Loài tiên vượn chính là loài người chúng ta bây giờ, quả là tài nghệ phi phàm. Con người đã dùng “đạo” gì để giã từ loài vượn cổ? Xin thưa, đó là khoa học. Nếu tách khoa học ra, thì trong khoảnh khắc, loài người chỉ còn là một lũ ngu ngốc tan tác trên mặt đất hoang tàn.
Khoa học đã khiến ta coi khinh đại tự nhiên, kiêu ngạo quên mất vị trí đích thực của mình. Con người bé tí xíu, vẻn vẹn có 5 giác quan, mà đòi biết tất cả. Chớ mù quáng về bộ óc của chúng ta. L.Tu-rin - nhà lý sinh học - ví dụ rất hình tượng về bộ óc của con người. Đó chỉ là một “bát cháo loãng”, chỉ nặng có 1.200 đến 1.500 gam!
Loài người hiểu về vấn đề Thiên, Địa, Nhân cũ kỹ này rất ít. Với Trời thì khoa vũ trụ mới khám phá qua một chút lông da. Với Đất thì con người chưa khoan sâu quá 10km (so với bán kính của địa cầu là 6.376,14km). Còn đối với Người thì ta hiểu rất hời hợt, đặc biệt là hệ thần kinh và tư duy của não. Cơ bản, ta chưa hiểu gì nhiều.
Khoa học càng phát triển thì ngành khoa học, nghề chuyên môn càng hẹp lại. Ta càng giống thầy bói xem voi.
Con người là sự bất bình đẳng về chính trị, về của cải, về địa vị xã hội. Duy có tri thức là có thể bình đẳng được. Nhưng con người phải học, sau đó mới sáng tạo. Riêng học tập trung đã mất nửa đời người. Vận mệnh cả đời người bị đè ép vào đứa trẻ 13-14 tuổi, còn áp đặt vào cả thai nhi nữa! Cái sinh linh mới hình thành trong bụng mẹ mà cũng đã sớm phải tiếp thu môn “thai giáo” (giáo dục bào thai) rồi. Giáo dục còn đáng sợ đến nỗi ngủ cũng không yên, dạy ngoại ngữ bắt ta khi đang ngủ cũng phải mở máy ghi âm. Chứng tỏ tiềm lực học tập của nhân loại là cực kỳ có giới hạn.
Khoa học bộc lộ nhược điểm của con người và đè ép lên con người, còn kích động cái nhược điểm chí mạng của loài người là dục vọng theo đuổi hưởng lạc, đến tột cùng xa hoa, điên cuồng không thể kiềm chế được. Trước hết, con người cách ly tuyệt đối với đại tự nhiên! Thành phố đều được xây dựng trên một cái mâm bằng bê tông. Trên cái mâm ấy chồng đống những cái hòm cũng bằng bê tông để chứa người ở. Xen giữa là những con đường cũng lại bằng bê tông nữa! Di chuyển trên những cái hòm bằng sắt đặt trên các bánh xe, suốt đời không hề nhìn thấy mặt đất của đại tự nhiên, sống ngăn cách trong hoàn cảnh nhân tạo của máy điều hòa nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, càng ngày càng quý tộc hóa, ngăn cách nghiêm ngặt, trong một lồng ấp thai nhi này. Y học phát triển khiến cho những kẻ yếu ớt kia vẫn có thể sống được. Nếu gặp tai nạn lớn của tự nhiên thì cái đám con nhà quý tộc này còn sớm bị đào thải nhanh hơn gấu mèo.
Để thỏa mãn lối sống quý tộc ấy, chúng ta đã mặc sức vung phí sản nghiệp của tổ tiên là đại tự nhiên, vốn là cái kho không khóa. Than đá và dầu khí, phải mất 50 lần một trăm triệu năm mới hình thành được, mà ta vung phí có cần đến như vậy không? Quá nhiều xe con tư nhân? Hàng tiêu dùng quá bền, giá quá cao, mà luôn phải “lên đời”?
Chúng ta đã phá hoại cả 3 yếu tố tồn tại của loài người là ánh sáng, không khí và nước, đã làm hỏng hơn 2/3 quả đất, là nước. Đến nỗi ta phải uống bằng vòi. Rồi đến lúc cũng phải thở bằng vòi mất thôi. Chúng ta không phá nổi mặt trời vì nó cách chúng ta 100 triệu 4.960 vạn ki-lô-mét, ánh nắng phải mất 8 phút mới tới Trái Đất. Nhưng ta đã làm thủng tầng ô-dôn ở Nam Cực, và gây ra “ô nhiễm tia tử ngoại”. Rồi đến lúc phải mặc quần áo bảo hộ hoặc che ô chống tia tử ngoại khi đi đường!
Khoa học là kho báu trí tuệ, nhưng cũng là cái hộp úm ba la thần bí, nếu mở nó ra, thì tai họa sẽ phát ra toàn thế giới. Chỉ cần cho nổ bom hạt nhân tương đương 5000 triệu tấn TNT thì khói bụi của nó sẽ làm cho địa cầu tối đen và lạnh cứng, toàn bộ nước sẽ đóng băng, động vật và cây cối sẽ chết rét, chết khát... Thế mà chỉ tính hai cường quốc hạt nhân hiện nay, số bom hạt nhân đã tương đương 13.000 triệu tấn TNT, đủ tạo ra “mùa đông hạt nhân” gấp 3 lần. Khoa học đã cởi bỏ được nỗi sợ hãi đối với tự nhiên, nhưng ta cũng bốc đồng quá cao về sức mạnh của con người, đã nói quá nhiều những câu đại bất kính với tự nhiên và hô không ít những khẩu hiệu tỏ ra chẳng hiểu tý gì về trời cao đất dày. Lê-nin đã từng nói: “Chủ nghĩa duy tâm thông minh còn gần với chủ nghĩa duy vật thông minh hơn nhiều so với chủ nghĩa duy vật ngu xuẩn”.
Vi phạm đại tự nhiên, tất yếu bị trừng phạt. Xã hội càng phân hóa, càng tổng hợp cao độ, tư tưởng con người càng ngày càng mặt phẳng hóa, nông cạn hóa, thô tục hóa, lười nhác hóa, ngốc nghếch hóa, thực dụng hóa. Bộ não nhân loại tương lai sẽ dị dạng, phẳng lỳ, mà các vùng khác lại khắc nhăn quá sâu.
Phải chăng kỹ thuật phát triển đến cao độ thì khiến cho tố chất nhân văn chạy sang hướng nông cạn, phai nhạt?
Trong vòng 60 năm từ 1901, giải thưởng Nô-ben về văn học hầu như đều thuộc về người da trắng Âu, Mỹ. Sáu mươi năm sau, từ 1962 trở đi, giải Nô-ben văn học đại đa số lại thuộc về khu vực Á, Phi, Mỹ La-tinh. Vì sao vậy? Những năm 60 về sau, khoa học kỹ thuật Âu Mỹ phát triển đến chóng mặt: Người lên mặt trăng, tàu vũ trụ, tia la-de, máy vi tính, xa lộ thông tin siêu tốc v.v.. Như vậy, có phải khi khoa học kỹ thuật nổi trội lên thì nhân văn sẽ phẳng lỳ hóa, làm mất đi tính đặc thù mê người của nhân văn, mất đi cá tính hóa?
Ai gần với tự nhiên là gần với sự hợp lý.
Học thuyết của Lão Tử coi con người là hài hòa thống nhất với tự nhiên. Lão Tử đặt tự nhiên lên địa vị cao nhất của mọi đỉnh cao. Ông nói: “Người theo phép đất, đất theo phép trời, trời theo phép tự nhiên”. Tư tưởng “Vô vi” của ông là thích nghi với tự nhiên, là nguyên tắc “tác động nhỏ nhất vào tự nhiên”. Vũ trụ đã trải qua 4 lần tiến hóa vĩ đại: Tiến hóa nguyên tố, tiến hóa hóa học, tiến hóa sinh vật và tiến hóa trí tuệ. Điểm kết thúc của tiến hóa sinh vật là sự sản sinh ra loài người, đồng thời làm bừng cháy lên nền văn minh trí tuệ của nhân loại. Đời con người là hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ, nó cô đặc sau ba lần tiến hóa vũ trụ. Con người mới vĩ đại làm sao!
Thế mà...
Con người hiện đại có hình ảnh rất lạ. Đó là hình một con vượn không lông, tay cầm ngọn đuốc khoa học vừa sưởi ấm, vừa soi đường cho chính mình một cách thông minh, vừa đốt nhà mình, đốt chính mình một cách ngu xuẩn.
Cực kỳ thông minh, mãnh liệt và cực kỳ yếu ớt, ngu xuẩn, đó là đặc thù của con người hiện đại.
Vũ Quốc Huệ (Dịch theo Sun wen 97)