Chúng ta liên tục nghe các nhà văn hay chuyên gia về “văn hóa đọc” ta thán việc con người ngày nay không buồn đọc, không buồn nghĩ đến sách nữa, họ có quá nhiều sự chọn lựa vui vẻ hơn việc ngồi cô đơn soi rọi, kiểm nghiệm và hun đúc tâm hồn bằng những trang sách.
1. Các chuyên gia bi quan cảnh báo rằng, đây là một thảm họa. Kẻ lạc quan hơn bảo không cứ gì phải là sách, con người vẫn đang đọc đó thôi, họ đọc báo, lướt web, mạng xã hội, e-book bằng các thiết bị kỹ thuật số... Chẳng việc gì phải lo lắng. Văn hóa tiêu dùng thực dụng, sự khỏa lấp, ngụy trang bằng cái bề ngoài phù phiếm của các phương tiện phát minh mới luôn “trấn an” chúng ta rằng, những cuốn sách giấy in đang được trả về dĩ vãng - những kỷ nguyên xa xưa của Ts’ai Lun (Thái Luân) và Gutenberg.
Có thể ngày nay người ta không cần đến những cuốn sách với hình hài truyền thống, những kho sách chất ngất trong những thư viện thâm nghiêm, những nhà sách sáng đèn trên những phố xá ồn ào người ra kẻ vào. Google - gã khổng lồ về dịch vụ tìm kiếm miễn phí trên mạng - đã công bố dự án thư viện số bất chấp sự phản ứng của giới chuyên môn về bảo vệ tác quyền; các hãng điện thoại đang ra sức tích hợp các phần mềm chức năng đọc sách vào trong chiếc điện thoại cầm tay cảm ứng nhỏ như cuốn sổ tay có thể chứa hàng ngàn đầu sách trong đó; các nhà phát hành như Amazon chế tạo ra các thiết bị số (Amazon kindle) phục vụ cho việc đọc sách điện tử; e-book bán chạy như tôm tươi trên thị trường các nước phát triển... Điều đó không cho thấy văn hóa đọc đang xuống cấp, mà chỉ là người ta đang dồn sự quan tâm sang những phương thức, “kênh” đọc khác!
Ngày nay, công nghệ đáp ứng nhu cầu, mong muốn được cá nhân hóa tuyệt đối nơi con người hiện đại, và đọc chỉ là một phần chức năng của thiết bị cũng như sách chỉ là một trong vô số lựa chọn giải trí mà thiết bị “multimedia” kia mang lại. Có vẻ như thế giới đã quá đầy đủ, không cần đến những cuốn sách bằng hình hài truyền thống. Đó là những gì mà thực tế tiêu dùng công nghệ thuyết phục chúng ta tin! Chúng ta nhìn về những cuốn sách giấy với đôi mắt âu lo thương hại lẫn cảm xúc xao xuyến. Nhưng giữa phút giây xao xuyến đó, có một ý nghĩ kịp xuất hiện, trấn tĩnh chúng ta: phương tiện đọc hoàn toàn chẳng phải là vấn đề, mà vấn đề nằm ở những chiều kích nội tâm, đó là văn hóa đọc, là mưu cầu hiểu biết, là tình yêu tri thức.
2. Không phải ngẫu nhiên mà trong hầu hết các diễn từ nhận giải Nobel văn chương trong nhiều năm qua, các nhà văn đều nhấn mạnh về kinh nghiệm đọc sách, vai trò xây dựng tình yêu sách vở nơi từng cá nhân trong tương quan phát triển văn hóa, bình đẳng, tự do của một thế giới rộng lớn hướng đến tương lai tốt đẹp.
Mario Vargas Llosa, nhà văn Peru trong diễn từ Nobel văn chương 2010 đã cho rằng: “Đọc biến giấc mơ thành cuộc đời và biến cuộc đời thành giấc mơ và đưa cả vũ trụ văn chương đến gần tới mức một cậu bé như tôi hồi ấy cũng có thể với tới được. Mẹ tôi nói rằng những tác phẩm đầu tay của tôi là sự tiếp tục những câu chuyện mà tôi đã đọc vì tôi cảm thấy buồn khi câu chuyện kết thúc hoặc là tôi muốn thay đổi kết cục của chúng”. Và ông khẳng định vai trò của những cuốn sách trong việc làm thay đổi mỗi cuộc đời, cũng là thay đổi thế giới: “Nếu không có những cuốn sách hay mà ta đã đọc thì ta sẽ là những người tồi tệ hơn, dễ thỏa hiệp hơn, không điềm đạm bằng, dễ bảo hơn, và tinh thần phê phán, cũng là động cơ của tiến bộ, sẽ không thể tồn tại được. Tương tự như viết, đọc cũng là cách tự vệ nhằm chống lại những thiếu thốn của cuộc đời”.
Trước đó, cũng từ bục nhận giải Nobel văn chương của Viện Hàn lâm Thụy Điển, nhà văn Pháp Le Clézio đã chống lại nguy cơ bất bình đẳng khi con người ở các nước phát triển cho rằng sự phát triển công nghệ đã quá đủ cho thế giới của cộng đồng văn hóa đọc: “Dường như chúng ta đang sống ở kỷ nguyên của Internet và truyền thông ảo. Điều đó tốt nhưng những sáng chế kinh dị này có giá trị gì nếu không có sự dạy dỗ về ngôn ngữ viết và không có sách? Cung cấp màn hình tinh thể lỏng cho tuyệt đại đa số loài người là mộng ảo. Vậy thì không phải chúng ta đang tạo ra một lớp ưu tú mới, đang vạch ra một lằn mới phân chia thế giới ra những kẻ tiếp cận được truyền thông và tri thức với những kẻ bị loại trừ ra khỏi sự san sẻ này?” (Trong khu rừng nghịch lý - Diễn từ Nobel văn học 2008).
Ngày nay, một cá nhân mê sách ở một nước phát triển có thể hưởng thụ một lúc nhiều phương thức đọc khác nhau: nghe audiobook (sách nói), đọc e-book (sách điện tử) và đồng thời đọc cả sách in là chuyện hết sức dễ dàng. Song, nếu nhìn sâu hơn và xem sách như một dòng chảy tri thức, là công cụ đem lại nhận thức sáng sủa về sự bình đẳng cho thế giới, sự tự do cho tư tưởng, sự phong phú cho tâm hồn, thì tình yêu sách vở, trước hết phải là một biểu thị của giá trị nhân loại công bằng cần được hun đúc và lan tỏa giữa thế giới còn quá nhiều phân cách, chênh lệch và kỳ thị. Con người văn minh đúng nghĩa sẽ không bao giờ được quyền tự mãn về sự đủ đầy học thức hay nguồn của cải tinh thần nếu bên cạnh mình vẫn còn những người không có điều kiện để tiếp cận với những công cụ tri thức để mở cánh cửa, tự thay đổi đời sống của họ.
Sống trong lòng nước Mỹ giàu có nhưng đầy bất an, nhà văn hậu hiện đại trào phúng nổi tiếng - Kurt Vonnegurt, từng viết trong cuốn tiểu luận - tự truyện Người không quê hương: “Nguồn tin thường nhật của chúng ta, báo chí và ti vi, bây giờ quá bạc nhược, quá bất cẩn khi thay mặt người Mỹ, quá thiếu thông tin, đến nỗi chỉ trong sách vở, chúng ta mới tìm hiểu được chuyện gì thực sự đang xảy ra”.
Hãy thử nhắm mắt tưởng tượng rằng thế giới một ngày nào đó đầy ắp những thông tin bất an về thiên tai, chiến tranh, thảm họa biến đổi khí hậu... mà vắng bóng dần những cuốn sách làm nơi an trú cho tâm hồn, tư tưởng? Hẳn đó là một cuộc đại thảm họa của mặt đất này.
Nguyễn Vĩnh Nguyên