Id, Ego, and Superego

So sánh tâm lý con người với một tảng băng, mà tới tám chín phần mười tảng băng này chìm dưới nước biển, Freud cho rằng phần chính tâm lý con người cũng được ẩn giấu trong cõi vô thức. Bên dưới lớp vỏ ngoài, vì những lý do nào đó, những cảm giác và những mục đích mà một cá nhân đã không những giấu kín người khác mà còn tự giấu ngay chính bản thân mình nữa. Trong tâm lý học của Freud, cõi vô thức là tối thượng và mọi hoạt động ý thức chỉ có một vị trí phụ thuộc. Nếu hiểu được cái thầm kín bí mật sâu xa của cõi vô thức ắt chúng ta hiểu được bản chất nội tâm của con người. Freud tuyên bố là chúng ta thường suy nghĩ một cách vô thức và chỉ thỉnh thoảng suy tư của chúng ta mới có tính chất ý thức. Tâm lý vô thức chính là nguồn gốc gây bệnh tâm thần, vì bệnh nhân thường cố gắng gạt ra ngoài cõi ý thức mọi ký ức khó chịu, mọi ước vọng bị “dồn nén” vô hiệu, nhưng kết quả là anh ta tích tụ ngày càng nhiều ký ức, những ước vọng, để dồn thành bệnh.

Freud phân loại mọi hoạt động tinh thần của mỗi nhân con người được thể hiện thành ba cấp độ được ông gọi là Tự Ngã, (Id. Soi); Bản Ngã (ego moi) và Siêu Ngã (superego Surmoi). Quan trọng số một là cái Id, Freud bảo: Phạm vi của Id là phần nhân cách tối tăm và không thể đi đến được của chúng ta. Bản thân ta chỉ biết chút ít về cái Id qua nghiên cứu các giấc mộng và qua sự biểu hiện các triệu chứng bên ngoài của bệnh tâm thần, Id là nơi trú ngụ các bản năng nguyên thuỷ và các xúc cảm đi ngược lên tới cái quá khứ xa xưa khi mà con người còn là một con thú, Id có tính chất thú vậy và bản chất của nó là thuộc về dục tính (sexual in nature), nó vốn vô thức. Freud viết tiếp: Cái Id bao gồm tất cả những gì do di truyền, có ngay từ lúc sinh ra được kết tụ lại trong sự cấu thành. Id mù quáng và độc ác. Mục đích độc nhất của nó là thoả mãn các ham muốn bản năng và các khoái cảm, không cần biết đến các hậu quả. Nói theo Thomas Mann thì: “Nó không biết gì đến giá trị, thiện hay ác, và cả đạo đức nữa”.

Đứa bé sơ sinh là Id được nhân cách hóa. Dần dần cái Id phát triển lên thành cái Ego (bản ngã Moi). Khi đứa bé lớn lên. Thay vì được hoàn toàn dẫn dắt bằng nguyên lý khoái lạc, cái Ego bị chi phối bởi nguyên lý “thích ứng với thực tại”. Ego biết được thế giới xung quanh, nhận ra rằng phải kìm hãm những khuynh hướng phạm pháp của cái Id để ngăn ngừa mọi xung đột với luật lệ của xã hội. Như Freud viết, cái Ego là “viên trọng tài giữa những đòi hỏi bạt mạng của cái Id và sự kiểm soát của thế giới bên ngoài”. Vì vậy Ego thực sự hành động như một nhân viên kiểm duyệt, cắt xén, sửa đổi những thúc giục của cái Id làm cho những thúc giục này phù hợp với tình hình thực tế, biết rằng việc tránh khỏi bị xã hội trừng phạt và cả để tự bảo toàn hay là ngay cả đến sự bảo tồn, đều phải tùy thuộc vào những “dồn nén”. Tuy nhiên cuộc đấu tranh giữa cái Ego và Id có thể gây ra những bệnh tâm thần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhân cách cá nhân.

Sau hết, còn một thứ yếu tố thứ ba trong quá trình sinh hoạt tinh thần gọi là Superego (Siêu ngã). Siêu ngã này có thể được định nghĩa một cách đại khái là “lương tâm”. Học trò chính của Freud ở Hoa Kỳ là A.A Brill đã viết:

“Cái Superego là sự phát triển tinh thần cao hơn cả mà con người có thể đạt tới được và bao gồm lẫn lộn mọi sự cấm đoán, mọi quy tắc cư xử do cha mẹ tạo ra nơi đứa trẻ. Tri giác lương tâm hoàn toàn tùy thuộc vào sự phát triển của cái Superego.

Cũng như cái Id, cái Superego cũng nằm trong vô thức và cả hai cùng luôn ở thế tương tranh, trong khi cái Ego luôn hoạt động ở giữa như một trọng tài. Lý tưởng đạo đức và quy tắc cư xử đều nằm trong Superego. Khi ba cái Id và Superego tương đối hòa hợp thì cá nhân lúc ấy ở trạng thái điều hòa và hạnh phúc. Nếu cái Ego để cho cái Id vi phạm các luật lệ, cái Superego sẽ gây ra lo lắng, cảm giác có tội và mọi biểu lộ của lương tâm.

Lý thuyết tính dục hay còn gọi là nhục dục (Libido) là một khái niệm khác được ghép chung với Id và do Freud tạo ra. Ông dạy rằng tất cả những xúc cảm của Id đều là hình thức thể hiện của “năng lượng tính dục” (sexual). Thuyết tính dục đã từng được gọi là “cái lõi của phân tâm học”. Mọi sáng tạo văn hóa của con người: nghệ thuật, luật pháp, tôn giáo, vân vân.. đều được coi là sự phát triển của tính dục. Khi nói “năng lực của tính dục” (sexual energy), thì ở đây chữ “tính” (sexual) được dùng theo nghĩa rộng. Ở đứa trẻ bản năng tính dục bộc lộ qua những hành động như mút tay, bú sữa chai và bài tiết. Những năm sau đó năng lượng tính dục có thể được truyền cho người khác qua hôn nhân, mang hình thức một hư hỏng thuộc về “tính” hay được thể hiện qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật, văn chương hay âm nhạc – đó là phương pháp được gọi là “dịch chuyển”. Theo Freud thì bản năng tính dục (sex instinct) là nguồn gốc của mọi công trình sáng tạo vĩ đại nhất.

Thật vậy, Freud đã tuyên bố: “Các bênh tâm thần, không chừa một bệnh nào, đều là những rối loạn của đời sống sinh lý”. Nếu luận thêm, không thể cho rằng bệnh tâm thần là do những cuộc hôn nhân thất bại hay những mối tình lỡ làng gây ra; trái lại có thể tìm thấy dấu vết tất cả những bệnh này ở thời kỳ ấu thơ với các mặc cảm tính dục. Freud đã áp dụng lý thuyết của ông sang lĩnh vực nhân chủng học trong tác phẩm Vật tổ và cấm kỵ. Ông tin rằng ngay tôn giáo cũng chỉ là biểu hiện của mặc cảm tính dục. Sau khi phân tích kỹ lưỡng từng chi tiết hàng trăm trường hợp bệnh nhân đến chữa bệnh, Freud đã nâng bản năng tính dục và thèm khát nhục dục lên thành yếu tố đầu tiên và mạnh mẽ nhất trong việc tạo thành nhân cách con người, đồng thời là nguyên nhân sâu xa của mọi bệnh tâm thần. Đó là một phán đoán mà một số các nhà phân tâm học nổi tiếng khác đã bác bỏ như sẽ nói sau đây.

Vì xã hội buộc mỗi con người phải kiềm chế nhiều ham muốn, theo cách nói của Freud thì mỗi cá nhân đã vô tình tích trữ nhiều “dồn nén”. Bình thường thì ý thức con người vẫn thành công trong việc ngăn trở, không cho “những sức mạnh vô thức đen tối” bị dồn nén kia xuất hiện. Nhưng sự kiểm soát ấy có thể làm cho những con bệnh tâm thần trải qua những giai đoạn xúc cảm bị rối loạn sâu xa. Freud cho công việc chữa bệnh của nhà phân tâm học là “làm bộc lộ và thay thế những dồn nén bằng những hành động phán đoán có thể đưa đến, hoặc sự chấp nhận hoặc sự loại bỏ những gì đã bị khước từ từ trước”. Vì bản chất của sự dồn nén là gây ra sự đau khổ, nên người bệnh thường cố tìm cách ngăn không cho những dồn nén ấy bộc lộ ra ngoài. Sự cố gắng che đậy ấy Freud gọi là “sức đối kháng”. Nhiệm vụ của thầy thuốc là loại bỏ sức đối kháng này, để người bệnh bộc lộ ra cái “dồn nén” kia.

Nguồn: quangduc.com
Previous Post
Next Post