“Phòng kỹ thuật” (điện đóm, âm
thanh…) bị trục trặc có thể làm hỏng một hội nghị, nhưng nếu nó vận hành trơn
tru, hội nghị vẫn chưa chắc đã thành công tốt đẹp. Kỹ thuật cá nhân xuất sắc
của cầu thủ không bảo đảm đội bóng giành chiến thắng. Điều ấy cho thấy: kỹ
thuật là lĩnh vực của phương tiện, chứ không phải của mục đích. Và cũng chính
điều ấy làm cho kỹ thuật khác với nghệ thuật!
Kỹ thuật và quy tắc
Hai ví dụ trên đây xác nhận rằng:
một hoạt động càng cách xa mục đích được theo đuổi bao nhiêu, càng thuộc về
lĩnh vực phương tiện bấy nhiêu. Vì thế, khác với nghệ thuật vốn lấy chính mình
làm mục đích, kỹ thuật, dưới mắt Max Weber, gắn liền với kinh tế, bởi kinh tế
cũng đi tìm giải pháp tối ưu cho những mục đích nhất định. Câu hỏi về mục đích
– và cùng với nó, câu hỏi về độ tin cậy, tính hoàn chỉnh và chi phí phải chăng
– luôn là những câu hỏi quan trọng đối với kỹ thuật.
Tất nhiên, ta không nên hiểu quá
hẹp những nhiệm vụ của kỹ thuật. Một nhạc công có thể phát triển một “ngón
nghề” dành riêng cho một bài nhạc hay một đoạn nhạc, người kỹ sư tìm tòi một
loại máy móc mới cho một mục đích sử dụng nào đó. Nhưng mục tiêu của một kỹ
thuật có khi chỉ nhằm thử nghiệm hay cải tiến những chức năng và thao tác nói
chung mà việc sử dụng cụ thể chưa được biết rõ vào thời điểm khám phá. Kỹ thuật
chỉ tạo ra tiềm năng cho những mục đích chưa xác định. Tuy vậy, tính cách
phương tiện vẫn là cốt lõi chung khi nói đến kỹ thuật, dù hiểu theo nghĩa hẹp
như là toàn bộ máy móc, thiết bị, hay cả theo nghĩa rộng của từ “technique”
trong tiếng Anh chỉ mọi phương pháp và tay nghề nào có thể dạy và học được (từ
kỹ thuật xếp… tàu bay giấy cho đến kỹ thuật quản trị xí nghiệp và nhân sự).
Ý nghĩa cốt lõi của kỹ thuật như
là phương tiện bắt nguồn từ cách hiểu từ “téchne” thời Hy Lạp cổ đại, tiền thân
của từ “kỹ thuật” ngày nay. Về phạm vi, nó bao hàm không chỉ tài nghệ để đạt
được những mục đích nhất định mà cả người làm chủ và có năng lực thực hành tài
nghệ ấy. Theo Platon, người thầy thuốc là một technikós, vì phải làm chủ những
tài nghệ nhất định, và môn thiên văn học cũng là một téchne, vì biết vận dụng
những phương pháp chuyên biệt. Khi phân tích khái niệm téchne, Platon quan tâm
chủ yếu đến việc: năng lực của một téchnikos không chỉ dựa trên một số những
kinh nghiệm ngẫu nhiên hay những tài khéo nhuần nhuyễn theo thói quen, trái
lại, vẫn phải bao hàm một lógos, tức một quy tắc được tuân thủ một cách có ý
thức, một sự làm chủ về tinh thần đối với phương pháp được áp dụng.
Quan hệ chặt chẽ giữa “kỹ thuật”
và “quy tắc” trong quan niệm của Platon vẫn còn giá trị đối với khái niệm kỹ
thuật hiện đại.
Thật thế, kỹ thuật, theo nghĩa là
phương pháp và kỹ năng, không gì khác hơn là những quy tắc, theo công thức: hãy
làm điều A, nếu muốn đạt được điều B. “Mệnh lệnh kỹ thuật” (theo cách gọi của
Kant) không nhất thiết phải được diễn đạt rành mạch bằng lời nói hay chữ viết,
trái lại, cũng có thể bằng cách làm mẫu và bắt chước, hay bằng cách “tâm
truyền” như trong các phương pháp tu luyện. Tóm lại, hành động kỹ thuật – thêm
một điểm khác biệt nữa với hành vi ít nhiều tự phát và sáng tạo của người nghệ
sĩ – hoàn toàn được hướng dẫn và quyết định bởi những quy tắc. Hành động ấy
được đánh giá đúng sai căn cứ vào quy tắc và hay dở căn cứ vào mục đích nhắm
tới.
Kỹ thuật và tác tạo
Aristoteles, môn đệ của Platon,
tiếp tục phát triển khái niệm kỹ thuật. Với ông, kỹ thuật không chỉ là kỹ năng
thực hành mà còn mang đậm nội dung tinh thần, rất gần gũi với tư duy khoa học.
Làm chủ kỹ thuật là biết làm và biết tại sao mình làm như thế, bởi bên cạnh kỹ
năng, kỹ thuật cũng đòi hỏi tư duy suy lý để tự giác vận dụng các quy tắc.
Nhưng, khác với Platon, Aristoteles gắn kỹ thuật chặt chẽ hơn với việc tạo tác
và hình thành những sản phẩm thuộc cả hai loại: có mục đích ở bên ngoài bản
thân chúng (như công cụ) hoặc có mục đích ngay nơi bản thân chúng (vật dụng hay
tác phẩm nghệ thuật). Kỹ thuật, theo cách nhìn trong tác phẩm Đạo đức học
Nichomachus, là cung cách hành động để tác tạo, “làm ra” những đối tượng mới mẻ
dựa trên năng lực hoạt động lý tính của con người.
Mở rộng và nhấn mạnh chức năng
tác tạo của kỹ thuật, Aristoteles muốn làm rõ sự tương phản rõ rệt giữa hành
động của con người với sự sinh diệt của giới tự nhiên. Con người, thông qua
téchne, hướng đến sự tác tạo, trong khi sức mạnh bảo tồn và huỷ diệt được dành
cho giới tự nhiên! Từ viễn tượng của con người ngày nay, việc nhấn mạnh mặt
kiến tạo tích cực của kỹ thuật e rằng cũng phiến diện không khác gì chỉ thấy
tiến trình sinh trưởng khi nghĩ đến từ “tự nhiên” mà quên đi tiến trình suy tàn
và huỷ diệt vốn cũng là đặc điểm của vòng tuần hoàn tự nhiên! Không đợi đến
ngày nay khi từng núi chất thải độc hại ngày càng trở thành vấn đề trung tâm
của kỹ thuật hiện đại, mà ngay từ đầu, kỹ thuật đã mang theo mình những tính
năng và giá trị đầy tính hàm hồ, nước đôi: lợi và hại, cơ hội và rủi ro, hy
vọng và thảm hoạ. Mũi tên, ngọn giáo trong tay người tiền sử, quỷ kế trong
chiến tranh, tức cả hai loại hình kỹ thuật vật chất và tinh thần, tự chúng đã
mang mục đích huỷ diệt.
Thế giới nhân tạo
Khái niệm kỹ thuật hiện đại ngày
càng phức tạp và khó xác định ranh giới. Những đối tượng và sản phẩm của kỹ
thuật chế biến, chế tạo và chuyên chở không nhất thiết phải là vật chất hữu
hình. Chúng có thể ở dạng năng lượng (như điện) hoặc thông tin (như số liệu,
chương trình). Theo nghĩa chặt chẽ, những sản phẩm là thuộc về lĩnh vực kỹ
thuật, trong chừng mực bản thân chúng là công cụ, máy móc, thiết bị. Nhưng,
ngày nay không phải mọi sản phẩm kỹ thuật đều mang tính tái đầu tư (để tiếp tục
tạo ra sản phẩm và dịch vụ). Số không nhỏ trong chúng đã mang tính tiêu dùng
trực tiếp trong gia đình hơn là trong nhà máy, xí nghiệp hay văn phòng. Chiếc
đồng hồ đeo tay – một thời là biểu trưng của kỹ thuật – hay chiếc điện thoại di
động hiện nay là sản phẩm kỹ thuật hay nghệ thuật? Quyển sách trên giá, lọ hoa
trên bàn là sản phẩm, nhưng không còn là bộ phận của kỹ thuật nữa. May thay, kỹ
thuật không phải là tất cả những gì con người có thể làm ra, không phải là toàn
bộ “nền văn minh vật chất” như nhà xã hội học W. F. Ogburn dự đoán. Kỹ thuật là
bộ phận cấu thành, nhưng không phải là toàn bộ “thế giới nhân tạo”. Con người
luôn biết giữ cho mình một không gian “nhân đạo” để hít thở và sống còn!
BÙI VĂN NAM SƠN