Nốt nhạc lòng người

Ban đầu, để đạt được sự dễ chịu, tôi chọn cái tên nữ tính vui vui là Nhạc Nhạc, như tên một cách cách xinh đẹp nào đó. Nhưng sau lại nghe lòng chỉ đạo: Anh nên đặt Nốt Nhạc Lòng Người thì chuẩn hơn. Thực ra tôi chỉ muốn nói về thanh âm nhạc nhạc bây giờ. Mà cũng chẳng phải nhạc, là cái tiếng lòng người, đúng hơn là sự khác biệt ghê gớm, thậm chí là đối nghịch ghê gớm của tiếng lòng người thời nay.

Nhớ lại một thời, mỗi buổi sáng tinh khôi, mở mắt ra là nghe những âm thanh náo nức say đắm cổ vũ lòng người. Cánh đồng lúa xanh rờn thẳng cánh cò bay, tiếng nhạc từ loa phóng thanh gần xa, tạo nên bản hòa tấu cuộc sống rộn rã. Tiếng chuông nhà thờ, tiếng chuông chùa như cũng say đắm theo. Một thế giới âm thanh sao mà đẹp thế. Như một bài hát hay của nhạc sỹ Văn Cao.

Rồi tạo hóa thay bằng tiếng bom đạn, tiếng gầm xe máy, tiếng la ó tâm thần, tiếng đập nhà, tiếng chửi, tiếng bom sát thương, tiếng kêu cứu, tiếng dự án và hôn nhân đổ vỡ, tiếng đồng tiền hù dọa…

Chẳng hiểu sao buổi sáng của tôi lâu nay mở đầu là tiếng nhạc chờ từ chiếc điện thoại di động của cô cháu gái vẳng từ xa. Cô cháu gái xinh đẹp dịu dàng khá thành đạt dạo nào, bỗng thay bằng tiếng nhạc nao lòng trong chiếc điện thoại của nó: Thôi về đi, anh mau về đi/ Đã hết yêu thương nhau rồi… Bài hát không ra cũ mới, chất nhạc không rõ dòng nào. Chỉ biết đó là tiếng lòng đang vò xé.

Một chốc lại có nhạc chờ từ chiếc di động khác gọi đến. Một số phận khác, một chất nhạc khác như đối nghịch. Thoảng lên mùi hương ngọc lan, lời ca rất đẹp. Hương ngọc lan ngan ngát, làm chứng nhân cho anh gặp em…

Vừa tập thể dục vừa nghe những bản nhạc trên VOV. Nhạc dứt khoát, không ra cổ vũ, không ra mềm yếu. Thứ nhạc rất lạ. Tình yêu đến em không mong đợi gì/ Tình yêu đi em không hề nuối tiếc. Là lá la la…

Tôi ở gần một vườn hoa cũng là sân thể dục dưỡng sinh khá ưng ý. Buổi sáng có một nhóm bà U50-60, áo trắng quần trắng, cụm nhau vào dưới tán cây như đầy hương ngọc lan trên kia, trên tay mỗi bà cầm một tờ giấy phô tô. Họ tự bắt nhịp và hát vang: Yêu anh nồng nàn/ Yêu anh vội vàng/ Yêu anh chứa chan… Trời ạ, lại yêu, lại chan chứa, của U50-60 hiện đại! Giai điệu rất lạ, như không thuộc giáo phái nào. Hai tiếng chứa chan kéo dài, khàn đục mà tha thiết… Rõ ràng nó không phải dàn đồng ca hay tốp ca, nó không hề náo hoạt. Chỉ là tiếng lòng khàn trầm của phận đàn bà. Âm nhạc trước nay chưa hề có.

Một chốc thì anh bạn thân ghé chơi, ngân lên nét nhạc bằng thơ:

Thuyền ai ngược sóng, ai xuôi sóng
Cũng ở trong cùng biển khổ thôi

Một chốc thì lại có điện thoại của cô bạn gái xinh đẹp từ một chân trời rất xa. Cô gái bày tỏ một tâm trạng hoàn toàn đối nghịch với anh bạn trên, bằng một câu hát thơ rất đẳng cấp:

Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương

Thời nay người và nhạc, nhạc và người hoàn toàn đối nghịch. Tiếng lòng nào xem ra cũng chân thành, không phải đồng cô hoặc tâm thần đâu. Tôi ghi nhận điều đó.

Buổi tối tôi đến phân ưu với gia đình thông gia. Ông cụ mất gần tuổi bách niên. Ngay cụ con rể là anh trai tôi cũng đã U80 rồi. Anh tôi đờ đẫn, mắt đỏ như mắt cá chạch, sau một đêm trực bên quan tài nhạc phụ, nghe nhạc hiếu của phường bát âm. Nhạc hiếu tra tấn anh, hay đã có sức đưa hồn anh sang một cõi khác?

Tôi đến sờ vào những chiếc kèn như có hồn ma nấp trong đó. Nó như chiếc loa của lính trận, cái ống dài ngắn xâu vào những chiếc phễu gỗ đen sạm như kiếp người. Nó tấu lên nét nhạc bát âm thiên sầu địa thảm. Người thông tuệ âm nhạc nói: chẳng ngẫu nhiên mà nó được chọn làm nốt nhạc đưa tiễn kiếp người. Thế gian phù du biến đổi, âm nhạc thi ca phù du biến đổi, chỉ có cái bát âm đó không cách tân không biến đổi gì sất. Như nó trơ gan cùng tuế nguyệt mà hát cùng các em thời nay: Tình yêu đến em không mong đợi gì/ Tình yêu đi là lá la em không hề nuối tiếc… Ha ha ha.

Đôi mắt ông anh tôi sau một đêm trọn vẹn sống cùng nhạc hiếu bát âm, cháy rực lên như hai hòn than…

Nếu như ta không vững vàng, sống giữa những thanh âm nốt nhạc đối nghịch ghê gớm của lòng người thời nay, thì dễ loạn thần lắm.

Tản bút của Phan Cung Việt
Previous Post
Next Post