên suối” thầy Hạc vẫn có một điểm tựa để không sa vào bế tắc tuyệt đối mà lúc nào thầy luôn có một điểm tựa để thầy không sa vào bế tắc tuyệt đối mà lúc nào cũng có ý chí vùng vẫy để thoát ra bằng hành động của chính mình. Điểm tựa ấy chính là bản thân con người bản thân cuộc sống đã tìm thấy. Cùng với thầy Hạc thì hình ảnh ngôi nhà bên suối cũng là biểu tượng của cái hư vô. Ngôi nhà chính là nơi thầy sinh sống, lặng lẽ như cuộc đời của thầy. là thứ duy nhất còn lại của đời thầy.theo thời gian cả thầy và ngôi nhà cũng sẽ bị người đời quên lãng.
Truyện ngắn “Ngôi nhà xưa bên suối” chứng minh rằng con người là bản thể của cái hư vô, cái hư vô buộc con người sống có dự phóng hơn. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cuộc sống như gài mìn sẵn chỉ chực sa cơ là mìn nổ vậy mà thầy Hạc vẫn sống rất có ý nghĩa, vậy có lẽ nào chúng ta không sống được và tại sao chúng ta không sống bằng những dự phóng có ý nghĩa?