Kiếp cơ hàn

Buổi sáng tinh mơ, khi bình minh chưa ló dạng, ánh dương chưa rời khỏi giấc ngủ say, bắt đầu việc làm thường ngày của mình, tôi lại ra mở cổng sớm để mọi người ra vào. Trên con đường quen thuộc tôi chợt thấy một người đàn bà với vóc dáng gầy gò, trạc chừng 50-60 tuổi, đang lê từng bước chân mệt nhọc của mình, cố gắng hết sức đẩy chiếc xe chở rau quả xanh qua khỏi vũng nước lấm nằm giữa con đường.

Trước tình huống khó khăn của một người phụ nữ ấy, tôi nhanh chân đến phía trước chiếc xe phụ kéo mạnh chiếc xe để bánh xe không bị lún sâu dưới vũng bùn. Khi chiếc xe đã đến chỗ an toàn thì người phụ nữ không ngớt lời và cúi đầu cảm ơn. Tôi vui vẻ đáp rằng: dạ không có chi đâu bác.

Chúng tôi là sinh viên của một trường đại học và được gia đình lo cho ăn học đến nơi đến chốn. Đó cũng là phước lành của chúng tôi. Nhưng cuộc đời này, thật có không biết bao nhiêu người sống thiếu thốn, đang vật lộn với hoàn cảnh để giành lấy từng phút từng giây nuôi sống bản thân. Và ở cuộc đời này, có không ít người đang vươn tới niềm hạnh phúc hiện tại bằng nhiều hình thức mưu mô xảo quyệt của mình; đôi khi họ lại bất chấp mọi thủ đoạn để tìm sự sung sướng trong từng miếng ăn cái mặc, quên đi nhân cách của một con người. Họ đánh nhau giết nhau và cướp của chỉ vì lòng tham vô đáy và ngu si sân hận.

Trên trang web này http://www15.24h.com.vn, chỉ trong vòng một tuần thôi, tôi đã thấy tới 5 vụ án mạng giết người cướp của và làm nhục người nữ. Quả thật con người đang bị bạo lực và kinh tế làm che mất nhân cách, đánh mất đạo đức căn bản của một con người. Đúng là, nhân chi sơ tính bổn ác và nhân chi sơ tính bổn thiện luôn xen lẫn nhau, chứ không hẳn là nghiêng về ác hay nghiêng về thiện. Bởi vì con người trở thành thiện hay ác còn do môi trường của gia đình, trường học, xã hội… tác động.

Giới trẻ hiện nay phần lớn ít coi trọng nhân cách bản thân. Họ chỉ lo đi tìm một thế giới ảo, không hiện thực. Hầu như ít có người tìm lại một đời sống đích thực để đem lại những phút giây an lạc ngay trong từng hơi thở hiện tại của mình.

Vậy thì ai đã khiến cho họ có một cuộc sống mà trong tâm hồn họ luôn mang nhiều ngu muội? Thậm chí có rất nhiều người đang sống vất vơ vất vưởng với kiếp cơ hàn đói rách, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, quanh năm suốt tháng cứ lang bạt đầu đường xó chợ, chịu cảnh nắng mưa cuộc đời? Phải chăng đó là do nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ họ đã gây nhân không tốt, họ không bố thí cho người nghèo khổ hơn họ, không làm được một việc lành nào đối với mười điều lành mà Đức Thế Tôi đã dạy trong Kinh Thập Thiện? Tôi cũng đã đọc không ít sách báo nói về kiếp sống nghèo khổ con người, nhưng đây là một trong những lần mà tôi chứng kiến được đời sống khổ sở, cảnh buôn bán hàng rong dựa vào những bó rau, quả bí, trái dưa…

Làm như vậy thì chưa đủ để nuôi sống chính bản thân họ, huống hồ chi là nuôi con ăn học nên người. Tuy nhiên, là việc làm đơn giản ít tiền nhưng phần nào cũng an ủi được nỗi đau cuộc đời làm người thiếu phước, lại sinh ra trong một gia đình nghèo khổ. Sự thật mà nói thì ai cũng muốn cho cuộc sống của bản thân cũng như gia đình mình luôn gặp nhiều điều thuận lợi, làm được nhiều tiền để sống thoãi mái an vui, nhưng trên đời này có mấy ai có được niềm hạnh phúc ấy? Có một cách mà chúng ta có thể nhìn thấy được và làm chủ được những hành vi của mình, đưa việc làm của mình đến thiện hay ác ngay trong đời hiện tại. Nói đến nhân quả ba đời (quá khứ, hiện tại và tương lai), Đức Phật có một bài kệ dạy rằng:

“Dục tri tiền thế nhân
Kim sanh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị”

Nghĩa của bốn câu kệ trên là muốn biết đời sống trong quá khứ đã qua của mình như thế nào, thì hãy xem mình đang nhận kết quả của đời hiện tại như thế nào? Và muốn biết kiếp sống kế tiếp trong tương lai như thế nào thì hãy nhìn vào đời sống mà mình đã tạo ngay trong hiện tại. Nếu như trong đời sống hiện tại này chúng ta luôn sống chân chính và cố tạo nhiều điều thiện thì có thể mình gặp nhiều điều may mắn ở hiện tại và sau khi trả hết những nghiệp quả ở hiện tại rồi thì kiếp sống tương lai sau sẽ là đời sống giàu sang và có trí tuệ.

Có những người vì không tin vào luật nhân quả nên đã thốt ra những lời như thế này: sống đời này thì biết đời này thôi, cần biết chi đời quá khứ và cũng chẳng thèm để ý chi đời sống tương lai. Ý kiến đó chỉ đúng một khía cạnh thôi, bởi vì không có một vật gì hay một người nào có mặt mà không có nhân ban đầu. Đức Phật thì nhìn sự vật ở hiện tại hiện tại bằng lòng từ bi bình đẳng và trí tuệ, như một câu trong Kinh Pháp Hoa: “Từ nhãn thị chúng sanh, phước tụ hải vô lượng”, nghĩa là nhìn tất cả sự vật hiện tượng bằng lòng từ bi trí tuệ nên phước đức được vô lượng. Còn người chỉ biết hiện tại là biết riêng cho sự hạnh phúc an lạc cho chính bản thân của mình thôi.

Để kết thúc một dòng chảy từ tâm niệm cho đến cuộc sống thật sự bằng hành động của mỗi con người, Đức Thế Tôn đã dạy như sau:

“Không vì mình vì người
Không cầu được con cái
Không cầu mình thành tựu
Với việc làm phi pháp” (PC 84)

Hay ở những câu Kinh Pháp Cú 113 và 114 cũng có dạy như sau:

“Ai sống một trăm năm
Không thấy pháp sinh diệt
Tốt hơn sống một ngày
Thấy được pháp sinh diệt”

“Ai sống một trăm năm
Không thấy câu bất tử
Tốt hơn sống một ngày
Thấy được câu bất tử” .

Tác giả: Nẻo Xa
Previous Post
Next Post