Chúng ta giúp đỡ nhau, chúng ta làm cái này ủng hộ cho người khác, chúng ta làm cái kia từ thiện người nghèo… Ồ, tất cả đều là việc tốt. Nhưng đỉnh cao của việc tốt là gì?
Ủng hộ người khuyết tật tiền tỷ?
Giúp người khác hết cả gia tài?
Cố gắng nghĩ đến người khác hơn là bản thân mình?
Chẳng phải, chẳng phải gì ráo. Lòng tốt không nằm ở mức độ đâu. Tấm hình chụp một dàn diễn viên, MC, Showbiz Việt Nam đi làm từ thiện, người được từ thiện, cụ già thì ngồi ghế nhựa, còn mấy người kia thì ngồi ghế êm, nước uống đầy đủ đã làm cộng đồng facebook phẫn nộ thời gian qua. Ồ, tôi không phản đối đâu, thích làm gì thì làm. Dù gì, họ cũng bỏ tiền ra làm từ thiện, có lẽ đó cũng là việc tốt nên họ tự cho mình cái quyền đó. Thực sự là tôi cóc quan tâm mấy “con ngựa” đó.
Đỉnh cao của lòng tốt ấy hả. Là khi cho đi mà không nghĩ là mình “đang cho”. Tin tôi đi. Một người đang nhẫn nhịn người khác và biết là mình đang nhẫn nhịn có thể tốt, nhưng không tốt lắm. Một người giúp đỡ người khác tiền tỷ, chỉ đơn giản là họ có nhiều tiền, và họ nghĩ là “ồ, mình tốt bụng quá/ồ, mình đang làm từ thiện tốt quá này”, thế thì họ cũng “bình thường thôi”.
Dĩ nhiên là, họ có quyền cho rằng họ tốt chứ. Ồ, tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng họ đã không đạt được đỉnh cao…
Đỉnh cao của lòng tốt là khi không tự nhắc rằng “mình tốt”, chỉ đơn giản là nhận thức tôi thấy điều đó nên làm và tôi làm, vậy thôi.
À, mà đương nhiên tôi chẳng phải một trong những người thuộc “đỉnh cao của lòng tốt”. Tôi chỉ viết ra để nói rằng, đừng có ảo tưởng nghĩ mình là người tốt nữa các bạn ạ! Chúng ta chỉ là những con người bình thường, tồn tại với nhận thức hơn một con vật, nghĩ như thế đi và bạn sẽ không gặp phải áp lực bản thân mình tốt hay xấu nữa.
Giờ đến đỉnh điểm của sự xấu xa?
Nói thử xem, bạn đang nghĩ gì?
Với tôi, đỉnh cao của sự xấu xa rất đơn giản. Đó là: “Cố tình xấu xa”.
Một gã cố tình xấu xa sẽ biến tướng ra đủ loại.
Loại nguy hiểm nhất là: Ém nhẹm đi sự xấu xa, giấu giếm đến tinh tường, chả ai còn nhận ra sự đen tối của gã nữa. Loại này rất kinh khủng, khó đoán và thường đội lốt người tốt, loại này hại người không gớm tay và chẳng chút rụt rè. Tôi không hiểu động cơ của chúng là gì, có thể là tham lam, có thể là thấy vui như một trò giải trí nên chúng làm.
Hạng thứ hai là hạng tư lợi, ích kỷ, nên sinh hách dịch với điều tốt và với lòng tốt của người khác, loại này cũng rất đáng khiếp sợ. Kể cả ngay khi gã nằm trong bệnh viện, được chăm sóc hay đang trong nhà tù, gã vẫn hận thù xã hội này và tìm mọi cách trả thù có thể, mặc dù điều xấu xa xấu xí nhất trên đời gã đã thực hiện sạch ráo. Loại này hết thuốc chữa, chỉ làm đau lòng người khác và tổn hại xã hội, chỉ chờ đến khi gã mục xương thì thôi…
Tôi nói thế, chẳng có mục tiêu gì cao siêu ngoài việc giúp một ít người nào đó, hãy thôi trông chờ vào những gã này! Hãy tạm gọi là “đề phòng” khi ở gần những gã này, nếu không chỉ chuốc thêm họa cho cuộc sống vốn nhiều đau thương mà thôi.
Và còn đỉnh điểm của nỗi sợ?
Có quá nhiều nỗi sợ. Đến nỗi mà tôi sợ mình không đủ thời gian để mà “sợ” cho hết! Nhiều quá, đâu đâu cũng là nỗi sợ cả, từ những nỗi sợ nhỏ nhặt đến những nỗi sợ lớn, nhiều quá nhiều!
Và, đỉnh điểm của nỗi sợ chính là chạy trốn. Tôi không biết chạy trốn để làm gì, nhưng rất nhiều người chọn cách này. Chạy trời sao khỏi nắng? Nỗi sợ xuất phát từ trong tâm, chạy trốn khỏi nỗi sợ là chối bỏ đi tâm hồn của chính mình mà thôi.
Đừng chạy trốn bằng cách, “né” những xung đột buộc phải có để hài lòng ai đó trong ngắn hạn, cũng đừng có giả lơ như nó không hiện hữu, và còn nguy hại hơn là cứ chịu đựng rồi ném nó về tương lai, dời lại vào tương lai để làm gì, tương lai sẽ bị ứ đọng những nỗi sợ và bùng nổ, đó là cách mà nhiều người rơi vào trạng thái tận cùng của nỗi khổ…
Nỗi sợ có liên hệ gì với hai điều trên? Khi một người có quá nhiều nỗi sợ hãi, họ sẽ cố gắng chứng minh mình là người tốt (điều này dẫn đến họ gặp rất nhiều mâu thuẫn, và chẳng bao giờ vươn tới được đỉnh cao của lòng tốt), hoặc sẽ giành giật của người khác để bản thân được hưởng lợi, họ sợ thua kém quá, họ sợ tùm lum. Tin tôi đi, một ngày nào đó, bạn sẽ thấy nỗi sợ là nguồn gốc của điều tốt và sự xấu xa…
Đừng chạy trốn! Ý tôi là, không được lui! Không được thoái lui khi ra chiến trường. Chiến đấu đi, chết thì bỏ, có cái cóc gì mà phải sợ. Đừng bao giờ chạy trốn tâm hồn mình nếu bạn chưa muốn chết ngay lập tức hay tạo thêm nhiều khổ đau…