Lo âu và sợ hãi

“Con người phải trả giá đắt cho mối sợ hãi và buồn lo của mình để xứng đáng làm người. Tính dễ dàng lo sợ của chúng ta là mảnh đất cho sự phát triển của nhân loại”.

Lo âu và sợ hãi là điều quá thông thường trong cuộc sống con người. Không ai thoát khỏi tình trạng bất hạnh này của tinh thần chừng nào tâm của họ còn nghĩ đến thế giới tục lụy hiện nay. Người không thích có những lo nghĩ và sợ hãi cần phải thanh tịnh hóa bản thân và đạt tới sự toàn thiện; vì thế nếu một người khá sáng suốt, họ có thể tu luyện tâm của họ, cùng khắc phục những buồn lo và sợ hãi bằng cách nhận thức bản chất của cuộc sống.

Nhiều người có những ước mong và ham muốn, lo sợ và buồn phiền mà họ không biết thanh lọc nên đành chấp nhận chúng, ngay cả cho chính họ. Song những tình cảm không lành mạnh này có năng lực. Họ có thể ra sức cố gắng đè nén để tìm sự giải thoát bằng cách gây xáo trộn cho cơ thể, mà kết quả là tạo nên các chứng bệnh kinh niên. Tất cả mọi điều này có thể đẩy lui bằng những phương pháp tọa thiền chân chính hoặc tu luyện tinh thần; bởi vì cái tâm không tu là nguyên nhân chính của mọi sự lo buồn.

Đức Phật dạy: “Phiền não của con phát sinh do chính hành động vô minh của con. Như Lai sẽ dạy cho các con phương pháp giải thoát khỏi phiền não đó. Nhưng chính các con phải tu tập để đạt tới điều ấy”. Cho nên ý lực mạnh mẽ của bạn dự phần lớn lao trong việc chế ngự những nỗi buồn lo của bạn. Lại nữa, đức Phật dạy: “Do tham đắm sanh sầu khổ, do tham đắm sanh sợ hãi; người nào dứt hết được tham dục sẽ không còn khổ đau và sợ hãi”. Ở đây chúng ta thấy đắm say quá nhiều vào mọi vật tại thế gian này là nguyên nhân chính khác gây nên những phiền muộn và buồn lo. Đức Phật đã khuyên chúng ta: “Chúng ta nên kiểm soát các cửa ngõ của giác quan (căn môn); chúng ta nên hạn chế sự ăn uống, chúng ta hãy phát nguyện luôn tinh tấn và trang bị cho chúng ta một trí tuệ thanh tịnh, không nhiểm ô, để giải thoát mọi khổ đau”.

 Điều ấy rõ ràng chứng tỏ là có một pháp môn dành cho chúng ta tu tập để vượt thoát khỏi những nỗi buồn lo, khổ đau và sợ hãi bất hạnh này. Bạn trách cứ người ta đã gây phiền muộn cho bạn; nhưng kẻ khác làm sao có thể tạo nên sự phiền não trong lòng bạn, nếu bạn biết cách điều phục được cái tâm của bạn. Hẳn nhiên họ gây ra những khó khăn cho bạn, nhưng bạn có thể can đảm đương đầu với chúng, nếu bạn có đủ sự hiểu biết.

Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng phần lớn các bệnh tật, cả thể xác và tinh thần, đều do phiền muộn gây nên. Y học đã rõ ràng xác nhận ý kiến cho rằng các chứng bệnh như tiểu đường, áp huyết cao và loét bao tử, đã khiến trầm trọng thêm, nếu không thực sự là vô phương chữa chạy, bởi những tình trạng lo buồn. Các bác sĩ đang ngày càng đồng ý tin rằng, trong khi chữa trị phần lớn những cơ thể bệnh hoạn, họ chú ý cẫn thận đến tình trạng tinh thần của bệnh nhân, và thực sự thấy rõ là những điều lo buồn không bao giờ giải quyết được vấn đề của bạn; mà chỉ làm suy nhược thể xác lẫn tinh thần con người bạn, và không bao giờ giúp bạn trong bất cứ phương diện nào có lợi ích cho chính bạn. Không những thế, bạn còn tạo nên không khí buồn phiền trong gia đình, tại sở làm của bạn và ngoài xã hội. Bạn cũng phải chịu tránh nhiệm về việc quấy rầy sự an lạc và hạnh phúc của người khác.

Trong mọi tình huống có hại cho tinh thần, tình trạng có khả năng nguy hiểm và bệnh hoạn nhất là sự lo nghĩ trường kỳ. Chúng ta thường hỏi, tại sao con người lo âu? Trong sự phân tích cuối cùng, chỉ có một câu trả lời. Con người lo buồn vì quá nghĩ đến cái “Tôi” và mọi vật “của Ta”. Chúng ta mong cầu sự an lạc cho chính chúng ta, và những người chúng ta yêu thương trong một thế giới luôn luôn biến đổi, không có sự an toàn vĩnh cửu. Một người xây lâu đài cát trên bãi biển, luôn lo sợ mọi làn sóng nước.

Khi trong lòng bạn có những lo buồn, bạn không nên phơi bày bộ mặt sầu khổ của mình trước bất cứ ai và mọi người mà bạn tiếp xúc. Bạn chỉ nên nói ra nỗi phiền muộn của bạn cho những ai thực sự có thể giúp bạn. Đẹp đẽ biết bao nếu bạn có thể giữ mãi nét mặt tươi vui dù bạn có phải đương đầu với những khó khăn. Điều này không hẳn khó làm nếu bạn thực tâm cố gắng. Nhiều thiếu niên quá buồn khổ khi tình bạn giữa họ và các cô bị mất mát. Họ thường toan tính, ngay cả hành động tự vẫn, vì gặp phải cảnh ngộ tuyệt vọng và chán chường. Có người tìm đến ở nhà thương điên. Nhiều thanh niên tan nát cõi lòng đã hướng đời mình vào kiếp sống khổ đau. Tất cả những biến cố tang thương này xảy ra đều do sự thiếu hiểu biết về bản chất chân thực của cuộc đời. Và bằng cách nào rồi chúng ta vẫn không tránh khỏi được sự vĩnh viễn ra đi hay chia lìa. Điều này có khi xảy ra lúc mới bắt đầu sự nghiệp cuộc sống, hoặc ở giữa, hay cuối đời người; nhưng chắc là không tránh được. Khi các việc ấy xảy đến, bạn nên cố gắng thử tìm xem nguyên nhân ở đâu. Tuy nhiên, nếu sự biệt ly vượt ngoài sức chịu đựng, bạn cần có can đảm chấp nhận nó bằng cách thấu triệt bản chất của đời sống. Nhưng trái lại, thật cũng không khó cho bất cứ ai muốn tìm những người bạn mới để lấp đầy cái khoảng trống (cô đơn) nếu họ thực sự mong muốn.

SỢ HÃI

“Lo sợ là đứa con của tánh vị kỷ và vô minh”

Đời sống con người đầy những nỗi lo sợ thầm kín, chúng thọc sâu vào thượng tầng và những nơi ẩn náu tối tăm của cá nhân. Sự sợ hãi có mặt ở khắp nơi – sợ thiếu thốn, sợ đói khát, sợ điều chúng ta có hôm nay có thể mất ở ngày mai; sợ ốm đau, già nua và chết chóc; và đôi lúc niềm lo sợ mơ hồ lấp đầy cuộc sống chúng ta với những âu lo. Nỗi bất hạnh ấy làm khổ sở vô số con người.

Sự lo sợ gây nên tan nát cuộc đời, làm vẫn đục tâm hồn; đó là ý tưởng bi quan, và sợ hãi làm mờ tối cả tương lai. Nếu con người nuôi dưỡng bất cứ mối lo sợ nào, nó xâm nhập vào tư tưởng, tàn phá người đó, khiến y thành chủ nhân của ma quỷ. Ảnh hưởng của sự sợ hãi gây ra cho chúng ta lớn lao đến nỗi nó được diễn tả như là con quỷ Xa tăng (arch-enemy) đối với mọi người. Sợ hãi tạo nên hàng triệu thói quen cố hữu. Tư tưởng sợ hãi có mặt khắp nơi. Tư tưởng ấy đến với chúng ta từ mọi hướng; sống trong âu lo, kinh hoàng thường trực, liên tục sợ những loài ma quỷ và thần linh.

Niềm lo sợ trong tôn giáo là một hình thức sợ hãi tệ hại nhất. Các phương pháp lễ bái của tôn giáo đều xây dựng trên bản năng sợ hãi những điều mà con người không hiểu biết được. Sợ hãi giam cầm tâm thức, nó là cha đẻ của mê tín, phát triển trong khu rừng của vô minh.

Sợ hãi là quy luật của một vài tôn giáo, bởi vì con người trong tham vọng quyền lực của nó, mong ước ngự trị cả đến vật siêu nhiên, đã trở thành nô lệ cho sự mê tín. Con người bị bao vây bởi sự huyền bí; và chính do bản chất không thể giải thích được các cảnh vật ngoại giới mà đầu tiên tôn giáo đã phát sanh, dễ nuôi dưỡng vô minh và thích nghi với sợ hãi.

Napoleon Hill bảo rằng: “Sự lo sợ nghèo khổ chắc hẳn là mối lo âu tai hại nhất trong sáu điều sợ hãi căn bản – (Nghèo đói, sự chỉ trích, ốm đau, mất người mình yêu thương, tuổi già và chết chóc). Nó được sắp hàng đầu trong danh biểu, vì đó là điều khó chế phục nhất. Cần có can đảm để giải thích sự thật về nguồn gốc của mối lo sợ nghèo khổ này; và còn phải dũng khí hơn nữa mới chấp nhận được chân lý sau khi nó được tỏ bày. Mối lo sợ nghèo khổ phát sinh từ khuynh hướng cố hữu của con người có tham vọng bắt kẻ khác làm nô lệ kinh tế cho mình. Hầu như tất cả loài vật thấp kém hơn con người, nên đã sống theo bản năng, và khả năng suy tưởng của chúng bị giới hạn, cho nên thú vật đã ăn thịt lẫn nhau. Con người, với trình độ cao hơn của trực giác, trí năng suy nghĩ và lý luận, nên không ăn thịt thân xác đồng loại của mình; nhưng nó đã thỏa mãn hơn trong việc ‘nuốt chửng’ tiền bạc của kẻ khác. Nhân loại vì quá tham lam nên các luật pháp phổ biến đã được thông qua để bảo đảm quyền lợi giữa con người với nhau”.

Tìm cách phơi bày công khai mối lo sợ của chúng ta và thành thực trực diện với nó là điều căn bản quan trọng. Khi còn trẻ thơ, chúng ta bắt đầu chỉ có hai điều sợ hãi–sự té ngã và tiếng nạt lớn. Từ đó, các điều sợ hãi khác mới được biết đến sau. Khám phá những nỗi lo sợ ở đâu và làm sao chúng ta mang được chúng ra để tìm biết sự phát triển của chúng cho đến khi chúng ta thấy rằng những điều sợ hãi ấy là cái gì khác chứ không phải của chính mình; tức chúng ta đã đánh thắng được một nữa trận chiến.

Niềm lo sợ đã theo gót chân nhân loại trải qua nhiều thế kỷ: chúng ta sợ thú dữ, núi rừng hoang vu; sợ các vị thần sấm sét không thể giải thích được; sợ kẻ láng giềng và con người.

Con người tự mình tìm ra trước tiên điều này, rồi tới điều khác; chậm rãi, qua hàng thế kỷ, nó đã chiến đấu với mối sợ hãi. Các bậc thầy và những vị đại trí đã xuất hiện để giúp đỡ con người chiến đấu.

Con người và con cái của nó đã không phải chết vì bịnh dịch. Con người và con em của nó không còn tổ chức những cuộc giết người làm vật cúng tế để thoa dịu sự phẫn nộ của các vị thần linh không thấy biết được. Con người và các cháu nhỏ cuả nó không cần phải giết hại người khác vì họ là kẻ xa lạ. Con người và con cái của nó không còn là những tên nô lệ, và mức độ của sự lo sợ sẽ được giảm bớt.

Nhờ trí năng con người phát triển, nó giúp chúng ta nhận thức rằng chúng ta đang sống trong một vũ trụ được thiết lập có trật tự. Rồi mối sợ hãi sẽ ra đi. Khi chúng ta càng hiểu biết thiên nhiên chúng ta càng ít lo sợ nó hơn. Nhờ thông minh, chúng ta có thể tự bảo vệ chống trả lại sự đe dọa của thiên nhiên; và do đó, chúng ta đã vượt lên để chế ngự ngoại giới xung quanh. Trái lại, người mọi rợ, sống bao vây bên ngoài bởi các thú dữ mạnh hơn nó, với mưa gió, sấm sét, động đất, núi lửa; và bên trong, với những bệnh tật, đau khổ, ốm đau; nên họ đã quỳ lạy trước mọi sự đe dọa của thiên nhiên để cầu xin sự che chở của các quyền lực xa lạ. Đây chính là sự khác biệt giữa người man rợ với thú dữ. Từ nhận thức về sức mạnh của ngoại giới, mà con người bán khai tưởng rằng nó có thể xoa dịu thần lực ấy bằng sự nịnh hót hay cầu khẩn, như chính nó được xoa dịu; người sơn cước đã phát triển khả năng lễ bái, và quyền lực thiên nhiên đã trở thành thần linh của nó. Quyền uy tốt đẹp trở nên các vị thiện thần, và quyền uy xấu xa tạo ra những vị ác thần.

Trong đêm dài của tình trạng man rợ, và trong cuộc chiến đấu trường kỳ chống lại sức mạnh của Thiên Nhiên, những hạt giống mê tín đã được gieo rắt vào tâm thức con người; và sự mê tín đó còn là một phần di sản của chúng ta trong quá khứ. Nhưng chúng ta có thể chế ngự được kẻ thù của sự bình an này. Sợ hãi phát sanh từ những kẻ không thể thấu hiểu được các định luật của Thiên Nhiên.

Đức Phật dạy rằng: “Bất cứ đâu sự sợ hãi phát sinh, nó chỉ sinh ra nơi người vô minh, chứ không có ở người trí tuệ”. Các mối lo sợ không gì khác hơn là những trạng thái của tâm thức. Trạng thái tâm thức của con người tùy thuộc vào hành động kiểm soát và hướng dẫn của ý tưởng; ý nghĩ tiêu cực (vô minh) sẽ tạo ra mối sợ hãi; ý nghĩ tích cực (trí tuệ) mang lại cho chúng ta hy vọng cùng lý tưởng hạnh phúc; và giữa các trường hợp đó, sự chọn lựa hoàn toàn do nơi chúng ta. Mọi người điều có khả năng kiểm soát trọn vẹn tâm thức của chính mình. Thiên nhiên đã ban cho con người quyền kiểm soát tuyệt đối một điều, đó là tư tưởng. Điều này, kết hợp thêm với sự kiện là mọi vật, mà con người tạo ra đều bắt đầu trong hình thức của tư tưởng, đã hướng dẫn con người đến rất gần nguyên lý tin rằng sự sợ hãi có thể khắc phục được.

Có lần, một sinh viên đã hỏi nhà giải phẩu danh tiếng người Anh rằng có phương pháp nào hay nhất để chữa lành bệnh sợ hãi, và ông ta trả lời rằng: “Anh nên cố gắng làm một việc gì cho người nào đó”. Người sinh viên hết sức ngạc nhiên về câu trả lời, nên đã yêu cầu giải thích rõ thêm về điều nhà giải phẩu mới nói (nghĩa là): “Anh không thể có hai dòng tư tưởng đối nghịch trong tâm thức của anh vào một lúc và cùng một thời gian. Dòng tư tưởng này sẽ luôn luôn xua đuổi dòng tư tưởng khác đi. Ví dụ, khi trong tâm thức anh bị xâm chiếm hoàn toàn bởi ý tưởng lợi tha muốn giúp đỡ ai đó, anh không thể nào cùng lúc ấy lại có ý nghĩ sợ hãi khác được”.

“Lo nghĩ làm con người khô cạn máu huyết và  già trước tuổi”. Sợ hãi, lo âu và buồn phiền có chừng mực là bản tính tự nhiên của sự tự bảo tồn. Nhưng nếu sợ hãi liên miên, và thường xuyên lo nghĩ thì các điều ấy là kẻ thù rất tai hại cho cơ thể con người. Chúng sẽ làm xáo trộn những hoạt động bình thường của thân thể.

Tính sợ hãi, như một nguyên tắc hay động lực, đều là bắt đầu của nhiều điều tội lỗi. Ý tưởng lo ngại phải chịu sự phẫn nộ trừng phạt của đấng Thượng Đế đã ăn sâu vào tâm trí những tín đồ theo đạo giáo của giống dân Xê-Mít (Semitic, vùng Tây Á). Theo người Phật tử thì không có điều gì phải lo sợ, trừ khi mình có tâm tánh xấu xa, thì nên cố gắng sửa đổi và cải thiện. Vì vậy trong lòng người con Phật không có sự áy náy lo nghĩ để sanh ra phiền muộn. Theo vài nhà tôn giáo khác, đức tin là điều kiện chủ yếu cho sự giải thoát nhưng đối với Phật tử thì do tư cách và đạo đức của chính mình. Rồi Phật pháp (Dhamma) cần nên thực hành và chứng ngộ trong ánh sáng chân thực của nó, để diệt trừ tận gốc rể của sợ hãi.

Nếu bạn biết cách làm vùa lòng kẻ khác, bạn luôn luôn có tính tình vui vẻ. Bởi vì bạn không cho phép tâm của bạn chứa chất những nỗi lo buồn trong đó. Bác sĩ Alexis Carrel bảo rằng: “Khi tánh ganh ghét, sân giận, sợ hãi trở thành thói quen, chúng có thể bắt đầu tạo nên các chứng bệnh thực sự. Suy nghĩ có thể gây ra tai hại cho cơ thể. Sự đau khổ tinh thần tàn phá mãnh liệt sức khỏe. Các thương gia nào không khắc phục được nỗi buồn lo sẽ chết sớm. Những ai, giữa cảnh huyên  náo của thị thành hiện đại, giữ được nội tâm an tĩnh, sẽ tránh được bịnh thần kinh và cơ thể xáo trộn.”

Nỗi lo âu thường xuyên của bạn là bịnh tê bại kinh niên. Tánh giận hờn và sân hận của bạn hiện tại sẽ khiến cho một vài hay những cuộc sống, nhất là đời sống của chính bạn trở nên đen tối hơn; cũng như sự khoan dung và lòng tốt của bạn sáng hôm nay, có thể ảnh hưởng đến viễn ảnh và tình trạng của những người mà bạn vừa mới quen biết. Đây là lời dạy khác của đức Phật: “Người sanh tâm sợ hãi trong khi không đáng sợ; và không biết sợ trong hoàn cảnh đáng sợ, chấp chặt tà kiến, sẽ đi vào tình trạng khổ đau”.

Nguyên tác: Dr.K.Sri Dhammananda
Chuyển ngữ: HT Thích Trí Chơn
Trích dịch tập “Why Worry?” (Tại Sao Lo Âu ?)
Previous Post
Next Post