Không thể không lo

Thời gian gần đây có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra trong phạm vi gia đình, giữa những người ruột thịt: vợ cột con vào mình nhảy xuống sông vì bị chồng hành hạ, chồng ép vợ và con uống thuốc trừ sâu cùng chết do nợ nần, con trai bực chuyện gia đình đổ xăng đốt cả nhà 6 mạng người, vợ đầu độc chồng, cha mẹ giết con, anh chị em ruột hại nhau…

Sự bất an, nguy hiểm, tàn bạo, táng tận lương tâm đã mò vào tận từng gia đình, nơi được coi là tế bào xã hội, là pháo đài cố thủ của đạo đức. Phải nói thẳng ra rằng đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, báo hiệu sự xuống cấp cùng cực của đạo đức, nhân tính. Rõ ràng đạo đức xã hội đang bị khủng hoảng nghiêm trọng, vọng lên hồi chuông cấp báo.

Nhưng cái gì đã đẩy con người vào bi kịch tha hóa ghê gớm ấy? Ngày trước, thời mở cửa, đã có cảnh báo rác rưởi sẽ tràn vào. Ừ thì thế đi, phải chấp nhận, nhưng đây là rác nội, thứ phế thải độc hại sinh ra từ quá trình buông lỏng giáo dục đạo đức, lòng nhân ái, tính người trong cả gia đình, nhà trường, xã hội chúng ta. Những tấn bi kịch gia đình kiểu như trên, thời phong kiến thực dân không phải không có nhưng khi xã hội đã tiến những bước dài trên đường văn minh tiến bộ thì quả là khó chấp nhận.

Chúng ta đang có cả hệ thống chính trị chặt chẽ từ trên xuống dưới, từ Trung ương tới cấp làng xã, đủ cả cơ quan đoàn thể, Mặt trận, phụ nữ, thanh niên, chính quyền. Đang duy trì biết bao nhiêu viện, trường, cơ sở nghiên cứu về khoa học xã hội, xã hội học, tâm lý học, với hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ chuyên nghiên cứu về tâm tính con người. Trường học từ mầm non, tiểu học đến đại học đều có chương trình rao giảng đạo đức, lối sống, tính thiện, khuyên bảo con người tránh xa cái ác. Báo chí truyền thông vẫn thường ca ngợi những tấm gương đạo đức, gương mẫu… Vậy thì tại sao lại không thu được kết quả mong muốn? Đừng đổ tại đồng tiền mặc dù nó đã tàn phá ghê gớm xã hội này. Có phải chúng ta đã quá hời hợt, xem nhẹ, làm cho hình thức, cho có, chứ đâu phải thật sự quan tâm bồi dưỡng liên tục, thường xuyên, sâu sắc lòng nhân ái, vị tha cho mỗi con người? Dường như chúng ta đã quá chú trọng việc phát triển kinh tế nhưng lại xem nhẹ việc bồi dưỡng nhân cách con người.

Vừa qua, ngày 20/3 toàn thế giới hưởng ứng kỷ niệm Ngày Hạnh phúc thế giới. Liên Hiệp Quốc không phải không có lý khi ra hẳn một nghị định về ngày hạnh phúc, bởi con người ta sinh ra và sống ở trên đời, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Để đem lại hạnh phúc thật sự, chúng ta đang có quá nhiều việc phải làm, nhưng trước hết hãy xóa đi những bi kịch, nỗi đau nhân tình mà con người và xã hội đang oằn lưng gánh chịu.

Previous Post
Next Post