Ở giữa đám đông

Ở giữa đám đông tôi đã thấy người đi qua, với đôi mắt cũng hoe vàng như mái tóc. Người đã bước, rẽ không khí và những thân xác; một người đàn bà quỳ gối trên lối người đi qua. Tôi cảm thấy như máu trút ra khỏi những đường mạch của mình từng giọt lại từng giọt.

Trống vắng, tôi bước đi không mục đích trong thành phố. Những kẻ xa lạ bước qua bên cạnh tôi không thấy tôi. Một tấm thân đâm bổ tới với một tiếng thì thầm nhè nhẹ khi xô phải tôi. Tôi vẫn bước đi thêm mãi.

Tôi không cảm thấy đôi chân tôi. Tôi muốn nắm lấy chúng trong tay, và không tìm thấy đôi tay; tôi muốn kêu lên, và không tìm thấy tiếng tôi. Sương mù bao phủ quanh tôi.

Cuộc sống đè nặng lên tôi như một nỗi hối tiếc; tôi muốn vứt bỏ cuộc sống ấy ra khỏi mình. Nhưng không thể được, là vì tôi đã chết và đang bước giữa những người đã chết.
Diễm Châu dịch.

Lời bình

Mỗi câu thơ được viết xuống là đặt xuống một bước chân nặng nề và đầy suy tưởng, từng bước từng bước, trên con đường đời đầy bất trắc và trống rỗng. Bởi thế, mỹ từ mà chúng ta thường thấy quá nhiều trong những bài thơ trên báo của chúng ta đã bị loại trừ. Việc loại trừ những mỹ từ và vần điệu du dương không phải là chủ ý của tác giả mà bởi chính sự thật của đời sống đã chối từ những phù phiếm mà chúng ta đã từng thô bạo áp đặt lên nó. Chúng ta đã quá mệt mỏi với những bài thơ ngập tràn mỹ từ và đầy niềm hân hoan phù phiếm. Mỹ từ và niềm hân hoan phù phiếm chính là thói đạo đức giả. Và không còn cách nào khác, những bài thơ như thế là những văn bản sinh ra từ những tâm hồn suy tàn. Bởi thế mà tôi đặt toàn bộ lòng tin và sự chia sẻ lớn lao với tác giả của bài thơ.

Nỗi cô đơn trong bài thơ này không phải là nỗi cô đơn sáng tạo ra bởi nhà thơ. Đó là nỗi cô đơn có thật. Sự thật luôn luôn đau đớn nhưng cũng vô cùng quyến rũ bởi chính những gì chứa đựng trong nó. Lớn hơn cả là sự thật bao giờ cũng giản dị và mang đầy trí tuệ. Sự thật của bài thơ là sự thật của vô cảm, của đau đớn và của tuyệt vọng. Sự thật trong bài thơ này là sự thật của đời sống mà tôi đang sống và đang chứng thực một cách trách nhiệm nhất.

Một lần cách đây không lâu, tôi có hỏi một số nhà văn cùng ngồi uống cà phê: “Ba năm nay, các anh sống bởi lý do gì?”. Mọi người đã im lặng và không biết trả lời thế nào vì họ không xác lập được ngay lúc đó lý do họ đang tồn tại. Cuối cùng một người nói: “Chúng ta đang tồn tại như một bản năng”. Tất cả đã đồng ý với câu trả lời đó. Chúng ta không nhận ra ai và cũng không ai nhận ra chúng ta. “Nhận” ở đây là ý thức và là sự chia sẻ của con người với đồng loại và với chính đời sống của mình. Đấy là bi kịch lớn nhất của nhân loại.

Và tác giả đã kết thúc bài thơ: Vì tôi đã chết và đang bước giữa những người đã chết. Câu thơ này đầy tính xác thực. Ngay lập tức, chúng ta nhìn thấy sự thật của đời sống tinh thần nhân loại trong những thế kỷ này. Mọi cố gắng của con người chính là sự cố gắng của bài thơ đi tìm lại chính con người của chúng ta. Chúng ta đang cố gắng tìm lại những giá trị nhân văn trong đời sống của chúng ta. Câu thơ ấy chính là sự tuyệt vọng của con người. Nhưng đấy là sự tuyệt vọng khi con người nhận ra hiện thực của đời sống. Và khi nhận biết thì con người bắt đầu ý thức lại những hành động sống của mình.
 
Bài thơ không phải là một thông điệp. Nhà thơ không phải là một nhà truyền giáo. Bài thơ đơn giản chỉ là nơi chứa đựng một tiếng “chợt kêu” trong đáy sâu của tâm hồn. Và tôi đã nghe thấy tiếng kêu khiếp sợ và cũng đầy khát vọng của con người trong thế giới văn minh quá nhiều vô cảm này.

Luis Cernuda (Nhà thơ Tây Ban Nha )

Previous Post
Next Post