Giả dụ chúng ta thu nhỏ xã hội cả triệu lần còn lại một nhóm người,
bỗng dạt vào một hoang đảo nào đó. Lúc đó mọi vấn đề xã hội, chính trị, tôn
giáo, y tế, giáo dục... về bản chất là cùng nhau “tổ chức cuộc sống” sao cho
tốt nhất cho hiện tại và có trách nhiệm với các thế hệ tương lai trên hoang đảo
đó.
Nay dù có bung trở lại cái giả
định trên để giữ nguyên xã hội như đang có, mọi vấn đề suy cho cùng cũng là nỗ
lực “tổ chức cuộc sống” như nói ở trên.
Có đại biểu Quốc hội vừa đi Myanmar về
tuyên bố: “Tôi đi Myanmar thấy tụt hậu cách ta 30 năm trước” (báo Lao Động).
Đây là nhận xét chủ quan của người nói nên không thể phán xét đúng sai. Có thể Myanmar trong
mấy chục năm qua đã “tổ chức cuộc sống” theo cách sai lệch nên bị tụt lại đằng
sau, nhưng điều chắc chắn là họ đã nhận ra điều đó và đang có những nỗ lực “tổ
chức lại”. Không bao lâu họ sẽ đuổi kịp chúng ta trong khía cạnh “tổ chức cuộc
sống”.
Nhìn xã hội ở góc cạnh này, có lẽ
Nhật Bản là nơi cho chúng ta cái cảm nhận rõ nét nhất: dường như mọi chuyện ở
đây xoay quanh khái niệm “tổ chức cuộc sống” sao cho an toàn, sạch đẹp, tiện
nghi, văn minh, lịch sự, tôn trọng con người và môi trường... Dường như mọi
hoạt động của người dân Nhật Bản, nhất là chuyện giáo dục, là nhằm để phục vụ
các hoạt động “tổ chức cuộc sống” này. Đó vừa là cái hay vừa là cái dở của xã
hội này.
Cái hay là một Nhật Bản, ít nhất
là những nơi người viết được đi qua, quan sát và chứng kiến, được tổ chức một
cách tốt nhất, tốt theo nghĩa không thể dùng đơn vị năm để so sánh sự tụt hậu
của chúng ta với nước họ - chục năm hay trăm năm cũng khó theo kịp họ. Nhưng để
duy trì mức độ này, có lẽ mức độ căng thẳng trong cuộc sống của Nhật Bản cũng
cao không kém.
Nếu đặt những câu hỏi đơn giản,
rằng những nỗ lực “tổ chức cuộc sống” đã mang tính dành cho tất cả mọi người
chưa, hay vẫn chỉ “sao cho tốt đẹp nhất” với một thiểu số khiến việc tổ chức
đó, cách thức tổ chức đó làm cho đa số còn lại phải chịu những khó khăn, thua
thiệt, bất công đến đâu sẽ thấy ngay câu trả lời.
Và liệu đó có phải là cách “tổ
chức cuộc sống” đang dựa vào những công thức cũ kỹ, đã bị chứng minh là không
hiệu quả ở những nơi khác, nhưng vì giúp cho thiểu số nói trên duy trì được ưu
thế với đa số còn lại nên được bảo vệ bằng mọi giá?
Cuộc sống có cái hay là muôn màu
muôn vẻ, không ai có thể định khuôn mẫu cho một cách “tổ chức cuộc sống” duy
nhất đúng, duy nhất hiệu quả, duy nhất mang đến hạnh phúc cho mọi người. Nhìn
thành phố khổng lồ như Tokyo
hay thậm chí một nơi nhỏ hơn nhiều như Đà Nẵng, làm sao ai có thể đứng ra tổ
chức việc cung ứng rau xanh cho toàn bộ dân cư tiêu thụ trong một ngày?
Thế mà ngày xưa có lúc chúng ta
nghĩ là làm được và cố gắng làm bằng mọi giá. Chỉ đến nay, khi mọi việc trôi
chảy đến nỗi không ai nghĩ đến hệ thống cung ứng tự động này khi ăn rau xanh,
người ta mới nhận ra không một tổng công ty, không một hệ thống chính thức nào
có thể liên tục, không ngừng nghỉ, không sai chạy, không dư thừa, không thiếu
thốn, cứ liên tục, liên tục cung ứng rau xanh cho vài trăm ngàn đến cả chục
triệu con người.
Tất cả đều chỉ nhờ vào một quy
luật được cuộc sống tự khai sinh và tự duy trì: quy luật cung cầu.
Thế thì tại sao bây giờ vẫn còn
nhiều ảo tưởng rằng chúng ta có thể “tổ chức cuộc sống” tốt nhất bằng các bàn
tay hữu hình, từ các “nắm đấm” kinh tế đến các chương trình giáo dục nặng nề,
không mang tính thực tiễn?
Thế giới loay hoay với các phương
thức “tổ chức cuộc sống” khác nhau. Cách nào cũng được, chỉ có điều phải tôn
trọng nguyên lý “cùng nhau làm”. Ở Mỹ, các nghị sĩ bên ngoài thì xem như tranh
cãi cách “tổ chức cuộc sống” có trách nhiệm với mai sau khi nói chuyện nợ nần
của nước họ, nhưng bên trong thực chất là giành quyền được “tổ chức cuộc sống”
sao cho có lợi cho mình hay nhóm của mình nhất.
Ngay lập tức mọi người nhận ra
điều cốt lõi này và có phản ứng tức thì. Chắc chắn các nghị sĩ Mỹ phải tự điều
chỉnh nếu không muốn bị thải loại để người khác thay mặt dân “tổ chức cuộc
sống” cho tất cả.
Với chúng ta, “tổ chức cuộc sống”
như thế nào cho tốt nhất là chuyện phải cùng nhau tranh luận cho ra lẽ, nhưng
một khi cái nguyên lý “cùng nhau” nói trên không được tôn trọng, lúc đó không
phải là “tổ chức cuộc sống” nữa mà giành nhau không gian sống như thời tiền sử.
NGUYỄN VẠN PHÚ